GÓP NHẶT CHUYỆN ĐẠO

Quyển III

Khởi viết từ 20-3 Nhâm Tuất (13-4-1982)

 

MỤC LỤC:
1.BIẾT DÙNG LUẬT PHÁP
2.MẠC CƯA MƯỚP ĐẮNG
3.SANG VÀ HÈN
4.LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ XƯA VÀ NAY
5.GIẤC HUỲNH LƯƠNG
6.CÁI TÁNH BỔN LAI (Le Soi Supérieur)
7.NHỒI QUẢ
8.TRÁCH KẺ LÀM QUAN THỜI LOẠN

9.LUẬN VỀ CÁI DỤC CỦA THẤT TÌNH
10.ÁO MÃO TREO RỪNG THIÊN NHIÊN NHIÊN
11.THÁNH GIÁO NÓI NGÀY TẬN THẾ
12.TẢ CỬA CHÁNH MÔN
13.TRÍ HUỆ LÀ GÌ?
14.TẢ CHÚ NỊNH
15.BÁT TIÊN VÀ THẤT THÁNH
16.BÁ NHA-TỬ K

 

 

1.   BIẾT DÙNG LUẬT PHÁP

Quí Cao làm quan Sĩ Sư nước Vệ có làm án chặt chưn một người.

Sau nước Vệ loạn, Quí Cao chạy trốn ra đến cửa thành, gặp người giữ cửa thành lại chính là người mình chặt chơn ngày trước.

Người ấy bảo: Kia có chỗ tường đỗ.

Quí Cao nói: Người quân tử không trèo tường.

-Kìa có lỗ hỏng.

-Người quân tử không chui lỗ hỏng.

-Ở đây có cái nhà.

Quí Cao chạy vào nhà ẩn, nhờ thế quân đuổi theo không thể bắt được.

Quí Cao sắp đi bảo người giữ thành rằng: “Trước ta theo phép nước chặt chưn ngươi, nay ta gây nạn là cái dịp để ngươi báo thù mà ngươi ba lần chỉ chốn ta trốn, thương ta như thế nghĩa là làm sao?”

Người giữ thành nói: “Tội tôi đáng chặt chưn, tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay trở pháp luật, ý muốn nới tay tôi cũng biết.

Lúc án đã định, đem ra hành hình, nét mặt ông buồn rầu, tôi lại biết lắm. Ông làm như thế há có riêng gì tôi. Đó là tâm địa của bậc quân tử, tự nhiên như vậy.”

Đức Khổng Phu Tử nghe câu chuyện nầy nói rằng: “Cũng là một cách dùng pháp luật, dùng có lòng nhân từ thì gây nên ơn, dùng mà ra dáng tàn bạo thì gây nên oán”.

Như Quí Cao thật là người làm quan biết dùng pháp luật vậy.

SUY LUẬN NƠI CỬA ĐẠO

Luật Pháp nơi cửa Đạo do Bộ Pháp Chánh cầm cân nảy mực, hỏi Chức Sắc Hiệp Thiên Đài có làm được như Quí Cao không?-Hay quẹt lọ một cách miễn cưỡng để rồi người lãnh án oán trách, thù hận quan Tòa?

Chúng tôi xin nói rõ: Cái án định không phải tại phiên tòa mà nó định tại Phòng Thẩm Vấn. Nếu Thẩm Vấn Viên khôn khéo tìm đủ yếu tố để buộc tội hay cải án, rõ rệt đủ bằng cớ cầu yếu thì Quan Tòa chỉ chiếu theo phúc sự thẩm vấn mà định án hoặc tha bổng.

Án đời thì có tử hình, chung thân khổ sai, lưu đày khổ sai, biệt xứ, hoặc tù lâu hay mau tùy tội nặng nhẹ.

 Còn án Đạo tội tối đa là “Án trục xuất” ra khỏi Đại Đạo, hễ Hội Thánh không nhìn thì quyền Thiêng Liêng cũng không nhìn, đương sự phải chết về phần hồn rất nên quan trọng. Còn giáng cấp một hoặc 2 phẩm thì ngôi vị Thiêng Liêng cũng phải tuột xuống 1 hoặc 2 nấc. Như Giáo Sư bị giáng xuống Lễ Sanh thì phẩm Nhơn Thánh phải tuột xuống Thiên Thần, thật hệ trọng cho kiếp tu.

 Bởi cớ nên cái cao thượng của Quí Cao nó chỉ có thể gây được cảm tình đối với người lãnh án về mặt thế chớ nó không có tác dụng định phẩm vị Thiêng Liêng cho các chơn hồn.

Điều quan trọng thứ nhì là nhờ phàm trị của Tòa Đạo mà đương sự khỏi bị Thiên trị. Người bị án có quyền khiếu nại nơi Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng rằng mình đã được xử rồi tại thế, tức không còn bị xử lại nơi cõi vô hình nữa, vì không có án nào bị xử một án hai hình được. Nhờ thế đương sự khỏi bị tái kiếp để trả quả.

Hơn thế, Tòa đời chỉ trị chớ không có thưởng. Tòa Đạo trị kẻ có tội, thưởng kẻ có công, nên không có vị Chức Sắc nào thăng chức mà không có sự minh tra công nghiệp của Tòa Đạo, trừ trường hợp Đức Lý Giáo Tông hoặc quyền Chí Tôn phong thưởng.

Để giải thích thêm sự cao trọng của Tòa Đạo, chúng tôi xin nêu câu liễng trước cửa Bộ Pháp Chánh như sau:

PHÁP luật vô tư Đạo giáo tứ oai tùng lý,

CHÁNH tông bất diệt, chơn truyền thiện ác tùy hình.

Nghĩa là luật pháp không riêng tư, không thiên vị, lẽ Đạo tùng lý mà dùng. Lúc phải oai tức trừng phạt, lúc phải từ tức tha thứ.

Nền chơn truyển không sai chạy, không dời đổi, căn cứ vào sự lành, sự dữ mà định thưởng hoặc phạt.

Vậy chẳng những phận sự Pháp Chánh của Đạo không thiếu nhân từ, không hề tán tận lương tâm để người lãnh án oán ghét, mà trái lại người lãnh án còn mang ơn mà chớ.

Nó rất công bình và đầy bác ái mới thể hiện đúng Đệ Tam Hòa Ước của nhơn loại ký với Thượng Đế nơi cửa vào Đền Thánh:

Thiên Thượng

Thiên Hạ

Bác Ái

Công Bình

 

 

2. MẠC CƯA MƯỚP ĐẮNG

Có một mụ gian xảo lấy mạc cưa làm cám heo bán cho thiên hạ. Lại có gã lấy mướp đắng làm dưa bán ngoài chợ.

Một buổi chiều cả hai đều ế hàng, đem đổi nhau; mạc cưa đem đổi mướp đắng và ngược lại. Cả hai đều hí hửng thích thú là đã lừa được nhau.

Khi về nhà, cả hai mới biết là một tuồng lưu manh.

Cái trò mạt cưa giả cám,

Mướp đắng giả dưa,

Nước trà giả xăng,

Nước đường giả mật…

Có lừa nhau cũng chỉ là trò ma. Trong thiên hạ thiếu gì kẻ ác đức giả nhân nghĩa, trộm Đạo giả lương thiện, ăn cướp giả thầy tu, côn đồ giả yêu nước.v.v…những kẻ đó đáng trừng phạt gấp 10 lần hơn bọn mạt cưa mướp đắng.

Thế mà trò đời ngan ngược, những đứa lưu manh hạng “bét” thì bị ở tù, đày ải; còn đứa lưu manh hạng “gộc” lại đứng ngoài vòng luật pháp, hưởng được giàu sang quyền thế, kẻ ra phải lòn, người vào phải cúi.

Ôi! Trò đời mai mỉa thật.

 

3. SANG VÀ HÈN

Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể cả ngàn người. Cổ bàn đủ thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, người họ Điền trông thấy nói rằng: “Trời đãi người hậu thật. Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì cho người dùng”.

Bao nhiêu khách ăn uống đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa nhỏ họ Bảo, tuổi mới 12 đứng dậy nói rằng: “Cứ như ý tôi, không phải muôn vật trong trời đất là cùng sinh với ta, cùng một loài như ta, không có gì là sang hèn cả. Sang hèn mà phân biệt là chẳng qua các loài chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ, khôn đè dại, khỏe lấn yếu mà thôi.

Chớ nào có phải Trời vì loài nầy mà sinh ra loài khác đâu? Người ta ăn cái gì được thì lấy mà ăn, chớ Trời nào lại vì người mà sinh ra thứ nọ thứ kia?

Cứ theo lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lan ăn thịt người thì có nói được rằng Trời vì những giống ấy mà sinh ra người không?”

Trời sinh ra muôn vật cùng một loài, riêng loài người là loài tinh khôn nhứt, thế mà chính người ta lại tạo ra cảnh sang hèn, giàu nghèo nên mới sinh ra nhiều tội vạ.

Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng:

Sang hèn chỉ là cái họa do người tạo ra mà thôi.

**************

Trong cửa Đại Đạo, chúng ta tránh được cảnh ấy vì dù ta có cao sang phẩm tước như Giáo Tông hay Hộ Pháp đi nữa, khi về nhà Bà Mẹ Thiêng Liêng của Phật Mẫu cũng phải cởi Thiên Phục ra, mặc bạch y như Đạo Hữu. Tức Phật Mẫu không muốn có kẻ sang người hèn, trước mắt mẹ chỉ là con đồng đẳng nhau, anh trước em sau mà dắt dìu nhau đi nốt con đường tu học hầu buổi chung qui mỗi đứa đều được về với Mẹ. Nên câu kinh:

“Ngồi trông con đặng phi thường,

“Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.”

Nó thâm thúy làm sao đâu !

Trái lại kẻ nào làm môn đệ Thầy mà còn ỷ lại rằng mình là người giàu có, sang trọng, con ông nầy, cháu ông nọ thì sẽ bị dư luận cho là thất đức và cõi hằng sống các Đấng cũng định phận mình rất tầm thường, không xứng vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật.

 

4. LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ XƯA VÀ NAY

Hằng năm đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, tại Tòa Thánh Tây Ninh đều có tổ chức lễ Hội Yến Diêu Trì rất long trọng. Vậy lễ ấy từ ngàn xưa có hay không mà nay Đạo Cao Đài bày lễ ấy. Nó mới mẻ đối với các tôn giáo hiện hữu, nhưng nó rất cũ kỹ đối với Đạo Tiên.

Nơi quyển Đông Du Bát Tiên trang 53 có tường thuật lễ ấy hồi đời Hán Võ Đế bên Tàu, sách ấy viết:

“……Ngày kia Hà Tiên Cô nói với Bảy Tiên rằng: Lẽ thường Tiên Ông mới thành thì ra mắt Mộc Công (Đông Vương Công) còn Tiên Nữ mới thành thì ra mắt Kim Mẫu (Tây Vương Mẫu).

Kỳ trước Đông Vương Công ăn sanh nhựt, các Tiên Nữ cũng đi chúc thọ. Nay Tây Vương Mẫu gần ăn sanh nhựt, bảy ông tính chúc thọ hay không?

Bát Tiên cậy Lão Tử đặt văn chúc thọ  và cậy Chức Nữ làm trục bằng gấm dán chữ sáng như sao rồi cùng đi chúc thọ.

Tây Vương Mẫu khen văn đặt hay.

Dự tiệc xong rồi truyền mở vườn Lãnh Uyển cho Thần Tiên đi dạo.

Sau khi ngấm cảnh, chư Thần Tiên Cung nào về Cung nấy, chỉ còn Tám Tiên ở lại. Lão Mẫu kêu Đổng Song Hành, Vương Tử Phá, Hứa Phi Yến, An Phát Trinh là những vị đã múa ca tại đền vua Hán Võ Đế, nay thổi sáo, đờn ca và múa hát cho Bát Tiên uống rượu. Lam Thế Hòa cầm nhịp sanh múa hát, Hàn Tương Tử thổi sáo, Tây Vương Mẫu khen hay và bảo An Phát Trinh phải nhớ mà tập…”

Trên đây là Hội Yến Bàn Đào  của Tây Vương Mẫu khoản đãi Thần Tiên trên Cung Diêu Trì về mấy ngàn năm trước. Nay Phật Mẫu đem lễ ấy xuống tại thế gian cho chúng ta dự, tức nhiên Ngài cho chúng ta đoạt Đạo tại thế, tổ chức mỗi năm nhằm rằm tháng 8 Âm lịch tại Báo Ân Từ Tòa Thánh Tây Ninh.

Những năm nền Đạo không bị quyền đời chèn ép, Hội Thánh đều có thiết lập một cái Cộ có Đức Phật Mẫu cỡi Thanh Loan có chín Bà Tiên tùy tùng và 2 cô cầm quạt, 2 cô cầm phướn ngự trên xe hoa rất nên xinh đẹp. Các Cộ ngâm thi, có nhạc công đưa hơi khi trầm lúc bổng làm khách nhàn du phải ngơ ngẩn tâm hồn, tưởng mình đã lạc chốn Bồng Lai.

Mỗi phận Đạo đều có Cộ đèn, mỗi cơ quan đều có chưng hình tượng có tứ linh, có Bát Tiên, có Jeanne d’ Arc, có Nhị Trưng…tượng trưng cho những tâm hồn phi phàm, có lân mã, lân cù, rồng nhang nhảy múa theo nhịp trống tiếng kèn, có đội danh dự diễu binh oai phong lẫm lẫm, có trẻ em học sinh Đạo Đức Học Đường cầm lồng đèn hát vang chật lộ.

Đó là bên ngoài.

Còn bên trong Báo Ân Từ, con cái Phật Mẫu từ các tỉnh xa xăm hội về chật nức, đâu đấy nghiêm trang để nghe giọng thài véo vắt  của các Cô Giáo Nhi chọn lọc, ăn mặc sặc sở, trăm cày lược giắt, tô điểm lộng lẫy.

Chức Sắc Hiệp Thiên Đài dâng Tam Bửu, tuần hoa, tuần rượu, tuần trà, đại diện cho nhơn sanh, dâng thể xác tinh thần và linh hồn nhơn loại lên Đức Mẹ Hiền và cầu Mẹ ban nhiều ân lành cho họ sống an bình, hạnh phúc.

Sau lễ thành, thường có Đàn Cơ để được thưởng thức lời vàng tiếng ngọc của Bà Mẹ Thiêng Liêng nhắn nhũ, an ủi con mình; cùng khuyên tu cho phải phép hầu trước qua sau tới, cả thảy đều được về với Mẹ, không còn đứa nào đọa lạc chốn trầm luân.

Ấy vậy, Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung không phải Đạo Cao Đài bày vẽ mà nó đã có từ lâu. Nhưng nó có trên cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.

Nay Phật Mẫu để tại thế, trước mặt nhơn sanh. Nếu ta vụn tu, khi thoát xác ta không còn trách rằng Đạo Cao Đài không có cơ giải thoát.

 

5. GIẤC HUỲNH LƯƠNG

Ở núi Triều Bạc, Chung Ly Vân Phòng rủ Lữ Đồng Tân đi chơi. Ông nầy còn lưỡng lự, Chung Ly biết ý vì chưa đậu Tấn Sĩ nên còn muốn trở danh tiếng với đời, liền hối quân nấu huỳnh lương là bắp. Vân Phòng đưa gối cho Lữ Đồng Tân nằm, còn mình ngồi chụm lửa, chẳng ngờ Chung Ly Vân Phòng có làm phép trong cái gối.

Khi ấy Lữ Đồng Tân nằm chiêm bao thấy vía đi thi ghé vào nhà giàu kia gặp nàng nọ tuổi vừa đôi tám, dung nhan lịch sự trong đời, nói hứa rằng: “Nếu chàng thi đỗ Trạng Nguyên, Thiếp chọn nâng khăn sửa trấp”.

Lữ Đồng Tân vào khoa thi đỗ Trạng, cưới nàng ấy, sau lại kiếm hầu. Vua bổ ra làm chức Gián Nghị lần lần tới 40 năm, làm chức Thừa Tướng 15 năm nữa, có xuôi gia cũng bực quan lớn, cháu nội cháu ngoại đông đầy.

Sau bị nịnh vu oan giá họa, đến nổi mắc tội, vua tịch ký gia tài, bị đày qua núi Lãnh Biển, cực khổ vô hồi.

Kế giật mình thức dậy. Vân Phòng cười lớn ngâm thơ:

Nồi bắp hỡi còn ngòi,

Chiêm bao đã thấy chán.

Lữ Đồng Tân lấy làm lạ hỏi rằng: “Thầy biết sự chiêm bao của tôi sao?”

Vân Phòng cười nói: “Chiêm bao 50 năm, công việc cả muôn thiệt không đầy một lát. Đặng chẳng, khá mừng, mất không nên thảm, hết vinh tới nhục là lẽ thường”.

Bây giờ hay nói giấc Huỳnh Lương hay giấc Hàng Đang cũng là tích ấy.

(Trích trang 37 quyển Đông Du Bát Tiên)

 

6. CÁI TÁNH BỔN LAI (Le Soi Supérieur)

Khi Huệ Năng được Ngũ Tổ Hoàng Mai truyền Y Bát thì ông đến huyện Hoài Tập ở lại đó rồi đến huyện Từ Hồi mà ẩn trốn.

Có một tăng họ Trần tên Huệ Minh dẫn mấy trăm người đuổi theo muốn đoạt y bát.

Huệ Năng nói: “Cái áo nầy là vật làm tin, há dùng sức mà tranh được sao?” Bèn ẩn mình trong đám cỏ xanh. Huệ Minh đến nắm áo dở lên kêu rằng: “Hành giả! Hành giả! Tôi vì Pháp mà đến đây chớ chẳng vì áo đâu?”

Huệ Năng bước ra ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ nói rằng: “Mong ơn Hành Giả nói Pháp cho tôi nghe”.

Huệ Năng nói: “Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ đến dữ, chánh trong thời gian đó, CÁI ẤY, tức là tỏ thấy cái Bổn Lai Diện Mục của Thượng Tọa vậy.”

Lời Giải:

CÁI ẤY, tiếng Tàu gọi là Na-Cá, nhà Phật dùng danh từ ấy mà chỉ cái tánh Bổn Lai. Trong ấy có cái chơn thiệt, không lành, không dữ, không hình không trạng, không tiếng không hơi, diệu diệu huyền huyền, bất sanh bất diệt, toàn trí toàn năng, chí chơn chí mỹ, chí thiện, vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.

Đạo gia gọi là huyền quan, huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn. Trong ấy có một điều không nghĩ không lo, phẳng lặng trong bằng, chí thanh chỉ tịnh, tức là tánh tịch diệt hư vô, hư linh bất muội vậy.

Nho giáo gọi là Thối tàng ư mật, là ẩn vi. Trong ấy có cái yếu điểm không thấy, không nghe, tức là chỗ tâm tồn ý định, thị thinh ngôn động qui chơn phục lễ là chỗ chí thành chí thiện vậy.

Kinh dịch nói: “Quân tử chung nhựt càn càn”. Càn càn là chỉ tánh thuần dương, tức là tánh thể thiên chơn, thanh tịnh, hư linh. Người quân tử trọn ngày chẳng lìa cái tánh ấy.

Trong cuốn Essai dee Doctriue Occulte có câu: Ce qui u’est ni Esprit ui Matière, cést CELA, la cause sous cause du cosmo. Et Cela, nous l’appelous la Vie-Une ou le souffle intracosmique (Cái mà chẳng phải tinh thần, cũng chẳng phải vật chất là CÁI ẤY tức là cái nguyên thủy vô thủy của vũ trụ. Cái Ấy chúng ta gọi là Nhứt Khí hay là chơn khí nội tâm của vũ trụ.

Chơn khí nói đây tức là tánh thuần dương, Phật gọi là Bát Nhị Pháp môn.

Các vị Bồ Tát tu theo pháp Thậm thâm vi diệu, tức là tu theo phép nầy.

Trong Tâm Kinh có câu: -Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát la mật đa thời, chiếu kiến ngủ vẫn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Lục vị Bồ Tát an vào cảnh tự tại, thiệt hành phép trí huệ đáo bỉ ngạn thật sâu xa, thì soi thấu 5 uẩn (sắc, thọ tưởng, hành, thức) đều không có tướng, nên vượt qua khỏi cả thảy các cảnh khổ não.

Câu nầy gồm chỉ tâm pháp của Phật và cái công phu hành Đạo của các vị Bồ Tát.

Vậy người tu Thượng Thừa muốn thấy tánh thì phải thiệt hành pháp thâm diệu “Trí huệ đáo bỉ ngạn” nói trên. Pháp nầy phải căn cứ ở công phu  “Hồi quan phản chiếu” tức là phép “Chánh pháp nhãn tàng” cho đến phát cảnh yểu minh minh mới thấy cảnh vi diệu tức là Bổn Lai Diện Mục của mình vậy.

 (Trích trang 31 quyển Pháp Bửu Đàn Kinh của Hòa Thượng Minh Trực Thiên Sư).

*******

Trên đây là lời giải của Tam Giáo, còn Cao Đài giáo nói cái tánh Bổn Lai như thế nào?

Xin thưa, phương tu của Cao Đài giáo là luyện thân, luyện trí, luyện tâm.

1-  Luyện thân là ẩm thực tinh khiết.

2-  Luyện trí là tư tưởng tinh khiết, tín ngưỡng mạnh mẻ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu, thương yêu vô tận.

3-  Luyện tâm là dùng phương pháp trị tâm, vì tâm là hình ảnh của Thiên Lương.

Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ, là đồ vô giá.

Ai đã cố oán kẻ thù mình thì khó giữ thanh tâm công chánh cho đặng. Ai chẳng oán hận mới thắng đặng kẻ thù nghịch cùng mình. Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhứt của nhơn sanh nên người hiền thì không biết đến là từ bỏ cừu hận oán ghét. Thắng đặng khí nộ mình thì không chọc ai giận dữ. Lấy thiện trừ ác, lấy nhân nghĩa trừ bạo tàn, lấy lòng quảng đại mở tâm lý hẹp hòi, lấy chánh trừ tà, ấy là đường thương huệ kiếm.

Muốn đoạt 3 cách luyện trên, ta phải biết thân thích cùng cả nhân vật,

tức là

tìm nguyên do của Vạn Linh cùng Chí Linh; phải ân hận và khoan hồng, phải thanh nhàn đừng vị kỹ. Phải bình tỉnh, nghĩa là đừng chịu ảnh hưởng của họa phước buồn vui, tập tánh không không đừng nhiễm, vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh.

Phải độ lượng khoan dung tha thứ, phải vui vẻ điều hòa tự chủ và quyết đoán, giữ linh tâm làm căn bản, hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu.

Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế nầy tức là đắc Đạo đó vậy.

Ngoài phương pháp tu chơn nầy Cao Đài giáo còn 2 lối tu nữa:

1-Một là phổ độ nhơn sanh cho hiểu giáo lý của Đức Thượng Đế mà thể Thiên hành hóa, tức làm Chức Sắc của Cửu Trùng Đài.

2-Hai là lấy công nghiệp đổi phẩm vị, nuôi kẻ già, dưỡng trẻ nhỏ, giúp đỡ những kẻ cô thế, góa bụa, côi cúc thoát cảnh khổ sở nghèo đói. Phải thương yêu tất cả loài người và loài vật, kỉnh trọng mạng sanh vừa theo thánh chất của Chí Tôn là chứa sự sống. Đó là lập vị theo Hội Thánh Phước Thiện để đắc Đạo.

Lối tu chơn thì phải luyện, lối giáo hóa và tạo công quả thì đương nhiên, nếu đầy đủ công nghiệp thì khỏi luyện, lấy công, đức, ngôn mà đổi ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Kết Luận:

Tuy phương pháp tu hành của mỗi tôn giáo có khác về hình thức, nhưng CÁI ẤY tức phép đoạt Đạo là mục đích chung của hành giả, dầu mang danh từ:

-Bổn Lai Mục Diện.

-Huyền Quan Nhứt Khiếu.

-Thối Tàn Ư Mật hay Ẩn Vi.

-Nhứt Khí hay chơn khí của vũ trụ.

-Tánh Thuần Dương hay Bất Nhị Pháp Môn.

-Thâm Thâm Di Diệu Pháp.

-Trí Huệ Đáo Bỉ Ngạn.

Đều đến một cảnh chung là “CỰC LẠC QUỐC” là cảnh linh hồn được siêu thoát tức được giải khổ, thoát khỏi cảnh trầm luân đọa lạc nầy.

Trong kinh Phật có câu:

“Phục nguyên nhân hườn tồn Phật tánh”

Đó là cái tánh Bổn Lai của Lục Tổ Huệ Năng đề cập giải cho Huệ Minh nghe đó vậy.

 

7. NHỒI QUẢ

Nhiều khi chúng ta bị nhồi quả mà không biết nên trách Trời bất công, ấy mang thêm tội. Chúng tôi xin lược trình hoàn cảnh của Ngài Ca Bảo Đạo (Ca Minh Chương) đã phải gặp. Ngài phải trả quả trong 3 kiếp nên ngoài cảnh nghèo còn vợ đau, con mất trí. Ngài buồn cho hoàn cảnh nên dâng sớ cầu Chí Tôn giải khổ, Chí Tôn cho 1 bài thi như vầy:

THI:

Thấy con gia Đạo tợ tơ cuồng,

Động đến lòng Thầy dạ ướm tuôn.

Ngặt nổi vợ già đau dã dượi,

Khật khờ con dại nói luông tuồng.

Khiến cho mai đảnh phai màu trắng, (1)

Chớ để tùng lâm trổ sắc buồn. (2)

Công quả đành rằng công quả đủ,

Nay đem ba kiếp dập dồn luôn.

Chí Tôn

 

(1)    Mai đảnh: là cái mảo Nhựt Nguyệt Mạo của Hiệp Thiên Đài, không đội lâu ngày sẽ vàng úa.

(2)    Tùng Lâm: Tượng trưng cửa Đạo, tức Hội Thánh phải buồn vì vắng mặt Ngài Ca Bảo Đạo.

 

8. TRÁCH KẺ LÀM QUAN THỜI LOẠN

Đời Mảng Thanh bên Tàu, chánh quyền thối nát, quan tham ô lại, hối lộ lộng hành. Nhà cách mạng Lương Khải Siêu đã phải than:

“Cầu quan tu loạn thế,

“Mịch phú tại hoang niên.”

Đại ý họ Lương trách kẻ làm quan thời loạn vơ vét, chẳng khác gì kẻ thừa năm mất mùa làm giàu.

*****

Chẳng luận đâu xa, nước Việt Nam từ 1945 trở về đây, dân chúng trải qua biết bao lần thay đổi chủ. Mỗi lần thay đổi thì mỗi chế độ khác nhau. Dân chúng mới vừa quen với nếp sống mới nầy lại phải trở vai  theo một nếp sống khác, càng khắc khổ hơn, càng eo hẹp hơn. Rồi từ hạng trung lưu hoặc thượng lưu, dân chúng Việt Nam phải tuộc xuống bực hạ lưu, rồi đến nổi không còn sĩ khí gì nữa. Chỉ biết ngày hai bửa cơm là mừng rồi, còn biết gì đến chỉnh đốn bộ máy chánh trường.

Mà ai tin mình mà mình sửa đương?

Người hay của chế độ cũ bị chế độ mới lên án là phong kiến, thực dân, lạc hậu. Cứ vậy kế tiếp, những kẻ hay lại bị bỏ rơi ra ngoài, rồi rốt cuộc qua 5,7 chế độ thì chế độ chót toàn là những kẻ thiếu khả năng, làm việc gượng gạo không đắc trách.

Nếu không thuộc phe của mình là kẻ tội lỗi không cho làm việc, thế trí thức của các chế độ cũ nương môi trường nào để đứng vững. Bắt buộc phải chọn những nghề bất đắc dĩ, như Giáo Sư đi làm tài xế, kỹ sư đi trồng rẫy, cảnh sát trưởng đi cấy cày…Có lắm kẻ không may, trắng tay không ai thâu nhận phải làm việc hạ tiện như khuân vác, chạy xe ôm, giặc ủi mướn, đạp xích lô.v.v…Có một Bác Sĩ đi gánh hồ cho cho một ông thầu để lếu láo bửa cơm cháo. Trí thức nữ có sắc lại phải đi bán bar, làm ca nữ hành những nghề mà xã hội đánh giá thấp và khinh bỉ.

Văn sĩ, thi sĩ, tiểu thuyết gia, ký giả không viết được tư tưởng mình quyết giữ ngòi bút sắc, không chịu bẻ cong quan niệm, lâu ngày văn chương bị sét, bị lu mờ, rêu phong khói bám.

Còn người tu hành chùa miếu bị xung công, làm trường học, y viện hay ký nhi viện. Không nơi tập trung để thuyết Đạo, để luận thuyết, không được tự do hành Đạo mà phải làm phận sự công dân, nghĩa vụ kinh tế.v.v…Có nhàn được đâu mà tu với luyện. Còn thường bị trích điểm là kẻ tin nhảm không thực tế. Có Trời Phật nào mà bố hóa bắp khoai nếu ta không trồng tỉa, ngồi không ăn bám của bá tánh là bóc lột nhân dân. Xã hội mỗi ngày mỗi tiến theo khoa học kỹ thuật mà có một số người lim dim không đóng góp vào bộ máy tiến hóa của xã hội là thoái bộ…

Nội qui tôn ti trật tự trong hàng giáo phẩm bị trích điểm là một chánh phủ trong một chánh phủ nên phải được giải tán theo pháp lý là : “Nước Việt Nam đã có một chánh phủ duy nhứt, không còn hình thức nào cầm quyền một số người ngoài chánh phủ trung ương được”.

Tóm lại, nhà cách mạng Lương Khải Siêu than rằng: “Kẻ làm quan thời loạn vơ vét chẳng khác gì kẻ thừa năm mất mùa làm giàu” là đúng lý vậy.

 

9. LUẬN VỀ CÁI DỤC CỦA THẤT TÌNH

Vào Đền Thánh, bước qua khỏi Hiệp Thiên Đài, du khách thấy con Thất Đầu Xà ngay ngôi Đức Hộ Pháp, nhiều kẻ thắc mắc không hiểu ý nghĩa thế nào, xem dường dữ tợn, chúng tôi xin giải đáp:

Thất Đầu xà tượng trưng cho bảy tình người là: “Hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục”.

Ta thấy ba đầu ngóc lên cao là “hỉ, lạc và ái”, còn 4 đầu bị đè bởi hai tay và đạp bởi hai chân là “nộ, ai, ố, dục”.

Người tu hành phải luôn vui, mừng và thương mến nên “hỉ, lạc, ái” được tự do ngóc cao. Nhưng phải dằn sự giận, sự buồn, sự ghét và dục vọng không cho phát động, nên “nộ, ai, ố, dục” phải ngóc xuống nhờ hai tay và hai chưng đè nó, không cho nó tự do bành trướng.

Tóm lại ba tính được nuôi dưỡng và 4 tính bị chà đạp cấm đoán.

Theo luật tương đối, hễ có “hỉ” phải có “ai” đối trọng nó, có “lạc” phải có “nộ” đối trọng nó, có “ái” phải có “ố” đối trọng nó, duy có cái “dục” đứng một mình mà thôi. Nó có thể dục “hỉ”, dục “lạc” dục “ái” tức làm điều phải, điều hành lành, dục làm nên, dục thực thi bổn phận làm người đối với Thần Thánh…với Phật Mẫu là người ban trí não tinh thần; cùng bổn phận đối với Chí Tôn là người ban linh hồn tức Đại Từ Phụ.

Hơn nữa nó cũng có thể dục làm điều sái quấy là dục “nộ”, dục “ai”, dục “ố” . Thường người giận quá tự hết biết khôn, đập đồ đập đạt, đánh lộn đánh lạo, dĩ chí giết người cũng vì kềm không nổi cái “nộ” của mình. Còn buồn quá có kẻ thất chí loạn óc điên cuồn, xa hơn có kẻ vì quá buồn quyên sinh để thoát khỏi cái “ai” cực độ. Đến cái  ghét thì rất tai hại, ghét một người, rồi ghét lấy đến những người thân của người ấy, ghét các món mã của kẻ địch dùng, ghét đến mái nhà của kẻ thù ở, ghét con đường của kẻ thù định đi. Vì ghét nhà Châu phạt Trụ mà Bá Di, Thúc Tề lên núi Thú Dương nhịn đói mà chết. Hễ ghét đến tột độ thì tìm phương diệt mạng sanh của đối phương cho kỳ được. Nếu đối phương đó là một vị quan trọng, một vị lãnh Đạo, muốn giết họ phải tạo một lực lượng tương đương hay trỗi hơn để đối phó, tức là chiến tranh nảy sinh cũng vì ghét.

Ấy vậy cái dục của thất tình rất quan trọng, ta phải biết kềm chế nó cũng như kẻ cỡi ngựa cầm cương ngựa, phải kềm nó đừng cho nó dục “nộ, ái, ố” thì  ta tránh được nhiều tai họa.

Ta cứ cho nó dục “hỉ, lạc, ái” có chừng mực đừng quá trớn. Ta phải biết mừng khi làm đặng một điều lành, biết vui khi giúp người khỏi hoạn nạn, rồi tập lần thương cả làng, cả quận, cả nước, tức đồng bào mình, lớn hơn nữa thương cả nhân loại tức bác ái, không còn một kẻ thù nào trong lòng ta nữa thì chủ nghĩa đại đồng mới có ý nghĩa.

Xa hơn còn thương tới bạn đồng sanh có lạc hậu hơn ta là vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, tìm phương nầy để họ đoạt được phẩm nhơn hồn hầu có phương tiện tu hành mà tiến dần đến phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Nếu cái “ái” của chúng ta dẫn độ được nhiều chơn linh đoạt phẩm cao trọng thì công quả ấy nó sẽ tô thiên phẩm ta càng ngày càng thăng tiến.

Ấy vậy, chữ “dục” tuy bị đè nén gục đầu xuống, nhưng đối với “hỉ, lạc, ái” nó cũng có tác dụng tốt để đưa chúng ta đến cửa Bạch Ngọc Kinh nếu ta biết phương điều động nó một cách tinh tế.

Trái lại nếu ta vụn về để nó dục “nộ, ái, ố” thì rất tai hại cho kiếp sanh ở cửa U Minh Giới sẽ chực linh hồn ta để phán xét.

Vậy tâm chúng ta phải chánh mới điều khiển cái dục theo nguơn linh của ta muốn.

Kềm được là đắc Đạo.

Kềm không được là thất Đạo, lẽ đương nhiên như thế.

 

10. ÁO MÃO TREO RỪNG THIÊN NHIÊN NHIÊN

Không biết Thầy Giáo Văn nghe Đức Hộ Pháp nói thế nào mà có một dạo ông đi mua đinh lối 1 tấc đóng vào các cây lớn trong rừng Thiên Nhiên trước Đền Thánh về bên tả và bên hữu. Nếu ai hỏi làm chi vậy thì ông nói để dành Chức Sắc máng áo mão.

Đức Ngài có lẽ nói tiên tri sẽ có một cơ khảo đảo nặng nên Chức Sắc nhiều người sẽ thất Đạo. Đến ngày phán xét đại đồng bị rớt vì chối Đạo nên không quyền mặc Thiên Phục vào Đền Thánh, áo mão phải máng ở ngoài, chỉ mặc áo dài trắng vào chầu Đức Chí Tôn mà thôi.

Chúng tôi tìm được bài thi của Đức Hộ Pháp mô tả cơ khảo ấy như sau:

Đáng làm môn đệ mới lưu truyền,

Trừng kẻ bội sư uổng kiếp duyên.

 Đắc thế khua môi đồ phản ác,

Thất thời kín miệng mới hi hiền.

Phướn linh tế chúng chưa nên Pháp,

Dùng gậy Xử Ma mới có quyền.

Áo mão đầy rừng trơ mắt khỉ,

Cụng đầu tà chánh mới kêu thiêng.

Hộ Pháp

 

11. THÁNH GIÁO NÓI NGÀY TẬN THẾ

Ngày 25-9-Bính Tý

Thi:

CAO thanh tuyệt đối lý hư vô,

ĐÀI bảng nêu danh của tín đồ.

TIÊN dược phá mê trần  mộng ảo,

ÔNG nào mất Đạo chết phơi khô.

Thầy mừng các con, các con ngồi nghe dạy.

Tu sao cho linh hồn tinh tấn, trực giác quang minh thì phẩm vị Thần Tiên không khó.

Đây Thầy luận qua quả địa cầu 68 của các con nó gần đến ngày tiêu diệt. Thầy không nở để cho các con chung chịu vùi lắp trong sự tan thương nên phải giáng thế độ đời thả linh thoàn mà đưa về Bồng Lai Tiên Cảnh.

Quả địa cầu của các con ở đây nó gần đúng thời kỳ tan rã, ấy là Thiên cơ Thầy định trước ngày giờ, mà cũng vui cho các Đẳng chúng sanh đặng trỗi bước lên một nấc thang cao vị. Hễ thế giới nầy tiêu diệt thì nhân loại sẽ tấn hóa sang quả đại cầu 67 là nơi tiền định của Đạo mầu. Thầy mới đến đây lần chót mà đem các con sang thế giới nhẹ nhàn. Còn những đứa mê muội ngỗ ngang tội tình thì bị tiêu tan ra gió bụi. Các con phải có ngày tận tuyệt, đứa nào thuận Thiên cơ, biết Đạo đức thiện từ thì Phật Tiên chực rước. Còn đứa nào cả ác độc, trượt trần khó mà an thân ngày chót.

Nạn tiêu diệt là lẽ nào, các con có biết chăng?

-Một ngày kia, những đứa nào biết Đạo đức, ăn chay lạc, thân thể nhẹ nhàng, hiệp với khí Tiên Thiên thì lúc dương sanh mới có thể chịu nổi với khí ấy mà còn vững vàng sống đặng. Còn những con vô Đạo bị cả khí hậu thiên, nên tới ngày âm tuyệt dương sanh ấy, chúng nó không bao giờ hứng chịu nổi khí chơn dương, nên phải dứt hơi lìa mạng.

Vậy thì ngày nay, thế giới đã gần đúng luật tuần huờn, Thầy đến đây đem các con vào một thế giới khác mà an nghỉ hầu tầm cơ siêu xuất đến cảnh Thần Tiên.

Các con chẳng nên khinh lời là dị đoan, một ngày kia sẽ có.

Thi:

Thái cực lâm trần buổi hạ nguơn,

Giơ tay độ chúng lại đường chơn.

Con nào thấu đáo cơ mầu nhiệm ?

Thấy vậy không lo lại biếng lờn.

Thầy ban ơn các con. Thầy thăng….

 

12.TẢ CỬA CHÁNH MÔN

Đại đồng thiên hạ đó đi đây,

Tiện mối giao thông mở lộ nầy.

Trước mắt Cao Đài xuyên đất Việt,

Sau lưng Tháp Ngọc tận trời Tây.

Ngang bằng mặt rộng hai bên rãnh,

Lưng thẳng thân to một lối ngay.

Trên lộ dưới thuyền du khách ngoại,

Đường về tầm Đạo Động Thiên Thai.

Hộ Pháp

Có lẻ trên thế gian nầy không có cái cửa nào lớn bằng cửa Chánh Môn vì nó rộng đến 60 thước. Ngay trước Đền Thánh có một con đường thẳng ra Tây Ninh do ban kiều lộ của Phi Luật Tân đem máy ủi đất tạo thành con lộ nầy. Vì thời cuộc bất ổn người Phi Luật Tân bỏ dở công tác, nếu không họ đã tráng đá và tráng nhựa xong rồi. Nó lớn hơn xa lộ Biên Hòa và nối liền đường xuyên Á Châu, chạy ngang Nam Vang, trổ ra Gò Dầu rồi thẳng về Sài Gòn. Lộ Chánh Môn sẽ nhộn nhịp du khách khi đường xuyên Á đó hoàn thành. Du khách thế giới sẽ đến viếng Tòa Thánh một cách dể dàng nhờ con đường nầy. Đức Hộ Pháp đặt tên nó là: “TÂY QUI LỘ”.

 

13. TRÍ HUỆ LÀ GÌ?

Bên Phật giáo có giảng rất nhiều về Trí Huệ, chúng tôi xin trích lục một đoạn trong quyển Pháp Bửu Đàn Kinh của Thượng Tọa Thích Minh Nhựt giải nghĩa chữ MA HA BÁT NHÃ ĐA LA MẬT ĐA để nói cái Trí Huệ cho rõ ràng hơn.

Kế đó chúng tôi sẽ bàn đến: Tại sao Đức Hộ Pháp lập Trí Huệ Cung? Nó có những bửu pháp nào để dẫn dắt tín đồ Cao Đài đến phương đoạt Đạo.

 

Khoản I. BÁC NHÃ TỨC TRÍ HUỆ (La Sagesse Parfaite)

Thế giới tuy là trống không mà có thể bao hoàn muôn vật, cả thảy các sắc tướng, mặt nhựt, mặt nguyệt, tinh tú, núi sông, đất bằng, nguồn suối, khe rãnh, cỏ cây rừng bụi, kẻ dữ người lành, việc dữ việc lành, thiên đàn địa ngục, cả thảy biển lớn, các núi Tu Di, nhứt thiết đều ở trong chỗ không; cái tánh trống không của người thế gian cũng giống như thế.

Cái tánh mình có thể bao hàm hết muôn Pháp ấy gọi là lớn. Muôn pháp đều ở trong tánh của người. Nếu thấy cả thảy các điều dữ cùng các điều lành của người mà chẳng chấp, chẳng bỏ, cũng không nhiễu vương, không dính níu, lòng như trống không, ấy gọi là lớn cho nên kêu là MAHA.

Kẻ mê miệng nói, người trí lòng làm.

Lại có người mê để lòng trống không, ngồi yêng lặng, chẳng nghĩ đến mọi việc mà tự xưng là “lớn” với bọn ấy, không thể nói gì được, vì họ bị sa vào chỗ tà kiếu.

Cái tâm lượng thiệt là rộng lớn, chân biến cả thảy pháp giới, dùng nó liền hiểu rõ ràng (tới chỗ cùng lý tận tánh).

Cái tâm lượng khi ứng dụng ra thì biết tất cả thảy sự vật. Cả thảy qui về một, một tức gồm cả thảy, tới lui thông thả, tâm thể suốt thông, không ngưng trệ tức là Bát Nhã (Trí Huệ) vậy.

Còn kêu Bát Nhã là tâm đắc nhứt tức chơn không.

Một niệm ngu muội tức Bát Nhã tuyệt, một niệm Trí Huệ tức Bát Nhã suốt.

BA LA MẬT ĐA

Ba La Mật Đa ấy là tiếng Tây Thiên Trước nhà Đường, gọi là Đáo Bỉ Ngạn (qua tới bờ bên kia) nghĩa là khỏi sự sanh diệt (khỏi sanh tử luân hồi). Tâm dính cảnh thì sự sanh diệt dấy lên như nước nổi sóng tức là thử ngạn (bờ bên nầy) còn tâm lìa cảnh thì không có sự sanh diệt, như nước thường lưu thông tức gọi là bỉ ngạn (bờ bên kia) cho nên gọi là Ba La Mật Đa.

Phải đổi ba độc (tham, sân, si) làm cái Định Huệ. Lòng không nhớ, không dính cảnh, không sanh điều dối giả, dùng tánh chơn như của mình lấy Trí Huệ mà xem soi đối với cả thảy các pháp không lấy, không bỏ tức là thấy tánh là thành Phật Đạo vậy.

Khoản II. TRÍ HUỆ CUNG LÀ GÌ ?

Cách Tòa Thánh lối 7 cây số về hướng Đông có một dinh thự đồ sộ, tráng lệ bao quanh một hàng rào rộng lớn, đó là nhà tịnh Trí Huệ Cung cũng còn gọi là Thiên Hỉ Động. Trước có câu liễng:

TRÍ định thiêng lương qui nhứt bổn,

HUỆ thông Đạo pháp độ quần sanh.

Muốn rõ thêm chi tiết chúng tôi xin sao y nguyên văn bài thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp đêm ngày 14 tháng chạp năm Canh Dần (1950) tại Đền Thánh như sau:

“Ngày mai nầy là ngày trấn Pháp Thiên Hỉ Động Trí Huệ Cung, Bần Đạo lấy làm vui mừng đã làm tròn phận sự đặc biệt của Bần Đạo. Từ thử đến giờ, Bần Đạo đã có nhiều phen giảng giải về hình thể Đức Chí Tôn.

Bần Đạo đã gánh vác  về Thể Pháp Cửu Trùng Đài tạo nghiệp cho Đạo là làm dùm cho thiên hạ chớ không phải phận sự của Bần Đạo. Ngày nay là ngày vui mừng của Bần Đạo hơn hết là Bần Đạo còn đặng sức khỏe đầy đủ, cầm bí pháp của Đức Chí Tôn đã giao phó, ấy là phận sự đặc biệt của Bần Đạo đó vậy.

Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa Hội nầy cốt để rước Cửu nhị ứt nguyên nhân là bạn chí thân của Người đã bị đọa lạc nơi hồng trần nầy không phương giải thoát. Muốn rước các bạn chí thân của Bần Đạo, Đức Chí Tôn phải lấy pháp giới độ chúng sanh.

Hôm nay là ngày mở cửa Thiêng Liêng và đưa nơi tay các Đấng nguyên nhân ấy một quyền năng đặng tự giải thoát lấy mình. Hai món bí pháp ấy là:

1.Long Tu Phiến là Cao Thượng Phẩm để lại.

2.Kim Tiên của Bần Đạo, hiệp với 3 vòng vô vi tức nhiên diệu quang Tam Giáo hay là hình dạng của càn khôn vũ trụ, mà đó là tượng ảnh của Huệ Phong Khiếu của chúng ta đó vậy.

Kim Tiên là gì?-Là tượng trưng hình ảnh của điển lực điều khiển càn khôn vũ trụ mà chính đó là điển lực tức nhiên là sanh lực của vạn vật đó. Với nó mới có thể mở đệ bát khiếu, vì nó là điển lực nên nó mở khiếu ấy mới được. Nói rõ con người có ngũ quang hữu tướng và lục quang vô hình mà phải nhờ cậy Kim Tiên ấy mới có đủ quyền hành  mở lục quang của mình đặng.

Long Tu Phiến có thể vận chuyển càn khôn vũ trụ do nguơn khí đào độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào độn nguơn khí, thâu hoạch nguơn khí để trong sanh lực. Con người nắm được điều ấy là kẻ đắc Pháp, nhờ nó mới có thể luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần được.

Ấy là Bí Pháp trấn tại Thiên Hỉ Động Trí Huệ Cung. Toàn thể ngó thấy không có gì hết mà trong đó huyền pháp vô biên vô giới, giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó mà thôi.”

KẾT LUẬN

Chúng ta đã hiểu chữ Trí Huệ là Bát Nhã của nhà Phật; Ba La Mật Đa là Đáo Bỉ Ngạn; Ma Ha là rộng lớn tức người tu được mở huệ quang khiếu là đoạt Đạo.

Điều kiện nhập Trí Huệ Cung, Ngài buộc: “Nhơn hữu Tam Lập, tất đắc nhập Trí Huệ Cung”, nghĩa là người nào có lập công, đức, ngôn đầy đủ mới có điều kiện vào Trí Huệ Cung tu luyện.

Tiếc thay từ ngày lập Trí Huệ Cung tới giờ (1982) chưa ai đặng vào đấy, trừ một mình Ngài vào đó tu luyện trong 3 tháng. Ngài tiết lậu nhiều điều quang trọng sau khi được tiếp xúc với các Đấng Thiêng Liêng.

Vì thời cuộc biến chuyển, Ngài phải rời Tòa Thánh đi Nam Vang và qui liễu ngày 10-4-1959 nên từ ấy Trí Huệ Cung chỉ để làm một thắng cảnh cho du khách chớ chưa rước được một vị cao tăng nào vào luyện Đạo.

Trong tương lai chúng ta nếu may duyên được chọn vào đấy thì cơ đoạt Đạo sẽ nắm chắc trong tay.

 

14. TẢ CHÚ NỊNH

Rủi tâm đã nịnh khó làm trung,

Chẳng khác người cao muốn hóa lùn.

Đội mão sung thiên Trời lúng túng,

Mang y chiếu địa đất lum khum.

Cửa son ghé mắt ngươi phân nửa,

Lầu tía đưa chơn bụng sĩ lòng. (1)

Bán nước đã cam dâng phận tớ,

Thái Sư sụp mão cũng danh ông.

Thất Nương D.T.C

(1)                       Sĩ: hổ thẹn, như sĩ nhục

 

15. BÁT TIÊN VÀ THẤT THÁNH

Từ ngoài Đền Thánh đi vào Cung Đạo, ngó lên chúng ta thấy bao lam giữa có, từ trên xuống: Đức Thích Ca, Đức Lý Đại Tiên, Đức Chúa Jesus Christ và Đức Khương Thái Công; Còn từ trái qua mặt thì có: Đức Quan Âm, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử và Đức Quan Thánh.

Sự tích quí vị kể trên tượng trưng cho ngũ chi hiệp nhứt và Tam giáo qui nguyên ai ai cũng đều hiểu, nên chúng tôi xin miễn bàn giải.

Chúng tôi chỉ xin sơ giải cho đến bao lam bên trái và bao lam bên mặt, lược thuật tiểu sử của Bát Tiên và Thất Thánh để quí vị tường lãm.

I.     Bao lam bên trái có Bát Tiên.

Bát Tiên gồm có 8 vị sau đây:

1-Lý Thiết Quả húy là Huyền, tự là Ngưng Vương. Một người tư chất thông minh, phong cách nghiêm trang. Đến 20 tuổi thì chán danh lợi nên bỏ vào núi học Đạo Tiên với Lão Tử. Vì thường ôm cái bầu và đặc biệt sử dụng cây gậy sắt nên người đời đặt tên là Lý Thiết Quả và dần dần gọi trại là Lý Thiết Quày. Ông chính là vị Tiên thứ nhứt trong Bát Tiên.

2-Hớn Chung Ly: họ Chung Ly, húy là Quyền, một vị đại tướng đời nhà Hán, quê ở đất Yên Đái. Chung Ly Quyền được Lý Thiết Quả giả dạng làm một tên sải mắt xanh dẫn đường, đưa đến động của Đông Huê, một Đạo sĩ đời thượng cổ đã tu luyện thành Tiên để được truyền Đạo.

Từ đó Chung Ly Quyền đổi lại là Vân Phòng, về sau Chung Ly Vân Phòng được thưởng Tiên Vương Huyền Phủ, rồi Huệ Đương Chơn Nhơn truyền thêm Đạo Tiên. Cuối cùng Chung Ly Vân Phòng lượm được một quyển kinh trong núi, rồi cứ theo đó mà tu luyện. Ông là vị Tiên thứ hai trong Bát Tiên thường sử dụng cây Phất Chủ.

Vì Chung Ly Vân Phòng là một vị Đại Tướng triều Hán nên người đời thường gọi là Hớn Chung Ly.

3-Lam Thể Hòa: vốn là Xích Cước Đại Tiên trên Thượng giới đầu thai xuống cõi trần, thường mặc áo rộng, buộc dây lưng đen thật lớn, một chân mang giầy, một chân đi đất và thường cầm tấm bản ngọc xanh (tức cập phách) dài 3m, vừa đi vừa nhịp vừa ca, các bài ca của ông đặc biệt ở chỗ thường có  ngụ ý khuyên đời.

4-Trương Quả Lão: Vốn là con voi trắng từ khi mới tạo thiên lập địa, nhưng nhờ tu luyện lâu năm nên được thành người. Trương Quả Lão theo học Đạo với Huyền Khưu Chơn Nhơn ở núi Trung Điếu, thường cỡi lừa trắng đi dạo chơi, nhưng đặc biệt là cỡi ngựa. Lừa của ông bằng giấy, nhưng khi nào muốn cỡi thì ông phun nước và hóa phép sẽ biến thành lừa thật.

5-Hà Tiên Cô: quê quán ở Quảng Châu huyện Tăng Thành, tên thật là Tố Nữ. Lớn lên Bà đến ở khe Vân Mẫu và không chịu lập gia đình, sau Bà Tố Nữ được Lam Thế Hòa và Lý Thiết Quả truyền Đạo và trở thành vị Tiên thứ 5, thường được gọi là Hà Tiên Cô.

6-Lữ Đồng Tân: Tên thật là Lữ Nhan tự là Đồng Tân, biệt hiệu là Thuần Dương Chơn Nhơn đầu thai. Ông con Thứ Sử Lữ Nghi và cháu nội của Lễ Thị Lang Lữ Vi quê  quán tại Hải Châu, huyện Vĩnh Lạc. Là người thông minh học rộng, ông thi đổ luôn hai khóa Tú Tài và Cử Nhân, nhưng đến khoa Tiến Sĩ thì rớt mãi, nên ông chán công danh quyết chí tầm Tiên học Đạo. Lữ Đồng Tân gặp Huỳnh Long Chơn Nhơn ở núi Lư Sơn truyền gươm phép, rồi gặp Hớn Chung Ly truyền Đạo sau tu luyện thành một vị Tiên thứ sáu.

Lữ Đồng Tân thường cầm ống tiêu đi khắp nơi để chữa bịnh cho người nghèo và độ những người lành.

7-Hàn Tương Tử: sanh vào đời Đường và là cháu gọi Hàn Vũ bằng chú. Hàn Tương Tử chán công danh phú quí nên bỏ nhà lên non gặp được Hớn Chung Ly và Lữ Đồng Tân truyền Đạo sau thành vị Tiên thứ 7.

8-Tào Quốc Cựu: vốn là em ruột của Tào Thái Hậu đời Tống, húy là Hữu Thường, hay làm phước. Ngày kia Tào Hữu Thường xuất hết tài sản bố thí cho dân nghèo rồi bỏ vào núi tu hành, gặp Hớn Chung Ly và Lữ Đồng Tân truyền Đạo nên thành Tiên và thường được gọi là Tào Quốc Cựu.

Tám vị Tiên trên đây mỗi vị cỡi một con thú khác nhau:

1.   Lý Thiết Quả cỡi voi.

2.   Hớn Chung Ly cỡi tứ bất tướng.

3.   Lữ Đồng Tân cỡi hạc.

4.   Tào Quốc Cựu cỡi nai hoa lộc.

5.   Lam Thế Hòa cỡi trĩ.

6.   Hàn Tương Tư cỡi công.

7.   Hà Tiên Cô cỡi phụng.

8.   Trương Quả Lão cỡi lừa.

(Tài liệu nầy trích nơi Đông Du Bát Tiên của Tô Châu dẫn giải, Tín Đức Xuân Thu xuất bản).

 

II.BAO LAM BÊN TRÁI CÓ THẤT THÁNH

Thất Thánh gồm có:

1.Lý Thiên Vương tức Lý Tịnh là cha của Na Tra, Kim Tra, Mộc Tra.

2.Na Tra

3.Kim Tra

4.Mộc Tra

5.Lôi Chấn Tử

6.Vi Hộ

7.Dương Tiển

Chúng ta nếu có ai đọc Phong Thần đều biết sự tích của Thất Thánh. Đức Khương Thái Công làm chủ Phong Thần bản, chọn được 365 vị, đồng thời phò nhà Châu để diệt Trụ mà có 7 vị công nghiệp trỗi hơn hết nên được phong Thánh.

Đặc biệt chúng ta đề ý vị thứ 6 là Đức Vi Hộ, có lời tiên tri rằng:

Nơi lò Bát Quái luyện từ lâu,

Cháy Gián Xử Ma rất nhiệm mầu.

Vi Hộ ngày sau thành Hộ Pháp,

Văn qui nay gặp bể tan dâu.

Thành thử trong Đạo Cao Đài, các cung các động trên Thiêng Liêng đều có xuống thế để phục vụ cho nền Đại Đạo. Các Đấng muốn giữ bí mật nên ít khi cho biết nguơn linh của mỗi người, vì e rằng ỷ lại sanh kêu mà không tích cực lập công được.

Đức Vi Hộ chỉ là Hộ Pháp chiết một phần chơn linh xuống buổi Phong Thần chớ chưa phải trọn vẹn. Chỉ Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Ngài thay mặt Đức Chí Tôn nắm quyền Nhị Hữu Hình Đài mà chuyển thế định Đạo, nên mới xuống trọn vẹn 100% nguơn linh hầu đủ năng lực, đủ tài tình, chèo thuyền Bát Nhã của Đức Chí Tôn đến bờ Bỉ Ngạn, vớt 92 ức nguyên nhân về cùng Đại Từ Phụ.

Nhờ Thánh Giáo của các Đấng, chúng ta biết được một phần các chơn linh trong Bát Tiên và Thất Thánh như sau:

-Đức Hộ Pháp là chơn linh Vi Hộ.

-Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt là chơn linh Đức Lý Thiết Quả.

-Đức Cao Thượng Phẩm là chơn linh của Đức Hớn Chung Ly.

-Đức Cao Thượng Sanh là chơn linh của Đức Lữ Đồng Tân.

Ấy vậy, các chơn linh cao trọng đã xuống thế làm Thánh Thể Chí Tôn rất nhiều, còn lẫn lộn trong hàn Tín Đồ, Chức Việc, Chức Sắc mà chưa tiết lộ nên Đức Hộ Pháp hằng căn dặn ráng nuôi nấng đoàn hậu tấn, ung đúc tin thần chúng cho có Đạo hạnh để các Đấng dể gần gũi. Nếu may duyên các vị ấy chọn một người trong gia đình mình thì công nuôi dưỡng một vị Thánh hay một vị Tiên cũng đủ nâng công nghiệp của mình lên tột phẩm.

Còn mình nuôi họ bằng đồng tiền bất nghĩa, vô liêm sĩ, họ hổ thẹn mà không nhập thể thì kiếp sanh ấy cũng chỉ vô ích mà thôi. Họ sẽ chọn kiếp kế tiếp để lập công thì lỗi ấy mình gánh chịu, làm họ phải trễ nải thời gian tạo nghiệp.

 

16. BÁ NHA-TỬ KỲ

Bá Nha người đời Tống, làm quan Thượng Đại Phu, khi đi sứ nước Sở về nhằm đầu Trung Thu, trăng thanh gió mát, tới mé sông Hàm Dương thừa hứng biểu quân ngừng thuyền lại lấy đờn kìm ra khảy.

Trê bờ có Tử Kỳ đi đốn cũi về, dừng chơn lại nghe ngóng. Bá Nha đương đờn thoạt đức dây, nghĩ rằng: Chỗ nầy núi cao non thẫm, có lẻ nào ai biết ta đờn gì mà rình nghe, nếu đứt dây đờn ta đây chắc có bực Quân Tử đang nghe. Ông bèn sai quân lên bờ tìm kiếm.

Tử Kỳ ở trên bờ nghe mới lên tiếng: Xin Đại Nhân chớ nghi, tôi là đứa đốn cũi, thấy khúc đờn hay nên dừng chập nghe thử.

-Có lẻ nào một đứa tiểu phu lại biết nghe đờn?

-Xin lỗi đại nhân nói vậy chẳng là lầm lắm. Thánh nhân xưa có nói: Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài ngỏ có quân tử đến. Như Đại Nhân, khi chỗ núi non rừng bụi không có người biết nghe đờn, thì đêm canh vắng, vực sông nầy có lẻ nào có khách biết đờn?

-À hay! Vậy ta đờn bản gì đó?

-Bẩm Ngài đờn bài Đức Khổng Tử than tiếc Thầy Nhan Hồi. Nguyên văn ấy như vầy:

Khả tích Nhan Hồi tảo mạng vong,

Giáo nhân tư tưởng mấn như sương.

Chỉ nhân lậu hạng đơn biều lạc,

Lưu đắc hiếu khanh vạn cổ cương.

Nghĩa là:

Khá tiếc Nhan Hồi vắn mạng ôi

Nhớ thương mái tóc bạc như vôi.

Đai cơm bầu nước nuôi quê hẹp,

Để tiếng hiền danh biết mấy đời.

Từ cuộc gặp đó mà Bá Nha và Tử kỳ đã trở nên bạn tri âm.

Năm sau Bá Nha trở lại thăm bạn thì hay tin Tử Kỳ bị bịnh mà bỏ mình. Bá Nha đến mộ làm bài điếu như sau:

Nhớ từ thuở mùa thu năm ngoái,

Trên tràng giang gặp lại cố nhân.

Năm nay lại đến Giang Tân,

Dòng sông lạnh ngắc cố nhân đâu rồi.

 

Buồn chỉ thấy nắm mồ bên núi,

Cõi ngàn năm chia cách đau lòng.

Ôi ! thương tâm, ối! thương tâm,

Sục sùi lai láng bao dòng lệ rơi.

 

Mây sầu lấp loán chân trời,

Đêm vui đổi lấy một đời khổ đau.

Tử Kỳ! Tử Kỳ đâu?

Ngàn vàng không chuốc được bầu tâm giao.

Thôi từ đây với phím đàn,

Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân.

Đọc xong bài đoản ca, Bá Nha đập mạnh đàn xuống tản đá. Cha của Tử Kỳ hỏi sao cố nhân hành động như vậy thì Bá Nha đọc luôn 4 câu thơ:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng,

Đàn vắng  Tư Kỳ đàn với ai?

Gió xuân khắp mặt bao bè bạn,

Muốn kiếm tri ân ôi khó thay!

Nói đoạn xin rước Chung Công và mẹ Tử Kỳ về tôn như cha mẹ ruột mình mà phụng dưỡng.

Từ đó về sau, hễ đề cập đến bạn tri âm, tâm đồng ý hiệp thì các văn nhân thi sĩ đều mượn điển tích Bá Nha Tử Kỳ để diễn tả. Thật là một gương sáng về tình bằng hữu có một không hai, cổ kim hi hữu.

  Viết xong ngày 30-4-1982 (7-4-Nhâm Tuất)

Quang Minh

 

Ø     (Xin xem tiếp quyển IV)

Top of Page

      HOME