CHÚ GIẢI KINH TẬN ĐỘ
THIÊN VÂN Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA

CHƯƠNG THỨ NHÌ

 KINH TẮM THÁNH

 I.- KINH VĂN:

                Kinh Tắm Thánh

                        Những vạn vật Âm Dương tạo hóa,

                        Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh,

                           Con người đứng phẩm tối linh,

                  Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.

                        Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,

                        Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn.

                           Vẹn toàn đủ xác đủ hồn,

                  Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn linh.

                           Xin gìn giữ thánh hình thanh bạch,

                           Xin xá ân rửa sạch tiền khiên.

                           Căn xưa ví dữ cũng hiền,

                  Dầu ra cửa tội đủ quyền cao siêu.

                           Công nuôi dưỡng nâng niu khổ nhọc,

                           Phép thương yêu cũng học nơi Thầy.

                           Sanh nơi đây, ở nơi đây,

                     Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn.

                           Chốn hồng trần quen lằn gió bụi,

                           Cảnh phù ba may rủi cũng duyên.

                           Đã gan dốc kiếm diệu huyền,

                     Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.

                           Đừng thối chí ngã lòng trở gót,

                           Để cho đời chua xót tình thương.

                           Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,

                     Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.

                                    NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN

 

II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

          Bài kinh Tắm Thánh là một bài kinh do Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

         Nguyệt Tâm Chơn Nhơn là một vị Thánh trong Tam Thánh Bạch Vân Động mà nơi Tịnh Tâm Điện của Toà Thánh có vẽ bức họa: Đó là: Thanh Sơn Đạo Sĩ tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tức là văn hào Pháp Victor Hugo, Tôn Sơn Chơn Nhơn tức nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Dật Tiên.

         Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cầm quyền chưởng đạo Hội Thánh Ngoại Giáo của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài thường giáng cơ dạy đạo và ban cho nhiều bài kinh, trong đó có bài kinh Tắm Thánh.

         Bài kinh Tắm Thánh dùng để đồng nhi tụng khi hành lễ Tắm Thánh cho các con cháu người đạo từ một tháng tuổi đổ lên.

         Hành lễ Tắm Thánh tại Tòa Thánh hay các Thánh Thất là vị chức sắc hành pháp luyện Ma Ha thủy rồi rưới lên đầu đứa bé, mục đích là để Hội Thánh nhìn nhận đứa bé vào cửa Đạo, ghi vào bộ sanh và cấp cho giấy Tắm Thánh. Ngoài ra, đứa bé cũng được hưởng Hồng Ân của các Đấng ban cho để rửa sạch những tội lỗi tiền khiên và giữ gìn thánh hình thanh bạch như lời Kinh đã viết:

                        Xin gìn giữ thánh hình thanh bạch,

                        Xin xá ân rửa sạch tiền khiên.

                           Căn xưa ví dữ cũng hiền,

                  Dầu ra cửa tội đủ quyền cao siêu.

 

III.-CHÚ GIẢI:

Những vạn vật Âm Dương tạo hóa,

Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh,

         Vạn vật : Muôn vật, là tất cả các loài vật hữu sanh, từ vật chất, kim thạch, thảo mộc, thú cầm và nhơn loại.

         Âm Dương : Hai thứ khí do Thái Cực biến hóa ra, gọi là Lưỡng Nghi.

         Theo Dịch học, sự hóa sinh và phát triển của vạn vật trong Vũ trụ đều do sự giao cảm của hai khí Âm Dương (hay Càn Khôn) mà ra.

         Còn theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn, Ngài là ngôi Thái Cực do Hư Vô chi khí hóa thành, rồi Thái Cực mới phân ra Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Đức Chí Tôn cầm quyền Dương quang, còn Âm quang thì do Phật Mẫu chưởng quản.

         Phật Mẫu mới dùng khí sanh quang của ngôi Thái Cực phối hợp với Âm quang để tạo ra Càn khôn Vũ trụ và vạn vật.

         Tạo hóa : Đào tạo và hóa sinh ra vạn vật.

         Dầu cỏ cây: Dù là cỏ cây (tức thảo mộc).

         Hoa quả : Bông và trái.

         Bất cứ loài cây cỏ nào được sinh ra cũng có âm dương. Âm dương này hiện diện ở bông của các loại cây, gọi là nhụy đực hay nhụy cái. Phấn của nhụy đực hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp do loài ong bướm gieo truyền vào nhụy cái để kết thành trái (gọi là thụ phấn). Trái đó hoặc chính nó hoặc hạt của nó tạo thành một mầm sinh ra một cây mới. Do vậy, cây cỏ mới sinh ra, lưu truyền càng ngày càng nhiều và mãi mãi.

         Biến sanh : Biến hóa mà sinh ra.

         Trong Càn khôn Vũ trụ, không có một vật nào mà không biến sanh. Sự chuyển sanh, biến kiếp đều do khí Âm Dương, Ngũ hành hợp lại mà nên thể chất và trưởng thành. Tức là muôn vật hay con người từ lúc hình thành trong thai bào, cho đến khi ra đời tạo nên thân xác, thể chất, lúc nào cũng đều nhờ Âm Dương, Ngũ hành mà sinh hóa.Mãi đến khi hình hài mãn kỳ sinh thọ thì thể xác là vật chất sẽ tiêu tan, các yếu tố đó lại trở về với bản chất tự nhiên của nó, để rồi lại chuyển hóa ra một hình thể khác nữa. Tóm lại mọi vật lúc nào cũng phải biến sanh.

Câu 1: Trong Vũ trụ, muôn loài đều do hai khí Âm Dương (Theo đạo Cao Đài là khí Âm quang và Dương quang) giao cảm mà tạo thành.

Câu 2: Dù là các loài cây cỏ  cũng đều do âm dương ở hoa và quả mà biến sanh ra.

 

Con người đứng phẩm tối linh,

Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.

         Con người đứng phẩm: Trong vạn vật, con người đứng vào hàng phẩm.

         Tối linh : Rất linh thiêng, linh thiêng hơn hết.

         Con người là một sinh vật có ý thức, có trực giác, biết suy tư và nhứt là biết điều nhơn nghĩa đạo lý. Vì vậy, Tuân Tử có nói: “Nước lửa có khí mà không sinh, cây cỏ có sinh mà không hiểu biết, cầm thú có hiểu biết mà vô nghĩa, duy chỉ có con người có khí, có sinh, có hiểu biết và cũng có nghĩa, cho nên người là quý nhứt trong thiên hạ (Thủy hỏa hữu khí nhi vô sinh, thảo mộc hữu sinh nhi vô tri, cầm thú hữu tri nhi vô nghĩa, duy nhơn giả hữu khí, hữu sinh, hữu tri diệc hữu nghĩa, cố vi thiên hạ quý , , , , , , ).

         Sở dĩ con người đứng vào bậc tối linh hơn các loài vật:

- Thứ nhứt là bởi vì con người phải qua muôn nghìn kiếp tiến hóa, từ vật chất, thảo mộc, thú cầm, rồi mới chuyển hóa đến nhơn loại.

         Đức Chí Tôn giảng về sự tiến hóa của muôn vật như sau: “Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đến thú cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn năm, muôn năm lần mới đến địa vị nhơn phẩm”.

- Thứ nhì là vì con người có ba phần hồn: Sanh hồn, giác hồn, linh hồn, mà loài vật chất thấp nhứt kim thạch, là loài vô tri vô giác, không phân biệt được đầu ngọn; kim thạch tiến lên thảo mộc thì có một hồn là sanh hồn, có gốc quay xuống đất, ngọn hướng lên trời; thảo mộc tiến lên thú cầm thì có được hai hồn là sanh hồn, giác hồn, đầu và đuôi ngang nhau; thú cầm tiến lên con người thì có ba hồn: Sanh hồn, giác hồn, linh hồn, đầu hướng lên trời, chân quay xuống đất.

Con người nhờ Sanh hồn mới có được sự sống, Giác hồn mới có cảm giác, biết đau đớn khổ sở và Linh hồn mới khôn ngoan, biết đạo lý, suy xét đủ điều, nên con người đứng vào hàng phẩm tối linh.

Anh nhi : Đứa trẻ nhỏ.

Nửa người nửa Phật: Nửa con người nửa là Phật.

Một đứa hài nhi còn bé, thật ra chưa có hung tánh. Theo Mạnh Tử, tánh của con người lúc ban đầu là thiện (Nhân chi sơ tính bản thiện ), vì đắm đuối vào vật dục, cho nên cái tâm mới mờ tối đi, thành thử bỏ mất điều nhân nghĩa, mà trở nên tính ác. Bởi thế, ông khuyên người ta không nên để mất cái tâm hồn nhiên thuần hậu như cái tâm của đứa trẻ con (Đại nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã , ).

Như vậy, nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi có nghĩa là đứa hài nhi (dù mới sinh ra) có một nửa là người tức là phàm thân do tinh cha huyết mẹ tạo ra, và một nửa là điểm linh quang do Chí Tôn ban cho, còn gọi là Phật tánh.

Câu 3: Trong muôn vật con người là đứng vào bậc linh thiêng hơn hết.

Câu 4: Trong mình đứa trẻ nhỏ có nửa người (phàm thân), nửa Phật (Phật tánh).

 

Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,

Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn.

         Đại Từ Phụ : Đấng cha lành to lớn.

         Vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn giáng cơ mở Đạo dìu dắt chúng sanh vào đường đạo đức, Ngài xưng là cha chung của toàn nhân loại, vì thế chúng sanh mới gọi Ngài là Đại Từ Phụ.

Từ bi : Từ bi là lòng thương yêu, lo lắng mong giúp đỡ cho chúng sanh được an lành và cứu vớt chúng sanh ra khỏi tai ương, khổ não. Lòng từ bi phải là một chân tâm, xuất phát từ lòng trắc ẩn thành thật, không vụ lợi, không phân biệt thân sơ hay sang hèn. Từ bi là một thứ tình thương đem đến niềm an vui cho kẻ khác. Người có từ tâm, thì lúc nào cũng muốn tạo và dâng hiến sự an lành, hạnh phúc cho kẻ khác, còn người có lòng từ bi thì bao giờ cũng mong xoa dịu hay làm vơi bớt những nỗi đau của kẻ khác.

Ban cho điều sung sướng, cứu giúp sự khổ não, mà làm sao tự ta không thấy mình là người ban ơn, người là kẻ thọ ơn, như thế mới thật là lòng từ bi.

Đại từ Đại bi là lòng từ bi tối thượng, chỉ đạt được khi đã đạt được trí huệ tối thượng, tức là tâm từ bi tuyệt đối, vô điều kiện, chỉ có được nhờ sự giác ngộ rốt ráo về chân lý. Đó là lòng từ bi của Đức Thượng Đế và chư Phật, chư Tiên.

         Tạo hóa : Đào tạo và hóa sanh ra vạn vật.

         Tượng mảnh thân: Nắn nên tấm thân.

         Càn Khôn : Trời và đất.

Câu 5: Đức Chí Tôn là Đấng cha lành to lớn mở lòng từ bi tạo hóa ra vạn vật.

Câu 6: Tạo nên hình thể con người giống như Trời đất.

         Con người là một Vũ trụ nhỏ, nên thân người cũng gồm đủ Thái cực, Âm dương, Tam bửu, Ngũ hành và các lẽ mầu nhiệm của Trời Đất, vì vậy mà sách Lễ Ký nói rằng: Người ta là đức Trời Đất,chỗ giao cảm khí Âm dương, chỗ hội tụ Quỉ thần, và những tú khí Ngũ hành (Nhơn giả kỳ vi Thiên địa chi đức, Âm dương chi giao, Quỉ thần chi hội, Ngũ hành chi tú khí dã , , , ).

Trời đất (Càn khôn) do Âm Dương sinh hóa thì con người cũng do Âm Dương phối hợp mà thành.

Hễ Trời có tam bửu là Nhựt Nguyệt Tinh, đất có tam bửu là Thủy Hỏa Phong, thì con người cũng có tam bửu là Tinh Khí Thần.

Hễ Trời có Ngũ hành là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Đất có Ngũ phương là Đông Tây Nam Bắc Trung ương,thì người cũng có Ngũ tạng là Tâm Can Tỳ Phế Thận. Nếu không có ngũ hành và ngũ phương thì không có Càn khôn Thế giới, còn nếu không có ngũ tạng thì cũng không có nhơn loại.

         Tóm lại, con người cũng giống như trời đất, cho nên mới được gọi là một Tiểu Thiên Địa.

 

Vẹn toàn đủ xác đủ hồn,

Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn linh.

         Vẹn toàn: Hoàn toàn đầy đủ.

         Xác: Thân xác, hình hài.

         Thân xác con người là một sinh vật, một khối vật chất tập hợp bởi muôn muôn ngàn ngàn tế bào sống hợp lại với nhau. Chúng nhờ vật thực ăn vào mới phát triển và lớn dần thêm mãi. Cũng như các sinh vật khác, hình thể của con người có sự sinh ra, trưởng thành và hủy diệt.

         Đến giai đoạn sắp hủy diệt, con người kém ăn ít ngủ, lục phủ ngũ tạng càng ngày càng suy kiệt, tế bào trong châu thân bị lão hóa, trở nên khô gầy, tàn lụi cho đến chết.

         Tuy vậy, thân xác cũng rất cần ích cho con người, các Đấng Tiên, Phật ngày xưa cũng nương nhờ Nhục thân để tu hành cho đến đắc thành chánh quả.

Hồn : Linh hồn . Còn gọi là Chơn linh.

         Sự cao quý của con người là linh hồn, Phật gọi là bản lai Phật tánh, Cao Đài gọi là Tiểu linh quang hay Thiên tánh, là một vật Thiêng liêng do khối Đại linh quang của Chí tôn ban cho, trong ấy, có ba nguơn hồn: Linh hồn, sanh hồn, giác hồn. Tuy nói ba nguơn hồn chớ pha lẫn nhau làm thành một. Con người có sanh hồn mới được sự sống, có linh hồn mới khôn ngoan hiểu biết, có giác hồn mới cảm nhận được đau khổ, nóng lạnh.

         Thể xác nhờ vật thực hữu hình nuôi sống, trái lại linh hồn phải nhờ vật không hình chất bồi dưỡng, đó là sự học hỏi, sự lạc quan, sự nhàn tản, sự tịnh luyện...

         Linh hồn do Chí Tôn ban cho, là một thể vô hình, nên bất tiêu bất diệt. Vì vậy, khi thân xác chết đi thì linh hồn hoặc thọ quả báo luân hồi, hoặc trở về một cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

         Xây cơ: Xây dựng một cơ quan, hay một cơ chế.

         Chuyển thế : Làm thay đổi đời. Từ cuộc đời khổ sở, nghèo hèn làm trở nên cuộc đời sung sướng, tốt đẹp hơn.

         Bảo tồn vạn linh : Giữ gìn mạng sống của muôn sinh linh trong Càn khôn Vũ trụ.

Câu 7: Con người được ban cho đầy đủ linh hồn và thể xác.

Câu 8: Xây dựng và chuyển đổi một cơ chế để giữ gìn mạng sống của muôn sinh linh.

         Chí Tôn, Phật Mẫu là hai Đấng đại từ đại bi tạo hóa ra vạn linh, nên hết lòng thương xót chúng sanh đang bị trầm luân nơi khổ não. Luôn luôn lúc nào Ngài cũng coi trọng mạng sống của muôn loài. Thánh giáo Đức Chí Tôn có giải thích điều này: “Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm gọi là chúng sanh.

         Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống. Vì vậy, mà lòng háo sanh của Thầy vô cùng tận”.

         Vì lòng háo sanh nên Thánh chất của Chí Tôn là Bảo sanh, tức là có sự thương yêu để bảo toàn sự sống của chúng sanh. Thánh giáo dạy: “Sự thương yêu là giềng Bảo sanh của Càn khôn Thế giới. Có thương yêu nhơn loại mới hòa bình, Càn khôn mới an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa”.

 

Xin gìn giữ thánh hình thanh bạch,

Xin xá ân rửa sạch tiền khiên.

         Thánh hình : Thân hình Thiêng liêng của con người. Nghĩa như chữ Thánh thể (trong bài Kinh Giải Oan).

         Thanh bạch : Trong trắng, trong sạch.

         Xá ân : Lấy ơn mà xá tội cho người.

         Tiền khiên : Tội lỗi đã tạo ra trong kiếp trước.

Câu 9: Hình hài này Chí Tôn ban ơn lành cho xin gìn giữ như một thánh hình trong sạch.

Câu 10: Cầu xin Chí Tôn tha thứ tội tình và rửa sạch những oan khiên do kiếp trước đã gây tạo.

         Như trên ta biết, Đức Thích Ca trước khi đắc đạo nhờ tắm sông Hằng Hà, dùng Ma Ha Thủy là nước sông thiêng liêng ấy để tẩy những oan khiên nghiệp chướng, tức là tẩy sạch trần trược rồi Ngài mới đắc quả.

         Thời Hạ nguơn mạt Pháp, Đức Chí Tôn giáng cơ mở đạo kỳ ba là đại ân xá cho toàn vạn linh và ban cho bí pháp Tắm Thánh, tức là lấy Ma Ha Thủy (Dùng bí pháp luyện) để tẩy sạch những oan khiên tội chướng cho đứa hài nhi khi nó còn là đứa bé thơ ngây trong sạch, chưa gây tạo nên tội lỗi.

         Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy bí tích Tắm Thánh, Giải Oan là một Đại Ân Xá của Chí Tôn mà nhiều Chơn linh chờ mong được hưởng:

Câu chuyện được kể lại ở một đàn cơ, có một vị Thánh giáng xưng là Pêrô, cho nên mọi người hầu đàn đều quì lạy. Trong những người ấy có ông Tiếp Thế vừa bước ra và định lạy, thì cơ viết:

         Thưa ba, con là Châu nè! (Mọi người ngớ ngẩn, còn ông Tiếp Thế giựt mình, nên không quì).

         Đức Hộ Pháp hỏi Chơn linh: Mình là một vị Thánh, xuống thế sao không cứu thế độ đời, lại vắn số làm khổ người ta như vậy?

         Thánh Pêrô viết: “Thưa Ngài, vì tôi thấy Đức Chí Tôn mở Đạo, khai tân pháp, trong đó có phép Tắm Thánh, Giải Oan. Tôi vì ham thích, mong được thọ hưởng bí pháp ấy, nên lén xuống đầu kiếp mặc dầu không có lịnh để được hưởng pháp ấy, trong kỳ Đại Ân Xá nầy. Đến ngày Ngọc Hư Cung họp, tôi lại trở về vì không dám ở lại sợ vắng mặt bị Ngọc Hư Cung bắt tội.

         Được biết Ông Châu mất lúc vừa lên 6 tuổi.

         Xem thế, bí tích Giải Oan, Tắm Thánh...trong thời Đại Ân xá kỳ ba này là một điều đại hạnh cho chúng sanh được may duyên thọ hưởng.

 

Căn xưa ví dữ cũng hiền,

Dầu ra cửa tội đủ quyền cao siêu.

         Căn : Cái gốc rễ. Những hành vi từ một hay nhiều kiếp trước, dù thiện hay dù ác đều gây tạo nên một gốc rễ để báo ứng cho kiếp này hay kiếp sau. Nếu việc làm lành, gọi là thiện căn thì tạo phúc đức cho người làm hưởng, nếu việc làm hung dữ, gọi là ác căn thì gây quả báo cho người làm phải trả.

         : Ví dụ như.

         Dữ: Hung dữ.

         Hiền : Thiện lành.

         Căn xưa ví dữ: Ví như căn kiếp xưa là người hung dữ.

         Cửa tội: Cửa tội lỗi, nơi tội lỗi.

         Dầu ra cửa tội: Cho dù ra khỏi nơi tội lỗi.

         Đủ quyền: Đầy đủ quyền hành.

         Cao siêu: Siêu thăng lên ngôi vị cao.

         Đủ quyền cao siêu: Được đầy đủ quyền lo lập công bồi đức để được siêu thăng Thiên vị.

Câu 11: Ví dụ như căn kiếp xưa đứa bé này là người hung dữ thì cầu xin Ơn Trên ban cho nó kiếp này trở nên hiền lương.

Câu 12: Dầu cho đứa hài nhi này, Chơn linh vừa ra khỏi nơi tội lỗi thì cũng xin ban cho được đầy đủ quyền để tự lập vị mình cho được siêu thăng.

         Con người sống ở thế gian, cái số mạng, tội phước hay lập vị không phải do Trời định, mà chính do ta tự quyền quyết định lấy. Đức Hộ Pháp, trong Thiêng Liêng Hằng Sống có giảng: “...Không có ai định kiếp cho ta, chính ta định kiếp cho ta; chưa có ai phân tội phước cho ta, chính ta định tội phước cho ta. Mạng căn kiếp số của ta, ta định, không có hình luật nào buộc được chúng ta, chúng ta có quyền tự do, quyền sở hữu định mạng căn cho ta vậy

 Công nuôi dưỡng nâng niu khổ nhọc,

Phép thương yêu cũng học nơi Thầy.

         Công nuôi dưỡng: Công lao nuôi nấng.

         Nâng niu: Chăm sóc và gìn giữ một cách trìu mến.

         Khổ nhọc: Nhọc nhằn khổ sở.

         Phép hay pháp : khuôn luật, luật pháp.

         Phép thương yêu: Hay luật thương yêu . Sự thương yêu được làm thành điều luật, gọi là luật thương yêu.

Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn giáng cơ mở đạo kỳ ba, có ký với nhơn loại một hòa ước, gọi là Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, giao cho Tam Thánh Bạch Vân Động công bố cho toàn nhơn loại rõ.(Xem hình Tam Thánh ở Tĩnh Tâm Điện nơi Tòa Thánh Tây Ninh).

         Nội dung bản Thiên Nhơn Hòa Ước gồm Thiên thượng Thiên hạ , Bác ái công bình (Dieu et Humanité – Amour et Justice).

         Thiên thượng : Đức Chí Tôn (Dieu).

         Thiên hạ : Nhơn loại (Humanité).

         Bác ái (Amour): Rộng thương. Lấy tình yêu thương chúng sanh để làm thành một điều luật, gọi là là Luật yêu thương, vì Đức Chí Tôn có dạy rằng: “Sự thương yêu là giềng bảo sanh trong Càn khôn Thế giái. Có thương yêu nhơn loại mới hòa bình, Càn khôn mới an tịnh”.

         Và: “Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục Thiên, Cực Lạc Thế Giái và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi”.

         Công bình (Justice): Hay công chánh, là không nghiêng không lệch bên nào, tức là không thiên kiến. Công bình được dựng nên một quyền, gọi là Quyền công chánh.

         Tóm lại, Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước chỉ lấy bốn chữ Bác ái công bình làm tiêu chuẩn cho luật và quyền: Đó là Luật thương yêu Quyền công chánh.

         Thầy: Đây chỉ Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì Ngài mở Đạo kỳ ba coi chúng sanh như những người học trò đến học Đạo, nên Ngài thường tự xưng là Thầy gọi chúng sanh là đệ tử.

Câu 13: Nuôi dưỡng từ bé đến trưởng thành thì công lao chăm sóc đó rất nên khổ nhọc.

Câu14: Học hỏi theo Đức Chí Tôn về luật thương yêu.

         Thực vậy, lòng thương yêu của Đức Chí tôn là lòng Đại từ đại bi, vô cùng vô tận. Nhờ vào lòng đại từ bi của Đức Chí Tôn tạo nên giềng Bảo sanh nên mới còn nhơn loại. Thánh giáo có dạy: “Nếu chẳng có một Đấng Từ bi lấy đức háo sanh mở Đạo Tam Kỳ đặng vớt những kẻ hữu căn thì toàn thế giới sẽ bị dần dần tiêu diệt...”. Và: “Sự thương là giềng bảo sanh của Càn Khôn Thế Giới. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, Càn Khôn mới an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa”.

         Người tu hành cũng phải học hỏi và thực hiện theo sự thương yêu của Đức Chí Tôn, vì đó là một hành trang mang theo trong ngày trở về với ngôi vị cũ.

 Sanh nơi đây, ở nơi đây,

Trăm năm là tuổi đủ đầy mạng căn.

         Sanh nơi đây, ở nơi đây: Được sanh ở nơi này, sống ở nơi này, có nghĩa là duyên phận đã được an bài của đứa hài nhi.

         Trăm năm: Do câu trong Kinh Lễ: “Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ ”: Đời sống của con người lấy trăm tuổi làm kỳ hạn.

         Trăm năm là tuổi: Tuổi của con người là hạn định một trăm năm.

         Mạng căn : Căn bản của mạng sống con người.

Câu 15: Sanh ra ở nơi này, sống cũng ở nơi này.

Câu16: Trọn một kiếp sanh, may sống được một trăm năm là đầy đủ về mạng căn của mình rồi.

 

 Chốn hồng trần quen lằn gió bụi,

Cảnh phù ba may rủi cũng duyên.

         Chốn: nơi, cõi.

         Hồng trần : Bụi hồng (đỏ), chỉ thế gian là cõi nhơn loại đang sống. Cõi này chứa nhiều bụi bặm (màu đỏ), ô trược, còn được gọi trần gian, trần cấu, trần tục...

         Gió bụi: Do chữ phong trần , chỉ sự từng trải về nỗi gian nan vất vả ở cõi đời.

         Phù ba : Làn sóng nổi. Sóng biển có lúc nhô lên rồi bị chìm xuống, nên thường ví với cảnh đời thay đổi.

         May rủi cũng duyên: Mối duyên ràng buộc do vận may hay vận rủi.

Câu17: Nơi trần gian, con người luôn chịu đựng những nỗi gian truân vất vả.

Câu18: Cảnh đời lúc nào cũng thay đổi tùy theo duyên may rủi, tức là những sự ràng buộc do ta gây tạo từ trước.

 

Đã gan dốc kiếm diệu huyền,

Sanh sanh là phận, hiền hiền là công.

         Gan: Chỉ sự can đảm.

         Dốc: Đây chỉ tuốt ra, rút ra.

         Kiếm diệu huyền: Cây kiếm huyền diệu, tức chỉ kiếm trí tuệ hay gươm trí tuệ.

         Đạo Phật thường ví trí tuệ như một lưỡi kiếm (hay gươm) sắc bén có thể chặt đứt tất cả những sợi dây phiền não và vô minh đã trói buộc con người tu hành.

         Sanh sanh : Hay sinh sinh, theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, có nghĩa là sinh nở ra mãi, như sinh sinh bất tức : sinh nở ra mãi không thôi, sinh sinh hóa hóa : Sinh nở và biến hóa ra mãi không cùng.

         Phận : Danh phận hay bổn phận.

Sanh sanh là phận: Sự sinh sôi nẩy nở ra mãi là một bổn phận với Trời đất, hay nói cách khác, là một thiên chức của con người.

         Sở dĩ có vạn vật là nhờ có sự sinh của Trời đất. Cho nên có thể nói rằng: “Đức lớn của Trời đất là sự sinh” (Thiên địa chi đại đức viết sinh ). Theo Dịch học, sự sinh hóa của Trời đất, vạn vật do âm dương, cơ ngẫu phối hợp mà thành. Trong Hệ Từ hạ có viết: “Thiên địa nhân uân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh , , , ”: Khí Trời đất nghi ngút trên dưới hòa hợp nhau, vạn vật do khí tinh thuần ấy mà hóa ra, nam nữ phối giao mà sinh ra mãi.

         Người là một phần trong vạn vật, nên phải theo lẽ trời mà biến hóa, đó là thiên chức của con người.

         Hiền hiền là công: Rèn tập trở nên hiền lương nhân nghĩa là một công phu của con người.

         Theo thuyết trên, cái đức lớn của Trời đất là sự sinh, thì đạo người phải theo đạo Trời đất mà bồi dưỡng sự sinh. Đạo Trời có bốn đức: Nguyên , Hanh , Lợi , Trinh ; Đạo người cũng bởi đó mà có bốn đức là Nhân , Nghĩa , Lễ , Trí . Như vậy, Nhân (hay hiền) là đầu hết các điều thiện, là gốc lớn của sự sinh hóa trong Trời đất Vậy hợp với cái đức sinh là hiền là thiện, trái với đức sinh là ác.

Câu 19: Đã có lòng can đảm dùng cây gươm trí huệ để diệt trừ vô minh phiền não (Quyết tâm tu hành).

Câu 20: Sự sinh nở ra mãi là một thiên chức của con người, nhưng để làm tròn thiên chức đó, con người phải ra công tu rèn nên hiền lương nhân nghĩa.

 

 Đừng thối chí ngã lòng trở gót,

Để cho đời chua xót tình thương.

         Thối chí: Nãn chí, không còn muốn theo đuổi những việc đang làm.

         Ngã lòng: Nãn lòng, Lòng không còn vững chắc để đeo đuổi công việc đang làm.

         Trở gót: Lui gót, lui bước.

         Chua xót: Chua cay và xót xa, tức lòng dạ thấm thía đau đớn.

         Tình thương: Tình cảm thương tiếc.

Câu 21: Cõi đời đầy đau khổ và phiền não, không nên nãn chí nãn lòng mà lùi bước.

         Đời là biển khổ, nên một Chơn linh nào đầu thai xuống trần này thì phải cam chịu mọi khổ cảnh để trọn đạo làm nguời. Nhờ học hỏi ở trường đời chịu muôn ngàn cay đắng, bao nhiêu thử thách nhọc nhằn, đầy dẫy nghịch cảnh khổ đau mà con người cố gắng bước tới lần lần để được đi lên trên đường tiến hóa.

Câu 22: Sự nãn lòng thối bước sẽ để cho đời phải xót xa đau đớn tiếc thương

 

Trăm năm thọ khảo vĩnh trường,

Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng.

Trăm năm: Chỉ một đời người.

         Thọ khảo : Chịu sự khảo duợt.

         Vĩnh trường : Lâu dài, mãi mãi.

         Thuận căn : Thuận theo cái căn nghiệp của mình.

         Thuận mạng : Thuận theo mạng số của mình.

         Cao thăng : Được thăng lên ngôi vị cao.

Câu 23: Trải qua 100 năm thì đời người sống được trăm tuổi, mà càng sống lâu chừng nào thì càng phải thọ khảo nhiều chừng nấy.

Câu 24: Có được như thế, nếu thuận căn thuận mạng, hai con đường đó sẽ giúp Chơn linh cao thăng thiên vị.

         Một vật muốn trơn muốn bén, phải tốn nhiều công mài dũa; một sự việc gặt hái được kết quả, phải lắm công nhiều sức; một con người muốn nên tài năng hiền đức, phải nhiều công phu học tập, phải rèn tâm luyện tánh, phải chịu nhiều thử thách gian lao, phải chịu lắm cơn khảo duợt, mới phân được vị thứ, mới rõ được tài năng. Trong quyển Thiên Đạo, hai Ngài Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh có viết: Sự thử thách như luồng giông tố. Ai đã trải qua mà cái Tâm chẳng đổi, Ý chẳng dời, thì mới mong đạt đường Đạo được.

         Như vậy, đời người trăm tuổi phải thọ khảo dài lâu để có cơ hội rèn tâm luyện tánh, tập lòng nhẫn nại, giữ nghĩa thủy chung và nhất là gặt hái nhiều bài học hay trên đường tiến hóa về đạo đức. Sự khảo còn là một dịp để người tu trả xong nợ oan trái tiền khiên, một cơ hội nhồi hết căn quả trong một kiếp sinh phải trả hầu được rãnh rỗi, nhẹ nhàng vĩnh viễn an vui nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Tiếp theo >

Top of Page

      HOME