HỘI LÝ XIỂN CHƠN LUẬN

 

MỤC LỤC

 


THIÊN THỨ NHỨT

ÐẠI-ÐẠO HÓA SANH LUẬN

 

I

Ðạo là Hư-vô chi khí, nơi cùng tột chỗ không, lại hóa sanh nhứt khí: Thái-Cực Hồng-Mông, phân định âm dương, khí trong sạch nhẹ nhàng thuộc dương, nổi lên làm Trời; khí trọng trược nặng nề thuộc âm, lóng xuống làm Ðất.

Thanh trược hỗn hiệp (trong đục lộn nhau) âm dương giao phối sanh hóa ra người, cùng muôn vật.

Người thọ bẩm khí Tiên-Thiên mà sanh tánh, giao cảm âm dương mà thành hình; nhờ khí ngũ-hành nuôi nấng sanh ra ngũ tạng, ngũ đức, ngũ linh. Bởi do đó mà trọn đủ, mới đứng đồng vào bực Tam-Tài: Thiên, Ðịa, Nhơn.

Nên Trời thì có Nhựt, Nguyệt, Tinh; Ðất thì có Thủy, Hỏa, Phong; Người thì có Tinh, Khí, Thần, cũng là Hư-vô chi khí mà sanh hóa từ Tam-Cực, Tam-Thanh, đến Ngũ-Lão, Ngũ-Ðế.

Tam-cực là: Vô-cực, Thái-cực, Hoàng-cực.

Tam-Thanh là: Thái-Thanh, Thượng-Thanh, Ngọc-Thanh.

Ngũ-Lão là: Kim-Công, Mộc-Mẫu, Xích-Tinh, Thủy-Tinh, Huỳnh-Lão.

Ngũ-Ðế là: Phục-Hi, Thần-Nông, Huỳnh-Ðế, Nghiêu, Thuấn.

Bởi do nơi Vô-Cực không khí mà hóa Thái-Cực, Thái-Cực sanh Lưỡng-Nghi, Tam-Tài, Tứ-Tượng, Ngũ-hành, Bát-Quái, đến nhơn-loại, Thái-Cổ, Bàn-Cổ. Bàn-Cổ lại hóa hóa sanh sanh càng ngày càng tăng số.

Nên khai Thiên thì có Tam-Cực, thâu viên thì có Tam-Phật, sanh hóa thì nương Ngũ-hành, phổ-độ cũng nương Ngũ-Lão.

Tam-Phật là: Nhiên-Ðăng, Thích-Ca, Di-Lặc.

Ngũ-Lão là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ấy Ngũ-Công vậy.

Kể từ Ngũ-Lão đến nay chủ trương ngũ-hành chuyển hóa chẳng biết mấy kiếp hạ triều giáng thế.

Từ Tam-Hoàng, Ngũ-Ðế dẫn đến nay phân định Tam-Giáo là Phật, Thánh, Tiên cũng năm ngôi ấy phân chia biến hóa trăm muôn ngàn ức, hằng hà sa số, đầy khắp trong cõi trần gian lập đàn thuyết giáo, tùy nguơn hội mà tá thành danh khác nhau lập Ðạo chẳng biết bao nhiêu kể xiết; ấy cũng do Hư-vô chi khí mà hóa sanh muôn ngàn chi phái Thánh-Tiên-Phật, cũng một gốc Ðạo mà phân lập ra mấy đời Thánh-Giáo, rồi cũng huờn nguyên lại một, nên nhứt sanh vạn-vật, Ðạo sanh nhứt.

 

II

Bởi Ðạo gốc không có chi cả, kêu là Hư-vô chi khí, biến sanh âm dương động tịnh, mà phần âm có ẩn phần dương, nơi phần dương có ẩn phần âm, nên sách gọi rằng âm trung hữu chơn dương, dương trung hữu chơn âm, âm dương điên-đảo ấy là Ðạo. Nên nhứt nhứt cả, phải có Ðạo mới sanh sanh hóa hóa siêu thoát lên theo khí dương, còn không Ðạo thì luân luân trầm trầm chuyển xuống theo khí âm, ấy là lẽ tự nhiên của Tạo-hóa vậy.

Kể từ nhứt khí Thái-cực (Trời) phân định âm dương hóa sanh đến Bàn-Cổ. Thánh-Giáo dạy đạo cho đời mở mang sanh chúng từ ấy dẫn đến Thái-Thượng Ðạo-Tổ, Nhiên-Ðăng Cổ-Phật truyền đạo hiệp thành Tam-Giáo, gọi là Nhứt-kỳ phổ-độ, Tí-Hội thượng-nguơn khai đạo; dẫn xuống nhà Châu, Lão-Tử Thái-Thượng hóa thân khai Ðạo Tiên, Thích-Ca truyền Ðạo Phật, Khổng-Phu-Tử và Gia-Tô Giáo-chủ khai Ðạo Thánh sửa đời là Nhị-kỳ phổ-độ, Sửu-Hội trung-nguơn. Nên ngươn hội nào cũng phải có Tam-Giáo dạy truyền tùy theo nhơn phẩm mà lập Ðạo. Nay đã đến kỳ âm tận dương sanh, Thiên Địa tuần-huờn; nghĩa là, hung ác tàn bạo, đến cuối cùng thì lẽ tự nhiên phải khởi sự lại từ-thiện nhơn-đức, nên Trời hoằng khai Ðại-Ðạo mà cũng đã cho tiên-tri trong sấm truyền rằng: Mạt hậu Tam-kỳ Thiên khai huỳnh-đạo, gọi là Dần-Hội, Trời mở Ðạo, phổ-độ lần thứ ba kêu là Tam-kỳ phổ-độ. Ðộ, là độ rỗi sanh linh, lấy huyền-diệu thiêng-liêng mà lập thành Ðại-Ðạo; ấy là Chơn-Ðạo.

Thuở trước chưa có Trời Ðất chi hết thì Tạo-hóa cũng duy có một khí Vô-cực (là không khí) mà gầy dựng nên Trời Ðất, đến nay thì cũng bởi lấy nơi không hình mà biến ra có hình, nên phải lấy chỗ vô hình mà lập Ðạo, thì mới hợp cái bổn nguyên của Tạo-hóa; rồi nơi có hình chất ấy tiêu tụy biến ra không, như vậy mới hiệp Ðạo.

 

III

Khi tạo thế đến giờ Thượng-Ðế chia chơn-linh của Ngài biến ra mà lập đời, tức phải lập Ðạo. Như đời Châu Sơ, Thượng-Ðế chia chơn-linh là Lão-Tử giáng sanh bên Trung-Quốc mở Ðạo Tiên, giáng sanh Ấn-Ðộ Thiên-Trước xưng danh là Thích-Ca khai Ðạo Phật, cho Văn-Tuyên Vương giáng sanh Trung-nguyên lập Nho-giáo, giáng sanh phương Tây lập Ðạo Thánh lấy danh là Gia-Tô Giáo-Chủ. Mỗi kỳ khai đạo đủ mấy ngàn năm, kế mãn kỳ nguơn hội ấy thì đạo bế lại, thì tức nhiên phải mất chánh pháp kỳ truyền, nên lúc ấy kẻ tu không thành đặng.

Vì sao Ðạo khai rồi bế lại?

Vì Ðạo khai lâu, lòng người canh cải, bỏ lần luật-lệ, không giữ qui điều cấm răn, làm cho Thánh-Giáo biến ra phàm giáo. Bởi đó, đời phải đổi thay, luật Tam-cang chẳng giữ, phép Ngũ-thường không noi, thì vua vô đạo, tôi bất trung, cha chẳng lành, con chẳng thảo, chồng bất nghĩa với vợ, vợ thất tiết với chồng, anh chẳng hòa với em, em không thuận với anh, loạn luân trái lý làm nhiều điều tồi phong bại tục, tham gian lường gạt, xảo trá giành giựt với nhau mà tranh cạnh đường lợi lộc, mới có giết lẫn nhau. Phong tục đổi dời, đời hung ác bạo tàn, đã vào đường tội lỗi muôn trùng biết bao kể xiết, thế thì đạo làm người ra sao?

Bên Phật-Ðạo thì phần nhiều thầy tu không giữ tam-qui và ngũ-giới cấm "tích kinh điển dĩ mưu lợi, kiến tụng chuyên văn hạ thừa chi học" nghĩa là: mượn kinh sách mà thủ lợi, chuông trống mô dạng gạt kẻ muội mê, thịt ăn rượu cũng uống, thì đủ rõ đời chưa có Ðạo khai nên mới làm sự hung ác, thì Phật-Ðạo phải biến đổi thất truyền.

Còn người tu theo Ðạo Tiên, không giữ tam-nguơn ngũ-hành, dùng bùa chú ếm trấn, gạt-gẫm cho đời thêm điều giả dối, người tin tưởng tà quái dị đoan, cho nên Tiên-giáo phải dợt phai thất truyền.

Vì đó mà Tam-Giáo phải thất truyền, chánh biến ra tà, lòng người bất chánh, làm nhiều điều hung bạo, nào mưu sâu kế độc hại nhau, tham gian cướp giựt, tranh danh đoạt lợi, chẳng kể công-lý, không thương đồng loại, chẳng mến giống nòi, giết vật hại nhơn, mến ưa tửu, sắc, tài, khí, quí trọng thân hình, miễn cho vui tâm khoái chí, chớ chẳng giúp ích cho người, chẳng làm lợi cho vật, mà còn lập thế giết lẫn nhau, gian trá trộm cướp lẫy-lừng, gọi tài hay học giỏi, mưu sâu thượng kế, chớ chẳng rõ mình xô lấy mình vào hang thẳm xuống vực sâu, linh hồn phải chịu tam đồ khổ hải nơi biển trầm luân, vay vay trả trả nhau hoài.

Như đời mà có Ðạo thì trong thiên-hạ hiền từ, nhơn đức, nhà khỏi đóng cửa, đường không lượm của rơi; vì biết giữ theo luật của Ðạo, mà luật của Ðạo tức là luật của Trời ban, luật của Trời biết giữ, thì ắt phải sợ Trời, lấy hết tâm chí thành kỉnh làm lợi ích cho Trời, do y luật Trời giữ sự công-bình ngay thẳng, thương người mến vật không xa-xí phá hại muôn loài của Trời sanh; người biết giữ trọn vậy, sẽ trở nên tâm ôn-hòa, thật-thà khiêm-nhượng, bổn tâm như vậy là đầu bài của Phật, Thánh, Tiên, thì người đặng gần Phật, Thánh, Tiên, là đời có Ðạo.

Nên các việc chi phải có khởi sự rồi phải cuối cùng tận tất. Cái cuối cùng tận tất chẳng dứt thì phải tuần-huờn trở lại; sự tuần-huờn là vậy. Nếu trong lúc nầy khôn-ngoan trí hóa mà làm điều hung ác bạo ngược đến cùng thì phải tới khi dại khờ ngu-xuẩn; như ngu-xuẩn dại khờ biết làm hiền lành nhơn-đức thì phải tới khi khôn-ngoan trí hóa; hết thạnh đến suy, hết cường bạo phải đến lúc nhu-nhược (yếu ớt), ấy là việc tuần-huờn của đời. Còn phần Ðạo cũng vậy, Ðấng Tạo-Hóa công-bình thiêng-liêng, hễ lập Ðạo khai cho xứ này rồi phải bế lại đặng khai xứ khác, tuần-huờn châu khắp, thì Ðạo cũng thạnh hành rồi phải suy vi, suy vi rồi thạnh hành.

Ðạo chánh mở lâu rồi bị phàm canh cải chế biến thì trở ra tà, tà biết sửa lỗi lại, lâu ngày phải trở nên chánh.

Nên Tạo-Hóa phân một phần âm một phần dương, một phần về tối, một phần về sáng, thì đủ rõ Thiên Ðịa tuần-huờn, ấy là Ðạo.

 

IV

Như người cùng Trời Ðất đồng thuộc Tam-Tài mà chẳng đặng như Trời Ðất đồng trường-cửu là vì cớ nào? Vì bởi chẳng biết lý dinh-hư tiêu-trưởng, thấy máy huyền-vi, không lo tu tánh dưỡng mạng, phản lại Tiên-Thiên hư-vô chi-chí.

Còn người với Tiên Phật đồng hình thể mà chẳng đặng siêu thăng như Tiên Phật là vì cớ nào? Vì chẳng biết lý dinh-hư tiêu-trưởng cùng máy Tiên-Thiên Ðại-Ðạo, tu phục môn, chìm đắm linh hồn, nhiễm lấy trược khí nặng nề, thì ngõ Thiên-Ðàng vẫn đóng lại, cửa Ðịa-Ngục mở thông, cho có phân đường thanh trược, siêu đọa Thiên-Ðàng, Ðịa-Ngục, thưởng phạt theo lẽ công-bình, cũng do tại lòng người có hai nẻo: một đàng thiên-lý, một đàng nhơn-dục, nên Tam-Giáo: Ðạo Lão, Ðạo Thích, Ðạo Nho cũng đều luận hai nẻo ấy.

Tiên kêu rằng: Càn-khôn phản phúc, âm dương động tịnh; Phật kêu rằng: Thiên-Ðàng Ðịa-Ngục, luân-hồi quả báo; Thánh kêu rằng: Thiện ác họa phước, Thiên-Ðịa tuần-huờn, cũng một lý.

Nếu muốn bỏ đường nhơn-dục theo đường thiên-lý thì phải giữ theo điều-lệ Tam-Giáo mà rèn lòng sửa tánh cho trong sạch tinh-tấn, làm điều phước đức cho đầy đủ, công-quả cho trọn mà tu luyện Tinh-Khí-Thần, phản lại Tiên-Thiên nhứt khí, thì xác phàm mới trở lại nên xác Thánh, xác Tiên xác Phật đặng.

 

V

Vậy thì trước hết buộc phải giữ tam-qui ngũ-giới, trường trai, giới sát cho đặng toàn thể, nếu không trường trai tuyệt dục thì vật-chất trược khí trong hình thể vẫn còn phải nặng-nề thì làm sao nhẹ nhàng lên khỏi không khí.

Nên muốn thành Thánh, Tiên, Phật thì phải luyện Tinh, Khí, Thần hiệp lại, mà ba món báu phải cho trong sạch tinh tấn, mới hiệp với không khí Tiên-Thiên đặng.

Trong khí Tiên-Thiên thì có điễn quang, nó tương khắc, nên buộc cái chơn-thần của con người phải tinh tấn trong sạch nhẹ hơn không khí ấy mới ra ngoài Càn-Khôn đặng. Nó phải có cái bổn nguyên chí Thánh mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng. Trong bổn nguyên phải có một thân phàm tinh-khiết mới xuất chơn-thần tinh-khiết đặng.

Nên Nho có câu rằng: Dục khởi mỹ ốc, tiên trúc kỳ cơ. Nghĩa là: Muốn khởi cất nhà trước phải đắp nền, nếu không giữ y điều lệ trai-giới theo Ðạo thì chơn-linh người không tinh khiết, đâu trọn người chí đức, thời làm sao luyện đạo cho thành đặng?

Nho có câu rằng: Nhân bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên. Nghĩa là: Người chưa đặng chí đức thì chí đạo khó thành đặng.

Nên Tam-Giáo lập điều-lệ ra cho người sửa tánh rèn lòng đem về chỗ tự nhiên, đặng bồi đắp nền nhơn đức. Ấy vậy, điều lệ tam ngũ là căn bổn của Tiên, Phật, qui giới là chuẩn thằng của Tam-Giáo. Nếu giữ luật Trời đặng sanh hóa, không giữ luật Trời phải tiêu tụy mà chuyển kiếp luân-hồi.

Xem tiếp thiên thứ nhì: Giới tâm luận

[ Hình Bìa ]

 
Last changed: 02-03-2004