CHÚ GIẢI KINH TẬN ĐỘ
THIÊN VÂN Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA

CHƯƠNG THỨ BẢY

KINH ĐƯA LINH CỮU

  

I.-KINH VĂN:

                Kinh Đưa Linh Cữu

                           Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,

                           Giữ Chơn hồn xa lánh xác trần.

                                 Nam Mô Địa Tạng thi ân,

                     Đưa đường Thiên cảnh, lánh gần Phong đô.

                                 Nam Mô Tam Trấn Hư Vô,

                     Oai nghiêm độ rỗi Cao Đồ qui nguyên.

                                 Nam Mô Tam Giáo diệu huyền,

                     Tuyệt luân Bát Nhã đưa thuyền độ vong.

                                 Nam Mô Bạch Ngọc công đồng,

                     Thần, Tiên, Thánh, Phật mở vòng trái oan.

                                 Nam Mô Thượng Đế Ngọc Hoàng,

                     Mở cơ tận độ nhẹ nhàng chơn linh.

                           Cửa Cực Lạc thinh thinh rộng mở,

                           Rước vong hồn lui trở ngôi xưa.

                                 Toà sen báu vật xin đưa,

                     Chơn linh an ngự cho vừa quả duyên.

                                                NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN

 

II.-NGUỒN GỐC:

 

         Bài Kinh đưa Linh cữu do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

         Linh cữu hay quan tài đều là chỉ cái áo quan dùng để liệm thi hài người đã chết.

         Trước khi đưa Linh Cữu, phải làm lễ cúng Thầy, rồi Cáo Từ Tổ, sau đó Đạo Tỳ nhập bái quan. Hễ phát hành thì đồng nhi tụng Bài Kinh Đưa Linh Cữu ra tới huyệt mộ.

         Bài Kinh Đưa Linh Cữu có nội dung nhằm cầu nguyện các Đấng Thiêng Liêng giữ cho Chơn hồn xa lánh xác trần, tránh nẻo Phong Đô mà thẳng đường về Thiên cảnh.

 

III.-CHÚ GIẢI:

 

Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,

Giữ Chơn hồn xa lánh xác trần.

         Trấn : Giữ gìn một địa phương, hay trấn giữ một địa phương.

         Thần linh : Các vị Thần Linh thiêng.

         Trợ lịnh : Giúp đỡ thi hành các mệnh lệnh.

         Chơn hồn : Hay Chơn linh đều dùng để chỉ linh hồn của người đã chết.

         Xa lánh: Tránh đi chỗ khác cho xa.

         Xác trần: Thân xác con người ở cõi phàm trần.

Câu 1: Cầu xin các vị Thần linh trấn giữ nơi đây trợ lịnh giúp cho Chơn linh.

Câu 2: Và gìn giữ cho Chơn linh người đã chết xa lánh khỏi xác thân ở trần gian.

         Con người không tu hành thì chỉ chú trọng vật chất, danh lợi, vợ con...Nên khi vừa mới thoát xác, thì Chơn thần thường hay buồn đau khổ sở, tham tiếc cuộc sống, quyến luyến danh lợi, vợ con...bởi vì Chơn thần là tạng chứa tình cảm. Cho nên người chết cần được tụng Kinh để nhắc nhở và cầu xin xa lánh xác phàm mà tìm về Thiên cảnh.

 

Nam Mô Địa Tạng thi ân,

Đưa đường Thiên cảnh, lánh gần Phong đô.

         Nam Mô : Do từ Phạn Namah phiên âm ra, có sáu ý nghĩa:

         -Qui y: Trở về nương tựa Phật và Bồ Tát.

         -Qui mạng: Qui thân mạng của mình.

         -Cung kính: Hết lòng chí thành cung kính.

         -Cứu ngã: Mong được cứu độ.

         -Đảnh lễ: Lòng thành kính.

         -Độ ngã: Mong tu được qua bờ giác ngộ.

         Địa Tạng : Tức Địa Tạng Vương Bồ Tát (Xem chú thích trong bài Kinh Cầu Siêu).

         Thi ân : Làm ơn giúp người.

         Thiên cảnh : Cõi Trời, hay cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

         Lánh gần: Phải xa lánh, đừng lại gần.

         Phong đô : Tức là Địa ngục, Âm ty, nơi giam cầm và trừng trị các tội hồn gây nhiều ác nghiệt lúc còn sống nơi thế gian.

Câu 3: Nam Mô cầu xin Địa Tạng Vương Bồ Tát ban ơn cho Chơn linh người vừa chết.

Câu 4: Để linh hồn được trở về Thiên cảnh, mà lánh xa cõi Phong đô.

 

Nam Mô Tam Trấn Hư Vô,

Oai Nghiêm độ rỗi Cao Đồ qui nguyên.

         Tam Trấn : Là ba vị Thiêng liêng, thay mặt cho Tam vị Giáo chủ cầm quyền Tam giáo trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi là Tam Trấn Oai Nghiêm.

         Nhất Trấn Oai Nghiêm: Lý Đại Tiên Trưởng (Lý Thái Bạch), kiêm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cầm quyền Tiên giáo.

         Nhị Trấn Oai Nghiêm: Quan Thế Âm Bồ Tát, cầm quyền Phật giáo.

         Tam Trấn Oai Nghiêm: Quan Thánh Đế Quân, cầm quyền Nho giáo.

         Hư vô : Một cõi giới trống không vắng lặng, bao quát vô cùng tận, thường còn và không biến đổi. Cõi không thực thể, nhưng là điều kiện căn bản sinh ra mọi pháp.

         Oai nghiêm : Hay uy nghiêm : Dáng vẻ trang nghiêm, làm cho người ta kính sợ.

         Độ rỗi: Cứu giúp con người hoặc vong hồn thoát khỏi những sự ràng buộc, tội lỗi để thân tâm được nhẹ nhàng hoặc Chơn linh được siêu thoát.

         Cao đồ : Môn đồ của Đấng Cao Đài, tức là những người học trò của đấng Cao Đài Ngọc Đế. Những người được nhập môn vào đạo Cao Đài và tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ đều là môn đồ của Đức Chí Tôn.

         Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một Tôn giáo phát sinh do cơ bút huyền diệu của Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền mở đạo tại miền Nam nước Việt, từ đầu thế kỷ hai mươi. Trung ương là một Hội Thánh nắm giáo quyền chặt chẽ trên khắp đất nước. Đó là thể pháp của đạo Cao Đài có nhiệm vụ tận độ chúng sanh trong thời hạ nguơn mạt Pháp này.

         Sở dĩ Đạo Cao Đài phải lập ra hình tướng là bởi Thánh giáo Đức Chí Tôn dạy Đức Hộ Pháp như sau: “Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở bí pháp trước hay con mở thể pháp trước?”.

         Đức Hộ Pháp trả lời: “Xin mở bí pháp trước”.

         Chí Tôn dạy: “Nếu con mở bí pháp trước thì phải khổ đa. Đang lúc đời cạnh tranh tàn bạo, nếu mở bí pháp trước cả sự bí mật huyền vi của Đạo, đời thấy rõ xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo phải ra thế nào. Vì thế nên mở thể pháp trước, dầu cho đời quá dữ có tranh giành phá hoại cơ thể hữu vi đi nữa thì cũng vô hại, xin miễn mặc bí pháp còn là Đạo còn. Bí pháp là Hiệp Thiên Đài giữ...”.

         Và trong đàn cơ ngày 24/4/1926, Chí Tôn dạy tiếp: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy mà độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa, nhưng mà buộc phải lập chánh thể có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Đảo”.

         Vì thế Tôn giáo Cao Đài mới có mặt như hình thể hôm nay.

         Qui nguyên : Trở về với ban đầu, hay trở về với gốc. Ban đầu hay gốc của con người là khí Thái cực của Ngọc Hoàng Thượng Đế chiết ra ban cho con người để làm linh hồn, gọi là Tiểu linh quang. Qui nguyên hay qui hồi cựu vị tức là trở về ngôi vị cũ của mình là khối Đại linh quang (Đại hồn) của Chí Tôn.

Câu 5: Nam Mô xin cầu với các Đấng Tam Trấn Oai Nghiêm nơi cõi hư vô mầu nhiệm.

Câu 6: Dùng oai linh để độ rỗi những Chơn linh của môn đồ Cao Đài (Tín đồ) được trở về với Đức Chí Tôn.

 

Nam Mô Tam Giáo diệu huyền,

Tuyệt luân Bát Nhã đưa thuyền độ vong.

         Tam Giáo : Ba nền Tôn Giáo lớn là Phật Tiên Thánh:

         Giáo chủ đạo Phật là Thích Ca Mâu Ni Văn Phật ở Ấn Độ.

         Giáo chủ đạo Tiên là Thái Thượng Đạo Tổ ở Trung Hoa.

         Giáo chủ đạo Thánh là Khổng Thánh Tiên sư cũng ở Trung Hoa.

         Diệu huyền : Hay huyền diệu, nghĩa là sâu kín khéo léo, mà phàm trí không thể nghĩ bàn được.

         Tuyệt luân : Dứt tuyệt luân hồi sinh tử.

         Bát nhã : Hán dịch âm từ Prajna, nghĩa là trí tuệ hay trí huệ.

         Trí tuệ ở đây không phải do trí thức suy luận ra có, mà là thứ trực giác trực tiếp thấy được tánh không, chân tánh của mọi sự vật. Đạt được trí tuệ Bát nhã được xem như là giác ngộ.

         Bát nhã thuyền : Chiếc thuyền trí tuệ.

         Trí tuệ phá được vô minh, nên được ví như một con thuyền Bát nhã đưa con người qua khỏi Bến mê luân hồi để đến bên kia bờ giác ngộ.

Câu 7: Nam Mô xin cầu nguyện với các Đấng Giáo chủ Tam Giáo Thiêng liêng huyền diệu.

Câu 8: Xin được đem thuyền Bát Nhã đến cứu giúp các vong hồn để được dứt hết sự luân hồi sinh tử.

         Con người ở thế gian vì vô minh mà phải chịu chìm đắm trong luân hồi sinh tử. Muốn phá vô minh thì phải dùng trí tuệ. Vì vậy, người tu hành phải biết đem trí tuệ dùng làm con thuyền, gọi là thuyền Bát Nhã để cứu vớt con người hoặc vong linh chơi vơi nơi biển khổ, hầu đưa qua bên kia bờ giác ngộ.

 

Nam Mô Bạch Ngọc công đồng,

Thần, Tiên, Thánh, Phật mở vòng trái oan.

         Bạch Ngọc : Tức là Bạch Ngọc Kinh , tòa lâu đài bằng ngọc trắng, nơi ngự của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

         Bạch Ngọc Công Đồng : Đây là một phiên Đại Hội gồm chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Ngọc Hư Cung, Linh Tiêu Điện, tòa Bạch Ngọc Kinh nơi cõi Thiêng Liêng.

         Mở vòng: Tháo mở vòng.

         Trái oan: Hay oan trái : Nợ oan khiên.

         Kiếp trước mình gây ra những điều ác cho người, khiến người thù hận mình, kiếp này phải đề trả, đó gọi là oan trái, tức là món nợ oan nghiệt do mình tạo ra.

Câu 9: Nam Mô các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật trong Đại hội Công đồng nơi tòa Bạch Ngọc Kinh.

Câu 10: Hãy cởi bỏ hết các mối dây ràng buộc của vòng oan khiên nghiệp quả.

 

Nam Mô Thượng Đế Ngọc Hoàng,

Mở cơ tận độ nhẹ nhàng chơn linh.

         Tận độ : Cứu giúp để độ hết chúng sanh.

Câu 11: Nam Mô cầu xin Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Câi 12: Xin mở ra cơ tận độ để cứu giúp hết các linh hồn được nhẹ nhàng siêu thoát.

 

Cửa Cực Lạc thinh thinh rộng mở,

Rước vong hồn lui trở ngôi xưa.

         Cửa Cực Lạc: Cửa dẫn vào cõi Cực Lạc Thế Giới của Phật A Di Đà nơi Tây Phương.

         Thinh thinh: Thênh thang rộng rãi.

         Rước vong hồn: Tiếp rước các vong hồn.

         Lui trở: Lui trở lại.

         Ngôi xưa: Ngôi vị cũ, hay ngôi xưa vị cũ, nơi ban đầu các Chơn linh an ngự, tức là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 13: Cửa Cực Lạc Thế Giới của Đức A Di Đà Phật lúc nào cũng thênh thang mở rộng.

Câu 14: Tiếp rước các vong hồn lui trở về ngôi xưa vị cũ, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Toà sen báu vật xin đưa,

Chơn linh an ngự cho vừa quả duyên.

         Tòa sen: Nơi Phật ngự, hay còn chỉ ngôi vị Phật.

         Báu vật: Do Bảo vật (bửu vật) : Vật quí báu.

         An ngự : Ngự vào một cách yên ổn.

         Cho vừa: Cho thích hợp, tương xứng.

         Quả duyên : Cái kết quả có được là do sự bổ trợ của duyên, ví như muốn có hạt lúa (quả) thì phải có nhiều yếu tố như đất, nước, gió, lửa, ánh sáng mặt trời, cày bừa...để bổ trợ , đó gọi là duyên.Còn người tu hành muốn đạt được quả vị, thì phải nhờ công đức hành đạo để tạo duyên.

Câu 15: Ngôi vị của Chơn linh được an ngự trên tòa sen quí báu.

Câu 16: Đó là cái kết quả tương xứng với công đức tu hành.

Tiếp theo >

Top of Page

      HOME