III- NHỮNG DINH THỰ TRONG NỘI-Ô TÒA THÁNH

 

1- NỮ ĐẦU SƯ ĐƯỜNG:


                 Trên Đại lộ Phạm Hộ-Pháp, vừa rời Đền Thánh là thấy ngay tòa nhà một từng, đồ sộ, đó là Nữ Đầu Sư đường
女 頭 師 堂 Đây là một tòa nhà dành riêng cho Chư vị Nữ Đầu-sư cầm quyền Nữ Phái làm việc. Đây cũng là nơi thờ phượng các bậc Nữ Đầu sư thời tiền khai Đại Đạo đã quá vãng. Phải kể đến công đầu của ba Bà: là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, Bà Nguyễn Hương Hiếu, Bà Hồ Hương-Lự. Nhân Lễ Khánh Thành Nữ Đầu Sư Đường ngày 15-08 năm Tân-Mão (1951) vào lúc 8g sáng. Đức Hộ-Pháp có lời Phủ-dụ:

“Hồi tưởng lại hai mươi mấy năm trước khi Đức Chí  Tôn đến cùng chúng ta, cầm cây Linh bút của Ngài tạo nền Chơn giáo. Ông đến với một thân già nghèo của Ông, chính mình Ông khai rằng: Ông là một Ông già nghèo Ổng nói "Tròi trọi mình không mới thiệt bần”. Ông

đến cho ta một danh thể là lập Hội-Thánh cho con cái của Ổng, nhưng Ông còn cỡi được con Bạch hạc ở trên mây trắng, còn Thánh-Thể của Ông ở ngoài mưa nắng cũng không được nữa, nó khó lắm đó vậy. Tình trạng rất khó khăn, Ổng đến với một thân nghèo để tạo dựng Thánh Thể cho con cái Ổng. Mà ôi thôi! Đám Thánh-Thể của Ổng nó cũng nghèo nữa, nhưng mà cái nghèo đó chúng ta có một năng lực cao thượng vô giá không thể tưởng tượng được. Có lẽ cả thảy đều ngó thấy buổi phôi thai, là khi Đền Thánh mới tạo, con cái của Ngài phải chịu biết bao nhiêu khổ hạnh, ăn thì bữa đói bữa no đặng tạo dựng Đền Thánh, đến bây giờ thành tướng làm cho Vạn quốc ngó thấy, trông vào đều khen ngợi, đó là khối muối của sắp nhỏ trở nên hình đó, do sự nhẫn-nại, nhọc nhằn của sắp nhỏ mà nên đại nghiệp ngày nay đó vậy. May thay! Đám con chí hiếu của Ngài trước sao sau vậy, liều mảnh thân phàm nầy làm con tế vật cho Đạo. Cả thảy Hội-Thánh tưởng lại coi tạo dựng một dinh thự Nữ-Đầu-Sư-Đường như vậy chỉ có 250.000$ (hai trăm năm chục ngàn đồng bạc chẵn) có tay thợ nào dám làm không? Tôi dám chắc không dám. Bởi vì giọt mồ hôi, nước mắt của sắp nhỏ nó đổ vô trong này bằng ba lần như vậy, đó chỉ có nhờ thiên hạ cho mớ vật liệu hòa với giọt mồ hôi đám sắp nhỏ mà nên hình tượng đó vậy. Các Con, các Em để ý coi Ông già đó, Ổng không chịu thiếu nợ ai hết, công nghiệp của mấy Em, Ông trả nơi thế nầy không đặng thì về cửa Thiêng Liêng Hằng Sống Ổng cũng trả cho được Ổng mới nghe. Các con đã ngó thấy, những đứa con hiếu hạnh của Ông giờ phút nầy có biết định phận của nó thế nào đối với Thánh Thể. Mấy đứa trong Quân Đội bây giờ là ai? Là đám công thợ buổi trước tạo dựng nghiệp Đạo rồi nó còn hy sinh xương máu bảo vệ đại nghiệp cho con cái của Ngài nữa, đương đầu với những trở lực oai quyền, hiện giờ nó nuôi lại Em nó, chia từ miếng cơm manh áo cho mặc. Cả đại nghiệp nầy là nhờ đám con chí hiếu của Ngài tạo dựng nên, chớ Tôi không làm gì được hết, chỉ có là đốc thúc vô cho chúng nó làm, chớ thân nầy ôm viên gạch cũng không nỗi. Bần-Đạo chỉ mong có một điều là toàn thể con cái của Ngài Nam Nữ mỗi ngày đều tưởng tượng đến công khó nhọc Anh Em nó, khó nhọc của đồng bào toàn thể nước nhà, nòi giống đã tạo dựng nên nghiệp ấy, lấy cả sự nghiệp nầy làm môi giới, giữ đạo đức làm bùa hằng tâm, thương yêu với nhau, giữ nghĩa với nhau cho đến bảy trăm ngàn năm (Thất ức niên) theo lời của Đức Chí-Tôn đã định, dầu Bần-Đạo còn ở đây hay về cõi Hư Linh. Cung ấy an lạc đi nữa, cũng nhớ đến đại nghiệp con cái của Ngài và Bần-Đạo dám đại ngôn với Ngài rằng: Con cái của Ngài giữ tâm chí hiếu với Ngài và đối với Phật Mẫu cũng vậy”.

Bấy giờ dài theo trục đại-lộ lần lượt có các dinh thự như: Giáo Tông đường, Hộ-Pháp đường, Tòa nhà Hiệp thiên Đài, Báo-Ân-Từ, Nhà Hội Vạn Linh cùng nằm một phía đối diện, tức là tất cả nằm về hướng Tây ngó mặt về Đông. Còn Đền Thánh là nằm bên hướng Đông ngó mặt về chánh Tây, cung Đoài. Tất cả đều hợp theo lý Dịch.

            Xem như về phương hướng, kích thước, kiểu vở đều do Đức Hộ-Pháp học hỏi nơi Thiêng liêng và chính Ngài làm Đốc công, chứ không một Kiến trúc sư nào đảm trách hay vẽ họa đồ cả. Điều đặc biệt là với Đền Thánh thì kiến thiết xong mới vẽ họa đồ sau. Người vẽ họa đồ là Đức Lý Thái Bạch Kim-Tinh (Giáo Tông vô vi) điều hành mọi việc.

 

 

            2- HỘ PHÁP ĐƯỜNG 

 

            Đây là Tòa nhà của Đức Hộ-Pháp (Hình bên ngoài nhìn vào), tức là nơi làm việc của Hộ Pháp - Giáo chủ Đạo Cao Đài về phương diện hữu hình Còn Giáo chủ về vô vi (Thiêng liêng) thì do quyền hành của Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

          Hộ Pháp Đường là tòa nhà lớn dành làm văn phòng làm việc của Đức Hộ Pháp Phạm  Công Tắc và cũng là nơi nghỉ ngơi của Đức Ngài ngoài giờ làm việc.  Hộ Pháp Đường được xây dựng trong Nội Ô Tòa-Thánh, bên cạnh Báo Ân Từ và Văn phòng Hiệp-Thiên-Đài của chư vị Thời Quân, cùng nằm trên đại-lộ Phạm Hộ-Pháp.

 

 

 

■ Đôi liễn nơi cổng Hộ Pháp Đường khi xưa, khởi đầu bằng hai chữ HỘ PHÁP:

- HỘ chấp Thiên cơ quản suất Càn Khôn an thế giới,
- PHÁP quyền xử định hòa bình thiên hạ tổng hoàn cầu.

 
 

Nghĩa là:

- Che chở và gìn giữ Thiên cơ, cai quản Càn Khôn Vũ Trụ, làm cho thế giới an ổn,
            -  Quyền hành chưởng quản pháp luật, phán đoán sắp đặt hòa bình cho nhơn loại khắp hoàn cầu.

■ Đôi liễn nơi cổng Hộ Pháp Đường hiện nay là đôi liễn

của Phạm Môn, nên khởi đầu bằng hai chữ PHẠM MÔN:

-PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp
-MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền.


 

Nghĩa là:

- Phật dạy tùy theo thời gian mà cứu độ người đời, thi hành chánh pháp,
- Quyền hành nơi cửa Đạo là định ra khoảng thời gian để diệt trừ tà mị yêu quái, bảo hộ chơn truyền

■ Trên lầu Hộ Pháp Đường, trước bàn thờ Đức Phạm Hộ Pháp, quí vị công quả Phạm Môn có làm đôi liễn ghi nhớ công ơn vĩ đại của Đức Phạm Hộ Pháp:

- Đại đức từ bi thủy sáng hoằng cơ chơn pháp tuyên dương truyền chánh giáo,

- Vĩ công cứu thế vĩnh hoài minh huấn chúng sanh sùng bái ngưỡng Tôn sư

           
           
  

Nghĩa là:

- Đức từ bi lớn, đầu tiên gây dựng nền tảng sâu rộng về giáo lý chơn thật, tuyên dương và truyền bá chánh giáo.
- Công lao to lớn cứu đời, ghi nhớ mãi những lời giáo huấn rõ ràng, chúng sanh kính phục tôn thờ, chiêm ngưỡng Đấng Tôn sư.

            Với những lời khắc ghi thành liễn đối nơi Tòa nhà của Đức Hộ-Pháp đủ thấy rằng một sự nghiệp vĩ đại mà Ngài đã cống hiến cho Đạo nghiệp của Chí-Tôn thật là vô đối, từ tuổi thanh xuân 35 cho đến ngày nhắm mắt lìa đời là 70 tuổi nhẹ tách thang mây. Thay vì người đời thì trối trăn dặn dò, nhưng với những bậc đại căn trong nguơn hội Cao Đài dùng Huyền Cơ Diệu Bút thì sau khi qui Tiên Đức Ngài  giáng đàn cho ngay bài Thài để làm bài hiến lễ:

Bài Thài hiến Lễ Ðức Hộ Pháp:

                  (Ngoài ra còn Cúng Tế vào Hàng Tiên vi)

              Sinh ngày: 05-05-Canh Dần (1890)

               Qui ngày:  10-04-Kỷ Hợi    (1959)

Trót đã ba năm ở xứ người,
Ðem thân đổi lấy phút vui tươi.
Ngờ đâu vạn sự do Thiên định,
Tuổi đã bảy mươi cũng đủ rồi.
Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi,
Buồn nhìn cội Ðạo luống chơi vơi.
Rồi đây ai đến cầm Chơn Pháp,
Tô điểm non sông Ðạo lẫn Ðời.

            Đúng 35 năm Đức Ngài phụng sự đại nghiệp của Đức Chí-Tôn bằng cả tinh thần và thể xác, thế mà khi cỗi bỏ xác trần Ngài vẫn còn “Nhớ tiếc sức phàm thừa chống chỏi”. Một tinh thần vì Thầy, vì Đạo, vì nhân sanh đến như thế là cùng! Vì sao? Bởi vì sự luyến tiếc của Đức Ngài là có duyên cớ: “Buồn nhìn cội Ðạo luống chơi vơi”.

            Chứ suy kỹ ra cuộc đời này có gì mà Ngài phải luyến tiếc. Hãy nghe lời phân trần của Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước bày tỏ trước kỳ Hội nghị ở Tokyo (Nhựt):        

            “Hồi tưởng lại việc đã qua trong các thời xưa, nhứt là thời cận đại và lấy kinh-nghiệm xét-đoán, chúng tôi nhận thấy hễ nơi nào sôi-nổi phong-trào náo loạn lôi cuốn con người vào chốn diệt vong thì cập theo đó sản-xuất một mối Đạo mới để cứu vớt sanh-linh khỏi cơn đồ thán.

           Như trước kỷ-nguyên Thiên-Chuá giáng sanh, nhơn-loại cơ hồ bỏ qua lời truyền của Đức Phật Thích-Ca vạch rõ con đường Bát-chánh để làm phương giải khổ. 

           Quên hẳn lời dạy của Đức Khổng-Tử giữ Đạo Nhân-luân, tạo nhân kết nghĩa để làm cửa điều-hoà xã-hội và vì khinh-thường Huấn-ngôn của các Đấng ấy, nên cơ Đời thuở nọ lâm cơn hỗn-độn thì Cơ-Đốc-Giáo ra đời  Cứu-Thế. Chưa mãn hai ngàn năm hoằng khai Công-giáo thì nhơn-loại lần lần không quan-tâm đến lời của Đấng Christ tiên-tri số-phận điêu-linh của loài người trong khoảng đời mạt kiếp này. Lời tiên-tri đã ứng-nghiệm thì ĐẠI-ĐẠO CAO-ĐÀI xuất hiện.        

           Giống như nhiều vị Giáo-Chủ đã qua vì sứ-mạng thiêng-liêng phải chịu hãm thân vào vòng thương-khổ, lấy khổ-hình đổi làm phúc-hậu cho chúng-sanh. Chức-sắc lãnh-đạo của chúng tôi  không thoát khỏi nạn khảo nặng nề dường ấy, nên có người phải tử vì Đạo, có kẻ  vào khám ra tù, chính Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc cũng phải bị đồ lưu năm năm nơi Hồng-Đảo, chỉ vì TỘI THƯƠNG-YÊU chớ không phạm tội gì khác”.

 

 

            3- GIÁO TÔNG ĐƯỜNG  教宗 堂

                E: The office of the Pope
                     F: L’office du Pape.

 

Giáo-Tông Đường là tòa dinh thự dùng làm nơi làm việc của Đức Quyền Giáo-Tông Lê văn Trung. Sở dĩ gọi là “Quyền Giáo Tông” vì Đức Ngài chưa phải là Giáo Tông chánh vị. Quyền hành Giáo-Tông chánh vị thuộc về vô vi do Đức Lý Thái Bạch Kim Tinh kiêm nhiệm. Đây là điểm đặc biệt của Đại-Đạo Tam-kỳ Phổ-Độ ngày nay, ấy là thể theo tinh thần Trời – Người đồng trị: Người trị xác, Trời trị hồn.

 

 

 

Bước vào tòa GIÁO TÔNG ĐƯỜNG này du khách sẽ thấy nơi cổng vào có đôi liễn đối. Giá trị liễn đối là lời tôn tặng một bậc đại công của nền Đại-Đạo đã dành trọn cuộc đời cho Đạo pháp. Đây là đôi liễn đối đặt ngay cổng vào Giáo Tông Đường, nhưng hạnh phúc nhứt là ngay ngày Lễ Đại Tường của Đức Ngài, được đồng Đạo ngưỡng mộ công đức cao dày của Đức Ngài đã tám năm khó mỏi với việc Đạo mới hoằng khai. Thế mà Ngài đủ phương chước điều đình những kẻ phá rối cốt làm lọan Đạo; kẻ trong người ngoài không thiếu. Đấy cũng là phương thử gan kiên trì thiết thạch của bậc Anh Cả nhơn sanh mà Đức Chí  Tôn đã lựa chọn, nhất định không lầm.

            Đôi liễn này do ông Giáo Sư Thượng Hoài Thanh giáng cơ đặt ra, được Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung chấp nhận trong đàn cơ tại Giáo Tông Đường ngày 16-10-Ất Hợi (dl:11-11-1935)

                        Phò loan: Hộ Pháp - Tiếp Đạo.

- GÍÁO hóa nhơn sanh nhựt nhựt trung tâm qui thiện quả.

- TÔNG khai tăng chúng thời thời trọng Đạo hiệp chơn truyền

敎 化 人 生 日 日中 心 歸 善 果

宗 開 僧 眾 時 時重 道 合 眞 傳

Giải thích:

            Câu 1: Việc Giáo hóa nhơn sanh cho mỗi ngày mỗi giữ được cái tâm trung dung để được trở về ngôi vị nơi cõi thiêng liêng. (Giáo hóa: dạy bảo để biến đổi con người từ xấu thành tốt. Nhựt nhựt: ngày ngày, ý nói mỗi ngày mỗi... Trung: ở giữa, không thiên lệch, là đạo Trung Dung của Đức Khổng Tử. Tâm: lòng dạ, cái tâm của con người. Qui: trở về. Thiện quả: trái lành, ý nói ngôi vị thiêng liêng của người đắc đạo đạt được).

            Câu 2: Đạo mở ra cho dân chúng tu hành, luôn luôn tôn trọng đạo đức cùng với chơn truyền. (Tông: tôn giáo, đạo. Khai: mở ra. Tăng chúng: những người tu hành. Thời thời: luôn luôn. Trọng đạo: tôn trọng đạo đức. Hiệp: hợp với. Chơn truyền: giáo lý chơn thật được truyền lại).

Hãy nghe lời tường thuật về đám Đại Tường của

Đức Ngài vào ngày 13-10-Âm lịch (1937) do Tạp chí Ðại

Ðạo số 5 Janvier 1937 tường thuật:

“Tới Tòa Thánh đã thấy được một cái cửa vô đồ sộ, kế ở bên trong hai nhà kỷ niệm Nam Nữ rất ngộ nghĩnh. Từ cửa vô tới Ðại Ðồng Xã, tới Giáo Tông Ðường, Hộ Pháp Ðường, Báo Ân Từ.. thì cờ Ðạo phất phới xem rất vui mắt. Công cuộc sắp đặt tại Ðại Ðồng Xã có trật tự và oai nghiêm lắm. Ngang qua cái hầm Bát Quái trước Tòa Thánh có bắc một cái cầu rộng lớn mà Ðạo Hữu đều gọi là Ngân Hà Kiều. Qua cầu rồi tới một cái cửa Tam Quan bề cao trên bảy thước, bề dài 12 thước, trên hết có vẽ thật lớn mấy chữ "Ðại Ðồng Xã” và “Place de la Fraternité universelle". Trên đầu cửa giữa có đề năm “1925 – 1936” hai bên là hai câu liễn Giáo Tông như trên

Hai cửa vô hai bên là cửa "Nữ Phái" và "Nam Phái" trên có vẽ nhành Nho có lá, trái, thể Tinh- Khí-Thần hiệp nhứt. Hai bên cửa giữa có treo những hình của Ðức Quyền Giáo Tông một bên về phần đời, một bên về phần Ðạo của Ngài. Hai bên cửa Nam Nữ thì treo hình lễ an táng của Ngài. Cả lịch sử vẻ vang của Ngài đều bày giải rõ tại đó cho mỗi người đều được biết. Vào khỏi cửa Ðại Ðồng Xã rồi thì thấy chính giữa sân một cây cờ Ðạo rất lớn, cờ màu trắng có ba vòng xanh, vàng, đỏ kết tréo ngang thể Tam Giáo qui nhứt.  Ở  mút đầu sân Ðại Ðồng là đài Cửu Trùng Thiên bề cao 9 thước, bề dài 20 thước, chính giữa có một chữ VẠN màu vàng thật lớn, trên hết là bức chơn dung của Ðức Quyền Giáo Tông vuông vức mỗi bề tám thước. Hai bên Cửu Trùng Thiên từ hai góc bức chơn dung, hơn 16 thước bề cao, có giăng qua hai bên rừng Thiên Nhiên hai hàng cờ Pháp Quốc và Vạn Quốc.

            Đức Hộ-Pháp nói: “Thưa cùng chư Chức-sắc Thiên Phong Cửu Trùng Đài Nam Nữ ! Cái ngôi của Ngài tạo dựng, cái ngôi Giáo Tông-Đường của Ngài đã ngồi trên ấy, đầu tiên hết, cái ngôi ấy nó sẽ để nơi đất Việt-Nam này một cái báu vật quí giá vô cùng, từ thử tới giờ chưa hề có. Bần-Đạo ngó qua Vatican, cái Ngai của Đức Giáo-Hoàng Saint Pière thế nào, thì Bần-Đạo có lẽ nói rằng và cũng có thể mơ-ước: cái ngôi của Thượng-Trung Nhựt lưu lại nơi thế này nó sẽ trở nên thế ấy.”

 

 

           

Hiện tại nền tảng phong-hoá đã bị lung-lay

Đức Chí-Tôn cho người con trưởng của Người đến là Đức Quyền Giáo-Tông.

Đức Hộ-Pháp nói:

“Giữa thế kỷ hai mươi nầy, toàn địa cầu nhơn sanh đều xu hướng về đường vật chất, đua tranh náo nhiệt, mạnh đặng yếu thua, khôn thì còn, dại thì thác, làm cho cả cá nhơn hay là trọn xã hội nào cũng vì sanh hoạt khó khăn mà quên hẳn tinh thần vi chủ.

Hại thay! Cơ quan của đời hiện hữu lại do nơi quyền năng vật dục mà thành hình, đến đỗi trừ tinh thần ra thì trí thức con người cũng lậm nhiễm lấy quyền duy vật, đạo đức tinh thần xem ra càng ngày càng mòn-mỏi. Nếu chúng ta thấy cơ quan hành động của các Tôn-giáo còn mảy-may duy trì lại có đặng là nhờ khuôn viên tập tục chớ chẳng phải nơi tâm lý chuẩn-thằng.

Qua trận sát khí Âu-Châu, những bậc ưu thế mẫn thời để tâm nghiên cứu nguyên thủy sự bất hòa của toàn cầu do đâu mà sản xuất thì đã thấy đặng hiển nhiên rằng: Tại dân quá khiếm phần đạo-đức, những Tôn-giáo đương thời hoặc là bị buộc ràng vào tôn-chỉ hẹp hòi, hay là bị triết-lý oai-nghiêm mà làm cho phân chia tâm lý, nên không thể dung hòa làm môi giới cho Đại-đồng thiên hạ. Thuyết giao tình các Tôn-giáo là thuyết trọng-yếu của nhà hiền triết Á-Âu buổi nầy.

Ôi ! Hạng trí thức nhơn sanh ấy, khi xem đặng con đường nguy hiểm của văn minh duy vật dong ruổi thẳng tới chừng nào thì lại càng âu lo khủng khiếp cho tương lai nhơn loại buổi sau kia chừng nấy.

Ðời chẳng khác nào như chiếc thuyền chịu sóng gió ba đào lênh-đênh khổ hải. Những khách giang hồ của tạo công ai lại chẳng phập-phồng rơi châu đổ ngọc. Trong cơn khổ não tâm hồn ngẫu nhiên lại gặp cứu tinh giải nạn là Ðại Ðạo Tam-Kỳ Phổ Ðộ của Thượng-Ðế chấn hưng Tôn-giáo. Người đến đặng nhìn nhận các Ðạo là phương giáo-hóa của Người và dung hợp các triết-lý của đời dưới phép lương tâm làm chủ. Dầu ai để chút tâm nghiên cứu thì đủ hiểu cơ quan chuyển-thế rõ ràng nên không cần luận giải.

Từ năm Bính-Dần (1926) là năm Ðạo mở tại Nam Kỳ, đến nay Anh Cả chúng tôi là Lê-Văn-Trung Ðạo-tịch Thượng-Trung-Nhựt ra đảm nhiệm vai tuồng rất lớn lao, quan hệ là phổ-độ dìu dắt nhơn sanh vào đường Chánh giáo. Một mối Ðạo rất cao thâm mầu-nhiệm mà chính mình Ðức Thượng-Ðế đem gieo truyền trong nước nhỏ nhen như Việt-Nam ta đây, thiết tưởng sự khó khăn chẳng nhỏ, mà Anh Cả chúng tôi trọn chịu 9 năm trường, chẳng quản nhọc-nhằn, ra tay chống vững Ðạo thuyền, bền chí lướt qua khổ hải.

Ðạo mở vào buổi nhơn sanh đang khuynh hướng về đường vật-chất thì cái Tôn-chỉ Ðạo tất phải có thiệt lực gì cực kỳ mãnh liệt mới dung hòa nỗi hai thuyết duy tâm và duy vật, mà phải hạp thời thì nhơn sanh mới chịu hoan nghinh mà bước vào cửa Ðạo. Nếu Ðạo mà không có cái Tôn-chỉ duy-tân cải cách theo trình-độ tiến hóa của nhơn sanh thì Ðức Thượng-Ðế chẳng cần nhọc công tái lập, vì Ðạo vẫn có từ tạo Thiên lập Ðịa mà trong nhân-gian cũng đã lập thành nhiều nền Tôn-giáo để tùy thời mà tế độ quần linh. Trong các Tôn-giáo ấy như Phật-giáo, Lão-giáo, Nho-giáo, Cơ-Ðốc-giáo, cũng có nhiều triết-lý cao siêu, có thể cứ do theo đó mà hành Ðạo cũng đặng tiến-hóa, nhưng mỗi Tôn-giáo ấy đều có một Tôn-chỉ đặc biệt, có thể hạp với mỗi phong hóa tùy mỗi thời đại, chớ không đặng một Tôn-chỉ thống nhứt hạp theo thời đại buổi bây giờ. Ðạo đã có những điều kiện tối tân như thế thì tất phải có người tài đức ra làm hướng đạo mới hiểu rõ Tôn-chỉ của Ðạo mà truyền bá cho nhơn sanh khỏi lầm đường lạc lối và cũng phải có đại hùng đại lực mới gánh vác nỗi trách-nhiệm lớn lao của Ðại-Ðạo.

Anh Cả chúng tôi đây, trước khi vào Ðạo vẫn là người duy vật cũng như mọi người khác, ngoài đời vì đường danh lợi, Người cũng chẳng nhượng chi ai, kịp khi Ðạo mở Ðức Thượng-Ðế kêu đích danh Người mà phú thác Ðạo Trời.

Phong-trào duy vật đang sôi nổi, người lại đương thời phấn đấu, mà Người cũng vui lòng phế hết việc đời để hiến thân cho Ðạo. Buổi ban sơ mới có vài ba anh em trong Ðạo, cũng có kẻ trắng người đen, không đồng tâm chí, lẫn nghịch cùng nhau, rồi nào ai dám chắc sẽ ra làm sao đâu? Nhưng vì lòng háo đức của Người sẵn có, nên Người không chút ngại-ngùng bạo gan chí-sĩ mà hiến mình trọn vẹn lập Ðạo mới thành: công ấy, thưởng nầy làm Anh Cả chúng sanh cũng đáng.

Vào Ðạo rồi, khi thì lập Ðàn thỉnh giáo cùng các Ðấng Thiêng-Liêng, khi đi phổ-độ khắp Nam Kỳ, không nói ra ai ai cũng rõ, những nỗi khó khăn về sự hội hiệp ở xứ mình cho nên lúc khai Ðạo phải gặp nhiều nỗi tân khổ, lại còn nhiều nỗi cam go đối với Ðạo-hữu các nơi. Khi Ðạo đã có mòi hoằng-hóa, sau lại Hội-Thánh Ngoại Giáo thành lập ở Kiêm-Biên, tuy gặp lắm nỗi truân chuyên mà Người cũng cứ nhứt tâm nhứt đức do đường thẳng tiến hành, không bao giờ nản lòng thối chí.

Vì sao Ðức Thượng-Ðế không chọn người nào khác, lại đem mối Ðạo lớn lao mà trao lại cho Người lúc ban sơ ? Mà những người có công tu luyện theo Ðạo này, Ðạo khác cũng chẳng hiếm gì, mà sao Ðấng Chí Tôn không dùng ai trước ?

Có ai dám nói Ðấng Chí-Tôn dùng lầm!

Vậy thì, Tôn-chỉ của Ðại-Ðạo đã biểu lộ ra rõ ràng bí quyết đoạt Ðạo chẳng phải do một mặt yểm thế để tịnh dưỡng tinh thần, mà lại phải lịch-lãm nhơn sự và phải siêu quần xuất chúng, rồi lấy đạo đức mà cứu vớt nhơn quần.

Xã hội phải tùy sở nhu của chúng sanh mà lập phương phổ hóa thì cái công tu luyện kia mới bổ ích cho. Vì vậy mà Anh Cả chúng tôi mới đắc dụng trong Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ.

Anh Cả chúng tôi là người gồm có nhiều điều kiện hạp với tân thời, mà cũng không nghịch với phong hóa cũ.

Vậy nên Ðấng Chí-Tôn mới dùng người để làm mô phạm cho anh em Ðạo-hữu và cho đời thấy rõ một phần chơn lý trong Tôn-chỉ Ðại-Ðạo.

Theo thời đại khoa học đương nỗ lực phát dương này, nếu đem cái thuyết duy tâm cực đoan mà phổ hóa chúng sanh không khỏi bỉ lậu, còn nếu chuyên một mặt duy vật mà tiến hành thì xã hội phải có ngày tiêu diệt về nạn cạnh tranh phấn đấu. Vậy phải chiết trung hai thuyết mà dung hòa thì đời mới đặng vừa tấn hóa theo văn minh khoa học, vừa duy trì đặng tâm hồn đạo đức. Nhờ hiểu ý nghĩa cao thâm như vậy mà Anh Cả chúng tôi không vì hoàn cảnh mà phải quá ư thiên lệch về một mặt nào.

Chúng tôi còn nhớ lời tuyên bố rất thành thật của Anh Cả chúng tôi như vầy: "Ngày nào nhơn sanh còn khốn khổ, thì chưa phải ngày Anh tọa hưởng an nhàn. Dầu Anh đắc quả mà qui Tiên đặng sớm, Anh cũng nguyện tái kiếp để độ tận chúng sanh”.

Hùng hồn thay! Bác ái thay là lời tuyên bố ấy!

Không cần khoe khoan bằng văn chương tuyệt bút mà những lời chất phác trên kia cũng tả đặng tâm tình của một trang Đại đức.  Theo thế thường người nào đi tu cũng có cái hy vọng đắc Ðạo thành Tiên, chớ ít ai lẫn-lộn trong chốn trần-la vì sợ khổ tâm nhọc trí. Vậy mà Anh Cả chúng tôi chẳng hề nao núng, thậm chí có người lo sợ dùm, nên đến khuyên Người giải quyền nhập tịnh cho yên, mà Người nói rằng: “Dầu phải thời tử Ðạo, Người cũng vui lòng, chớ Người không vì sợ chết mà bỏ phận sự”. Xem đó thì đủ thấy cái đại chí của Người, vì Người thấu mục đích tối cao của Ðạo. Mà Tôn chỉ của Ðạo có cái ý nghĩa “không dữ mà hùng, hòa mà không nhược”. Cái ý nghĩa đó Anh Cả chúng tôi hiểu thấu mà cũng đã thật hành rồi, nền Ðạo mới đứng vững đến ngày nay. Anh Cả chúng tôi lại còn hiểu rộng cái nghĩa “Từ bi, Bác-ái” mênh mông lai láng, nên phải gặp nhiều cái phản động lực của những người thiển kiến.

Bởi vì Từ-bi Bác-ái mà hiểu nghĩa hẹp hòi quanh quẩn trong hoàn cảnh của mình thì cũng còn là “ích kỷ”. Anh Cả chúng tôi không vì sự thương thấp thỏi của thường tình mà bỏ cái thương Đại-Đồng Thế-giái, cho nên phải gặp nhiều nỗi tân toan. Tuy vậy mà Anh Cả chúng tôi vì công đức hơn là vì tư đức, dầu ai muốn nói sao thì nói, làm sao thì làm, Người cứ một mực tiến hành, miễn là trong tâm nhứt quyết đuổi theo một chủ-nghĩa cao siêu của Bề trên phú thác vì lòng tín-ngưỡng của Người rất là đặc biệt, ít ai sánh kịp.

Ngày nay Anh Cả chúng tôi đã vào cõi Hư-vô rồi, thiết tưởng những phản động lực kia cũng lần lần giảm bớt. Anh em trong Ðạo cũng đã rõ thấy mà nhận thức cái chơn lý sờ sờ kia vậy. Cái khó nhất là phải có đủ đức kiên nhẫn để chống lại với các phản-động-lực ở trong Ðạo và ngoài Ðời. Trong Ðạo cũng vậy mà ngoài Ðời cũng vậy, có nhiều lý thuyết tương phản nhau vì trí độ phàm của con người không thể đồng nhau đặng. Kẻ thì ưa thuyết duy tâm, rồi cứ chuyên chú một mặt tiêu cực, còn người lại thích duy vật thì chuyên chú một mặt tích cực, mà mỗi phía đều cực đoan thì tránh sao khỏi xung đột. Hai phía xung đột nhau mà bắt Ðạo ở trung gian làm nơi chiến địa thì kẻ cầm quyền trong Ðạo tránh sao khỏi những nỗi khó khăn, vì vậy mà Anh Cả của chúng tôi chịu nhiều đau đớn. Ôi! Một Ðấng anh hùng như thế, một tay kiện tướng của Ðạo như thế, nay đã ra người thiên cổ. Dẫu phải gan sắt dạ đồng cũng phải rơi châu mà thương tiếc”.

Tiếp theo >

 

Top of Page

      HOME