Lời Tựa

    ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

    Tứ Thập Ngũ Niên

    TÒA THÁNH TÂY NINH

     

    HIỆP THIÊN ĐÀI

    V/P: THƯỢNG SANH

    Số : 121 / TS

                          

    THƯỢNG SANH

    CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI

     

     Kính Gởi : Hiền Huynh HIẾN PHÁP CHƯỞNG QUẢN BỘ PHÁP CHÁNH

     

    Tham chiếu : Quý Thánh Thơ số 15/ DS ngày 12-6-1970

     

    Kính Hiền Huynh,

     

    Theo đề nghị của Hiền Huynh tôi chấp nhận cho Ban Đạo Sử xuất bản để phổ biến những bài Thuyết Đạo tại Tòa Thánh của ĐỨC HỘ PHÁP từ năm 1946 đến năm 1955.

     

    Những bài giảng được chọn để ấn hành phải có sự kiểm duyệt của Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách.

     

    Nay Kính

    Tòa Thánh, ngày 14 tháng 5 Canh Tuất

    ( dl 17-6-1970 )

    THƯỢNG SANH

    ( ấn ký )

       

    LỜI TỰA

     

        Những bài Thuyết–Đạo trong quyển sách này là lời vàng ngọc của Đức HỘ-PHÁP, một vị Giáo-Chủ của Đại-Đạo Tam-Kỳ  Phổ-Độ, một bậc Vĩ-Nhân của thế hệ; nên một Ủy-Ban sưu tầm và biên tập thành lập có Đức THƯỢNG-SANH chấp thuận, để xúc tiến việc sưu tầm biên tập và ấn hành các bài Thuyết-Đạo ấy. Nay cuộc sưu tầm và biên tập đã có kết quả mỹ mãn, nên Ủy-Ban đem ra ấn hành cho toàn đạo được lãnh hội lời vàng ngọc nói trên.

         Trong Ban Đạo-Sử của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã có sẵn một thư viện tàng trữ  các loại kinh sách cổ kim đông tây cho các nhà khảo cứu và toàn Đạo có thêm tài liệu, những quyển “Lời Thuyết Đạo” của Đức HỘ-PHÁP sẽ lưu trữ  vào Thư-Viện nầy để chư độc giả đến xem.

         Đức HỘ-PHÁP là một trong các vị tiền bối khai sáng nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, đã thực hiện trước hết chủ thuyết Tam-Lập : “Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn”.

         Về lập đức : thì Đức Ngài là người đầu tiên đã nghe theo tiếng gọi Thiêng-Liêng mà khai sáng mối Đạo cho toàn sanh chúng được chung hưởng hồng ân của ĐỨC-CHÍ-TÔN (NGỌC-- HOÀNG –THƯỢNG- ĐẾ ).

         Về lập công : thì Đức Ngài vừa lập đức vừa lập công trong việc khai sáng. Từ cái không làm ra cái có, bắt gió nắn hình tạo thành một đại nghiệp Đạo ở cõi thế nầy. Nếu Ngài không phải là một Đại-Đức thì làmsao thành công được ?!

         Về lập ngôn : thì Đức Ngài lưu lại lời vàng tiếng ngọc trong các bài Thuyết-Đạo mà chúng ta đang thưởng thức và còn nhiều lời giáo huấn cao siêu khác nữa mà chư quý độc giả và toàn Đạo nên lưu ý .

     Nhơn danh Hiến -Pháp Hiệp-Thiên-Đài kiêm Trưởng Ban Đạo Sử, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bốn phương quyển sách quý giá này đáng được lưu niệm mãi mãi.

     Trân trọng kính chào.

    Hiến-Pháp TRƯƠNG HỮU ĐỨC.

      

    LỜI TRẦN THUYẾT

     

         Mỗi lần ly loạn là mỗi lần thư tịch bị làm mồi cho binh lửa. Nhìn vào lịch sử : những vụ “Phần-Thư”, những vụ chiếm đọat thư tịch đã xảy ra như một hệ luận trước những biến cố. Tình trạng này đã kéo dài qua các thời đại, ấy là biện pháp của những kẻ mạnh nhắm vào mục đích thực hiện chính sách ngu dân và đồng hóa triệt để.

     Những kinh nghiệm đau thương ấy là nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi cố gắng thực hiện công việc sưu tập những tài liệu này.

         Chúng tôi nghĩ rằng : “Nếu tài liệu kinh sách chỉ được tập trung tàng trữ vào một chỗ, tránh sao cho khỏi bị hủy diệt khi kẻ cường quyền đến cướp phá”. Do đó chúng tôi quyết định quay ra nhiều  bản để gởi đến, và ký thác vào những tâm hồn trung kiên với Đạo, những người dám chết để bảo tồn những tiếng nói của Đấng thay Trời dạy Đạo.

    Nếu một may thay thời cuộc lại biến  thiên, có thể các cuộc phần thư  lại tái diễn, thì thiết tưởng trong số tài  liệu này vẫn còn có nhiều người nhiệt tâm gìn giữ được vẹn toàn

        Đây không phải là việc làm của một  cá nhân hay một đoàn thể, nhưng là sự đóng góp chung của những người vô danh nguyện đem hết năng lực của mình để phụng sự cho lý tưởng bảo tồn truyền thống giáo lý của Đạo. Trong khi quyển tài liệu này đến tay Qúi vị thì cũng đã có người vì qúa hăng say trong công việc thực hiện lý tưởng mà đã phải ngã gục vì kiệt sức.

         Việc làm của chúng tôi không phải là một ý nghĩ nông nổi của một sớm một chiều, nhưng là một hòai bảo trong suốt thời gian ly loạn. Chúng tôi hằng cầu nguyện ĐỨC CHÍ TÔN và PHẬT MẪU ban bố phước lành sớm gặp dịp may để thực hiện hoài bảo ấy.

         Ngày nay chân trời  đã rạng tỏ, ý nguyện đã đắc thành

     Chúng tôi xin hiến dâng trọn vẹn cho Hội Thánh tất cả những tài liệu mà chúng tôi đã ghi chép, góp nhặt sau bao nhiêu năm theo đuổi mục đích bảo tồn những lời vàng tiếng ngọc của Đức HỘ PHÁP.

         Từ đây bản quyền sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào Hội Thánh. Kính xin hội Thánh cho kiểm duyệt và ấn hành, để cho mọi người đều được nghe lời dạy dỗ đầy yêu  ái của Đức HỘ PHÁP đã dành cho chúng ta  trong thời gian Đức Ngài còn tại thế.

     

                 Tòa Thánh, ngày 28 tháng 8 năm Bính-Ngọ (dl 12-1-1966)

                    BAN TỐC KÝ

                           

      

         LỜI CHÚ CỦA NGƯỜI SOẠN

     

          Kính thưa: Chư Huynh, Tỷ, Muội cùng các bạn đồng môn.

         ĐỨC HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC lúc còn sanh tiền Ngài đã để lại nhiều lời vàng tiếng ngọc dạy dỗ chúng sanh qua các buổi thuyết Đạo.

         Nay kẻ hậu sinh được may duyên học Đạo với Đấng Thiên Tôn qua các bài Thuyết Đạo từ quyển I đến quyển VI ( từ năm 1946 đến năm 1955 do Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh ấn hành ), trong những bài giảng nầy, Đức Ngài đã giáo hóa rất nhiều chủ đề về Đấng Thượng Đế, Tôn Giáo, Nhân Loại . . . theo dòng thời gian của từng thời kỳ lịch sử.

         Với lòng tôn kính Đức Tôn Sư, con xin được sắp xếp các bài giảng theo từng chủ đề để con và các bạn đồng môn dễ dàng sưu khảo trên đường tu học.

        Thành kính cầu nguyện Đức Tôn Sư luôn luôn dẫn dắt chúng con trên đường phụng sự.

             

                Kỉnh bút

Top of Page


Nghe đọc lại lời Thuyết Đạo của Đ.H.P.


 1.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo - Ðêm 14 tháng 12 năm Tân Mão ( 1951 )



Thuyết minh chữ Ðạo

Ðêm nay Bần Ðạo giảng một cái đề cũ mèm mà toàn thể đều nghe là buổi giảng về chữ Ðạo.

Chúng ta đã thấy các Tôn Giáo xưng mình là Ðạo, chúng ta thấy họ lạm dụng Ðạo quá lẽ, nhưng chúng ta không thể gì cãi chối được tại lý do nào ?

Bần Ðạo thuyết minh chữ Ðạo, từ khi tạo Thiên lập Ðịa có loài người đến giờ thì vì trí khôn ngoan linh hoạt của chúng ta thấy trạng thái của càn khôn vũ trụ vô biên vô tận, vô đoán và thấy cái bí ẩn huyền linh đang điều động cả cơ thể tạo đoan mà chẳng có một ngôn ngữ miệng lưỡi nào đặt ra tên cái huyền linh ấy đặng, nên để chữ Ðạo, tức nhiên chúng ta đã giải rõ là cường danh viết Ðạo (không biết đặt tên gì nên để chữ Ðạo) trong cái trạng thái ấy, chúng ta thấy nó có động, có tịnh, có động tức nhiên 'Dương quyền'. Dương quyền biến sanh càn khôn vũ trụ, trong sanh hoạt của nó, chúng ta thấy có khi nó ổn định đặng nó đào luyện cái thể chất của nó tức là 'Âm quyền' đó vậy.

Bần Ðạo lấy tỷ thí con vật chúng ta dễ hiểu hơn hết là con tằm, khi nó còn là con sâu tức nhiên Dương, nó vận động đặng sống, nó ăn, nó lớn rồi chín, nó kéo tơ làm ổ, bây giờ tới Âm, tức nhiên đặng biến ra nhộng bất động, đặng nó định cái thể của nó.

Trong vạn vật ở mặt địa cầu nầy có hai trạng thái luôn luôn, cái sanh của nó, phải tùng theo khuôn luật tạo đoan, nó phải phù hạp lại với hình thể, tức nhiên cái sống phải phù hạp với cái chết đặng biến hình, cũng như con nhộng bất động, nếu đem tay nắm lấy nó thì nó chết. Vì như vậy là trái với khuôn luật tạo đoan, tức nhiên nghịch lại Ðạo.

Linh hoạt vô biên vô tận là không gian thời gian biến chuyển không ngừng, Ðạo để pháp luân thường chuyển, nó do nơi không gian, thời gian biến ra hình trạng chớ không khi nào trong thời gian ấy dìu dẫn cho nó biến chuyển. Vì cớ cho nên trong kinh Phật Mẫu để 'Thập thiên can bao hàm vạn tượng, tùng địa chi hóa trưởng càn khôn' tùng vũ trụ là do nơi đại thể của nó trong vạn vật, cái đại thể của nó thế nào là cái tiểu thể cũng vậy, một khuôn luật ấy mà thôi, nó phải tùng theo khuôn luật đã định, tức nhiên pháp luân ấy người xưa không biết hình trạng, không hiểu quyền năng thế nào nên để chữ Ðạo.

Ấy vậy, Ðạo vì tinh thần, vì thể chất của vạn vật hữu hình mặt thế gian nầy đặng nó sống, biết định cái chết, định cái sống, hay biết định cái thể của nó, cái thể định vận mạng, cái thể định tính, hai cái đó tương hiệp với nhau, phù hạp với nhau một khuôn luật là Ðạo, bằng trái lại là nghịch Ðạo, mà hễ nó thuận thì nó còn, còn nghịch nó phải tiêu diệt.

Bây giờ luận các Tôn Giáo, họ lấy một triết lý của cơ thể tạo đoan trong pháp luân thường chuyển mà định giáo lý của họ, nhưng có một điều trọng yếu hơn hết là toàn cả cơ thể tạo đoan tức nhiên Ðạo, mà mỗi một điều chi cũng đều để Ðạo, chữ Ðạo họ không biết, chúng ta không thể cãi chối, trong hình thể đó họ lợi dụng, nhưng sự thật Ðạo của họ chỉ có một phần ngàn trong chữ Ðạo mà thôi, chớ không phải thật Ðạo.

Bây giờ Ðức Chí Tôn để trong nền Tôn Giáo của Ngài hai chữ Ðại Ðạo, đó là Ngài để hình tượng bao trùm toàn thể vô biên đó là Ðại Ðạo, nếu Ngài không nói thì chúng ta không làm sao biết được, suy đoán được. Ngài luận chữ Ðạo thì nó bao trùm hết, vì cớ cho nên có cơ quan sanh hóa, Ðức Chí Tôn đã tạo Càn Khôn Vũ Trụ trong quyền năng ấy. Chúng ta nhìn biết có một chủ quyền đặng định khuôn luật của nó, nếu không có chủ quyền duy nhứt thì cả vạn vật trên càn khôn vũ trụ không thể gì còn.

Trong cái hình thể tối thiểu của nó, từ tiểu nguyên tử và đến các tinh đẩu trong thế giới nó vẫn định ở trong đại thể của nó, chúng ta không thể gì suy đoán, nếu không có huyền linh vô đối của Ðấng đã cầm quyền tạo đoan thì không có ai làm chủ nó được, vì cớ cho nên chúng ta đã thấy quyền năng ấy định quyền người chủ của nó, ta mới định quyền người chủ. Từ trước đến giờ nhứt là trong nền văn minh Á Châu, chúng ta đã thấy, không có tên chúng ta không dám để tên, duy để nhứt đại, nghĩa là một lớn mà thôi, do nơi nhứt đại ấy mà Ðức Chí Tôn tạo nền chơn giáo của Ngài để là Ðại Ðạo.

Ấy vậy, Bần Ðạo nói, giáo lý của mỗi nền tôn giáo đều khác nhau, nhưng nó có hình ảnh của một nền Tôn Giáo, cho nên họ xưng mình là Ðạo, chúng ta không thể cãi chối, duy chúng ta nên biết rằng pháp luân đạo pháp vô biên kia, hình ảnh kia vô biên vô tận thì chúng ta chỉ nhìn rằng : Một tôn giáo nào đã tùng theo khuôn luật tạo đoan đúng mực thước về danh lý của nó, biến tướng của nó theo một khuôn luật tối thiểu thì chúng ta nhìn. Còn ngoài ra, trái lại chữ Ðạo, chúng ta có quyền giục họ tiến hay không để họ tiến vậy thôi. Chúng ta không thể gì cãi chối được, chúng ta không có quyền công kích hay sửa cải được.

Bần Ðạo nói trong vạn vật từ thảo mộc đến thú cầm vật chất, thảo mộc đến thú cầm không có được hai cái mầu nhiệm là 'định thể' của nó và huyền linh của nó. Gồm hai món đó ở trong sống chết của nó. Ta biết Ðạo, ta hiểu rõ mối Ðạo là ta sống, nếu chúng ta trái Ðạo ấy thì chúng ta dầu có sống tự do đi nữa, thì cũng như chúng ta đã lên án lấy cái chết của ta, tức nhiên chính mình chúng ta đã lên án lấy mình.

Nếu nói kẻ kia vô Ðạo, người nọ thất Ðạo hay là họ chối Ðạo. Họ làm sao chối cái sống của họ được ? Chúng ta chối được hay chăng là chối cái hình ảnh của họ và cái thể xác của họ mà thôi.

Trong vạn vật có quyền cãi chối cái sống của họ chăng ? Mà gọi họ chối Ðạo ? Có người không biết chữ Ðạo là gì xưng rằng nghịch Ðạo, cải Ðạo là mâu thuẩn, là dốt nát, chính mình họ không biết họ thì thuận với ai chớ. Trong thể pháp tinh thần của chúng ta, chúng ta sống trong hai cái đó, sống với hình thể, sống với tinh thần là ta đã đặng một đặc ân của Ðức Chí Tôn ban cho. Hại thay trong cái đặc ân ấy, Ðức Chí Tôn cốt yếu để cho chúng ta đau khổ, sống trong cảnh đau khổ đặng biến hình, biến thể mà biến sanh hoặc chúng ta thấy kiếp sống mà đi tới, đi từ con đường phàm dĩ chí Phật vị, là ngôi vị của Ðức Chí Tôn dành để cho mỗi đứa con. Chúng ta có thể đi tới phẩm vị Trời nữa mà chớ.

Hễ luận theo cái khuôn luật tạo đoan ấy đặng định tiến triển của ta thì ta thuận Ðạo, đạt Ðạo, còn trái lại là theo con đường vật loại, là đời, tinh thần mà ta bỏ, tức nhiên chính mình chúng ta từ chối địa vị thiêng liêng ta có, hay là chúng ta tự lên án cho chúng ta ai đã chối Ðạo theo thường tình gọi là bỏ Ðạo, là người đó họ chối cái phận sự làm người, tức nhiên từ chối phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, điều đó không có phi lý. Chúng ta đặng hạnh phúc, Ðấng cầm quyền tạo đoan hôm nay đến chung sống cùng ta. Cái hạnh phúc của ta còn gì hơn nữa. Trong cái sống cũng thế, chết cũng thế, sống dầu cho khổ não bao nhiêu chết mất đi nữa, chúng ta cũng an vui với bạn đồng sanh của chúng ta nơi mặt thế gian nầy. Có một điều đau thảm hơn hết, thay vì ngó thấy cái khổ của nhau họ lại phụ rãy nhau, tận diệt nhau, họ không biết tôn trọng mạng sống của bạn đồng sanh đặng định phận của mình, kẻ đã đoạt đặng cái 'Tứ' của Trời Ðất, hiểu thấu đáo huyền vi của Ðạo, dòm thấy bạn đồng sanh, con mắt họ không buổi nào ngớt giọt nước mắt.

 

Mỗi ngày Bần Ðạo đang sống, có nhiều khi ngồi trên lầu Trí Huệ Cung dòm xuống thấy em út lận đận mỗi ngày tìm sống, kiếm sống, thì Bần Ðạo lấy làm thương xót vô cùng nhưng luật Thiêng Liêng để nó kiếm sống mà vui sống với đau khổ của nó, nếu không vui sống nó sẽ chết, phải để cho nó vui sống, nó sống trong đau khổ nó vẫn vui sống. Có nhiều khi thấy em khổ não nhứt là mấy đứa em bên quân đội, trong con đường chết sống của nó không có định ngày giờ, không có thời gian, làm giọt lệ của Bần Ðạo phải đổ, mà chỉ có những người như Bần Ðạo đổ lệ ấy mà thôi. Nhưng quyền Thiêng Liêng kia để cho nó vui sống, nó ham sống ấy đặng nó tìm sống, nếu nó biết được một cái sống khổ thì nó không còn sống nữa, thay vì chúng ta nên gượng gạo vui sống với chúng nó, để theo cái sống ấy đừng để cho có trường đau khổ cho chúng nó.

Cả Thánh Thể Ðức Chí Tôn cốt yếu để an ủi nâng đỡ tinh thần đàn em, cả Chức Sắc Thiên phong thay thế hình ảnh cho Ngài để nâng đỡ cái sống của chúng nó. Bần Ðạo nói thật, chúng ta không có quyền làm cho đau khổ kiếp sống của chúng nó, bởi nó đã sống đau khổ nhiều rồi.
Thuyết Ðạo QIV / tr 93

Top of Page

 2.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại .Ðền Thánh
.Ðêm 14 tháng 2 năm Nhâm Thìn ( 1952 )
.Lễ Vía Ðức Thái Thượng - Kỷ niệm của Ðạo Giáo

Chữ Tu

Hôm nay là ngày lễ của Ðức Thái Thượng, tức là ngày kỷ niệm của Ðạo Giáo. Bần Ðạo nhơn dịp ngày vía của Ngài, Bần Ðạo tiếp giảng chữ TU mà ông Truyền Trạng Trấn đã giảng hôm trước. Ðề mục còn sơ sót song đến cái đích đề mục ấy nói lại trúng, khi nói kết luận ông đã nói rằng : Duy có Tu mới có thể dìu dắt nhơn loại đi đến mục đích đại đồng thế giới, đem hòa bình toàn thiên hạ, đây là trúng. Nói về chữ Tu thuyết nó vẫn còn sơ sót rất nhiều.

Chữ Tu chúng ta đã thấy thiên hạ phân ra hai chủ hướng về siêu hình, chủ hướng về siêu vật, tức nhiên cái thuyết Duy Vật và Duy Tâm nó thường phản kháng cùng nhau. Ấy vậy, Bần Ðạo thừa dịp nầy giải rõ chữ Tu và tầm chủ hướng của nhơn loại, phải để trong mục đích nào, ấy là một cái đề chúng ta có thể nói từ thượng cổ đến giờ, tiền nhân, chư hiền, chư Thánh, chư Tiên, chư Phật đã lập giáo và đã viết ra không biết bao nhiêu Ðiển Luật Kinh Sách mà nói không hết, giải không cùng, huống chi đứng trên giảng đài nầy, lấy đề mục ấy mà nói không bao giờ đủ đặng.

Bần Ðạo xin lấy cái tinh túy của nó giải rõ ra mà thôi. Duy Tâm thế nào ? Duy Vật thế nào ? Tầm nguyên lý coi nó do ở đâu xuất hiện hai lý thuyết ấy. Theo Kinh nhà Phật ta đã nghe rõ rằng loài người có nơi mặt địa cầu nầy 183 triệu năm. Duy luận định nguyên lý của nó, có trong 50 triệu năm mà thôi, bổn căn của loài người nó có tánh vật của nó sanh trong vạn vật, cũng như con vật kia vậy, duy trong tánh vật của nó, có Ðức Chí Tôn đến định thiên mạng của nó, nó có hai phần, hai đặc tánh. Tánh thú và tánh Trời.

Bây giờ luận về tánh thú của nó thì nó cũng như con thú kia vậy. Tánh của nó buộc nó đói phải cần kiếm ăn, lạnh rách phải kiếm mặc, nó khổ nó phải kiếm phương làm cho nó hạnh phúc, nó khó khăn nó phải làm cho nó sung sướng cái phàm nghiệp của nó, thích cái gì phải kiếm phương thế nào làm cho nó thỏa thích, thỏa thích ấy là cái tánh thú giục nó vậy.

Huống chi nó sanh nơi thế gian nầy chịu trong luật định của nó là tứ khổ, thì bây giờ nó phải tìm phương thế thoát khổ cho đặng ; thoát khổ và tìm hạnh phúc với hình thể thì chẳng hề buổi nào tìm đặng, chẳng khi nào thấy hưởng được hạnh phúc do nơi hình thể mà nó chịu khổ, tức nhiên tánh thú của nó cốt yếu đến đặng chịu khổ, mà nó muốn thoát khổ , ấy là nó nghịch lại tánh đức luật định Thiêng Liêng của nó.

Ấy vậy, khi nó còn tánh thú, nó muốn làm sao thỏa mãn hễ thỏa mãn thú tánh của nó thì nhân cách của nó bị hủy diệt, nhân cách không thể bảo thủ được cho lâu, thiên mạng nó không có phương bảo thủ, tâm linh của nó không có phương làm chủ nó đặng, thì nó phải trở nên con vật mà thôi. Vì cớ cho nên các Ðạo Giáo, các triết lý cốt yếu tìm phương nào dung hòa tánh thú của nó cho phù hạp với chơn mạng của nó, tức nhiên làm phương nào bảo trọng sống thú của nó, phù hạp với nhân cách đó vậy. Muốn cho đặng thế ấy, phải giải quyết cái khổ của nó, nó muốn thoát khổ có một đường tồn tâm mà thôi, tồn tâm tức nhiên một biện pháp giữ thiên mạng đó vậy.

Ấy vậy làm chủ cái tánh thú đặng bảo trọng thiên mạng, tức nhiên phải dồi mài sửa đổi luyện cả tinh thần và hình chất của mình thoát khỏi tánh thú đặng bảo tồn nhân cách, tức nhiên bảo tồn Thiên Mạng của mình gọi là
TU. Chữ Tu cốt yếu là để trau giồi cho đặng thoát cái tánh thú, bảo vệ nhân cách của mình đó vậy.

Theo cách vật trí tri, bây giờ luận về siêu hình thì chúng nó đã thấy, hễ khi nó thức, con vật nầy khi nó thức, nó tìm sống trong vạn vật, nó cùng lẽ sống trong vạn vật. Luật của vạn vật tự buộc nó phải đi kiếm ăn, kiếm sống đặng bảo trọng sanh mạng của nó, theo trong Thể Pháp về cái tánh thú của nó, muốn thoát được tánh thú ấy, bởi vì nó hung hăng, bạo ngược, mạnh mẽ, cừ khôi phản trắc vô cùng vô lối, có nhiều khi thiên tánh, tức nhiên thiên mạng không thế gì điều khiển nó được, người ta thấy có nhiều khi không thế gì người ta thắng nổi thú tánh của nó, nên tìm con đường siêu hình, nó thức thì nó rất hăm hở dữ tợn hung hăng, đủ thứ hết thảy đặng bảo vệ sanh mạng. Khi nó ngủ, tức nhiên khi nó nằm ra bình tĩnh hết dữ, nó bình định được tất cả tánh chất nó bớt dữ, tức nhiên cũng như chúng ta khi còn thức, lo tìm muôn phương ngàn kế đặng bảo thủ sanh mạng của chúng ta, bảo thủ hạnh phúc của chúng ta nơi thế gian nầy, mà thật ra kiếm hạnh phúc ấy trong giấc chiêm bao của chúng ta mà thôi. Khi chúng ta ngủ mới được an ủi, ta thức bao giờ tinh thần cũng khổ não, vì thức ấy trong thuyết siêu hình mới xuất hiện ra hai lý thuyết tương đương ấy. Từ thượng cổ đến giờ có thuyết nào giải rõ nó chưa. Chúng ta đã thấy rất ít, chúng ta định trước, chúng ta đã thấy cái thuyết ' Tánh mạng song tu' rõ rệt, ta có thể nói hai cái thuyết ấy như lý thuyết Pythagore và Ðức Chí Tôn, Pythagore lấy cách vật trí tri làm căn bản đặng đi đến siêu hình, văn từ cách vật trí tri đến siêu hình, còn Ðức Phật Thích Ca lấy siêu hình làm căn bản dìu dắt cách vật. Hai lý thuyết ấy đương đầu với nhau, mà đã thấy thật sự thì Pythagore không khi nào cầm lấy nó, nó không có vật, nó không có hình, nó cho rằng cái sống của vạn vật nơi mặt thế gian nầy do nơi vô hình xuất hiện, tức nhiên siêu hình kia làm căn bản của cách vật trí tri, mà nếu không có cách vật trí tri đứng chung đó, chẳng hề khi nào chúng ta thấy hai bên tương hội cùng nhau, vì vậy Ngài để chữ Dyade, hồi trưa Bần Ðạo đã triết lý hai chữ ấy mà hầu hết người Việt Nam dịch chưa rõ. Bần Ðạo nghe chữ Dyade tưởng rằng chúng ta có dịp đem cái siêu hình tả ra, tức nhiên đem chữ Dyade đến cùng Ngài, chữ đó giải không ra.

Ấy vậy, cái lời của Chí Tôn để trên mặt thế gian nầy có hai phương pháp, siêu hình cũng trong đây, mà siêu vật cũng trong cửa Ðạo nầy. Tại sao ?

Tại vì có một Ðạo Giáo Ngài đến một thân Ngài mà thôi, cả con cái của Ngài đã cho đầu kiếp dưới thế gian nầy trước, rồi Ngài mới đến sau, Ngài chung hiệp lại làm Thánh Thể của Ngài, Ngài biểu nó dâng Tam Bửu là dâng xác thịt, trí não, dâng cả tâm hồn tức nhiên dâng cả sanh mạng của nó cho Ngài để làm chữ Khí, rồi Ngài trả chữ Khí của càn khôn vũ trụ, tức nhiên cái sống của nhơn loại đi đến mục đích chữ Tu, Ngài biểu cả toàn thể dâng xác thịt cho Ngài, Ngài trả lộn lại cái sống của càn khôn vũ trụ, trong mình nó sống vậy mà làm Thánh Thể của Ngài.

Chúng ta tưởng tượng một ngày kia, toàn cả nhơn sanh đứng làm phần tử Thánh Thể của Ngài phụng sự cho Vạn Linh, tức nhiên phụng sự cho nhơn loại, hiệp trí não tâm hồn dâng cho Ngài hết, còn trở lực nào ngăn cản nữa, nhơn loại sẽ đến một cái tối trọng và thiên hạ nhứt gia như Ðức Chí Tôn đã muốn .
Thuyết Ðạo QV / tr 07

Top of Page

 3.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn (6-6-1952 ).

Chữ Tu ( tt )

Ðêm nay Bần Ðạo xin bắt chước các bạn đã lên giảng đài từ thử đến giờ. Giảng chữ TU.

Chữ Tu tiếng Phạn gọi là Dyana, người Miên tức nhiên người Tần Nhơn, nói trại lại chút Xaxona. Tiếng Pháp hay tiếng Âu Châu Seperfectionner nghĩa là Rendre parfait ou plus parfait có nghĩa là làm thế nào cho mình đặng tận thiện tận mỹ. Tiếng Tu nó bao quát như thế, Thiên Kinh vạn điển tiếng của các tôn giáo đã để lại duy chỉ một chữ đấy mà thôi, thành thử chẳng phải đứng trên giảng đài mà giảng chữ Tu ấy cho cùng lý được, nhứt là Bần Ðạo có thể lấy cái tinh túy của nó để giảng, dầu không trọn vẹn, nhưng cả toàn thể con cái Ðức Chí Tôn để ý, định trí cho lắm nghe và hiểu.

Vả chăng khuôn luật thiên nhiên của Tạo Hóa nó buộc cho các đấng linh hồn dầu vật loại, phải trau mình thế nào đặng đoạt cho đến nhơn phẩm của mình, rồi khi đã đứng địa vị làm người, mình phải giồi mài, sửa cải thế nào đặng đi từ từ đặng đoạt cho đến Phật vị.
Chúng ta sanh nơi đây rồi chết, rồi tái sanh lại đặng mỗi kiếp sanh chúng ta Tu, Tu đặng từ từ bước lên Thiêng Liêng vị của mình. Tu nhơn phẩm đoạt đến địa vị tối cao tối trọng là Phật vị đó vậy
.

Trong phương Tu của chúng ta, buổi nào cũng Tu, vừa trong lòng mẹ ra khỏi thì đã Tu rồi. Tu là gì ?

Ðứa con nít nó không biết nói, không biết gì hết, không biết làm sao đặng mẹ nó cho bú, hễ nó khát sữa nó có phương pháp là nó khóc, nó tìm phương làm cho mẹ nó hiểu, tức nhiên nó Tu đó. Rồi khi nó biết cha biết mẹ, biết thương cha mến mẹ, cái đó cũng cái Tu của nó nữa. Khi nó có em biết thương em, cái Tu nó đấy. Khi trí khôn ngoan hơn chút nó vô trường học, mỗi ngày học được mấy chữ, Thầy kể rằng học đặng thấu đạt được cái hay cái biết là Tu đó, lớn hơn chút nữa có trí khôn ngoan , nó kiếm phương thế làm sao cho nó hay hơn bạn nó, ham làm giỏi hơn bạn, nó biết tranh đua tức nhiên nó Tu đấy. Khi nó biết khôn ngoan rồi, hiểu rằng tôi phải học cho hay hơn thiên hạ trong xã hội nhơn quần, nó kiếm thế nào học hỏi cho nhiều đặng sống cùng xã hội, Tu đấy. Khi nó có tuổi, trong tuổi trứng nước đó đến tuổi khôn ngoan hơn nữa, nó biết lựa chọn một người bạn trăm năm là vợ của nó, ấy là nó Tu đấy. Ðối cùng xã hội nhơn quần nó kiếm phương pháp thế nào đứng trong xã hội cho có địa vị của nó, nó nong nã đừng cho nó quá hèn, mỗi ngày nó kiếm thế tiến triển hay ho thêm mãi ? Tu đó.

À ! cái Tu từ khi mới thơ sinh lọt lòng mẹ đặng làm người, nó Tu về Nhơn Ðạo, tức là Tu thân. Cái Tu thân gọi rằng Tu thân là chi? Là nó phải biết cái Tu thân ấy mới có phương thế lập công cùng xã hội nhơn quần. Nó lập công là làm thế nào cho toàn cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy đặng hạnh phúc, nếu như nó có phương thế làm nên cái công nghiệp vĩ đại ấy là Tu thân của nó đấy.

Bây giờ Bần Ðạo mới thuyết cái phương tu trong chơn truyền của Ðức Chí Tôn đã để nơi cửa Ðạo nầy. Chúng ta dùng Tam Bửu mỗi ngày, chúng ta cầu nguyện Ðức Chí Tôn đặng dâng hiến ba của báu ấy. Bần Ðạo thuyết Tu về Tinh, Tu về Thần đặng lập Công, tức nhiên mình thờ phượng cái Tinh của mình, báu đầu tiên của mình là thân thể mình. Bây giờ ta chỉ nói với một kẻ ngu muội hay là khùng kia cũng vậy, mà mình biết nó khùng mà nó cũng biết nó khùng, nhưng ta điểm mặt nó nói, mầy điên, mầy khùng thì nó giận dữ ngay và tức mình lắm. Cái giận ấy là trong tinh thần của nó có khuôn luật thiên nhiên bảo nó phải Tu, đừng để nó ngu, mà hễ ai nói nó ngu tức nhiên làm nó phạm luật thiên nhiên ấy, nên nó không chịu, nó tức giận lắm dầu cho nó đã thiệt ngu.

Huống chi con người sanh ra nơi cõi nầy, Ðức Chí Tôn đã ban cho một cái ân đặc biệt, hễ khi nào trong lòng mẹ đã xuất hiện ra thì trong cái tinh thần thiên nhiên của ta nó đã có cái quyền năng đạt được cả cái hiểu biết của nhơn loại, dầu cho thượng cổ, trung cổ nó cũng tự nhiên am hiểu cho được mới thôi. Cả cái tinh thần của nó đấy có đủ quyền năng đạt đặng khối bao quát thiên nhiên về tinh thần trí não của loài người.

Từ khi loài người đã có mặt nơi thế gian nầy đều muốn thoát ly cái thú tánh của họ. Hễ thoát ly đặng cái thú tánh ấy tức nhiên họ sẽ định tâm sáng suốt thành ra một vị Thánh tại thế gian nầy. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu vị Thánh sống xuất hiện trong loài người từ thử đến giờ, huyền bí vô biên của tạo đoan là do đó, nơi đó.

Ấy vậy, cái khuôn luật thiên nhiên kia bảo ta phải Tu trí , nếu chúng ta ngu xuẩn, mê muội thì bao giờ cũng phải chịu làm tôi đòi nô lệ trong kiếp sống của ta, chúng ta vẫn thấy một đứa con nít mà nó vẫn kiếm phương thế đặng hiểu mọi điều thiên hạ đã biết, nó không biết nó hỏi, vấn nạn cho biết, ấy cái luật thiên nhiên biểu nó Tu trí. Tu trí đặng chi ? Ðặng đủ khôn ngoan, Tu hạnh đức hay hạnh kiểm của mình, rồi mới Tu ngôn ngữ của mình, Tu trí đặng lập ngôi tại thế gian nầy, tức nhiên Tu về khí đó vậy.

Bây giờ tới Tu tâm, hễ khi nào chúng ta đầy đủ trí thức, tâm ta mới sáng suốt, khi tâm đã sáng suốt thì biết rằng : Cảnh tượng kiếm sống của chúng ta đây cả thảy đều là mộng ảo, dầu cho cái ý sống hay cái thân của ta đây cũng là mộng ảo, con vật thân thể đã thế nào thì thân thể ta cũng thế ấy. Con vật chết như thế nào thì chúng ta cũng chết tương tợ như thế đó, không khác. Ðã biết kiếp sống chúng ta là mộng ảo thì chúng ta cần phải tìm gì mà chớ. Tìm cái chi cho bền vững chắc chắn hơn, tức nhiên cái thiên lương của chúng ta, là căn bản là linh hồn của chúng ta. Ta đã hiểu được cái Chơn Linh của chúng ta nó bất di bất dịch, nó tồn tại mãi mãi nơi cõi Hằng Sống, biết được cái sống ấy là Hằng Sống thì ta phải tô điểm nó, gìn giữ nó cho được trường tồn đẹp đẽ.

Trước các Tôn Giáo, nhứt là nhà Phật chưa có danh từ thiên lương là gì và tiếng linh hồn mà thiên hạ đã để lấy chữ tâm mà tượng trưng ấy thì nó vẫn là bóng dáng chớ không phải thiệt tướng. Lấy chữ tâm là bất quá nói cái trí của chúng ta do tinh thần căn bản, nên lấy chữ tâm thay thế cho tinh thần, chớ chưa phải thật tướng tinh thần.

Ấy vậy, khi chúng ta đã qua khỏi Tu trí, mới tới giai đoạn Tu tâm, thì Tu tâm ấy nó buộc chúng ta phải xem xét quan sát cả hành tàng kiếp sống của các bậc Thánh Nhơn, Hiền Triết, lời nói và việc làm của các vị Phật hay các vị Tiên đã lưu lại tại thế nầy, chúng ta mới lấy nó làm căn bản, đặng kiếm một khuôn khổ, một phương pháp đặc biệt của mình để làm phương tu của mình.

Các bạn cả thảy đều biết sự Tu Tâm nó chẳng phải để một cái tình cảm đối với vạn vật hay nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy, mà nó còn dắt ta đi, đi mãi con đường đi của nó vô biên, vô tận, bởi nó lấy Càn Khôn Vũ Trụ làm phương tu của nó. Nó lấy càn khôn vũ trụ làm nhà, làm căn bản của nó, cho nên trí của ta đối lại tâm ta, nó lại không vừa, vì danh của tâm nó còn cao vọng hơn nữa, nó còn vô tận vô biên hơn nữa. Nơi cảnh vô hình thế nào thì chữ tâm cũng thế ấy, không ai biết rõ. Do chữ tâm mà Ðức Chí Tôn để cái tình yêu ái, cái Thương với cái Công Chánh, hai cái đó là hình trạng thay thế chữ tâm mới thiệt tướng của nó mà thôi. Còn ngoài ra nữa nó liên hệ và liên quan với cả Phật tánh, Thiên tánh nữa kìa. Muốn đến con đường liên hệ với Thiên tánh, Phật tánh, nó có một cái cửa là cửa tịch mịch, cái cửa ấy ở thế gian nầy thiên hạ muốn lắm, mà phần nhiều đi chưa tới là cửa Hư Vô Tịch Diệt trong cảnh Thiêng Liêng đó vậy.

Ðạo Cao Ðài giờ phút nầy còn thiếu cái đó, tức là Ðạo Cao Ðài còn thiếu Tu Tâm vậy. Nếu Tu Tâm mà thật hiện đặng là 'Ái truất thương sanh', hành vi của Thánh Thể của Ngài, phụng sự cho Vạn Linh là Tu Tâm đó. Nhưng cái tâm mà diễn ra bao nhiêu đấy không phải đủ, nó còn nữa, còn vô ngàn vô tận, cả kiếp sanh nầy chúng ta không có cái năng lực để tạo nó. Ta chỉ nhờ hồng phúc mới tạo nó đặng, nên ta cần nó lắm. Nếu chưa đặng chúng ta không thể nói rằng : Con đường của chúng ta thật hiện còn đi xa vời hơn nữa, bởi vì phụng sự vạn linh Ðức Chí Tôn đã để là cốt yếu Ngài nói rằng : Nếu biết phụng sự vạn linh các con mới bước vô con đường Tu tâm của các con, mà nói các con chưa Tu tâm, bởi cả hình trạng vô biên các con chưa theo dõi, dầu cho các con đặng chữ Từ Bi, Bác Ái và Công Chánh thì cũng chưa đủ gì hết.

Ấy, Tu tâm ấy mới gọi là Tu tâm. Hễ có tâm mới có phương thế lập Ðức. Ðức Chí Tôn dạy chúng ta phụng sự vạn linh cốt yếu biểu chúng ta rán Tu tâm, Tu tâm chúng ta mới đối lại cái quyền năng tinh thần của tâm lý đặng lập Ðức là Tam Lập đó vậy, vì nó liên hệ với nhau như thế đấy.

Cả những lời Bần Ðạo thuyết từ nãy giờ có thể viết ra một quyển sách mà nói lại có bao nhiêu, về rồi suy nghĩ kiếm hiểu sẽ thấy tràn trề ý vị.
Thuyết Ðạo QV / tr38

Top of Page

 4.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ngày 29 tháng 4 năm Ðinh Hợi ( 1947 )

Ðại Từ Phụ là Cha cả vạn linh

Hôm nay Bần Ðạo giảng loài người do đâu mà đến. Trước khi ta tìm chơn lý ấy, ta nên biết trước tạo đoan là Cha cả vạn vật hữu hình và tìm nguyên căn của Chí Tôn trước đã.

Chúng ta đã nhìn trong kinh điển hồi trước để lại thấy cả cơ quan hữu vi nhãn tiền nầy làm cho ta biết và nhìn đến tạo đoan ấy là Ðại Từ Phụ. Chẳng luận giống dân nào và các nhà triết lý của các tôn giáo cũng vậy, đều nhìn Ðấng tạo đoan càn khôn thế giới sanh hóa vạn vật và loài người, là Ðấng Cha cả chúng sanh, ấy là các tôn giáo đã có từ thượng cổ đến giờ. Phật giáo cho ta hiểu, có một Ðấng quyền năng vô biên vô đối không tả được, tạo ra vạn vật càn khôn vũ trụ nầy. Ðấng ấy đã có đến ở cùng loài người, cũng thọ bao nhiêu thống khổ, đau đớn, biết luân luân chuyển chuyển từ phẩm người đến Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ðấng ấy nắm cả quyền năng vô đối, huyền vi mầu nhiệm trong tay, tạo nên càn khôn thế giới định phép công bình, lành có lành trả, ác có ác trả hiển nhiên, nên loài người tôn sùng Ðấng ấy là Ðức Thượng Ðế, cầm quyền thống ngự vạn linh ấy Hoàng Ðế tối cao thượng của võ trụ vậy.

Các tôn giáo có nói Ðức Thượng Ðế là Ðấng không nhìn thấy được vì không hình không ảnh, nhưng không một việc nào mà Ngài không biết. Trong Nho Giáo có câu
: 'Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu'
Nghĩa là : Trời cao lồng lộng mà mảy hào nào cũng không qua khỏi tay Ngài và lưới Thiêng Liêng của Ngài, nên xưng tụng Ngài là Thiên Tôn cầm quyền vạn linh mực thước như một ông tòa trị thế.

Ðấng tạo ra càn khôn vũ trụ, sanh ra nuôi nấng tạo ra bảo bọc, hằng để trong mỗi thi hài một tâm linh mới được khôn ngoan hiểu biết rằng : Có người có ta nên ta nhìn Ðấng cho ta cái tâm linh ấy là Ðấng tối linh, là Cha của ta. Ngoài Ðấng ấy thì không ai nữa làm chúa tể của vạn linh đặng, tôn sùng như thế là thấy Ðấng Cha cao thượng hơn ông Cha phàm, vì thế mới xưng tụng Ngài là Ðại Từ Phụ. Thật thế, nhà Phật cho Ngài là Ðại Từ Phụ trúng hơn hết, vì nếu Ðấng ấy không cho một điểm linh quang thì thế nào bảo tồn sanh mạng đặng.

Loài thú, ta thấy hiển nhiên mới sanh ra tuy mắt còn nhắm híp mà vẫn tìm vú mẹ để sống, đến cỏ cây hễ sanh ra thì biết trải lá hứng sương tuyết, hấp thụ cái sanh khí mà nuôi sự sống, một vật có điểm linh quang ấy, như thế khối linh quang ấy là Cha vậy.

Ðại Từ Phụ là Cha cả vạn linh, chúng ta là con cái của Ngài, không phải chỉ hưởng phần hữu hình tại thế mà thôi. Ngài lại còn dành một phần quí trọng hơn là nhứt điểm linh quang, nhờ đó mà từ vật chất tiến đến thú cầm nhơn loại, mới tiến đến Phật vị mà ngang phẩm cùng Ngài. Ðức Từ Phụ là Phật, Ngài muốn cho con cái của Ngài cũng thành Phật, đặng đạt quyền năng bí mật như Ngài, rồi lập ra một càn khôn thế giới khác. Luật thiên nhiên của một ông Cha tạo nghiệp, thì con theo nghiệp Cha mà tạo ra sự nghiệp khác nữa.

Tuy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong hàng Phật đạt kiếp từ tạo càn khôn thế giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung lập một Ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người :

1. Phật Thích Ca.
2. Phật Di Lặc.
3. Ðức Chúa Christ.

Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời, ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói.

Hễ Ðấng nào đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Ðại Ðạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được thì Ðấng ấy sẽ kế nghiệp Ðức Chí Tôn.
Thuyết Ðạo QI / tr47

Top of Page

 5.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo - Ðêm 14 tháng 6 năm Ðinh Hợi (31-7-1947 )

Vấn đề đại đồng thế giới

Bần Ðạo hôm nay thuyết về triết lý nguyên do của loài người. Triết lý ấy là một vấn đề từ có loài người đến giờ, tìm tòi cho thấu đáo chơn lý hầu đi cho trúng con đường tức là Ðạo vậy.

Từ thượng cổ loài người chỉ biết mình có một, nghĩa là đồng sanh đồng tử. Muốn biết nguyên căn triết lý các Ðạo giáo, truy tầm vấn đề trọng yếu ấy thì thử hỏi loài người do nơi nào mà đến? Chịu phần tử sanh cùng vạn vật để làm gì ? và chết phải đi đâu?

Chẳng lạ gì, tại thế gian nầy từ thử các Ðạo giáo đều tìm nguyên căn ấy tức là để trở lại nguyên do căn bản gọi là Ðạo.

Cái thuyết tối trọng tối cao ấy phải viết sách, mới mong đủ nghĩa được. Bần Ðạo có nói triết lý ấy nơi đây thì chắc chắn chư hiền nghe cũng như không, nghĩa là không bổ ích chi cả, bởi quá sức hiểu biết. Nên Bần Ðạo hứa ngày rằm tháng 7 đến đây sẽ viết ra cái chơn lý ấy trong một bài diễn văn, nguyên do cả đạo đức triết lý.

Hôm nay Bần Ðạo xin thuyết minh vấn đề đương sở dụng hiện thời là vấn đề đại đồng thế giới ( Fraternité unlverselle ). Tại sao nước nào, dân tộc nào trong thế giới hiện chừ đương mơ mộng tìm phương pháp đại đồng thế giới ? Nói thật ra kể từ có Thánh Giáo Gia Tô, vấn đề ấy chấm dứt một câu hỏi nguyên vẹn và thúc nhặt hơn hết. Thuyết đại đồng Phật Giáo đeo đuổi mãi mới lập thành giáo, rồi mới lập cả tâm lý đại đồng.

Loài người từ tạo thiên lập địa đồng một nguyên do một tánh chất, đồng một nguyên linh, thúc kết triết lý ấy hơn hết là từ Ðức Chúa Jésus tạo nền Thánh Giáo Gia Tô. Ngày nay Ðạo Cao Ðài cũng đeo đuổi mục đích ấy. Trên mặt địa cầu, người ta tìm hiểu loài người được hai ngàn bảy trăm triệu (2.700.000.000) vì nguyên căn tinh thần hình thể, chủng tộc loài người là một nguyên do, một căn bản. Rồi đến thế nầy biến cải sắc da đen lên xám, lên xanh, lên đỏ, lên vàng cuối cùng là da trắng. Ðương nhiên là mãn hạ nguơn tam chuyển, lên thượng nguơn tứ chuyển, vì chuyển tiến nên loài người phải chịu khảo đảo đặng vào trường thi hầu thoát khỏi mặt địa cầu nầy để đến thế giới cao trọng hơn, còn rủi rớt thì ở lại địa cầu nầy mà làm thần thông nhơn, do hai sắc da vàng và trắng hiệp lại xuất hiện.

Ấy vậy, thuyết đại đồng thế giới trong buổi nầy Chí Tôn lập Ðạo Cao Ðài cốt yếu để làm cho loài người biết mình do một nguyên căn linh hoạt sản xuất chung nhau, biết nhìn nhau là anh em đồng một nguyên căn mà đến. Từ cổ chí kim các tôn giáo tìm đủ mọi phương làm cho loài người thức tỉnh tinh thần, biết nhìn nhau là cốt nhục. Hại thay ! loài người chẳng biết nhìn chơn lý của Ðạo, những luống mờ hồ nên Chí Tôn buộc lòng phải đến tạo nền Ðạo Cao Ðài, chủ trương cho loài người một đại nghiệp, hiệp một hoàn cảnh, chung sống nhau một tinh thần, một căn bản, qui tựu cho toàn sắc dân hầu bảo trọng cái sống của nhau, sớt ngọt chia bùi, bảo tồn nhau cho qua sự khảo đảo đau đớn nơi khổ cảnh nầy từ trước.

Luận xét đến các nước ở Âu Châu, ở Á Châu đồng tìm chánh sách vạch triết lý ấy và đương hoạt động loài người hiệp nhau làm một. Bởi lý do đó các nhà thượng đẳng nhơn sanh chia nền chánh trị ra mỗi quốc gia, dụng tâm lý chia đều quyền lợi, cố ý tìm cách thống nhứt cả loài người làm một trong đường sanh hoạt mà thôi, ấy là nước Mỹ đương thi thố hiện thời, còn nước Nga lại chia phân tài sản, dung hòa tâm lý tạo cho loài người một phẩm giá, một quyền lực đồng nhau. Phương pháp ấy khó đạt thành nguyện vọng, chúng ta sẽ thấy những tư tưởng rẻ rúng ấy chẳng còn hiệu lực cao siêu trong thời gian ngắn ngủi sau đây vì cái quyền lực muốn hiệp tâm lý cần phải yêu ái, kỉnh trọng nhau, tôn trọng mạng sanh cho nhau, chia buồn rầu khổ não, nhìn một Ðạo với nhau, lấy tình cốt nhục đối đãi với nhau thì mới đầm ấm cả đại gia đình xã hội, tức là toàn cầu thiên hạ vậy.

Muốn đạt cho được mục đích ấy, duy lấy đạo đức tinh thần, muốn kỉnh nhau, hòa nhau, nhìn nhau là ruột thịt, mình thấy nhà bạn mình có của nhiều lại ganh ghét, đứa nầy giành của đứa kia, hỏi vậy hòa được chăng ? Nếu còn giành ăn, ở, mặc, sang giàu, cao trọng thì không thể nào đi đến đại đồng tâm lý được.

Cái hiện tượng của chúng ta đã thấy trước mắt, nước nào tìm phương pháp đại đồng thế giới mà chẳng biết hiệp tâm lý làm một thì chỉ là chánh sách vô hiệu nghiệm mà thôi.

Ví cớ, Chí Tôn đến tạo một gia đình nầy có một ý nghĩa tối cao tối trọng, là muốn thế nào dầu nam hay nữ thương yêu mực thước hiệp tâm lý cả loài người mà tạo thành khuôn mẫu, một thế hệ mà gây tình anh em cốt nhục, vừa thi hài vừa trí thức tinh thần mà chung sống cùng nhau.

Thoảng ngày kia toàn Ðạo biết thương yêu nhau như ruột thịt, toàn quốc dân việt Nam hiệp một thì hột giống đại đồng thế giới mới mong gieo rắc khắp nơi, gầy dựng tạo thành nền móng vĩnh cửu, bằng chẳng thì các phương pháp khác chỉ sẽ là vô ý thức mà thôi.
Thuyết Ðạo QI / tr 50

Top of Page

 6.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ngày mồng 1 tháng 11 năm Ðinh Hợi ( 1947 ).

Thuyết đại đồng

Ngày nay Bần Ðạo giảng về đại đồng. Trước khi giải thuyết ấy, Bần Ðạo xin giảng thuyết duy tâm và duy vật. Nếu không thấu hiểu hai thuyết ấy thì không hiểu thuyết đại đồng. Bần Ðạo đã giảng về Tam Bửu tức là ba cơ quan tạo nên con người:

1. Là Tinh
2. Là Khí
3. Là Thần.

Tinh là gì ? Tinh là con người hữu hình tức là xác thịt ta.
Khí là gì ? Khí là trí não của chúng ta.
Thần là gì ? Thần là linh hồn của chúng ta, Ðức Chí Tôn gọi là Chơn Linh.

Ba món báu ấy tương hiệp với nhau, bởi vì mỗi Bửu có Thể Pháp riêng, mà ba xác ấy hiệp lại mới tạo thành hình ảnh con người.
Bây giờ phân ra :

Tinh là vật, tức nhiên là con vật là thú, như các con thú khác, nghĩa là hình xác đứng về hàng phẩm thú.
Khí là sanh quang, trí não ta.
Thần là chơn linh sản xuất nơi Chí Tôn.

Ba cơ quan tương liên nhau, có khi làm trung gian. Khí là trí não ta, nó đáo đến địa giới hiệp cùng chơn linh cho huệ trí. Trái lại, nếu nó không tương liên với linh hồn đặng thì nó lại tương liên với xác thịt, nghĩa là nhập vào giác tánh của con người. Giác tánh là gì ? Giác tánh là trí não thô sơ, nó chỉ biết sống như con vật. Tỉ như con thú kia mới sanh ra chưa biết gì mà đã tìm vú mẹ, đặng bảo trọng sanh mạng của mình. Luật bảo sanh biểu nó phải tìm bao nhiêu đó để sống mà thôi. Ba món báu ấy tương liên với cả càn khôn vũ trụ, Thần tương liên với Phật tức là Chí Tôn, Khí tương liên với Pháp, còn Tinh tương liên với Tăng, tức là với vật loại.

Ấy vậy, duy vật là xu hướng theo Tinh, còn duy tâm tức là thuyết hữu thần, tương quan với Phật là Chí Tôn. Bình thường các tôn giáo, đặt ra tên nầy, danh nọ đủ thứ, chí lý là tìm Ðấng tạo sanh vạn vật, lấy hình của người mà tạo linh quang của loài người tức là cha linh quang của chúng ta, hay là cha của vạn loại đó vậy. Bởi vậy, các tôn giáo nhứt là Thiên Chúa Giáo nói : Con người là Thiên Thần bị hảm tù bởi chơn linh của chúng ta với Thiên Thần đồng chất với Chí Tôn. Mang lấy xác thịt nầy tức là ở trong cái khám vật loại. Còn Phật Giáo cho ta hiểu ba báu ấy chẳng khác nào như người cỡi ngựa với con ngựa. Con ngựa ấy là con kỵ vật tức là Tinh, Pháp là dây cương con ngựa, mà trọng yếu hơn hết là đồ bắt kế con ngựa là hàm thiết, chưn đang kềm con ngựa chạy ngay con đường mình muốn tức là Tinh. Người cỡi là chơn linh ta, nghĩa là Thần, Thần là hình ảnh của Chí Tôn tạo cho ta, vì cớ con người có cao vọng chưa đạt được gì cao trọng, chưa đắc huệ trí mà đã tưởng mình là ông Trời con, nên luôn luôn muốn làm Trời hơn hết. Tại sao vậy ? Có khó gì đâu mà không hiểu : Ðứa học trò ngồi trong lớp thấy ông quan vô, có kỉnh sợ chi đâu mà tự nói thầm rằng : ông làm quan được trước, tôi cũng sẽ làm quan được, trừ ra khi nào ném sách vở ra chăn trâu thì mới hết phương làm được.

Chơn linh biết mình muốn tu hầu làm Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng có thể làm bằng được Chí Tôn mà chớ, bởi vì phẩm vị Ngài đã dành để sẵn cho các con cái Ngài, nếu người nào làm được như Ngài vậy. Bởi vậy dầu chưa làm được ra gì, đã biết mình là Trời tại thế. Có câu chuyện tức cười, bằng cớ hiển nhiên như Ðức Trạng Trình là Nguyễn Bỉnh Khiêm buổi nọ, hồi còn bé đi học, có Quan Huyện đến xét trường hay thăm trường chi đó, nghe nói Ngài nổi danh Thần Ðồng khi thấy Ngài nhỏ người, thân không cao lớn hơn ai, lại bận áo rộng xùng xình, vì bận bính của ai đó lết bết dưới đất thấy nên ghẹo chơi. Ông Huyện ra một câu đối như vầy : Học trò là học trò con, quần áo lon xon là con học trò. Ngài ứng thinh trả lời liền : Ông Huyện là ông Huyện thằng, ăn nói lằng xằng là thằng ông Huyện. Ngài nói liền, thiện tu nhứt định không chịu thua.

Ấy vậy, duy tâm thì sản xuất thiên tâm, duy vật thì sản xuất nhơn tài. Ðể rồi sau Bần Ðạo sẽ thuyết ra thiên tài và nhơn tài một lần đặc biệt. Nãy giờ Bần Ðạo đã mở đề cho hiểu xin nên nhớ và nghe giảng tiếp thuyết đại đồng. Ðại đồng là hiệp một loại vật, vậy đại đồng tiến hóa do căn bản nơi đâu mà có ? Dám chắc hỏi đại đồng là gì ? Không ai giải nghĩa được. Ðại đồng là đồng sanh tức nhiên là chúng sanh đó vậy. Ai đã đồng sanh với ta là bạn là anh em của ta. Bởi các vật hữu hình thọ quyền năng vô tận vô biên của Chí Tôn, đến thế gian với một mạng sanh, tức là đồng sanh, dầu vật loại, côn trùng , thảo mộc, thú cầm hiệp với loài người là chúng sanh, tức nhiên là bạn đồng sanh cả thảy. Hễ đồng sanh ta phải nhìn nhau là anh em trong lòng Chí Tôn mà sản xuất, vì nhà Phật cấm ta không đặng sát hại sanh vật, vì là bạn đồng sanh của chúng ta.

Vậy hai chữ đại đồng là gì ?
Thật ý nghĩa bạn đồng sanh, nhìn nhau hiệp một trong nguyên căn gọi là Ðại Ðồng.
Hỏi thuyết đại đồng ngày nay xuất hiện là tại sao? Chúng ta đoán dễ lắm. Cung kỉnh, tôn trọng, quí hóa mạng sanh vạn loại, loài người đứng phẩm tối cao tối trọng, thay thế hình ảnh Chí Tôn có quyền làm chúa đại đồng. Loài người bị tàn ác, chẳng những sát hại vạn linh mà thôi, lại chém giết tranh ăn, tranh sống, lấy cường lực đàn áp làm căn bản, dùng bạo tàn làm chúa thiên hạ, chớ không dùng đạo đức tinh thần, bạo tàn không dễ làm chúa thiên hạ. Cái thuyết duy vật là trong khuôn luật vật hình nhứt định, còn thuyết duy tâm chỉ có khuôn khổ thiên nhiên, theo thuyết duy vật nào là các cường quốc trên khắp địa cầu tìm đủ phương châm luật pháp, làm cho thiên hạ hóa ra đại đồng ấy là điều mơ mộng vì không hề đạt vọng được. Chưa ai hiểu đặng một người tài tình quán chúng, trí não cao sâu phải hạ mình làm người ngu dốt. Chưa có quyền năng nào mà đem một đứa ngu dốt lên làm ông tể tướng triều đình. Hàng phẩm căn mạng đều do Chí Tôn sở định. Ðã biết không ai ép buộc được, không khuôn luật nào biểu một vị đại văn sĩ ăn mày ngoài chợ được.

Hễ không có hình luật nào làm được, sửa được thì thuyết đại đồng thiên hạ không thành tựu. Thuyết ấy kết liễu được là khi nào lấy thuyết hữu thần duy tâm làm môi giới chung trong sự yêu ái tôn trọng nhau, trong tình anh em đồng một căn bản, một máu thịt, một chủng tộc. Vì cớ các Ðấng giáng cơ bên Âu Châu nói : Loài người sẽ đạt đến địa vị tối cao tối trọng mà họ muốn đạt, là loài người sẽ có nòi giống một quốc gia, một tôn giáo, ngày giờ nào loài người đạt được ba điều ấy thì thế giới đại đồng kết liễu thành tướng. Chí Tôn đến với loài người, Ngự Mã Thiên Quân của Ngài sợ Ngài xuống trần phải nguy hiểm, Ngài đến tạo cho loài người một quốc gia, một nòi giống, một tôn giáo, nhưng Ngự Mã Quân của Ngài không muốn cho Ngài đến nên thay Ngài đến làm cho ba điều ấy thành tựu nên hình. Nếu ba điều ấy thành thì đại đồng thế giới thành. Nếu ba điều ấy không thành, thì đại đồng thế giới thuyết vẫn còn trong vòng mơ mộng .
Thuyết Ðạo QI / tr103

Top of Page

 7.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo - Ngày rằm tháng 8 năm Ðinh Hợi ( 1947 )

Tánh đức nòi giống Việt Nam

Hôm nay Bần Ðạo luận bàn cùng mấy chị, mấy em, Bần Ðạo giảng về tánh đức của nòi giống Việt Nam, dầu nam hay nữ, dầu sùng bái Tôn Giáo nào cũng không nên quên mối Ðạo căn bản lưu truyền của nòi giống là tin tưởng Trời tức Ðấng Chí Tôn đó vậy.

Toàn thiên hạ trên mặt địa cầu nầy, ngày nào họ biết Ðạo của Chí Tôn, họ sẽ bỏ cả khuôn khổ đạo đức của họ mà chớ, vì từ thử nước Việt Nam vẫn giữ được tánh đức lương thiện của mình, nên vì lẽ công bình ấy Chí Tôn mới đến hoằng khai Ðại Ðạo, định đem tánh đức hướng thiện của nòi giống Việt Nam gieo truyền vào tánh đức của thiên hạ.

Tôi sinh trưởng tại Tây Ninh, ông cha tổ phụ đều ở Tỉnh Tây Ninh thì có chi vui vẻ và hạnh phúc hơn được mở mang mối Ðạo nơi xứ sở yêu quí nầy. Ngồi trầm ngâm suy tưởng tôi xin thú thật, phần nhiều mấy anh, mấy chị nơi quê hương của tôi hẳn đã biết tôi từ thuở bé, anh chị thấy tôi truyền giáo tưởng tôi mê hoặc chúng sanh. Nghĩ rằng : không ai dám đứng lên hoạt động mà tôi hăng hái đứng lên phổ thông nền Ðạo, cho đến ngày nay được đạt thành nguyện vọng, các bạn tôi lấy làm lạ, cho rằng ngày trước nó là bạn của ta, nó không có gì đặc biệt mà ngày nầy bước chân đến nền Cao Ðài thì thấy có sự thay đổi lạ lùng. Bởi vì tôi đã lấy khuôn khổ đạo đức tinh thần phù hạp với phong hóa lễ nghi, có ảnh hưởng đắc lực với dân chúng thi thố chơn truyền của Ðức Chí Tôn cho ra thiệt tướng, cho bạn đồng hương của tôi được thấy ân huệ thiêng liêng ban bố cho nòi giống ta, giá trị cho Tỉnh Tây Ninh biết bao nhiêu. Cầu nguyện ơn trên ban bố hồng ân để dìu dắt mấy chị, mấy em đến đây, đến Ðền Thờ Chí Tôn là nơi Chí Tôn đã tạo nổi hình tướng của Ðạo.

Mấy chị đừng ái ngại, cứ bước lên làm gương mẫu cho kẻ đi sau, Chí Tôn đến đây lập Ðại Nghiệp Thiêng Liêng cho toàn thiên hạ, Bần Ðạo tin tưởng Người chỉ làm việc hữu ích cho đời. Ðối lại hỏi chúng ta đã làm gì ra giá trị ? Gia Tô Giáo của kẻ nghèo nàn đói khổ, của một vị Giáo Chủ hành khất còn nên được đại nghiệp, chúng ta làm bao nhiêu như bọt nước bèo trôi. Một tiếng nói, một việc làm trong gia đình không phải là đủ, có thể nói tỉ dụ như một ống truyền thanh thường trong gia đình chỉ đủ cho gia đình đó nghe thôi. Tôi tưởng muốn tạo dựng cả tinh thần nòi giống nước nhà cần phải tăng gia năng lực thêm nữa.

Ngày nay không phải như trước kia, cửa nầy mấy chị mấy em có thể ra vào thong thả được, mở ra con đường tiến hóa của nòi giống. Ngày nay mấy chị đã đến trong nền Ðạo nầy tôi xin để lời cám ơn toàn mấy chị mấy em.
Thuyết Ðạo QI / tr71

Top of Page

 8.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 30 tháng 10 năm Kỷ Sửu ( 1949 ).

Ý nghĩa sự sống của con người.

            Ðêm nay Bần Ðạo đình thuyết Bí Pháp, cái nguyên do thế nào Bần Ðạo xin minh biện ra. Vả chăng, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh náo nhiệt vì hai thuyết duy tâm và duy vật đương chiến đấu với nhau, chúng ta dầu chức sắc Thiên phong hay là mấy em nam nữ cũng thế, là một phần tử trong Thánh Thể Ðức Chí Tôn. Ngài đã tạo tinh thần chúng ta, vì sự thương yêu của Ngài nên Ngài lập Thiên Vị tại thế nầy cho con cái thương yêu của Ngài, Ngài biểu chúng ta ký hòa ước với Ngài, để thay thế hình ảnh cho Ngài, đem hết tinh thần từ bi công chánh của Ngài đối với vạn linh, tức nhiên chúng ta phải thay thế hình ảnh cho Ngài, dung hòa Vạn Linh hiệp với Chí Linh, tức nhiên Ngài cho ta cái sứ mạng để dung hòa Ðời với Ðạo.

Cái lý thuyết duy vật là cái lý thuyết sống của đời, còn cái lý thuyết duy tâm phải chăng là cái sống của Ðạo. Ðáng lý ra chúng ta phải tùng bên mặt duy tâm thì mới phải, bởi chính mình chúng ta có sứ mạng thay thế vi chủ của duy tâm tức nhiên chúng ta phải ngã bên mé duy tâm hơn hết vì đã có ký hòa ước với Ðấng Chí Linh kia giữ công chánh đặng dung hòa tinh thần Ðời với Ðạo, vì mức công chánh ấy chúng ta không nên nghiêng đổ đó vậy.

Chúng ta tiềm tàng, chúng ta định trở lại là có cái lý do nầy, Ðạo Cao Ðài không cần dùng mê tín dị đoan là cho sự tín ngưỡng đặng mạnh mẽ của nó. Chúng ta không cần trái ngược lại, đem hết triết lý chơn thật để lại thế nầy mà thôi. Bởi vì dối trá dầu cho Ðạo hay đời, trường dối trá ấy đã làm cho cơ thể tạo đoan nghiêng ngữa. Chúng ta không cần xu hướng theo cái dối trá thường tình nữa, chúng ta phải tiêu diệt cái dối trá ấy. Lại nữa trong hoàn cảnh chúng ta đang làm trung gian giữa Ðạo và Ðời, chúng ta chẳng nên mượn thế lực mê tín dị đoan để làm khiếp phục đặng quyết thắng tà quyền đang làm tinh thần loài người điên đảo, một trường ngôn luận xù xì đã kiếm thế hèn tiện của thiên hạ đang tính tạo thành một phản động lực đặng làm mất giá trị của nền chơn giáo Ðức Chí Tôn. Bần Ðạo nói thật, muốn đánh tiêu cả sự dối trá, gian ngược ấy chẳng phải dễ, người có thể làm cho thiên hạ mê tín dị đoan được là Bần Ðạo mà Bần Ðạo không làm. Bởi vì Bần Ðạo coi sự làm ấy hèn tiện và vô đạo đức, Bần Ðạo chỉ lấy một triết lý chơn thật của Ðức Chí Tôn để giáo đạo cho con cái của Ngài mà thôi.

Bần Ðạo duy muốn làm bạn với con cái Ngài, nên phẩm vị Phật sống của Ðức Chí Tôn để cho Bần Ðạo mà Bần Ðạo chưa có ngồi. Ấy vậy, mê tín dị đoan trong cửa Ðạo Cao Ðài không có và không cần có, quả quyết hẳn vậy, nên đình lại bí pháp chơn truyền, nếu thuyết ra là lấy cái quyền năng mê tín dị đoan mà thắng thiên hạ là một điều hèn nhát nên Bần Ðạo không dùng, để khi nào dùng được Bần Ðạo sẽ dùng. Bần Ðạo hứa chắc sẽ giáo hóa cho con cái Ðức Chí Tôn mà thôi.

Bây giờ bần Ðạo xin thuyết 'Ý vị và ý nghĩa lý sống của con người' Vả chăng, chúng ta đến với một phần xác ở tại thế nầy, chúng ta phải biết cái sống của nó có ý vị gì ? Ðã sanh đứng làm người sống tại mặt thế gian nầy, chúng ta nên tìm hiểu cho thấu đáo cái ý vị của cái sống ấy và cái ý nghĩa của nó thế nào trước cái đã. Vì thế mà từ thượng cổ đến giờ tinh thần loài người vẫn đeo đuổi mãi mà thôi, vì cớ cho nên tượng trưng các hình tướng, các nền Ðạo, các Tôn Giáo.

Chúng ta quan sát cả triết lý của cái sống phải có lý do nào ? Sống đương nhiên của chúng ta có hai cái sống :

1.Sống về vật chất, mà nói rõ ra sống về phương pháp thú chất.
2.Sống về tinh thần, tức nhiên sống về phương pháp hiển hách, anh linh của nó

Chúng ta thấy có hai cái quyền năng ấy, nó tương tranh với nhau mãi mà thôi. Vì cớ cho nên mới nảy sanh ra thuyết duy tâm và duy vật. Chúng ta thử nghĩ do lịch sử của loài người thì chúng ta đã biết loài người như đã nói, cái thuyết kia là phải 'Connais-toi, toi- même' nghĩa là : 'Người biết người hơn hết'. Mình muốn biết mình đặng chi ? Ðặng tìm hiểu cho thấu đáo cái nghĩa lý sống của mình.

Chúng ta thấy thượng cổ, bực cổ nhân nhứt là hạng vĩ nhân, dân Âu Châu thì có Socrate cũng trong thời đại nhơn sanh đó, chính Ngài lấy thuyết Ðấng Chí Linh trong càn khôn vũ trụ, cái thuyết làm cho phản động lực coi Ngài như kẻ thù nghịch đến nước, cái quyền năng buổi nọ coi mạnh mẽ thế nào ? Ðịnh tử hình Ngài, cho Ngài lấy chén thuốc độc mà tự tử. Khi giam Ngài trong ngục, Ngài có phương thế hội đàm với các nhà triết học. Tới giờ chúng đem chén thuốc độc đưa trong tay của Ngài biểu Ngài uống, Ngài bưng chén thuốc độc ấy để từ giã các bạn của Ngài, mà Ngài nói như chơi vậy, Ngài nói :
'Tôi biết rằng, ngoài cơ thể tạo đoan của đời nầy nó còn có cơ quan vô hình tối trọng kia, tôi đã quả quyết rằng có, thì cái chết nầy ta mong lắm chớ, giờ phút ta cầm chén thuốc độc nầy ta uống thì ta sẽ được hội hiệp với các vị hiền triết, được làm bạn với họ thì có gì hơn.'

Nói rồi, Ngài bưng chén thuốc độc Ngài uống. Giờ chết của Ngài, giờ ngặt mình của Ngài thì môn đệ của Ngài hỏi :
'Ngài chết đây rồi Ngài sẽ đi đâu ? hay sẽ làm gì ?'

Ngài cười nói :
'Ta chưa biết, ta sẽ làm chúa cả cơ thể tạo đoan nầy, để điều đình cả cơ quan vĩ đại của càn khôn vũ trụ hay ta sẽ làm chơn của con châu chấu, dầu thế nào cũng có Ðấng cầm mực thước định cho ta làm cái gì, thì ta làm cái nấy.'

Cái chết đối với Ngài không có nghĩa lý gì hết.

Ðức Lão Tử khi đạt được bí mật của Bát Quái Ðồ rồi, Ngài từ giã nhà Châu, Ngài về Côn Lôn Sơn mà an nghỉ, môn đệ của Ngài hỏi :
'Ngài về Côn Lôn Sơn để làm gì ? Có hạnh phúc hay không ?'

Ngài trả lời :
'Duy có cái biết của ta mà nó làm cho ta có cái thú vị sống đặc biệt riêng, không cần nói rõ hạnh phúc ấy ra thế nào ? Nhưng ta chỉ nói rằng, cái biết của ta nó làm cho ta hưởng được thú vị an ủi của cái sống ấy.'

Ðức Khổng Phu Tử từ giã quan trường về giáo đạo cho các môn đệ của Ngài, thiên hạ gọi là vô phước, mà cảnh thiệt vô phước của Ngài là lúc làm quan cho nhà Châu, làm quan cho nước Tề, nước Yên và lúc châu lưu trong lục quốc.

Bây giờ Ngài về sống với thất thập nhị hiền, tam thiên đồ đệ của Ngài là Ngài hạnh phúc hơn hết vì Ngài biết thú vị cái sống của Ngài thế nào, cái sống của Ngài vui về Ðạo mà thôi.

Giờ trái ngược lại, sống chúng ta thấy trước kia sống của Tần Thủy Hoàng, sống như Sở Bá Vương, hai tay trắng lập nên nghiệp đế, đè ép cả tinh thần dân chúng buổi nọ, vị chúa của họ sanh sát tàn ác, không có điều chi mà họ không làm, quyền hành của họ tàn sát lắm.

Cái sống của Tần Thủy Hoàng thế nào ? Dòm trở lại, thấy cái chết của ngài, Ngài than :
'Cái tài tình thâu cả nghiệp Ðế ta thắng được, duy có cái chết ta thắng không được'

Vì thế mới cho người đi kiếm thuốc trường sinh bất tử, mê tín đến nước người ta cho ăn dái ngựa mà cũng ăn nữa, ăn đặng sống mà anh ta cũng chết.

Nã Phá Luân đã được cơ hội làm nên nghiệp Ðế, hồi buổi đó làm cho toàn cả Âu Châu, các nước chư hầu đều cúi đầu hết thảy, đến chừng chết, chết trong ngục He Saint- Hélène.

Ông Vua giàu có sang trọng hơn hết là Louis XIV thiên hạ hồi thế kỷ đó cho ông là vua Trời 'Le Roi Soleil' cả thiên hạ đều tùng phục, kính trọng, kiêng nể, Âu Châu buổi nọ có thể nói Ngài là một vị bá chủ của thiên hạ, không có cái gì mà anh ta không có 'Phú hữu tứ hải.' Sang trọng vô biên, có một điều là Ðền Vua của Ngài 'Palais Louis XIV' quân lính canh từng bảy vòng, cấm cái chết vô trong Hoàng Gia của Ngài mà không đặng, chết cả con cháu của Ngài cho đến nỗi gần hết trong Hoàng Gia. Rốt chuyện Ngài truyền ngôi báu lại cho đứa cháu nội mà thôi.
Ngài than rằng :
'Hại Thay ! Hoàng Thành của ta mấy vòng canh nghiêm nhặt mà không cản được cái chết đến nhà ta.'

Chức vị sang trọng của mình sống như cọp vậy, bắt được thịt ăn cho đã rồi nằm ỳ ra đó ngủ mà chúng cũng kiêng cũng sợ, nhưng chúng chưa biết thương, sống như cá Ông không ai thấy, mà chiếc ghe nào chìm thì cá Ông cũng đỡ. Cái sống con cọp không có ai thờ, còn cái sống của cá Ông có người ta thờ.
Hai cái sống đặc biệt ấy là cái sống duy vật và duy tâm. Bần Ðạo tả ra cho con cái Ðức Chí Tôn mỗi người lấy đó mà suy gẫm.
Thuyết Ðạo QIII / tr 54

Top of Page

 9.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 30 tháng 6 năm Tân Mão ( 2-8-1951 ).

Khuôn luật nào chúng ta đã sống

  Kỳ đàn trước Bần Ðạo đã giảng và đã hứa Kỳ đàn nầy Bần Ðạo giảng tiếp khuôn luật nào chúng ta đã sống nơi cõi thế gian nầy. Kỳ trước Bần Ðạo giảng vấn đề cái sống của chúng ta nơi mặt địa cầu nầy và cái sống của ta nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, kiếp sống ấy là kiếp chết của người đời thường gọi.

Bần Ðạo nhớ lại khi học Ðạo cùng các Ðấng Thiêng Liêng, chúng ta đã có luận hai chữ sống chết. Các Ðấng Thiêng Liêng cho rằng : Dùng hai tiếng ấy không có chơn thực và không chơn lý, cái hữu ngã tướng của chúng ta, tức nhiên chúng ta hữu ngã như bàn tay vậy, không lẽ bàn tay nầy lật ngửa là sống, bàn tay nầy lật úp là chết bất quá xoay qua xoay lại gọi là xoay chuyển mà thôi chớ có chết sống đâu. Sống chết không có nghĩa lý gì, sống nơi mặt thế gian nầy và sống nơi cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống cũng gọi là cái sống mà thôi. Ấy vậy sống chết là chuyển luân.

Hôm nay Bần Ðạo giảng khuôn luật nào chúng ta sanh ra nơi mặt thế nầy, hay chúng ta sống nơi cửa Thiêng Liêng Hằng Sống. Ðại Từ Phụ ta, cũng có tánh chất như ta vậy thôi. Chúng ta nên lấy tỉ thí người cha của chúng ta nơi mặt thế gian nầy, chúng ta tìm biết thử coi ông muốn cho chúng ta làm gì, hay là ông định cho ta làm gì, mà ta định làm theo ý thích của ông, hay nói rõ cả toàn thể các ông cha đã muốn cho con cái làm gì, tức nhiên toàn thể nhơn loại muốn cho ta làm gì, ấy là định luật đó vậy.

Ðức Chí Tôn là Ðấng tự hữu hằng hữu quyền năng vô tận vô biên, vì cớ nào Ngài dựng vạn vật và vạn linh trong khuôn luật nào? Ðấng toàn năng toàn tri ấy muốn gì không đặng mà tạo ra vạn vật hữu hình nầy, do khuôn luật nào, do khuôn luật nào chúng ta đã thấy đã tìm khuôn luật nhỏ ấy rồi chúng ta có thể đoán được khuôn luật của Ngài, chúng ta mới biết chúng ta có hai cái sống.

Sở năng chúng ta khi thức chúng ta đã muốn làm gì, khi chúng ta ngủ hành tàng chúng ta đã làm gì ? Ðịnh luật chúng ta đã làm gì, buổi chết chúng ta đã làm gì ?

Hai khuôn luật ấy định chung nhau, Ðức Chí Tôn có hai phần năng lực như ta đương nhiên bây giờ, phần vô đối, vô cực, vô thượng của Ngài là phần ' Dương năng' 'Huyền vi phạm quảng đại' của Ngài vô cùng vô tận, nơi đó tạo càn khôn vũ trụ, bát phẩm chơn hồn định số của vạn linh. Còn về phần 'Âm năng' của Ngài, tức nhiên Ngài cũng có như ta một luật 'thất tình lục dục' rồi Ngài phân tánh ấy ra. Ngài chuyển Âm năng ra Phật Mẫu, chúng ta đang thờ buổi nầy.

Cái Dương năng của Ngài và Âm năng của Phật Mẫu, chính mình Phật Mẫu, Ngài biến thân ra cái Âm năng của Ngài, chúng ta nói rằng : Phật Mẫu với Ðức Chí Tôn, Ðức Chí Tôn với Phật Mẫu là hai quyền năng tạo dựng càn khôn vũ trụ, Ngài cầm quyền tinh thần, Ðức Phật Mẫu cầm quyền hình thể.

Khi Kim Bàn sản xuất, bát phẩm chơn hồn đi ra chính mình Ðức Phật Mẫu tạo dựng hình ảnh vạn linh, vì cớ cho nên Ðức Chí Tôn quyền năng vô đối, Ngài muốn thế nào cho toàn thể bát phẩm chơn hồn tức nhiên toàn thể vạn linh được hưởng một gia tài dành để là :
Toàn thiện, toàn năng, toàn tri của Ngài về tinh thần về hình thể, Ngài muốn quyền năng con cái của Ngài, tức nhiên vạn linh có đủ quyền năng vô cực vô thượng của Ngài đặng điều đình Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái và Tứ Ðại Bộ Châu.

Ấy là Ngài dành cho con cái của Ngài, muốn cho đặng toàn năng toàn tri, vô cực vô thượng như Ngài, Ngài phải cho sản xuất, hồi sản xuất nơi Kim Bàn ra đơn sơ lắm, không đủ quyền năng điều khiển càn khôn vũ trụ như Ngài, Ngài muốn cho chúng ta tạo dựng sự nghiệp, muốn cho chúng ta có đủ trí thức tinh thần điều đình đại nghiệp ấy.
Thuyết Ðạo QIV / tr41

Top of Page

 10.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 14 tháng 7 năm Tân Mão ( 1951 )

Ðịnh phận của con người

Kỳ Ðàn trước Bần Ðạo có hứa kỳ nầy giảng về định phận của con người, tức nhiên định phận của chúng ta. Dầu cá nhân, dầu xã hội nhơn quần hay là toàn thể nhơn loại cũng vậy, chúng ta đã thấy trước mắt một tấn tuồng đau khổ mà Ðức Phật Tổ đã tìm thấy chơn lý ấy là Tứ Diệu Ðề.
Chúng ta tự nhiên nhận biết rằng, sống của ta nơi cõi thế nầy không phải sống đặng hưởng hạnh phúc, trái ngược lại chúng ta đã sống nơi một cảnh khổ, Tứ Diệu Ðề tức nhiên tứ khổ đó vậy.

Chúng ta lại để mắt xem thấy cơ đời đã để trước mắt chúng ta nhiều lẽ bất công, chúng ta đã thấy một tấn tuồng khôn hiếp ngu, mạnh hiếp yếu, sang hiếp hèn, hung dữ hiếp hiền từ, tàn bạo hiếp đạo đức, lẽ bất công ấy dẫn loài người từ thử đến giờ đi tới chỗ biết nguyên nhân của nó. Chúng ta đã thấy Ðạo Pháp định chơn lý của kiếp sanh mình, vậy chúng ta đến tại đời nầy, hoặc đến đặng trả quả, hay đến đặng chia đau sớt thảm cùng bạn đồng khổ của chúng ta nơi cảnh thế gian nầy, hai lẽ ấy chúng ta nên tìm hiểu chơn lý của nó đặng định phận cho chúng ta.

Ðáng tiếc hơn hết những người không biết chơn lý Tứ Diệu Ðề, phần nhiều họ không biết tại sao họ đau khổ, vì thế nên họ đau khổ chừng nào thì họ oán hận kiếp sanh chừng nấy, bởi kiếp sanh họ khổ nhiều hơn hạnh phúc, họ giận mọi lẽ bất công của xã hội. Họ hỏi : Người tại sao sanh ra nằm trên đống vàng, giàu có sang trọng, thong dong, còn người đẻ ra trong cảnh hàn vi, cơm không đủ bữa, còn người đẻ ra ngồi trên ngai vàng bệ ngọc, người lại đẻ ra nơi xó bếp chuồng gà.

Sống trong cảnh bất đồng, biểu sao họ không phẩn uất, không thù hận kiếp sanh, trong kiếp sanh ấy họ thù hận mà không biết ai đặng trả cái thù hận ấy thành thử họ oán hận toàn thể bạn đồng sanh của họ, tức nhiên toàn thể nhơn loại.

Chúng ta đã thấy tấn tuồng họ đi tìm hạnh phúc, nhơn loại giờ phút nầy đang tìm hạnh phúc. Ôi ! Bần Ðạo thấy họ muốn kết bạn với cả thiên hạ, kết bạn đặng họ nhơn danh toàn thể thiên hạ mà đánh đổ lẽ bất công ấy cho tới ngày giờ nào nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy hưởng đặng đồng đều của phú hữu của trái địa cầu nầy và giờ phút nào cả giai cấp trong thiên hạ không còn nữa, đặng đồng đều với nhau, ngày ấy họ tạo hạnh phúc cho nhơn loại đặng.

Họ lầm, vì chúng ta không thể gì đem kẻ ngu si mà sánh với người trí, đem trẻ mới sanh sánh với ông già, dầu cho muốn đem lại nét công bình, kẻ trí phải dạy bảo người ngu, ông già đủ lịch lãm thế tình dạy lẫn người trẻ, dạy đó bất quá là một phương pháp giải kết mà thôi, chớ không đủ một vấn đề định vận mạng của họ được, chúng ta thấy từ buổi sanh ra và trong trường hợp cùng đồng thể với nhau mà tại sao kẻ quan người dân.

Chúng ta thấy đặng người trí họ thông minh sáng suốt họ định phận lấy họ, họ định đặng lấy mình thì mình tự chủ được mình, còn có kẻ chỉ nương nơi người mà sống, vì thế cho nên tinh thần ấy, đầu óc ấy là có giai cấp đặc biệt, chúng ta không thế gì làm cho cả toàn thiên hạ đặng đồng tánh với nhau mà không đều với nhau, thì quyết định tạo hạnh phúc cho nhơn loại của họ ; điều ấy mơ mộng, không hề khi nào thiệt hiện ra đặng.

Thưa Chư Chức Sắc Thiên Phong Hội Thánh nam nữ, những Ðạo Giáo đã sản xuất nơi mặt địa cầu có một đặc phận cũng như ta, mỗi cá nhân đều có một đặc phận là đem cân công bình Thiêng Liêng kia cân cái tình ái của chúng ta cho bằng cái sống, chúng ta biết rằng : Bạn đồng sanh của ta tức nhiên toàn thể nhơn loại đang khao khát hạnh phúc, chúng ta vẫn biết hạnh phúc không bao giờ thiệt hiện đặng, chúng ta chỉ tìm phương pháp đặng an ủi tinh thần họ, nếu chúng ta có phương pháp ấy thì mới sống gần Thánh Thể Ðức Chí Tôn. Giờ phút nào chúng ta thấy trước mắt chúng ta một người bạn thiệt thòi ngu dốt, ít oi bị một người khôn hơn, mạnh mẽ hơn hiếp đáp, lại có một người đứng gần bên kẻ ấy mà nói với người kia rằng : Em tôi khờ khạo dốt nát, ông thì thông minh sáng suốt không nên hiếp nó chi, ông cứ ăn hiếp tôi đây, tôi có thể đối thủ lại ông.

Hoặc có một người bạn thiệt thà yếu đuối bị một kẻ mạnh mẽ oai quyền hiếp đáp thì lại có một người đứng gần bên kẻ ấy nói : Em tôi yếu ớt bạc nhược không thể gì đương đầu với người, nếu người muốn ra mặt anh hùng với người nầy thì đương đầu với tôi, tôi có đủ sức đương đầu với người. Ðem cân công lý chỉnh đốn sự bất công của đời mà ai làm đặng, tức là làm tròn phận sự đối với đời đó vậy. Các nền Tôn Giáo kia dành cầm cân phân phát lẽ công bình ấy, chúng ta thấy Tôn Giáo nào mới sản xuất, họ có định phận của họ rõ rệt, họ là bạn với những người khó, an ủi những người khổ não, có nhiều khi chia từng miếng ăn, phát từ mảnh áo, tới chừng đặng quyền trong tay rồi chính họ là người cầm cân công bình ấy không giữ địa vị, kẻ cầm cân trở lại làm chúa cả thiên hạ, vì thế nên các nền Tôn Giáo ấy ngày nay mất quyền.

Ðạo Cao Ðài sản xuất đem công bình Thiêng Liêng của Ðức Chí Tôn để tại mặt thế gian nầy, Bần Ðạo ước ao rằng : Cân Công Bình ấy sẽ còn tồn tại mãi mãi để chúng ta định phận chúng ta, còn về quyền xoay chuyển do Ðức Chí Tôn quyết đoán .
Thuyết Ðạo QIV / 43

Top of Page

 11.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 29 tháng 7 năm Tân Mão ( 1951 ).

Lẽ sống của chúng ta nơi cõi trần

Ðêm nay Bần Ðạo thuyết cái lẽ sống của chúng ta nơi cõi trần nầy, mỗi người chúng ta có một cái thắc mắc, từ thử đến giờ con người bao giờ cũng tìm hiểu. Chúng ta thấy ta có nơi cõi trần nầy không phải chúng ta muốn, có nhiều lý do làm cho chúng ta phải tìm hiểu là cái định mệnh của chúng ta.

Chúng ta không có làm chủ, dầu cho bực trí thức cao siêu thế nào chưa chắc mình làm chủ định mệnh của mình đặng. Ôi ! Cái thắc mắc của đường đời, kiếp sống của chúng ta, chúng ta đã thấy nhiều lý lẽ làm cho chúng ta phải uất hận, nhưng không biết nguyên do thể nào loài người phải thọ lãnh, có nhiều kẻ uất hận ấy không có phương thế giải quyết đặng, đến đỗi xô đẩy họ đến một phương pháp chót của họ là họ tự sát lấy họ mà thôi.

Ðịnh mạng của chúng ta, chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta phải sống ? Sống nơi cõi trần để làm gì ?

Khi biết được lý lẽ ấy, chúng ta có phương thế an ủi được mà nếu chúng ta không biết lý do ấy, chúng ta không biết sanh mạng của chúng ta hay là con người của chúng ta, giá trị sống của nó do nơi đâu, thì không có phương thế nào an ủi được.

Có hai lẽ sống, hoặc ta đến cõi thế gian nầy để trả nợ sống, bởi chúng ta trả nợ sống ấy mà chúng ta mất hạnh phúc hưởng an nhàn cực lạc nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, ta đến đây trả nợ sống đặng đạt hạnh phúc nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, cái lý do đầu tiên hết. Hễ chiếu theo lý do ấy, chúng ta ở trong thế gian nầy do tại quả kiếp. Lý do thứ nhì nữa là chúng ta đến đây đặng chia khổ cùng các bạn chúng ta đã chịu khổ nơi cõi thế gian nầy, chúng ta đến đặng tìm bạn. Ðức Chí Tôn đã nói:
Biết đâu trong cánh hoa kia không phải là một vật mà là một chơn linh giáng kiếp, biết đâu trong vạn linh, trong vật loại mà trong ấy lại không có người bạn yêu ái của ta vô cùng vô tận nơi đó, bởi lẽ ta thiếu nợ sống chúng ta phải trả.

Ấy vậy, chúng ta phải trả, đến đặng trả, tức nhiên ta đến đặng phụng sự cho vạn linh. Còn lý lẽ sau nữa, nếu chúng ta đến tìm bạn thì phải xót thương họ nhưng không biết bạn ta là ai ? Tới trong sự mơ hồ nên chúng ta không biết bạn chúng ta đã đến nơi nào ? Ở nơi thân một đứa bé, ở nơi thân của người tôi đòi tàn tật, ở nơi người phụ nữ, ở nơi thân của người nam kia mà đã bần hàn đói khó, hay là sống trong sang trọng vinh hiển chúng ta không biết. Vì lẽ không biết ấy mà định lẽ sống của chúng ta đặng phụng sự vạn linh. Văn minh Âu Châu người ta đã nói 'Chacun pour soi' tức nhiên mỗi người mình lo cho mình duy có Trời lo cho cả thảy thiên hạ.

Mấy bạn đứng trong hàng Thánh Thể Ðức Chí Tôn chúng ta thấy nam nữ, mấy đứa thư sinh nam nữ các em đã đặng hạnh phúc ngồi trong lòng yêu ái vô tận vô biên của Ðức Chí Tôn, cả thảy mấy em cùng nói : Tôi đến nơi lòng Ngài đặng tôi mong mỏi làm thế nào đặng đứng địa vị phần tử Thánh Thể của Ngài, mà giá trị phần tử Thánh Thể của Ngài, tức nhiên làm Trời tại thế gian nầy thay thế cho Ngài mà làm Trời, chúng ta thấy 'thùy từ mẫn khổ' của Ngài vô biên vô tận, từ thử đến giờ thùy từ mẫn khổ nó buộc ta rằng : Cái lẽ sống của ta không phải sống trong hạnh phúc của ta, mà ta sống trong hạnh phúc của toàn thể con cái của Ngài.

Nếu các bạn thấy mình đặng mạnh mẽ hơn người em, người bạn của mình, tức nhiên Ðức Chí Tôn định cho cái mạnh của ta, để đặng gánh vác sự nặng nề cho em cho bạn. Nếu chúng ta thấy trong đầu óc của chúng ta có khôn hơn em ta, cái khôn của chúng ta ấy là Ðức Chí Tôn ban cho để binh vực sự dại dột của nó, nếu chúng ta thấy chúng ta sống trong vinh hiển thì chúng ta nói rằng Ðức Chí Tôn ban cho sự vinh hiển không phải để dành riêng cho ta hưởng, mà ta có phận sự đem cái sang trọng vinh hiển ấy chia cho cả toàn thể em, bạn của ta ; lẽ sống của chúng ta là lẽ sống của toàn thể , lẽ sống của chúng ta là để lau giọt nước mắt cho kẻ khổ não, lẽ sống của chúng ta là nắm cho chắt Bình Cam Lồ Thủy của Ngài chan rưới cho đồng đều đặng hưởng.

Ngày giờ nào trong phần tử Thánh Thể của Ngài làm như thế ấy, thì tới ngày về nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, tôi dám bảo kiết rằng: Cả thảy được gặp mặt Ðức Chí Tôn là ngày vui hứng của mình, gặp được Ngài và cả thảy Thần, Thánh, Tiên, Phật đều mừng mà thấy rằng Ðức Chí Tôn có hạnh phúc được bầy con chí hiếu của Ngài thay thế Ngài tại mặt thế gian nầy, xứng đáng phận của Ngài đã định, ấy là lẽ sống của chúng ta đó vậy.

Toàn thể con cái của Ngài xin mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều để tâm thực hiện cho được 'Thùy từ mẫn khổ' là điều mong mỏi của ông Cha vô hình chúng ta, đem tất cả sự yêu ái vô tận vô biên và đại tạo đại từ bi của Ngài mà rưới chan nơi thế gian nầy. Giờ phút nào trong tay của chúng ta phân phát cho đồng đều đó là lẽ sống của chúng ta hoàn toàn đó vậy. Nếu chúng ta không biết phân phát để hao bớt đi thì cũng uổng một kiếp sanh vô lối .
Thuyết Ðạo QIV / tr 46

Top of Page

 12.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 15 tháng 8 năm Tân Mão ( 1951 ).

Lẽ sống của chúng ta nơi cõi trần ( tt )

Ðêm nay Bần Ðạo giảng tiếp lẽ sống của chúng ta nơi cõi trần nầy, Bần Ðạo thuyết minh rằng : Chúng ta có sanh tại thế, nguyên do tại sao và ta đang sống đây cả cái sống chung cùng cái sống của vạn linh đặng làm gì ?

Bần Ðạo đã thuyết về phương pháp, Bần Ðạo đã chỉ rõ rằng cái thi hài của chúng ta đồng sanh với vạn vật là con kỵ vật của chúng ta đến cõi trần nầy đặng tìm bạn hay trả quả kiếp của chúng ta, Bần Ðạo đã thuyết minh hai lần. Hôm nay thuyết hai cái lẽ sống, vả chăng chúng ta đã đồng sanh cùng vạn vật tức nhiên chúng ta cũng có đủ năng lực, đủ trí thức khôn ngoan để định phận bảo vệ sanh mạng của chúng ta và ta phải nhìn rằng : Cái sống của chúng ta không khác cái sống của bạn đồng sanh với chúng ta. Bần Ðạo nói, bạn đồng sanh của chúng ta không phải là nhơn loại mà thôi mà cả vạn vật hết, bởi chúng ta thấy hiển nhiên trước mắt nơi cõi trần nầy, chúng ta đã sống chung cùng họ và họ đã giúp cho ta sống, chúng ta đã thấy trong khuôn khổ cái sống của đời tạo ra hai lẽ ; Từ thượng cổ đến giờ, Bần Ðạo tưởng có loài người tới giờ họ đã định tìm hai lẽ sống ấy, đặng họ quyết định họ sống với thái bình hay sống với loạn lạc, hai lẽ sống ấy nơi mặt địa cầu nầy nhường sống thì thái bình, tranh sống tức nhiên loạn lạc.

Nhường sống là gì ?
Chúng ta đã hiểu rằng : Chúng ta đã chịu cùng một định luật chung sống với vạn vật, chính mình ta phải tôn sùng kính trọng cái sống ấy, chúng ta phải liệu phương nào định cái sống của chúng ta trong mực thước không phạm đến cái sống của vạn linh, tức nhiên không phạm đến cái sống của kẻ khác, mà nói họ có phương pháp nhường sống cho nhau.

Từ thử đến giờ các nhà triết học, các đạo giáo tìm lý thuyết đạo đức tinh thần dầu cho Nho, Thích, Ðạo hay là các Tôn Giáo khác chỉ có tìm mực thước bày ra phương pháp để tạo cho nhơn loại biết kính trọng cái sống cho nhau tại mặt địa cầu nầy, làm một cái định luật đặng họ biết cung kính, biết nhường nhịn, tức nhiên có hòa bình an tịnh, được an ủi, được thỏa mãn, được hạnh phúc. Còn trái lại nếu như cái sống của chúng ta đã khó khăn bởi chúng ta sống trong thuyết Tứ Diệu Ðề của nhà Phật là sanh, lão, bịnh , tử, chúng ta đã thấy trường đời chẳng buổi nào tìm đặng chơn hạnh phúc, cái sống ấy bảo tồn khó khăn lắm, nếu không có đạo đức làm phương thuần tâm đặng định chí hướng của mình thì khó sống, tức nhiên cái khó ấy giục cho người ta tranh sống, tấn tuồng đời chúng ta đã thấy, dầu cho cá nhân, dầu cho xã hội, dầu cho toàn thể nhơn quần, họ chỉ vì cái tranh sống mà tiêu diệt lẫn nhau, nếu chúng ta nói người biết nhường sống của người trong cái khó khăn, mình phải có một tâm hồn cao thượng ái truất thương sanh, mới có phương thế chúng ta chịu khổ có tâm đức nhượng sống cho kẻ khác.

Muốn cho đặng có tâm đức ấy ít ra phải có đạo đức và lấy tinh thần làm căn bản, nếu bỏ tinh thần làm căn bản là xu hướng về duy vật, chỉ chạy theo thuyết tranh sống với nhau mà thôi, tranh sống thì cơ tận diệt lẫn nhau vẫn tiếp tục mãi mãi, chẳng hề buổi nào nhơn loại trên địa cầu nầy trọn hưởng hạnh phúc hòa bình đặng.

Ấy nhượng sống cho nhau thì tồn tại, mà tranh sống với nhau là tự diệt đó vậy.
Thuyết Ðạo QIV / tr 49

Top of Page

 13.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 15 tháng 1 năm Mậu Tý ( 24-2-1948 )

Thể chất và tánh đức các hạng khách trần

Hôm nay, Bần Ðạo giảng về các hạng khách trần, thể chất và tánh đức của họ, cốt yếu để dìu dắt cả thảy quan sát toàn thể Ðạo.

Ấy là phương hay để chúng ta có thể quan sát được mỗi hạng khách trần, trọng hệ nhứt là Thánh Thể của Ðức Chí Tôn tức nhiên là Hội Thánh. Vả chăng, chúng sanh nhứt là nhơn loại, mỗi mỗi đều có đẳng cấp Thiêng Liêng tùy theo sự tiến hóa của chơn linh của họ, dầu tánh chất hay hình thể cũng tùy theo tiến hóa của chơn linh mà có riêng đặc tánh, riêng về hình thể của họ chúng ta thấy phương pháp của cổ nhân xem tướng người đoán tánh chất, số mạng, cũng là nương theo đó.

Các hạng khách trần, Bần Ðạo duy nói về đẳng cấp và tấn hóa, nếu dám quả quyết, nói hẳn rằng : Mặt địa cầu nầy có 2.700 triệu người mà buổi nầy khuyết điểm bao nhiêu không biết, số ấy là trong thời thái bình. Trong 2.700 triệu nhơn sanh tức có 2.700 triệu tánh đức, chúng ta không thể gì đoán xét được, nhưng chúng ta có thể chia khách trần ra làm nhiều hạng :

Một hạng trước là hạng trái chủ : nghĩa là hạng thiếu nợ, hạng thiếu nợ là gì ? Là những người gây ra nhơn quả đã nhiều, luật nhơn quả để họ vô hàng cùng khổ của các chơn linh.
Hạng thứ nhì là hạng tác trái : nghĩa là người đã cho vay.
Hạng thứ ba là hạng du học : là các chơn linh đến mặt địa cầu tìm phương pháp đặng học hỏi, vì họ thiếu thốn, đến đặng thâu hoạch cái phần thiếu kia cho hay biết nhiều thêm đặng tấn hóa về chơn linh.
Hạng thứ tư là hạng ta bà : du hí, du thực đến chơi rồi về mà cái hạng ấy ít lắm, nếu có đi nữa thì phần nhiều chết yểu hết.
Còn một hạng nữa là hạng Thiên Mạng : hạng Thiên mạng là hạng chơn linh cao cấp tức nhiên đã đạt phẩm vị cao trọng, vâng mạng đến thi hành lịnh của Ngọc Hư Cung hay của Lôi Âm Tự.

Bây giờ Bần Ðạo mới chỉ rõ hạng trái chủ là hạng thiếu nợ, Bần Ðạo quả quyết rằng nếu thấy họ ta đoán được ngay. Cái thói nghèo hèn cùng khổ dầu đến đâu cũng ra nghèo hèn, rán làm sang bao nhiêu cũng lộ cái nghèo hèn ấy, vì tánh đức họ hiện ra hình trạng xấu xa cho đến cách ăn mặc cũng vậy ; họ sợ thiếu nợ nhưng hại thay họ đã lo đêm lo ngày, chạy tảo chạy tần lo sống đủ mọi phương diện, nhưng chẳng phút nào họ được an hưởng tinh thần và tưởng tượng rằng mình có hạnh phúc. Có khi người trái chủ ấy đầu kiếp một lượt thì họ có phương thế làm đặng trả là may duyên cho họ lắm ; nếu rủi người chủ trái không đến thì họ phải đầu kiếp mãi tìm cho đặng người chủ nợ ấy, làm tôi mọi cho họ đặng trả nợ, ấy là một phương pháp mà các chơn linh hãi hùng sợ sệt hơn hết.

Tánh đức của họ là thường lo cho mình được lợi mà thôi, nhưng không biết chừng nào đủ, đến đỗi trong ý muốn làm có của cho lung, cho nhiều để dành ngừa đó cho có phương thế trả nợ, sợ một điều là buổi muốn trả mà không trả nỗi. Tâm linh họ giục thúc như vậy, họ hà tiện lắm, nhiều khi gặp được tình liên hữu với chơn linh nào mà họ gọi là chủ trái đến, lạ lùng thay, đối với cả toàn thiên hạ không thương yêu ai, mà nếu họ gặp người chủ trái ấy giục họ thương yêu, kính mến, chiều chuộng, bao nhiêu của cũng đem dưng hết cho người ấy. Có nhiều khi không có của họ đem cả thân sanh họ đặng đền trả nữa. Hạng thiếu nợ đặc biệt có tánh đức nhỏ nhen, chắt mót, không tưởng đến ai khác hơn mình duy người chủ trái đến thì toàn cả cơ nghiệp đều để lại cho người đó, dầu muốn dầu không, hay là không hay biết cũng do tay người đó phá hoại hết sự nghiệp. Họ phát hiện ra có tánh chất buồn bực quạu quọ, không yên tâm, cứ lo lắng bậy bạ nhứt là hình ảnh của họ cùng khổ, bịnh hoạn luôn và thường chịu phận đê hèn. Ðó là hạng có quả kiếp.

Còn hạng chủ nợ có tánh cách đặc biệt không biết lo gì hết, lơ lơ lửng lửng, ngày chí tối không biết đợi ai trả nợ mà chắc mình có món nợ chúng sẽ trả, không lo gì cho họ cả, thả lình bình du hí du thực, không biết gì ráo cứ ngơ ngơ ngửng ngửng, không động tới ai mà cũng không làm nên gì cho ai ; mà khi nào chúng ta thuyết đạo với họ thì họ biết xu hướng, chịu nghe tưởng cái huyền linh nầy sẽ giúp mình đắc lợi gì. Họ đi chùa, đi miễu cốt cầu danh, nghe nơi nào linh hiển, đem nhang đèn tới cầu tài cầu lợi cho mình.

Hình ảnh của họ, gương mặt bơ bơ mà lúc nào cũng tự tôn tự đại, mình là chủ nợ dầu nợ nhiều hay nợ ít cũng là nhà giàu rồi và đặc sắc điều nầy là không sợ hao tài. Tánh chất sợ tội , sợ quả báo mà không biết trọng mình, thoạt nghe đó, tin tưởng đó nhưng không phải tin tưởng đạo đức mà chỉ tin nơi huyền linh đặng cầu khẩn mà thôi, lại có tánh chất ngớ ngẩn, trong mình không có tiền thì thôi, nếu có tiền mà ai nói vừa bụng thì móc ra đưa hết, có khi đưa rồi lại mắng người ta, đưa chẳng phải vì thiệt tâm mà đưa. Tánh chất của người chủ trái là vậy đó.

Bây giờ nói đến hạng du học, hạng du học bình thường cái gì cũng muốn biết, ham đọc sách vở kinh luật nhưng chỉ đọc qua loa rồi bỏ, ưa kiếm hiểu, ưa tọc mạch hơn ai hết, cái gì cũng muốn hiểu, cái gì cũng muốn biết, có khi nào họ mơ màng thì họ cũng muốn bỏ. Hạng du học thì nhiều mà lạ lùng thay, phần nhiều không tín ngưỡng, học cao đến đâu nếu đem đạo đức tinh thần mà nói, họ không biết gì hết, cứ cái chơn lý họ tìm mãi mà thôi, chính mình họ, họ cũng chẳng biết họ là ai nhưng cũng là hạng tự tôn tự đại lắm, họ quyết đoán trong óc họ rằng không ai hơn họ được, cho là mình khôn hơn thiên hạ nên làm cao cách hơn ai. Gương mặt lúc nào đi cũng ngước lên người ta gọi là mấy cậu ' trịch bồ lương' mà thứ đó lại nhiều hơn hết.

Hạng ta bà, nếu có thì chúng ta thấy liền, không động tới ai, không nói tới ai, cái sống cái chết của họ cũng không cần biết, họ thường ở theo các chùa hoặc lên núi, một cõi một mình chịu thanh tịnh mà thôi, còn đi chơi tìm lên non núi. Ta thấy trong các chùa chiền, họ bơ vơ dộng chuông, gõ mõ rồi nam mô lên nam mô xuống. Hạng ta bà du hí nầy sống trên cõi trần nếu không vừa bụng thì thối lui về tức là chết.

Bây giờ các bạn muốn nghe hơn hết là hạng Thiên mạng, hạng thiên mạng là hạng người không biết tầm lấy cho mình, chỉ lấy của mình lo cho thiên hạ, không biết tôn trọng hình hài của mình, chỉ tôn trọng thiên hạ bởi vì hạng thiên mạng cốt yếu tìm cả năng lực chỉ đạo cho thiên hạ làm môi giới tinh thần, ấy là một phương pháp giải cứu cho đời và bảo trọng nuôi nấng thiên hạ đó. Tánh chất như Lục Tổ bất động, bất trần, bất cấu, bất nhiễm. Có nhiều khi họ đến mà chưa có phận sự thì họ ngơ ngơ ngửng ngửng như khùng như điên. Ấy là khi chưa đắc thế, thiên hạ kêu là ba trợn ba nháng đó ; một khi mà họ đắc thế rồi, quyết cứu độ thiên hạ thay thế cho Thiêng Liêng, vâng mạng lịnh Ðức Chí Tôn đến làm bạn với người đặng truyền Ðạo, thâu con cái của Chí Tôn về một mối. Phần đó ta có thể xem xét được trong Thánh Thể của Ðức Chí Tôn.

Mấy em nếu có gặp người khùng khùng điên điên phải quyết đoán là họ còn đợi thời và họ chưa tới thời đó mà thôi.
Thuyết Ðạo QII / tr 32

Top of Page

 14.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm 8 tháng 1 năm Kỷ Sửu ( 1949 ).

Nhơn loại phải tìm phương thuốc trường sanh

Ngày nay là ngày lễ vía Ðức Từ Phụ tức nhiên là Ðức Chí Tôn đó vậy. Ta thử xét 24 năm Ðạo Cao Ðài đã khai mở, khai mở do nơi tay ai? Do chính tay của Ðại Từ Phụ đến mở đó vậy. Nếu chúng ta nói rằng : Trót 24 năm Ðức Cha Lành của chúng ta đã chung sống với chúng ta, tôi tưởng nếu chúng ta tưởng tượng việc ấy cũng không quá đáng.

Thử nghĩ cái hạnh phúc mà chúng ta đã hưởng đặc ân của Ðức Cha Lành ấy, chúng ta xét lại coi Ngài đến chung lộn với chúng ta để làm gì ? Bần Ðạo tưởng cả thảy con cái của Ngài đều hiểu và quyết đoán đặng.

Ngài đến với một lời hứa hẹn rất thiết yếu, mà chính Ngài đến đặng chuyển pháp xây cơ chuyển thế, Ngài đã hứa quả quyết nhơn loại sẽ là một ; một về nòi giống, một về xã hội, một về tôn giáo. Lời hứa hẹn ấy nếu chúng ta không có đủ đức tin vững vàng, hay chúng ta không quyết chắc cái tay quyền năng vô biên ấy có thể làm đặng, một người nào, một Ðấng nào dám cả gan nói điều ấy. Chúng ta dám chắc cả thảy đều để dấu hỏi nghi hoặc, nếu chúng ta nghi thì chúng ta phải kiếm thôi.

Bây giờ cả con cái của Ngài xin lỗi với Ðức Cha Lành, rồi làm khách bàng quang tính thử cái lời ấy có kết quả chăng ? Chúng ta đã thấy và dám chắc biết rằng không có một vật loại nào, một tinh thần nào mà gầy dựng một cơ quan hữu hình trong càn khôn vũ trụ mà ra ngoài quyền lực của vài điều ấy.

Chúng ta đã chán biết, chúng ta bất quá là xin lỗi Ngài đặng làm kẻ phàm kia xét đoán thử coi ông Trời nói vậy mà có thể làm đặng chăng cho biết. Làm bàng quang lấy lý trí đoán thử coi lời hứa rất khó khăn, lời hứa rất trọng yếu, trong buổi nhơn loại đang hoang mang, dở sống dở chết, có thể chúng ta cũng nên tọc mạch kiếm hiểu thử coi, cả cơ quan chuyển thế ấy quả nhiên đặng, tức nhiên nó có ảnh hưởng tối yếu, tối trọng của cơ huyền vi bí mật cứu khổ của Ðức Chí Tôn đó vậy.

Lạ chi chúng ta thấy vạn vật hữu hình từ trong vật loại côn trùng thảo mộc. Cả thảy chúng ta không luận về toàn thể của nó, dầu cho các phần tử trong vạn loại ấy nó có quyền năng tinh thần đặc biệt của nó. Chúng ta thử đoán xét một vật vô tri vô giác, có thể chúng ta tưởng tượng vật vô hồn vô giác là đá kia mà nó cũng còn có giá trị. Thứ đá có ngọc, ngọc đó để định giá trị đặc biệt trong tông môn. Ngọc đó là chúa của đá, chúa của đá ấy để làm gì ? Ðể làm giá trị của đá, để định giá trị của đá.

Bây giờ nói đến loài kim khí kể từ chì, kẽm, sắt dĩ chí cho tới bạc, vàng, cũng có vàng là chúa của kim khí và có giá trị đặc biệt, đặng định giá trị của kim khí.

Trong vạn vật, Bần Ðạo không cần nói nhiều, dầu cho loài người loài thú cũng thế. Thấy trong ổ kiến, ổ mối hay ổ ong kia, chúng ta cũng thấy có con chúa, cả thảy đều phải tuân theo con chúa ấy, nó có quyền năng tuyệt đối đặng định mạng của nó, vi chủ mạng sống của nó, nó làm chủ xã hội nó, đặng nó định giá trị của loài ong, loài kiến.

Luận tới loài người, chúng ta thấy toàn thể xã hội sự chê khen, nào là từ bỏ vương quyền, đế quyền, thì nhơn loại cũng phải chịu dưới quyền thống trị nào mới tồn tại được. Nếu gọi dân trị, thì cả thảy là dân đi, lập trường quan lại mà làm gì ? Thành thử đánh đổ giai cấp là thuyết quái gở, lý thuyết dở sống dở chết. Chúng ta nhìn lại dầu cho quốc gia xu hướng về dân trị đi nữa thì các vị Giám Quốc hay các vị Thủ Hiến, quyền áp bức của họ còn hơn đế vương mà chớ, bất quá thêm duyên, thêm tánh làm cho thiên hạ tin mình là lòe con mắt thiên hạ, không có chánh lý, sự thật là gì hết.

Bây giờ trong xã hội nầy, chúng ta thấy đảo lộn hai quyền hành khác nhau, đang tranh quyết nhau là quyền hành đế chủ và dân chủ.

Nếu chúng ta lấy đầu óc suy đoán thì hai cái như một, không cái nào hơn cái nào, cũng như một hình bóng, một khuôn khổ với nhau, lấy công lý lòe con mắt của cơ quan trị thế. Dầu cho là đế quyền hay dân quyền cũng là một phương pháp áp bức thiên hạ mà thôi, bởi cân công chánh nơi mặt thế nầy không có, nếu có thì Ðức Chí Tôn không đến ký hòa ước với nhơn sanh. Luật thương yêu mới có cân công chánh mà thôi, thành thử chơn luật nơi mặt thế gian nầy cũng không có.

Ấy vậy, hiện giờ nhơn loại đang kiếm gì ? Kiếm cân công chánh, kiếm luật thương yêu, kiếm ở đâu ? Luật thương yêu ấy Chí Tôn đã ban bố mà nhơn loại chưa tìm được, nhơn loại đang khao khát mà chớ. Quyền công chánh thì do nơi luật thương yêu mà có, quyền công chánh nơi mặt thế gian nầy không có, dầu trong tay đế quyền hay dân quyền cũng không có.

Ðức Chí Tôn, Ngài đến do tay Ngài ký một hòa ước với một sắc dân nô lệ, sắc dân hèn mọn, đặng Ngài nài nĩ xin cho đặng hai điều trọng yếu làm cho nhơn loại đặng sống tồn tại là luật thương yêu và quyền công chánh.

Ngài đã ký, Ngài đã hứa với Thánh Thể của Ngài, tức nhiên là cả quốc dân nầy, đặng tạo ra hình ảnh luật thương yêu, nếu cả quốc dân Việt Nam lấy quyền công chánh làm thành tướng ra, rồi Ngài sẽ lấy tướng diện của nó Ngài làm môn thuốc cứu sanh mạng của nhơn loại đó vậy.

Bần Ðạo và toàn con cái của Ngài nhờ phương thuốc của Ngài mà tạo ra cửa Ðạo Cao Ðài đó vậy. Giờ phút nầy phải thật hành không thế gì không thành, mà nó sẽ thành hình trong nầy thì chúng ta thấy ở ngoài toàn cầu, vạn quốc đều thay hình, đổi dạng, đổi cả chơn tướng của nó cho phù hạp và đủ phương thế thọ hưởng huờn thuốc cứu sanh của Ngài. Tức nhiên toàn cầu xu hướng, làm cho nhơn loại thống nhứt lại làm một, chúng ta thấy bằng cớ rõ ràng trận giặc thứ nhứt cả vạn quốc đều xúm nhau đặt tên Hội vạn Quốc Liên Minh, rồi trận giặc thứ nhì nầy, vạn quốc cũng chưa bỏ nó và còn kiếm phương thế tăng cường nó nữa. Hỏi vậy, Vạn Quốc Liên Minh là gì ? Là cơ quan hiệp chung nhơn loại làm một vậy.

Ðức Chí Tôn nói : 'Nhơn loại sẽ một về nòi giống, một xã hội, một về tôn giáo.'

Tôi tưởng không xa đó vậy. Tại sao Ðức Chí Tôn phải làm phương thuốc ấy đặng chi ? Ðặng đưa cho họ uống, đặng họ phục sanh lại, không thôi họ sẽ đi đến con đường diệt vong của họ vậy.
Thuyết Ðạo QIII / tr 16

Top of Page

 15.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Ðền Thánh
.Ðêm mùng 1 tháng 2 năm Canh Dần ( 1950 )

Nhơn loại phải biết yêu ái nhau

Ðêm nay Bần Ðạo đem sự sưu tầm hạnh phúc của nhơn loại sẽ đưa đẩy mình đến đâu.

Mỗi 15 ngày mới tới kỳ đàn, mỗi kỳ đàn cúng rồi cả thảy đều mệt, cúng thường có trong 1 giờ rưởi hay 1 giờ 40 phút nên thường lệ lên giảng đạo Bần Ðạo tìm thế thúc nhặt gói ghém lại nhưng trong thời gian ngắn ngủi không thế gì thuyết minh nhiều vấn đề trọng yếu.

Nói thật có nhiều vấn đề giảng mà Bần Ðạo viết thành quyển sách sưu tầm sự sống của nhơn loại nơi mặt địa cầu nầy, kiếp sống của họ, chúng ta thử hỏi họ có tìm hạnh phúc đặng chăng ? Không thế gì đặng.. Có tìm đặng chăng chỉ tìm với cái bóng dáng mà thôi, chớ không khi nào tìm đặng.

Nơi thế gian nầy có hai lẽ :
1./ Là tìm với bóng dáng thì sẽ đưa đẩy đến con đường tận diệt.
2./ Là tìm hạnh phúc đi đến đại đồng thế giới.

Chúng ta thử nghĩ theo triết lý nhà Phật có nói rằng : Khi chúng ta mang xác phàm đến thế gian nầy, chúng ta chịu trong vòng thúc phược của tứ khổ, khi chúng ta khổ, chúng ta mong mỏi tìm hạnh phúc nhưng hạnh phúc đâu mà kiếm.

Bần Ðạo nói thật hạnh phúc của nhơn loại tìm bây giờ chỉ là mơ mộng, tìm chẳng khác nào tìm cá trên ngọn cây. Giá trị của nhơn loại thử trong cảnh khổ của họ tìm, Bần Ðạo không chối là do sự cố gắng miệt mài của họ đã đo được bước đường tấn hóa, họ đạt đến thời đại văn minh, thời kỳ nguyên tử lực, họ bay lên Trời được, lặn xuống nước được, họ có thể tiêu diệt trái địa cầu nầy được, họ muốn làm thế nào do cách vật trí tri của họ giúp họ phương pháp hóa học tạo ra máy móc, như bay lên Trời thì có máy bay, chun xuống nước thì có tàu lặn, muốn chạy mau phải có chiếc xe máy, các điều ấy phải có tiền mua sắm mới được, mà muốn cho có tiền thì phải làm mới có đặng sắm, khi có tiền muốn bay lên Trời hay xuống nước cũng được, có tiền thì dễ như không.

Coi lại như lời Ðức Chí Tôn khi lập Thiên Chúa Giáo để lại trong sám truyền : ' Các ngươi hãy sống, có thể sống với giọt mồ hôi nước mắt của các ngươi.'

Muốn tìm hạnh phúc phải làm cho có tiền, nhưng tiền là mồ hôi nước mắt của nhơn loại thì nó xô đẩy nhơn loại vào trường tranh đấu náo nhiệt, tranh đấu cho sự sống còn của họ. Chúng ta thử nghĩ, rồi can đảm nhìn nhận kiếp sống của chúng ta từ khi mẹ đẻ tới giờ, chúng ta đã có hạnh phúc buổi nào chưa ?

Chúng ta thấy cái khổ của nhơn loại chẳng khác nào kẻ kia mang mụt nhọt đau nhức sợ quá, rồi rờ mãi, mà sợ mãi đau vẫn còn đau, có ai can đảm nặn mụt nhọt cho đau thử coi. Không có. Nơi mặt địa cầu nầy chưa ai dám làm, vì mình khổ cần tìm giải pháp nào đặng trừ cái khổ.

Bởi vậy trường chiến tranh, hạnh phúc náo nhiệt ấy là tranh sống ; tranh sống vì hạnh phúc giả, họ phải đổi giọt mồ hôi nước mắt của họ, nên trong khi đổi chọn phải tranh đấu, náo nhiệt đương nhiên giờ nầy là trường tranh đấu, tranh đấu đặng tìm cái hạnh phúc giả ấy.

Chúng ta tìm thấy đương nhiên bây giờ có hai thuyết :
1./ Cộng sản
2./ Tư bản.

Ðang tranh đấu nhau, một đàng thấy họ tìm hạnh phúc họ vì các của cải sẵn có, họ muốn lên Trời, xuống nước tìm hạnh phúc, họ bay lên Trời được xuống nước được, nên họ đánh họ giết. Một đàng thì nói tao có làm tao mới sống hạnh phúc, tao có thì tao hưởng. Họ đang chiến đấu nhau vì hai thuyết ấy, mà tranh đấu là giặc giã, tức nhiên là cơ tự diệt, họ gớm, họ ghê, sợ giặc lắm, giờ phút nầy cho đến nhà binh cầm vận mạng quốc dân họ cũng sợ chiến tranh sẽ tới, bởi chiến tranh không phải như hai trận chiến vừa qua, mà nó chiến tranh bằng bom nguyên tử và khinh khí, không phải vì sự sống mà họ sợ họ chạy đi sưu tầm hạnh phúc giả nên họ chiến đấu mãi thôi. Mà sợ chiến tranh họ mới kêu gọi hòa bình, tìm kiếm hòa bình với đường tên mũi đạn của họ đặng họ sống, mâu thuẫn làm sao.. Họ sợ chiến tranh mà tức nhiên họ tạo chiến tranh.

Ban đầu họ sợ, họ tìm phải có hòa bình, bởi hòa bình là phương sống còn. Nếu chiến tranh là tự diệt của họ, họ mơ mộng kiếm hạnh phúc để sống, họ nhè đẩy vào hạnh phúc giả cho chết.

Nên họ tìm lập vào hội Vạn Quốc Liên Minh..v..v..giờ phút nào cũng vậy, tấn tuồng xảo trá mạnh đặng yếu thua, khôn còn dại mất vẫn còn diễn mãi, sự chơn thật đâu thấy mà hòa bình thế giới, nếu các nước yếu ớt toàn mặt địa cầu nầy đừng bị cái ách thâu chiếm thì mới có thể hòa bình trở lại.

Như hai trận đại chiến xảy ra xô đẩy nhơn loại vào đường tàn sát nhau ghê gớm. Bây giờ họ muốn kiếm phương thế đặng dung hòa hai thuyết ấy :

Một đàng thì nói phải vô sản, với đẳng cấp bảo vệ hòa bình cho thiên hạ mới đi đến đại đồng thế giới.
Một đàng nói : Phải thực hiện hạnh phúc nhơn loại với sức mạnh làm ra của cải, phú hữu, tứ hải phương pháp giành giựt cướp bóc.

Hai thuyết ấy đang chiến đấu nhau giờ nầy. có điều ngộ nghĩnh sẽ tới trước mắt ta, lạ lùng thay ! Huyền vi mầu nhiệm của Ðức Chí Tôn, Ngài để cho quốc dân Việt
Nam hát một tấn tuồng dị hợm. Giờ phút nầy là giờ phút chúng ta đang giải ách nô lệ, ta có thể nói nước Việt Nam đã đứng ngang mặt với vạn quốc.

Hại thay ! Nước Việt
Nam chúng ta lại là một trường chiến địa của hai khối sẽ đối chọi nhau, hai khối ấy đang gầm hét nhau nơi địa giới Việt Nam.

Thử hỏi nó sẽ làm nơi chiến địa cho vạn quốc không? (Bần Ðạo nói ra thiên hạ sẽ cho Bần Ðạo là mê tín dị đoan ). Bần Ðạo nói : Nếu như nòi giống Việt Nam đối với các sắc dân họ biết bảo vệ sanh mạng họ trước đã, đặng họ làm kiểu vở cho vạn quốc bắt chước theo, may ra Chí Tôn gồm vạn quốc để trước mắt dân Việt Nam sẽ có bí ngôn nói với họ rằng :
Cả toàn thể nhơn loại tìm hạnh phúc đều là giả, cả phương pháp của các người đều trật hết, duy có phương pháp vô đối là : Giờ phút nào nhơn loại biết yêu ái hòa bình, biết lấy thân mình giúp thân nhơn loại, lấy thân mình giúp lẫn nhau, hạnh phúc mới có thiệt tướng.

Còn những phương pháp của các người thi thố như giọt nước mưa rơi xuống. Vì giả dối với nhau thì không thể nào tìm hạnh phúc cho ra đặng.
Thuyết Ðạo QIII / tr 72

 Tiếp theo >


Top of Page

      HOME