CHÁNH TRỊ ÐẠO

 
 

MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

 

Quyển CHÁNH TRỊ ÐẠO xuất bản hôm nay là một tài liệu do vị Thời Quân KHAI PHÁP TRẦN DUY NGHĨA trước kia soạn ra để làm bài huấn luyện Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài trong Bộ Pháp Chánh.

Nhưng xét vì tài liệu nầy có một tầm quan trọng rất sâu xa về nền chánh trị của Ðạo nên con cháu của Người xin cho xuất bản để cống hiến chẳng những cho toàn cả Chức Sắc và Tín hữu của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ để học hỏi mà cũng giúp ích cho những học giả muốn tìm hiểu rõ Ðạo Cao Ðài hơn, có một tài liệu quý báu trên đường nghiên cứu.

Âu cũng là một điều hay nên tôi rất tán đồng để cho những ai từ trước đến giờ thường gán cho Ðạo Cao Ðài can án "Làm Chánh trị" được rõ là Ðạo Cao Ðài có một nền Chánh trị Ðạo khác hẵn với lối Chánh trị Ðời.

Theo Chơn Pháp của Ðại Ðạo thì Ðức CHÍ TÔN mở Ðạo Kỳ Ba nầy là để lập một đời mới mà các Ðấng danh gọi là đời Minh Ðức Tân Dân.

Như thế Ðạo Cao Ðài là một nền tôn giáo không thể tách rời với xã hội loài người, nên có thể gọi nó là một nền tôn giáo Nhập Thế chớ không phải Xuất Thế để mỗi người tìm phương giải khổ hoặc thoát khổ đặng sống một đời sống riêng tiêu diêu tự toại.

Nền Chánh trị của Ðạo Cao Ðài chủ trương một tinh thần cao độ quên mình để mưu cầu hạnh phúc cho người lúc nào cũng phải hy sinh để phục vụ cho Nhơn sanh và tìm phương CỨU KHỔ cho Ðời.

Chánh trị Ðạo chủ trương vô tư, bất vụ lợi, quên mình để mưu cầu lợi ích cho người bằng một tình thương bao la, rộng rãi, Huynh đệ Ðại Ðồng, xây dựng một xã hội hòa ái cộng tồn; còn về Chánh trị Ðời thì ta thường thấy nào là tranh danh, đoạt lợi, tranh quyền, tranh vị, giành giựt lẫn nhau miếng đỉnh chung, mùi phú quý, tranh nhau từ miếng ăn, chỗ ở để mưu cầu riêng biệt cho cá nhơn mình, cho đoàn thể mình, hoặc cho quốc gia chủ nghĩa mình một đời sống sung sướng hơn kẻ khác. Như vậy bảo sao không sanh ra chiến tranh tàn khốc, sát hại lẫn nhau còn hơn hùm beo thú dữ.

Nếu mỗi người đều hiểu đặng và thực thi chu đáo nền Chánh trị của Ðạo trong tình thương yêu anh em ruột thịt, tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau, lấy của mình san sớt cho những ai bạc phước hơn thì cảnh đời đau khổ hiện nay sẽ trở thành một Thiên Ðàng tại Thế đúng như lời Ðức CHÍ TÔN nói khi mới mở Ðạo:

"Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn".

Với nhận xét trên thì có thể gọi nền Chánh Trị Ðạo là Siêu Chánh Trị.

TÒA THÁNH, ngày 28 tháng Giêng năm Giáp Dần.
( Dl, ngày 19 tháng 2 năm 1974 )

BẢO ÐẠO HIỆP THIÊN ÐÀI
Ký tên
HỒ TẤN KHOA

 
 

MỤC LỤC

 

NỘI DUNG

 

CHÁNH TRỊ ÐẠO

 

CHƯƠNG I

A. NỀN TẢNG CHÁNH TRỊ CỦA ÐẠO

HIỆP THIÊN ÐÀI  
  • Pháp Chánh
  • Phước Thiện
CỬU TRÙNG ÐÀI  
  • Hành Chánh
  • Phổ Tế

 

B. NGUYÊN TẮC CAI TRỊ CỦA ÐẠO

CHƯƠNG II

CÁC TRỊ QUYỀN TRONG NỀN CHÁNH TRỊ ÐẠO

QUYỀN LẬP PHÁP ( QUYỀN VẠN LINH )

 
  1. Hội Nhơn Sanh
  2. Hội Thánh
  3. Thượng Hội
 

CHƯƠNG III

QUYỀN HÀNH PHÁP ( HÀNH CHÁNH )

 
  1. Tổ chức quyền Hành Chánh của Ðạo
  2. Bảng Tổ chức quyền Hành Chánh
  3. Hàng phẩm đối quyền
  4. Quyền hành Chức sắc và Chức việc
  5. Sắc phục vủa Chức sắc và Chức việc
  6. Phương pháp lập vị vào Thánh Thể của Ðức CHÍ TÔN
 

CHƯƠNG IV

 
  1. QUYỀN TƯ PHÁP
  2. CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN
 

CHƯƠNG V

SO SÁNH CHÁNH TRỊ ÐỜI VÀ CHÁNH TRỊ ÐẠO

 

Soạn giả: KHAI PHÁP TRẦN DUY NGHĨA,
dưới sự hướng dẫn của Ðức HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC

 
 

MỤC LỤC

 

CHƯƠNG THỨ NHỨT

A. NỀN TẢNG CHÁNH TRỊ CỦA ÐẠO

B. NGUYÊN TẮC CAI TRỊ CỦA ÐẠO

Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản chánh không có.


 

CHƯƠNG THỨ NHỨT

 

A. NỀN TẢNG CHÁNH TRỊ CỦA ÐẠO

Chánh Trị Ðạo có hai phần:

  1. Phần vô hình.

  2. Phần hữu hình.

Phần vô hình thuộc về quyền Thiêng Liêng của Bát Quái Ðài.

Phần hữu hình lại chia đôi ra làm hai Ðài gọi là nhị hữu hình Ðài: Hiệp Thiên Ðài, và Cửu Trùng Ðài.

 

HIỆP THIÊN ÐÀI

Hiệp Thiên Ðài là cơ quan bảo thủ chơn truyền từ xưa đến nay vẫn hằng hữu. Nhưng các Tôn Giáo buổi trước không có thiệt hiện hình tướng của Hiệp Thiên Ðài là vì các vị Giáo Chủ của các nền Tôn Giáo ấy đắc lịnh Ðức CHÍ TÔN chưởng chấp cả về mặt Thiêng Liêng, nên các Tôn Giáo từ xưa đến nay không được trường cửu là do nơi lỗi của tay phàm chuyên quyền lạm dụng. Vì vậy, các Tôn Giáo đành chịu thất kỳ truyền.

Vả lại, buổi trước trình độ tiến hóa của Nhơn sanh còn trong vòng Thánh Ðức, lại nữa Càn Khôn chưa dĩ tận thức, CHÍ TÔN chọn người lập Ðạo, Thánh ý là qui tụ con cái Ngài, đặng đợi kỳ khai Ðại Ðạo.

Ngày nay CHÍ TÔN đến mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ngài không giao Thánh Giáo cho tay phàm nữa, chỉ dùng huyền diệu cơ bút đặng dạy Ðạo. Vì vậy nên Hiệp Thiên Ðài mới hiện tướng đặng làm trung gian giữa các Ðấng Thiêng Liêng và chúng sanh, tức là hồn của Ðạo vậy. Nếu hồn của Ðạo do CHÍ TÔN giữ thì phần Cửu Trùng Ðài cũng không phương chuyên cải Chơn Truyền, và cơ Ðạo mới trường tồn đến thất ức niên. Nên chi chúng sanh tuyệt mà Hiệp Thiên Ðài chẳng bao giờ tuyệt.

Hiệp Thiên Ðài là cơ quan bán hữu hình vì nó thuộc về pháp giới.

Hiện tướng của Hiệp Thiên Ðài là:

  1. Pháp Chánh

  2. Phước Thiện

PHÁP CHÁNH: Pháp Chánh là cơ quan bảo thủ Chơn truyền, giữ gìn luật pháp, dìu dẫn và lập vị cho con cái CHÍ TÔN, trong khuôn viên luật pháp của Ðạo đã thành lập, giữ cân công bình thể Thiên hành hóa, có trách vụ nặng nề để bênh vực kẻ cô thế, yếu hèn bị áp chế, để sửa răn những kẻ phạm pháp luật, hầu tránh khỏi Thiên Ðiều trừng trị, nếu bị thế trị thì mới mong giảm tội Thiêng Liêng, bằng không bị thế trị thì Thiên Ðiều không mong gì cầu rỗi.

Vậy Pháp Chánh rất cần thiết để giữ gìn phẩm trật và địa vị của mỗi con cái CHÍ TÔN, và quyền hành phân minh cho nền Chánh Trị Ðạo, y theo khuôn khổ Chơn truyền.

PHƯỚC THIỆN: Phước Thiện là cơ quan tận độ, cốt để mở đường Thánh Ðức cho toàn sanh chúng có đủ phương thế nhập vào Thánh Thể, người ngoại giáo có thể nhờ nơi cửa Phước Thiện mà hiệp cùng Hội Thánh. Phước Thiện là phương bảo tồn sanh chúng, tế khổn phò nguy, vì trong đời người không có sự khổ não nào bằng sanh, lão, bịnh, tử. Muốn thi hành cơ tận độ, những con cái của Ðức CHÍ TÔN sẵn có tài tình học thức đã được lập công nơi cơ quan khác, còn sót lại những kẻ dốt, kém, thật thà thì do nơi đâu mà lập công đoạt vị? Chỉ có cơ quan Phước Thiện mới có đủ phương thâu nhập toàn thể con cái CHÍ TÔN qui về cửa Ðạo, nên gọi là cơ "Bảo Tồn".

Muốn thật hành chánh nghĩa Phước Thiện, con cái CHÍ TÔN đói phải nuôi, rách cho mặc, tật nguyền phải bão dưỡng, cô thế phải chở che, châu cấp người già cả, săn sóc kẻ bịnh hoạn...v.v... Nói tóm tắt là phải gánh mọi sự khổ trên đời nầy.

Vả lại, Ðời là một trường tranh đấu vì miếng ăn, chỗ ở.

Muốn sống phải: no, ấm, mạnh. Phước Thiện cứu kẻ khổ, giúp kẻ nguy, dìu dắt cho có phương sanh sống, tuy không giàu mà tự toại, không sang mà thung dung, mới có thể tránh được sự tranh đấu vì lẽ sống, tức là nâng đỡ bảo sanh cho hạng tam dân (Nông, Công, Thương) hưởng đủ quyền lợi mà mỗi người được quyền sống hưởng theo luật tự nhiên của Tạo Hóa.

Phước Thiện là phương pháp làm cho bình đẳng giữa hai hạng người: vô sản và tư sản, hay nói cho đúng là dung hòa quyền lợi chung hưởng chánh đáng, bất phân giai cấp, sang, hèn, tức là hườn thuốc tự do, bình đẳng, bác ái.

Chơn truyền của Phước Thiện lại còn phải thay thế cho CHÍ TÔN và PHẬT MẪU thật hành cơ cứu khổ bằng phương pháp là: làm cha những kẻ không cha, làm mẹ những kẻ không mẹ, làm anh những kẻ không anh, làm bạn những kẻ thiếu bạn, làm chồng làm vợ những kẻ không chồng, không vợ, trong sự thương yêu cao quý và trong sự giúp đỡ chơn thành. Như thế mới có thể thực hành cơ quan cứu khổ để nơi mặt thế.

Nếu cơ quan Phước Thiện bảo đảm được con cái CHÍ TÔN dường ấy, thì ân đức của Ðại Ðạo có thể sánh cùng Trời Ðất, làm cho đời khổ trở nên đời hạnh phúc, đời loạn trở nên đời an cư lạc nghiệp, thì sự hòa bình của Ðại Ðồng Thế Giới mới mong thành tựu đặng.

 

CỬU TRÙNG ÐÀI

Cửu Trùng Ðài là cơ quan giáo hóa về tinh thần đạo đức, đem ảnh hưởng hạnh phúc cho Nhơn sanh, vạch rõ con đường chơn lý: gom yêu, hòa, ái, trong tâm lý của loài người, tập trung làm một khối tinh thần, nhìn nhau kết một tòa lương tâm của toàn thể nhơn loại.

Cửu Trùng Ðài chia ra làm hai cơ quan:

  1. Hành Chánh

  2. Phổ Tế

HÀNH CHÁNH: Hành Chánh là cơ quan trị thế sửa đời cho thuần phong mỹ tục, cầm quyền Chánh trị toàn Ðạo, thi hành theo khuôn viên Luật Pháp của CHÍ TÔN đã thành lập từ thử.

  • Về Pháp thì có: Pháp Chánh Truyền, Thánh Ngôn.

  • Về Luật thì có: Tân Luật và Ðạo Luật Hội Thánh.

PHỔ TẾ: Phổ Tế là cơ quan truyền bá Chơn Giáo của Ðức CHÍ TÔN, làm thế nào cho toàn thể nhơn sanh biết nhìn nhận CHÍ TÔN là Cha Thiêng Liêng của toàn nhân loại, chính mình Ngài đến hoằng khai Ðại Ðạo, cứu vớt con cái của Ngài, hầu độ rỗi 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị. (Ðạo Giáo nói rằng: có 24 chuyến thuyền Bát Nhã chở 100 ức nguyên nhân xuống phàm. Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, độ được 2 ức; Nhị Kỳ Phổ Ðộ, độ được 6 ức nữa là 8; còn lại 92 ức).

Chẳng những vậy thôi, CHÍ TÔN còn ân xá cho cả Bát Hồn lầm lạc hoặc tội tình, đặng siêu thoát. Ðã là tận độ mà CHÍ TÔN không có hình thể nên dùng huyền diệu cơ bút lập thành Thánh Thể của Ngài mà thay thế cho Ngài đặng phô bày hình tướng cho nhơn sanh noi theo lập công bồi đức, mà đoạt vị. Nhưng tiếc thay! Hội Thánh đã lắm công đào luyện nên hình, mà con cái của Ðức CHÍ TÔN còn lầm lẫn trong phàm trần, bôn xu theo thế tục, chưa thấu đáo đặng cơ quan tận độ. Vì vậy cần phải có cơ quan Phổ Tế, mang bầu xách gậy, đến gieo rắc hột Thánh Cốc trong tinh thần con cái CHÍ TÔN, dầu gốc bể chơn trời nào, như vậy đặng tỏ rằng cân công bình của CHÍ TÔN không bỏ xót một ai cả, ấy mới trọn câu tận độ.

Cơ quan Phổ Tế độ rỗi nhơn sanh vào cửa Ðạo, giao cho Cửu Trùng Ðài giáo hóa, có Hiệp Thiên Ðài gìn giữ đường tu để tạo phẩm vị.

Nói rõ hơn nữa, Phổ Tế là cơ quan truyền giáo của Ðạo vậy.

 

B. NGUYÊN TẮC CAI TRỊ CỦA ÐẠO

Ðã nói trên rằng nền Chánh Trị của Ðạo do hai Ðài Chưởng Quản: Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài, một bên phận sự luật pháp, một bên phận sự hành pháp. Hai Ðài liên quan với nhau mật thiết như xác và hồn, xác không hồn thì không làm gì được, mà hồn không xác không chỗ dựa nương. Cho nên trong Pháp Chánh Truyền có nói: "Ðạo không Ðời không sức, Ðời không Ðạo không quyền", thì đây, Hiệp Thiên Ðài là hồn, tức là Ðạo, còn Cửu Trùng Ðài là xác, tức là Ðời, nếu Ðạo không Ðời tức là không có hình thể, không phương phổ hóa chơn truyền, còn Ðời không Ðạo, nghĩa là nếu không có khuôn viên, được tự do phóng túng, thì còn đâu quyền hành phân minh, đẳng cấp trật tự nữa. Cho nên Ðạo tạo quyền cho Ðời bằng sự công chánh, Ðời lập nên hình tướng cho Ðạo nhờ luật thương yêu.

Còn phương pháp cai trị, chiếu theo câu "Ý dân là ý Trời", biết rằng quyền Vạn Linh đối với quyền Chí Linh, nên lúc nào cũng lấy nhơn sanh làm trọng.

 
 

MỤC LỤC

 

CHƯƠNG THỨ HAI

CÁC TRỊ QUYỀN TRONG NỀN CHÁNH TRỊ ÐẠO

QUYỀN LẬP PHÁP: QUYỀN VẠN LINH

HIẾN PHÁP CỦA ÐẠO (Pháp Chánh Truyền)

Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản chánh không có.


 

CHƯƠNG THỨ HAI

CÁC TRỊ QUYỀN TRONG NỀN CHÁNH TRỊ ÐẠO

 

QUYỀN LẬP PHÁP: QUYỀN VẠN LINH

Nền Chánh Trị Ðạo tuy vẫn chủ trương bởi hai Ðài hữu hình là Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài, song các trị quyền cũng chia làm ba như chánh trị của mặt Ðời: Quyền Lập Pháp, Quyền Hành Pháp và Quyền Tư Pháp.

 

Nói về Quyền Lập Pháp tức là Quyền Vạn Linh:

Một quốc gia biểu lộ sự sanh tồn bằng các quyền năng (fonctions), quyền năng ấy lại phải có cơ quan (organe) để thi hành. Trong cửa Ðạo, muốn biểu lộ sự hoạt động không ngừng của bộ máy Chánh trị cũng có đủ các quyền năng và cơ quan để thi hành quyền năng đó. Quyền năng và cơ quan hiệp lại gọi là trị quyền. Như quyền Lập Pháp tức là Quyền Vạn Linh là một trị quyền. Quyền năng của nó phải biểu lộ ý chí và nguyện vọng của Nhơn sanh, còn cơ quan thì có ba Hội.

Quyền Lập Pháp của Ðời lấy Nghị hội làm cơ quan, gọi là Viện, thường chia ra hai Viện (Lưỡng Viện chế) là: Thứ Dân Nghị Viện hay là Hạ Nghị Viện và Nguyên Lão Nghị Viện hay Thượng Nghị Viện, hay là thống nhất lại thành một viện (Nhứt Viện chế) Quốc Dân Ðại Hội (kêu tắt là Quốc Hội).

Trong nền Ðạo, cơ quan Lập Pháp theo một chế độ khác lạ, là chia ra làm ba Nghị Hội, ta có thể tạm gọi là chế độ ba viện (Tam Viện chế).

Ba Hội ấy là:

1. Hội Nhơn Sanh (Conseil populaire) giống như Thứ Dân Nghị Viện, nghĩa là trực tiếp với Nhơn sanh, gồm có các Ðại Biểu trực tiếp do Nhơn sanh bầu cử đặng thay mặt cho mình, đem lời thỉnh nguyện của mình ra trình bày giữa hội (tánh cách dục tấn).

2. Hội Thánh (Conseil sacerdotal) giống Nguyên Lão Nghị Viện với tánh cách bảo thủ đặng dung hòa, kềm chế bớt những ý nguyện quá bồng bột của Nhơn sanh, do Hội Nhơn Sanh dâng lên. Hội Thánh có quyền tán thành hay phản đối lời thỉnh cầu của Nhơn sanh chiếu theo Luật Pháp của Ðạo.

3. Thượng Hội (Haut Conseil) tức là Hội Tối Cao, có quyền xem xét đề nghị của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh rồi có quyền chấp thuận hay là không.

Ba Hội nầy hiệp lại làm Cơ quan của "Quyền Vạn Linh".

Tại sao có Quyền Vạn Linh?

Từ xưa đến nay, xem qua Chánh trị của Ðời, Quyền Lập Pháp thường do một người hay một thiểu số người chủ trương, thành ra đa số thường bị áp bức phải tuân theo ý chí của nhóm thiểu số kia. Mà pháp luật đã đặc ra do một thiểu số người, chỉ thích hợp với quyền lợi của một nhóm người nầy mà không thích hợp với quyền lợi của nhóm người khác, thích hợp với tập quán của địa phương nầy mà không thích hợp với tập quán của địa phương khác. Vậy thì ta chỉ thấy "Người cai trị người" chớ chưa hề thấy "Luật cai trị người". Vì cớ cho nên Ðời thường loạn.

Con người có ý chí trước, rồi hành động sau, thì hành động đó mới thích hợp được, bằng không thì chỉ là những hành động lầm lẫn, thiếu suy gẫm, thiếu tính toán.

Pháp luật cũng như ý chí của con người, có pháp luật làm khuôn viên, thì toàn Nhơn sanh cứ một mực khép mình vào khuôn viên ấy, mới có thể tránh những hành vi trái phép được. Ý chí của con người thường biến đổi. Trình độ của Nhơn sanh luôn luôn tiến hóa về mặt trí thức tinh thần, cần phải có luật pháp chế biến cho thích hợp với trình độ tiến hóa với nhơn ý, nhơn nguyện thì Nhơn sanh mới vui lòng tuân hành.

Ðức CHÍ TÔN là Ðấng Tối Cao, sản sanh ra muôn loài, song Ngài đã nói rằng: "Thầy là các con, các con là Thầy" ý nghĩa nói rằng: Quyền Vạn Linh bằng với quyền của Chí Linh. Ý muốn của Vạn Linh (Créatures) tức là ý muốn của Chí Linh (Créateur): Ý muốn của "con cái" tức là ý muốn của "Cha Lành" đó vậy. Vì thế mới có lập Quyền Vạn Linh để Vạn Linh tự lập luật lấy, đặng tự kiềm chế mình trong con đường tu, hầu qui hồi cựu vị, hội hiệp cùng Thầy.

 

Sự lợi ích của chế độ nhiều Nghị Hội trong Quyền Lập Pháp

Như đã nói trên, tánh cách của Hội Nhơn Sanh là dục tấn, nghĩa là bồng bột, đòi hỏi rất nhiều, nếu trong Quyền Lập Pháp chỉ có một Hội Nhơn Sanh làm cơ quan, thì ý nguyện của Nhơn sanh nhiều khi đi quá cao hơn sự thực hành của họ, tất nhiên Nhơn sanh không thế nào theo kịp. Cần phải có Hội Thánh để dung hòa ý chí quá cấp tiến của Nhơn sanh và Thượng Hội để quyết định chấp thuận đề nghị nào. Thành ra cả ba Hội đều tự thấy mình cần phải dung hòa cùng nhau, mỗi Hội tự nhượng bộ một ít, trong khuôn Luật pháp.

Về phương diện chuyên môn, một đề nghị đi qua sự thảo luận của nhiều Hội, tức nhiên chính chắn hơn là chỉ đi qua có một Hội.

 

Cách Tổ Chức Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh

Nói rằng ba hội hiệp lại thành Quyền Vạn Linh, song sự tổ chức của mỗi hội mỗi khác.

 

CHƯƠNG THỨ HAI:

  • QUYỀN LẬP PHÁP: QUYỀN VẠN LINH

 

MỤC LỤC

 

HỘI NHƠN SANH

Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản chánh không có.


 

HỘI NHƠN SANH

 

Các hạng Ðại Biểu.  Cũng như cái tên của nó đã chỉ, Hội nầy gồm các Ðại Biểu của Nhơn sanh trực tiếp bầu cử.

Làm đầu Nhơn sanh là Lễ Sanh, nên Ðại Biểu của Nhơn sanh kể từ phẩm Lễ Sanh trở xuống gồm có:

1. Chư vị Lễ Sanh, Ðầu Tộc Ðạo.

2. Nghị viên, tức là Ðại Biểu gián tiếp của Nhơn sanh. Ba vị mỗi Tộc Ðạo:

  1. Một Chánh Trị Sự (Tất cả Chánh Trị Sự trong Tộc Ðạo xúm nhau công cử một người).

  2. Một Phó Trị Sự (Tất cả Phó Trị Sự trong Tộc Ðạo xúm nhau công cử một người).

  3. Một Thông Sự (Tất cả Thông Sự trong Tộc Ðạo xúm nhau công cử một người).

3. Phái viên, tức là Ðại Biểu trực tiếp của Nhơn sanh. Cứ 500 Tín đồ trường trai công cử ra một Ðại Biểu gọi là Phái viên.

Số Nghị viên và Phái viên nam phái thế nào, thì bên nữ phái cũng đồng số với nhau, theo qui tắc.

Hạn lệ nhiệm kỳ.  Mỗi Nghị viên và Phái viên có nhiệm kỳ 3 năm. Ðến năm thứ tư thì tổ chức cuộc tuyển cử lại. Thảng trong thời gian ba năm đó, có người chết hoặc vì lẽ gì không thể đi dự hội, phải cử người khác thay thế trong hạn lệ của nhiệm kỳ.

 

ÐIỀU KIỆN TUYỂN CHỌN ÐẠI BIỂU HỘI NHƠN SANH

Như trên vừa nói, thì không có điều kiện chi quá đáng, đại khái có mấy điều như sau:

  1. Phải là Tín đồ Cao Ðài Giáo thuộc Tòa Thánh Tây Ninh.

  2. Phải trường trai.

  3. Không phân biệt nam, nữ.

  4. Phải trên 18 tuổi, là hạng tuổi đem tên vào bộ chánh của Ðạo.

Xem các điều kiện trên đây thì sự tuyển chọn Ðại biểu tùy theo địa phương và tỉ lệ nhơn số Tín đồ trong mỗi địa phương (élection par loccalité et élection proportionnelle).

Khi đã đắc cử rồi, mỗi Nghị viên và Phái viên Hội Nhơn Sanh chụp 3 tấm hình giao cho Khâm Châu Ðạo gởi về Tòa Nội Chánh (Lại Viện): (cỡ hình dán căn cước 4x6).

  • Một gắn vào Giấy Chứng Nhận Nghị viên, hoặc Phái viên.

  • Một gắn vào Bộ Nghị viên và Phái viên Hội Nhơn Sanh.

  • Một lộng khuôn để tại nhà nhóm.

Cả Nghị viên và Phái viên nơi Châu Ðạo hội nhóm lại nhằm ngày Rằm tháng Chạp, hiệp cùng chư Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu trong địa phương mình thảo luận chương trình của Hội Nhơn Sanh và lấy quyết nghị chung. Vi Bằng cuộc hội nhóm nầy làm 3 bổn, giao cho các Ðại Biểu 1 bổn, lưu chiếu 1 bổn, còn 1 bổn gởi về Lại Viện trước ngày khai mạc Hội Nghị.

Các Nghị viên và Phái viên lãnh một Tờ Chứng Nhận tạm của Chức Sắc địa phương sở tại, khi về đến Tòa Thánh Tây Ninh, vào trình diện tại Văn Phòng Lại Viện (Tòa Nội Chánh) đặng đổi Giấy Chứng Thiệt Thọ và ghi tên vào sổ để tiện việc sắp đặt trật tự. Hạn lệ phải đến Tòa Thánh ít nhứt hai ngày trước ngày mở Hội, nghĩa là phải đến Tòa Thánh vào ngày 13 tháng Giêng và lưu lại đến ngày Hội bế mạc. Nếu vô cớ đến trễ thì không được dự hội. Còn trong thời gian hội họp mà vô cớ không đến nhóm hội thì:

  • Nghị viên bị mất quyền nhóm hội ba năm.

  • Phái viên mất quyền ứng cử ba năm.

Các năm sau, chư Nghị viên và Phái viên nhớ đến lệ thì về nhóm chớ không có thơ mời, nhớ đem Giấy Chứng Nhận theo mới đặng nhập Hội.

Ngày nào từ giã Tòa Thánh, phải trình ghi Giấy Thông Hành tại Tòa Nội Chánh (Lại Viện).

Mỗi năm, vào ngày 1 tháng Chạp thì Nghị Trưởng gởi chương trình những vấn đề sẽ đem bàn cãi cho các Châu Ðạo. Nơi Châu Ðạo nhóm ngày Rằm tháng nầy (Chạp) đem ra bàn cãi, xem xét trước cho kỹ lưỡng.

Nghị viên nào muốn xin canh cải, thêm bớt, hủy bỏ điều chi trong Luật Ðạo, hay điều chi khác nữa thì phải gởi Tờ xin phép Nghị Trưởng hai mươi (20) ngày trước Ðại Hội và phải nói rõ mình muốn xin canh cải, thêm bớt, hoặc hủy bỏ điều chi.

 

TƯ CÁCH CỦA CHƯ HỘI VIÊN

a) Y phục: Nếu là Chức sắc hay Chức việc thì mặc Ðạo phục, nếu là Tín đồ vào hạng Phái viên thì mặc thường phục (áo dài trắng khăn đen).

b) Khi đứng ngồi: Phải thủ lễ, ngồi ngay ngắn không nên dựa nghiêng, dựa ngữa, không được ăn trầu, hút thuốc.

Ðương nhóm mà vị nào có việc cần ra ngoài, phải xin phép Nghị Trưởng, xong rồi trở vô liền.

c) Khi nói năng: Khi Nghị viên đương nói mà có vẻ nổi giận, Nghị Trưởng rung chuông ngăn lại, đặng khuyên giải. Nếu không vâng lời, Nghị Trưởng hỏi ý kiến các Nghị viên, nếu phần đông đồng ý kiến, thì Nghị Trưởng mời vị đó ra khỏi Hội.

Khi một Nghị viên đương nói, các người khác phải im lặng nghe, chẳng nên xen vào làm đứt đoạn.

Khi vị nào mặt có sắc giận dữ, xin phép nói đặng tỏ ý giận của mình, Nghị Trưởng có quyền không cho phép nói.

Tóm lại, tất cả Nghị viên phải tuân y "Luật lệ chung của các Hội".

 

BIỂU QUYẾT CÁC VẤN ÐỀ

Có hai cách biểu quyết:

  1. Gặp việc quan trọng cần yếu thì phải bỏ thăm kín.

  2. Gặp việc thường thì quyết nghị bằng cách giơ tay lên.

Với cách thứ nhứt, hay cách thứ nhì, Quyết nghị các Hội vẫn lấy thái bán số thăm làm quy tắc, nghĩa là bên nào được một lá thăm nhiều hơn bên kia là thắng số và vấn đề ấy được công nhân hay bác bỏ.

Thảng như số thăm thuận và thăm nghịch đồng nhau, Nghị Trưởng đồng ý kiến với bên nào, thì bên đó thắng số.

Vấn đề thường hay trọng yếu nào có một phần ba (1/3) số Nghị viên hiện diện xin bỏ thăm kín, thì Nghị Trưởng cho lịnh y theo.

 

TỔ CHỨC HỘI NHƠN SANH

Chiếu theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ tư, điều thứ tư của Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp ngày 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (Ðệ Ngũ Niên) thì Thượng Chánh Phối Sư làm Nghị Trưởng Hội Nhơn Sanh.

Vậy, Hội Nhơn Sanh sắp đặt như sau:

  1.  
Thượng Chánh Phối Sư : Nghị Trưởng.
  1.  
Nữ Chánh Phối Sư : Phó Nghị Trưởng.
  1.  
Lễ Sanh, Hội Viên.
  Chánh, Phó Trị Sự, Thông Sự
và Phái viên:

Nghị Viên hay Hội Viên.
  1.  
Một Nghị Viên Nam
Một Nghị Viên Nữ:

Từ Hàn.
  1.  
Hai Nghị Viên Nam
Hai Nghị Viên Nữ:

Phó Từ Hàn.

Ngoài ra chư vị Ðại Biểu của Nhơn sanh trên đây còn có:

1. CỬU TRÙNG ÐÀI

a) Thái và Ngọc Chánh Phối Sư.

b) Chư vị Chức Sắc Ðại Thiên Phong cầm quyền Cửu Viện Nội Chánh đến dự Hội để trả lời những điều nào Nghị viên không rõ xin bày tỏ, hoặc minh triết những vấn đề Nghị viên chất vấn.

Nếu có một vấn đề thuộc Viện nào bị chỉ trích thì Chánh Phối Sư hay Thượng Thống Viện đó phải giải thích cho rõ ràng và bày tỏ đủ lý lẽ để khỏi sanh điều khó khăn cho việc bàn cãi và giúp chư Nghị Viên giải quyết dễ dàng nhanh chóng.

c) Dự thính: Cả Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu không đắc cử Nghị viên Hội Nhơn Sanh, được thong thả đến Tòa Thánh nhập Hội, nhưng chỉ được dự thính mà thôi. Nơi nhà nhóm có sắp đặt chỗ ngồi riêng cho những vị nầy.

2. HIỆP THIÊN ÐÀI

Một Chức sắc Hiệp Thiên Ðài (thường thì có vị Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh và các Ty Pháp Chánh địa phương) đến chứng kiến và bảo thủ luật lệ không cho Hội phạm đến.

 

PHẬN SỰ CỦA HỘI NHƠN SANH

Hội Nhơn Sanh nhóm để bàn cãi những việc nầy:

  1. Giáo hóa Nhơn sanh.

  2. Liệu phương hay cho Ðạo với Ðời khỏi phản khắc nhau, và nâng cao tinh thần trí thức của Nhơn sanh.

  3. Phổ Ðộ Nhơn sanh vào cửa Ðạo, dìu dắt Tín đồ cho khỏi trái bước và trọn dâng theo các luật lệ của Ðạo.

  4. Xin sửa cải, thêm bớt hay hủy bỏ những luật lệ của Nhơn sanh.

  5. Lo cho nền Ðạo được trong ấm ngoài êm và đủ phương tiện đặng phổ thông nền Chơn Giáo.

  6. Xem xét và công nhận phương diện Chánh trị của Ðạo, quan sát sổ thâu xuất, tài sản, nghị số phỏng định năm tới.

 

NƠI NHÓM HỌP

Ðại Hội Nhơn Sanh nhóm nơi nhà nhóm riêng tại Tòa Thánh.

 

THỜI KỲ LÀM VIỆC CỦA ÐẠI HỘI NHƠN SANH

Ðại Hội Hội Nhơn Sanh mỗi năm nhóm lệ một lần, khai mạc vào ngày Rằm tháng Giêng.

Khi có việc chi thiệt trọng hệ thì được phép nhóm ngoại lệ Ðại Hội tại Tòa Thánh mỗi năm một kỳ mà thôi. Như vậy, thì thiệp mời phải gởi đến trước 15 ngày, hoặc điện tín thì phải gởi trước 3 ngày.

Trước bữa Ðại Hội mà nam nữ sẽ nhóm chung nhau, Thượng Chánh Phối Sư hoặc Nữ Chánh Phối Sư có điều chi phải hỏi ý kiến riêng Hội viên phái mình thì được quyền mời nhóm (Nam theo Nam, Nữ theo Nữ).

Kỳ nhóm nầy Từ Hàn phái nào theo phái nấy, lập Vi Bằng 2 bổn, Nghị Trưởng và Từ Hàn ký tên (1 bổn để lưu chiếu, còn 1 bổn thì Chánh Phối Sư nam gởi cho Chánh Phối Sư nữ, còn Chánh Phối Sư nữ thì gởi cho Chánh Phối Sư nam), hầu hiểu rõ những điều của mỗi phái bàn tính.

 

LỄ KHAI MẠC ÐẠI HỘI

Trước giờ mở Hội, thì Nghị Trưởng phái vài Hội viên đi rước Giáo Tông và Hộ Pháp đến dự lễ.

Khi nhị vị Ðại Thiên Phong nầy đến thì Lễ Viện cho nhạc trổi tiếp mừng. Chánh, Phó Nghị Trưởng, Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài và Nội Chánh nam, nữ ra cửa đón rước. Toàn thể Hội Viên đứng dậy, chờ cho nhị vị an tọa rồi mới ngồi xuống sau.

Giáo Tông ngồi ghế Chủ Tọa, bên tay mặt thì Hộ Pháp, bên tay trái Nghị Trưởng.

Giáo Tông đọc bài Diễn văn khai mạc, Hộ Pháp chú giải những khoản Luật Pháp mà Hội không hiểu rõ. Kế đó, Nghị Trưởng đọc bài Diễn văn trình bày chương trình nghị sự.

Xong rồi nhị vị Ðại Thiên Phong trên đây ra về. Lễ đưa sắp đặt cũng như lễ rước, nghĩa là Nghị Trưởng, Phó Nghị Trưởng đưa ra tới cửa, chư vị Hội Viên đứng dậy chào như lúc đến.

Lễ Khai mạc Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh giống như nhau, chỉ khác có nơi nhóm họp mà thôi.

 

BAN ỦY VIÊN

Sau khi khai mạc Ðại Hội, Nghị Trưởng trình bày chương trình nghị sự, xong rồi thì toàn Hội chọn cử ra các Ban Ủy Viên ngánh theo Phái đặng tùy phương diện thảo luận các vấn đề cho cặn kẽ thấu đáo.

Có 4 Ban Ủy Viên:

  1. Phái Thái.

  2. Phái Thượng.

  3. Phái Ngọc.

  4. Phái Nữ.

Mỗi Ban Ủy Viên gồm có:

  1. Một Nghị Trưởng.

  2. Một Phúc Sự Viên.

  3. Số Nghị Viên còn lại chia đều cho các Ban.

Mỗi khi bàn định điều chi rồi thì Phúc Sự Viên tóm tắt lại, lập Tờ Phúc đệ ra Ðại Hội nghị quyết.

Ban Ủy Viên khi nhóm thì mặc Ðạo phục thường dùng hằng ngày.

 

VIỆC TRẬT TỰ

Một vị Lễ Sanh Phái Ngọc lãnh phần Cai quản cơ Tuần phòng Bảo Thể Quân, mặc Thiên phục, buộc dây Sắc Lịnh tam sắc Ðạo của Hiệp Thiên Ðài ban cho trong lúc hội nhóm. Khi Hội giải tán thì đem nạp lại cho Hiệp Thiên Ðài.

 

SAU KHI HỘI NHÓM

Hai mươi ngày (20) sau khi hội nhóm bế mạc, Từ Hàn phải lập Vi Bằng cho rồi, trong đó Nghị Trưởng, Phó Nghị Trưởng, Từ Hàn nam, nữ và một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên vào.

Vi Bằng nầy phải lập ra năm bổn:

  • Một bổn gởi cho Thượng Hội.

  • Hai bổn gởi cho Hội Thánh.

  • Một bổn gởi cho Hiệp Thiên Ðài.

  • Một bổn lưu chiếu.

Khi Thượng Hội và Hội Thánh gởi trả lại ba bổn với những lời phê công nhận hay bác bỏ khoản nào thì Thượng Chánh Phối Sư giữ một bổn, một bổn gởi cho Nữ Chánh Phối Sư, một bổn gởi cho Ngọc Chánh Phối Sư đặng cho hai vị đó thi hành.

 

HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN HỘI NHƠN SANH

Mục đích của Hội Ngánh thường xuyên tại Tòa Thánh nầy là bàn tính các điều ngoại chương trình nghị sự của Ðại Hội và các việc trọng hệ xảy ra thình lình, nhứt là việc Chánh Phối Sư, hoặc Chức Sắc nào mà Hội Thánh ủy quyền cho giao thông với Chánh Phủ.

Hội Ngánh thường xuyên Hội Nhơn Sanh gồm có:

  • Thượng Chánh Phối Sư :
Nghị Trưởng.
  • Nữ Chánh Phối Sư :
Phó Nghị Trưởng.
  • Từ Hàn Nam của Ðại Hội & Từ Hàn Nữ của Ðại Hội
Từ Hàn
  • Phó Từ Hàn Nam của Ðại Hội & Phó Từ Hàn Nữ của Ðại Hội
Phó Từ Hàn
  • Sau khi bế mạc Ðại Hội, mỗi Tỉnh chọn trong hàng Nghị viên của mình một người Nam, một người Nữ để thường xuyên tại Tòa Thánh (Nam Tông Ðạo hay các Tông Ðạo Ngoại Giáo cũng vậy).
Nghị viên
  • Chức Sắc Nội Chánh, Chưởng Quản các Viện tùy theo việc bàn tính
Ðại diện Cửu Trùng Ðài
  • Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài
Ðại diện Hiệp Thiên Ðài

 

NGÀY GIỜ LÀM VIỆC

Hội Ngánh thường xuyên Hội Nhơn Sanh nhóm mỗi năm ba kỳ, (bốn tháng một kỳ).

  • Kỳ thứ nhứt: Mùng 6 tháng 4

  • Kỳ thứ nhì: 13 tháng 8

  • Kỳ thứ ba: 13 tháng 11.

 

SAU KHI HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN NHÓM

Mười ngày (10) sau ngày bế mạc Hội Ngánh, vi bằng phải lập xong và làm y như Ðại Hội. Chánh, Phó Nghị Trưởng, Từ Hàn nam, nữ, với một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên vào Tờ Vi Bằng ấy.

 

BAN ỦY VIÊN XEM XÉT TÀI CHÁNH

Hội Ngánh thường xuyên chọn ba (3) vị Nghị Viên nam, và ba (3) Nghị Viên nữ lập thành một Ban Kiểm Soát Tài Chánh.

Trước ngày khai mạc thường lệ của Hội Ngánh thường xuyên, Ban Kiểm Soát nầy đến xem xét sổ sách của Hộ Viện, lập Tờ Phúc Trình đệ ra giữa Hội thảo luận.

 

NGỤ SỞ CỦA NGHỊ VIÊN THƯỜNG XUYÊN

Hội Thánh cắt đất trong châu vi Tòa Thánh chia cho các Tỉnh cất nhà cửa hoặc cơ sở vĩnh cữu đặng cho người Ðại Biểu của tỉnh mình ở thường xuyên gần Tòa Thánh, đó là phần của các Tỉnh thuộc Việt Nam.

Còn riêng các nước lân bang, Hội Thánh cất nhà khách đặng đón rước và làm nơi lưu trú cho chư Nghị Viên thuộc các nước đó. Về quyền hạn Ðại Biểu, họ vẫn đồng quyền như các Nghị Viên sở tại vậy.

 

TRÁCH VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI NHƠN SANH

Quyền Vạn Linh có ba Hội làm cơ quan như trên đã nói: Quyền Vạn Linh đối với Quyền Chí Linh, cũng như câu "Ý dân là ý Trời", cho nên Nhơn sanh có quyền hạn rất rộng rãi trong nền Chơn Giáo của Ðức CHÍ TÔN. Có như vậy ta mới thấy được mặt cân công bình Thiêng liêng tại thế.

 

I. Trách vụ Lập Pháp

Hiến Pháp của Ðạo tức là Pháp Chánh Truyền do CHÍ TÔN truyền xuống, bằng huyền diệu cơ bút, là một bộ Hiến Pháp bất di, bất dịch, bất khả xâm phạm (cang tánh Hiến Pháp).

Vậy thì quyền Lập Pháp nay, là lập các luật lệ thường thức đặng thi hành Pháp Chánh Truyền, khép mình vào khuôn viên Ðạo, để có thể đi trọn vẹn con đường phổ độ của Ðức CHÍ TÔN một cách sáng suốt, minh mẫn và trong sạch.

Tất cả ý nguyện của Nhơn sanh đề nghị, qua sự xem xét của Hội Thánh và Thượng Hội, được dâng lên xin quyền CHÍ TÔN phê chuẩn, tức nhiên thành Luật Lệ, ban hành trong toàn Ðạo.

Một đề nghị nào do ý nguyện của Nhơn sanh đưa ra ba Hội thay nhau thảo luận và chấp thuận, thì đã thành ra ý nguyện chung của ba Hội, mà ba Hội là Cơ quan của quyền Vạn Linh, tức nhiên ý nguyện đó thành ra ý nguyện của Vạn Linh rồi, cho nên Luật Lệ lập thành do ý nguyện của Vạn Linh là tượng trưng ý chí chung của toàn vạn loại, để ấn định quyền hạn của toàn Ðạo và tổ chức quyền chánh trị chung toàn Ðạo.

Nhơn sanh được tự do đề nghị và thảo luận thế nào cho đúng hợp với trình độ tiến hóa của Nhơn loại và thích nghi với khắp các địa phương.

Trách vụ lập pháp của Nhơn Sanh có thể chia ra:

a. Quyền sáng kiến: Lập pháp của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, CHÍ TÔN cho Nhơn sanh được tự lập để khép mình vào cái khuôn khổ do mình tạo ra, vì cớ Nhơn sanh được đưa đề nghị lập những Ðạo Luật mới, tùy theo sự tấn triển của nhơn trí. Các dự án Luật đó phải gởi trước một bổn đến vị Nghị Trưởng Hội Nhơn Sanh đặng vị nầy đem vào chương trình nghị sự giữa Ðại Hội Nhơn Sanh (Droit d'initiative).

b. Quyền phủ quyết: Thảng có điều luật nào không còn thích hợp với phong hóa, có thể cản trở bước đường đạo đức của toàn Ðạo, Nhơn sanh được quyền xin hủy bỏ (Droit de véto).

c. Quyền phúc quyết: Chia làm hai loại:

1. Phúc quyết thăm dò: Hội Thánh có thể đưa ra một dự án luật cho Nhơn sanh bàn cãi trước khi lập thành điều luật thiệt thọ.

2. Phúc quyết thừa nhận: Cũng có nhiều điều luật do Hội Thánh ban hành trong vòng một năm từ ngày Ðại Hội năm trước, tới kỳ nầy đem ra cho Nhơn sanh xem xét coi điều luật đó trong khi thi hành đã làm lợi cho Nhơn sanh hay là làm hại. Thảng đã làm lợi và còn thích hợp thì Nhơn sanh thừa nhận, để còn đủ hiệu lực. Bằng không, xin hủy bỏ. Trường hợp nầy, quyền phúc quyết thành ra quyền phủ quyết.

 

II. Trách vụ kiểm soát chánh trị

Trách vụ kiểm soát nền chánh trị của Hội Nhơn Sanh có nhiều khoản:

1. Quyền tuyển cử: Trong cửa Ðạo, mỗi Chức sắc của Ðạo đều tuyển cử bắt đầu từ Tín đồ trở lên. Cân công bình của CHÍ TÔN muốn cho con cái của Ngài tạo công nghiệp xứng đáng, tu tâm đức vững chắc, đặng lập vị Thiêng liêng phải đi có trật tự từ hàng Tín đồ vào hàng Chức việc Bàn Trị Sự trong Hương Ðạo, lần lần đủ công nghiệp y như Luật định, được đem ra quyền Vạn Linh xem xét công nhận. Nếu không có Nhơn sanh công nhận thì trừ phi do khoa mục, hay do quyền CHÍ TÔN ân tứ, chiếu theo công nghiệp phi thường thì không còn con đường nào khác đặng bước lên Thiêng Liêng vị. Mà tại thế nầy, đẳng cấp trong Cửu Phẩm Thần Tiên được nhìn nhận cân đối ngang nhau với Thiêng Liêng vị ngày qui liễu về cùng Ðức CHÍ TÔN.

Vừa nói Nhơn sanh tuyển chọn Chức sắc của Ðạo trong hàng Tín đồ. Bắt đầu cho chọn vào phẩm vị Chức việc Bàn Trị Sự rồi mỗi khi thăng cấp, phải có sự công nhận của quyền Vạn Linh, hay nói trước hết của Hội Nhơn Sanh.

Quyền nầy tánh cách như quyền khảo thí trong ngũ quyền Hiến Pháp của Tôn Dật Tiên (Quốc Phụ của Trung Hoa).

CHỦ NGHĨA DÂN QUYỀN CỦA TÔN DẬT TIÊN

Nhân dân có năm chủ quyền:

  1. Quyền bầu cử.

  2. Quyền ứng cử.

  3. Quyền bãi miễn.

  4. Quyền sáng chế.

  5. Quyền phúc quyết.

Chánh phủ có năm trị quyền:

  1. Quyền Lập Pháp.

  2. Quyền Hành Pháp.

  3. Quyền Tư Pháp.

  4. Quyền khảo thí.

  5. Quyền giám sát.

2. Quyền bầu cử và ứng cử Nghị viên: Quyền của Nhơn sanh được rộng rãi vô cùng, song không thể tất cả mọi người đều ra giữa nghị hội được, thành thử phải chọn người Ðại Biểu theo tỷ lệ.

Những người Ðại Biểu nầy được bầu cử trực tiếp (như Phái viên) hay gián tiếp (như Nghị viên).

Ðến quyền ứng cử, mọi người đều có quyền cũng như bầu cử. Vả lại, cũng là nhiệm vụ tối trọng của cả Tín đồ, phải tham gia việc chánh trong Ðạo đặng dự phần "cải cựu hoán tân" cho kịp theo trào lưu tiến hóa nhân loại.

3. Quyền ủy nhiệm quyền hành: Thường những quyền nào trong nền Chánh Trị Ðạo đã khuyết mà không người thay thế, vì nó có tánh cách quan hệ, cơ quan Chánh trị trao cho Hội Nhơn Sanh để Hội nầy giao lại cho người nào và trọn ủy nhiệm cho người đó hành sự.

Ví dụ như: Quyền thống nhứt Chánh Trị Ðạo thuộc về Ðầu Sư mà trong Ðạo khuyết phẩm Ðầu Sư nên Hội Nhơn Sanh năm Mậu Dần (1938) ủy nhiệm quyền thống nhứt cho Ðức Hộ Pháp cầm cho tới ngày nào có Ðầu Sư chánh vị.

4. Xem xét công việc đã thi hành và kết quả của nó: Mỗi năm, kỳ Ðại Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh trình bày công việc của mình sắp sửa làm, đang làm hoặc đã làm, và trình bày kết quả của nó giữa Hội và sẽ được Hội Nhơn Sanh thừa nhận hay là không.

 

III. Trách vụ kiểm soát tài chánh

Y như trong khoản phận sự của Hội Nhơn Sanh đã nói sơ lược và chiếu theo Nội Luật Hội Ngánh thường xuyên Hội Nhơn Sanh, thì Hội Nhơn Sanh còn có trách vụ quan sát tài sản, sổ thâu xuất và đề nghị số phỏng định cho năm tới.

Trước ngày Ðại Hội Nhơn Sanh, các cơ quan trong nền Chánh Trị Ðạo dự đoán sổ thâu xuất tài chánh trong năm tới của Cơ quan mình, rồi dâng lên Cửu Viện, nơi đây tổng số các khoản thâu xuất đem ra Hội Nhơn Sanh công nhận.

Quan hệ nhứt về vấn đề tài chánh nầy thuộc Phái Thái (có ba Viện: Hộ, Lương, Công) cho nên trong lúc Ðại Hội Ban Ủy Viên Phái Thái phải chú ý đến điều nầy, đến tại ba Viện trên, nhứt là Hộ Viện xem xét sổ sách, rồi Phúc sự viên lập tờ trình đem ra giữa Ðại Hội, đặng toàn Hội Nhơn Sanh thảo luận lại, hoặc công nhận, hoặc bác bỏ các khoản dự toán chi phí vô ích.

 

CHƯƠNG THỨ HAI:

  • QUYỀN LẬP PHÁP: QUYỀN VẠN LINH

 

MỤC LỤC

 

HỘI THÁNH

Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản chánh không có.


 

HỘI THÁNH

 

Như cái tên của Hội, Nghị viên của Hội nầy gồm các Chức sắc thuộc hàng Thánh Thể của Ðức CHÍ TÔN và phải đương quyền hành chánh.

Hội Thánh dung hòa các ý nguyện quá bồng bột của Nhơn sanh, tánh cách giống như Viện Cộng Hòa (Conseil de la République) theo chánh trị Ðời, trong chế độ Ðại Nghị Pháp.

 

PHẬN SỰ CỦA HỘI THÁNH

  1. Thảo luận lại các vấn đề của Hội Nhơn Sanh dâng lên hoặc của Thượng Hội đưa xuống, đặng lập phương ban hành.

  2. Lo về sự Phổ Ðộ chúng sanh, việc châu cấp cho Chức sắc hành Ðạo tha phương, xem xét lại tài chánh của Ðạo, kiểm thảo lịch trình chánh trị của Ðạo.

  3. Bàn cãi, và công nhận số phỏng định thâu xuất tài chánh năm tới.

  4. Xin hủy bỏ, thêm bớt, sửa cải những luật lệ nào không phù hạp với sự tấn hóa về dân trí của Nhơn sanh.

  5. Quan sát các việc có ảnh hưởng về nền Ðạo.

 

ÐIỀU KIỆN CHỌN NGHỊ VIÊN

  1. Từ hàng Giáo Hữu đổ lên đến Chánh Phối Sư được kể là Nghị viên của Hội Thánh vì đã nhập vào Thánh Thể của Ðức CHÍ TÔN.

  2. Phải dưới sáu mươi (60) tuổi.

  3. Phải đương quyền hành chánh.

 

HỘI THÁNH GỒM NHỮNG AI?

A. CỬU TRÙNG ÐÀI

1. Chức Sắc dự Hội Thánh
 
  • Thái Chánh Phối Sư
Nghị Trưởng
 
  • Nữ Chánh Phối Sư
Phó Nghị Trưởng
 
  • Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu, nam nữ
Nghị Viên
 
  • Một Nghị Viên nam
    Một Nghị Viên nữ
Từ Hàn
 
  • Hai Nghị Viên nam
    Hai Nghị Viên nữ

Phó Từ Hàn
2. Chức Sắc Nội Chánh
 
  • Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư và Chư Ðại Thiên Phong cầm quyền Cửu Viện Nội Chánh đến dự đặng minh triết các điều hạch hỏi của Nghị viên. Chức Sắc Nội Chánh có cả Chức Sắc Nữ Phái cũng đồng quyền như Nam Phái, đều là Nghị viên cả.
3. Dự thính
 
  • Chức Sắc Hàm Phong Nam Nữ đặng quyền dự thính, chỗ ngồi sắp đặt riêng.
   

Số Chức Sắc dự Hội Thánh, nếu kể ra cho đủ số phải có, bên Nam phái:

  • 36 vị Phối Sư

  • 72 vị Giáo Sư

  • 3.000 vị Giáo Hữu

Còn về phần Nữ phái, thì gồm tất cả Chức Sắc Nữ Phái hiển hiện từ hàng Giáo Hữu đổ lên.

 

B. HIỆP THIÊN ÐÀI

Thập Nhị Thời Quân phải có mặt đặng bảo thủ luật pháp không cho Hội phạm đến, cũng đồng quyền như Nghị viên.

 

Trước khi nhóm Ðại Hội

Mỗi năm vào ngày Rằm tháng Sáu, Nghị Trưởng (Thái Chánh Phối Sư) lập xong chương trình Ðại Hội Hội Thánh và gởi cho chư vị Thiên Phong mỗi người một bổn. Rồi đến ngày nhóm, cả thảy tự tiện về Tòa Thánh dự nhóm chớ không có thơ mời.

Khi đến Tòa Thánh, phải đến Lại Viện Nội Chánh ghi Giấy Thông Hành, chừng trở về cũng phải trở lại Nội Chánh trình ghi như khi đến, nếu vô cớ đến trể không được dự nhóm.

 

Ngày giờ nhóm Ðại Hội

Mỗi năm, Ðại Hội Hội Thánh nhóm thường lệ một kỳ vào ngày Rằm tháng Bảy. Chư Nghị Viên phải có mặt tại Tòa Thánh trước 3 ngày và lưu trú lại cho đến ngày bế mạc.

 

Nhóm ngoại lệ

Khi có việc chi thật trọng hệ, cần yếu thì được nhóm ngoại lệ, một năm một kỳ mà thôi, thiệp mời phải gởi trước 15 ngày.

 

Trong khi nhóm Ðại Hội

Chư Nghị Viên phải tuân y theo thể lệ chung các Hội. Buổi nhóm mà vô cớ không đến, bị đệ ra Tòa Tam Giáo.

Tư cách Nghị Viên trong lúc nhóm hội phải nghiêm chỉnh, mặc Thiên phục trang hoàng.

 

Phương pháp biểu quyết

Hội Thánh có đủ hai bên Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài dự nhóm, cho nên sự biểu quyết các vấn đề có khác hơn Hội Nhơn Sanh.

Nếu một vấn đề nào, sau khi bàn cãi rồi mà Cửu Trùng Ðài bỏ thăm thuận, còn Hiệp Thiên Ðài bỏ thăm nghịch, hoặc là Hiệp Thiên Ðài bỏ thăm thuận, mà Cửu Trùng Ðài bỏ thăm nghịch, thì vấn đề ấy phải bàn tính mà bỏ thăm lại.

Nếu hai bên bàn cãi mà vẫn còn phản khắc nhau, thì Nghị Trưởng tuyên bố liền rằng: Vấn đề ấy sẽ dâng lên Thượng Hội định đoạt.

 

Quyền chất vấn

Chư Nghị Viên, muốn xin canh cải, thêm bớt hay hủy bỏ điều chi, luật lệ nào, phải gởi tờ xin phép trước ngày mồng 1 tháng 6 đặng Nghị Trưởng ghi vào chương trình.

Nếu có điều chi chất vấn, hạch hỏi ở giữa Hội, thì phải gởi tờ trước ngày 15 tháng 6 và nói rõ muốn chất vấn về khoản nào, đặng Hội Thánh đủ thì giờ minh triết.

Trong lúc đang nhóm Hội, Nghị Viên được quyền xin hạch hỏi, hoặc công kích Hội Thánh, Nội Chánh có quyền trả lời liền lúc đó. Thảng như gặp việc trọng hệ phải quan sát lại, thì Nghị Trưởng có quyền đình lại đến kỳ nhóm Hội Ngánh thường xuyên, Hội Thánh sẽ đem vấn đề ấy ra minh triết, hoặc gởi Châu Tri trả lời các câu hỏi đó.

 

Nơi nhóm họp

Hội Thánh nhóm Ðại Hội giữa Ðền Thờ Ðức CHÍ TÔN.

 

Trật tự

Cơ Bảo Thể, Tuần Phòng lãnh giữ trật tự trong lúc nhóm Ðại Hội.

Một vị Giáo Hữu phái Ngọc chỉ huy công việc nầy, mặc Thiên phục, mang dây Sắc lịnh ba màu Ðạo của Hiệp Thiên Ðài ban cho, sau khi mãn Hội, phải trả lại cho Hiệp Thiên Ðài.

 

Sau khi Ðại Hội Hội Thánh bế mạc

Hai mươi (20) ngày sau khi bế mạc Ðại Hội, Từ Hàn phải lập cho xong 5 bổn vi bằng, lưu chiếu 1 bổn, đệ lên Thượng Hội 3 bổn, gởi cho Hiệp Thiên Ðài 1 bổn. Khi Thượng Hội giao trả 3 bổn trở lại, Hội Thánh lưu chiếu 1 bổn, còn lại 2 bổn gởi cho Ngọc Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư ban hành.

Vi bằng nầy có Nghị Trưởng (Thái Chánh Phối Sư), Phó Nghị Trưởng (Nữ Chánh Phối Sư), Từ Hàn Nam, Nữ và một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên.

 

Phiên nhóm riêng Nam, Nữ

Cũng như Hội Nhơn Sanh, trước khi nhóm Ðại Hội Hội Thánh, Thái Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư có quyền mời nhóm riêng chư Nghị Viên, nam theo nam, nữ theo nữ.

Từ Hàn nam, nữ của Ðại Hội cũng thi hành phận sự mình ở Hội nhóm nầy và cùng với vị chủ tọa ký tên bảng vi bằng. Xong rồi, vi bằng của Hội nhóm nam phái gởi cho Hội nhóm nữ phái và trái lại, đặng hai bên hiểu rõ công việc của mỗi phái đã bàn tính.

 

HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN CỦA HỘI THÁNH

Hội Ngánh thường xuyên của Hội Thánh lập tại Tòa Thánh đặng thảo luận các việc bất thường xảy ra, trọng yếu nhứt là kiểm soát hành vi của vị Chánh Phối Sư hay Chức Sắc nào được quyền giao thông với Chánh Phủ. Kế đó là phận sự kiểm soát tài chánh của Ðạo, cho nên trong Hội Ngánh thường xuyên Hội Thánh có một Ban Kiểm Soát Tài Chánh, thi hành phận sự như Ban Kiểm Soát Tài Chánh của Hội Nhơn Sanh vậy.

 

Ngày giờ làm việc

Hội Ngánh nhóm một năm 3 kỳ (4 tháng một kỳ).

  • Kỳ thứ nhứt ngày 13 tháng 2.

  • Kỳ thứ nhì ngày 13 tháng 6.

  • Kỳ thứ ba ngày 13 tháng 10.

Chư Nghị Viên phải có mặt trước một ngày.

Bốn vị Kiểm Soát Tài Chánh phải tới trước 3 ngày cho tiện việc xét Sổ Hộ Viện.

Trong 3 kỳ Hội nầy, chư vị Thượng Thống có quyền vắng mặt và phái các vị Phụ Thống thay thế.

 

Sau khi Hội Ngánh thường xuyên nhóm

Chư vị Nghị Trưởng, Phó Nghị Trưởng, Từ Hàn, Phó Từ Hàn nam, nữ của Ðại Hội Hội Thánh vẫn giữ y phận sự cũ ở Hội Ngánh thường xuyên và 10 ngày sau mỗi kỳ nhóm, ký tên vào vi bằng, có một vị Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài ký chứng.

 

Nhiệm kỳ của Nghị Viên Hội Ngánh thường xuyên Hội Thánh:

Các Tỉnh Nam Việt chia làm 9 địa phận như sau đây:

  1. Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An.

  2. Gia Ðịnh, Tây Ninh.

  3. Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.

  4. Mỹ Tho, Gò Công.

  5. Bến Tre, Trà Vinh.

  6. Sa Ðéc, Vĩnh Long.

  7. Châu Ðốc, Hà Tiên, Long Xuyên.

  8. Cần Thơ, Rạch Giá.

  9. Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Sau nầy có thay đổi ra làm 5 Trấn Ðạo gồm có 20 Châu Ðạo:

  • Gia Ðịnh.

  • Biên Hòa.

  • Ðịnh Tường.

  • Long Hồ.

  • An Giang.

Mỗi Trấn (*1) cử 2 Nghị Viên, 1 Chánh,1 Phó, nhiệm kỳ 1 năm.

Các nước lân bang được cử từ 1 đến 3 Nghị Viên, nhiệm kỳ từ 1 năm đến 3 năm, nam nữ đồng số.

Ngụ sở Chư Nghị Viên cư ngụ tại Nhà Khách.

 

(*1) Nguyên bản chánh in là: Mỗi Quận cử 2 Nghị Viên, 1 Chánh,1 Phó, nhiệm kỳ 1 năm.

 

CHƯƠNG THỨ HAI:

  • QUYỀN LẬP PHÁP: QUYỀN VẠN LINH

 

MỤC LỤC

 

THƯỢNG HỘI

Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản chánh không có.


 

THƯỢNG HỘI

 

Thượng Hội là Hội tối cao trong ba Hội lập quyền Vạn Linh, cho nên Hội Viên là chư vị Ðại Thiên Phong cầm quyền Ðạo trong nhị Hữu Hình Ðài.

Hội nầy gồm có:

  1. Giáo Tông
Nghị Trưởng.
  1. Hộ Pháp
Phó Nghị Trưởng.
  1. Thượng Phẩm
Nghị Viên
  1. Thượng Sanh
Nghị Viên
  1. 3 vị Chưởng Pháp
Nghị Viên
  1. 3 vị Ðầu Sư Nam phái
Nghị Viên
  1. Ðầu Sư Nữ phái
Nghị Viên
  1. Một vị Giáo Sư hay Phối Sư
    (Không có quyền bàn cãi và bỏ thăm )
Từ Hàn.

Trừ ra mấy vị trên đây, không có một ai có quyền dự thính Thượng Hội.

 

Từ Hàn Thượng Hội

Vị Từ Hàn của Thượng Hội chọn trong hàng Chức Sắc Thiên Phong Cửu Trùng Ðài từ Giáo Sư đổ lên. Từ Hàn có nhiệm kỳ 4 năm. Khi mãn hạn có quyền tái cử, nếu đủ đạo đức, đủ siêng năng và làm tròn trách nhiệm.

Phận sự của Từ Hàn là lo giữ gìn giấy tờ, sổ sách của Thượng Hội. Mỗi kỳ nhóm Từ Hàn phải tùng Giáo Tông mà lập chương trình và viết thư mời chư Hội viên. Khi nhóm họp, Từ Hàn chỉ có quyền dự thính, biên chép các lời bàn cãi đặng lập vi bằng mà thôi, ngoài ra có quyền nói là khi cần nhắc khoản gì trong chương trình có ghi trước mà chư Nghị Viên bỏ quên không thảo luận tới.

 

Ngày giờ làm việc của Thượng Hội

Mỗi năm sau ngày Lễ Noel thì Thượng Hội nhóm lệ thường niên trong hạn kỳ là 15 ngày.

Ngoài phiên nhóm lệ nầy, Thượng Hội còn nhóm 3 tháng một lần.

Còn khi có việc gấp rút, Nghị Trưởng (tức Giáo Tông) gởi tờ mời nhóm liền, hay là viết thơ hỏi ý kiến chư Nghị Viên cũng được.

 

Phận sự của Thượng Hội.

Thượng Hội xem xét và phê chuẩn:

1. Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh bàn luận về việc Ðạo.

2. Các điều ước nguyện của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh, những điều nào hoặc của Hội Nhơn Sanh mà Hội Thánh đánh đổ, hoặc của Hội Thánh mà Hội Nhơn Sanh đánh đổ, thì không được phép đệ lên Thượng Hội, trừ khi nào có đơn của hai ông Nghị Trưởng kêu nài.

3.Thương Hội bàn luận và định đoạt các việc cần gấp hoặc yếu trọng phải ban hành trong Ðạo.

 

Trước khi nhóm Thượng Hội

Chư vị Ðầu Sư Nam phái và Ðầu Sư Nữ phái cầm quyền cai trị về phần Ðạo và phần Ðời của con cái Ðức CHÍ TÔN, thì phải lập tờ phúc về những điều bàn tính của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh đệ lên Giáo Tông xem xét rồi đem ra Thượng Hội thảo luận. Tờ phúc phải nạp 15 ngày trước bữa Thượng Hội.

Cả giấy tờ đem ra Thượng Hội phải có đủ cả Nghị viên xem xét trước 7 ngày.

 

Khai Hội và bãi Hội.

Bữa Lễ khai mạc Thượng Hội thì 3 vị Chánh Phối Sư Nam phái đến rước GIÁO TÔNG và HỘ PHÁP, còn Chánh Phối Sư Nữ phái đến rước Nữ ÐẦU SƯ.

Cả Chức sắc Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài nam, nữ hiện diện tại Tòa Thánh mà không có phận sự cần yếu, mặc Thiên Phục đến trước Ðền Thờ hầu rước.

Khi Giáo Tông và Hộ Pháp đến thì Lễ Viện cho lịnh đánh 6 hồi trống và chuông, dứt hồi trống chuông thì chư Nghị Viên vào Ðại Ðiện bái lễ Ðức CHÍ TÔN. Nhạc trổi bản "Tấu Quân Thiên" dứt bản nhạc cả thảy an vị và khai Hội.

Bốn vị Chánh Phối Sư tạm xuất ngoại chờ có lịnh mời mới đến. Cả Chức Sắc khác vào Thiên Phong Ðường chỉ chờ bãi Hội mới đến hầu lễ đưa.

Hội nhóm trong Ðền Thờ, trên Ðiện thì mỗi hương đăng 6 vị Lễ Sanh thuộc 3 Phái đứng hầu tại Bát Quái Ðài, 2 vị Nữ Lễ Sanh hầu bên hữu ban, 2 vị Lễ Sanh Phái Ngọc hầu tả ban, mỗi giờ phải thay đổi.

Lúc bãi Hội, chư vị Ðại Thiên Phong ra về, Lễ Viện cũng cho đánh 6 hồi chuông trống, 4 Chánh Phối Sư đưa chư vị Ðại Thiên Phong mỗi người về đến tư dinh của mình.

 

Trật Tự

Một vị Giáo Sư Phái Ngọc mặc Thiên Phục mang Sắc Lịnh của Hiệp Thiên Ðài, Cai Quản Cơ Bảo Thể giữ gìn trật tự bên ngoài, khi Hội bế mạc phải đem dây Sắc Lịnh trả cho Hiệp Thiên Ðài.

Khi nhóm Thượng Hội thường xuyên thì nhóm tại Giáo Tông Ðường, (Cơ Bảo Thể cũng giữ trật tự) song mặc y phục thường, vị Giáo Sư Cai Quản cũng vậy, Lễ Viện khỏi cho đổ chuông trống và đánh nhạc.

 

Phương pháp bàn cải

Trong mỗi việc đem ra bàn luận, mỗi Hội Viên được xin nói 3 lần, mỗi lần 5 phút, hay là một lần 15 phút đồng hồ. Phải chờ Hội Viên khác dứt lời, mới được đứng lên nói, không được chận lời của một Hội Viên nào.

 

Biểu Quyết

Khi đã bàn cãi xong rồi, Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới tỏ bày sau rốt, rồi Nghị Trưởng (Giáo Tông) định cho bỏ thăm, vẫn lấy đa số thăm làm quy tắc.

Quyền của Giáo Tông và của Hộ Pháp hiệp lại là quyền CHÍ TÔN tại thế, cho nên 2 vị Ðại Thiên Phong nầy không có bỏ thăm.

Nếu cả 3 Hội phản khắc nhau, thì quyền Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại chỉ định thế nào thì Chánh Trị Ðạo phải đi theo thế ấy.

Thảng Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau thì cả thảy ý kiến chánh trị và nguyện ước của chúng sanh đều hủy bỏ. Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội phải nhóm lại để thảo luận lần thứ hai nữa.

Trước giờ bế mạc Thượng Hội 15 phút, Giáo Tông và Hộ Pháp cùng vào Ðại Ðiện mật nghị, rồi trở ra cho Thượng Hội rõ biết quyết nghị chung của mình.

Quyền Vạn Linh trong nền Chánh Trị Ðạo là một quyền rất nên trọng hệ, và phải đủ 3 Hội làm cơ quan thì lập quyền Vạn Linh mới đúng qui tắc.

Nói đến Vạn Linh tức nhiên nói chung cả Bát Hồn, Thần, Thánh, Tiên, Phật thì đã có Hội Thánh và Thượng Hội tức là Thánh Thể của Ðức CHÍ TÔN làm tượng trưng rồi, còn chúng sinh tức là vật chất, thảo mộc, thú cầm, nhân loại thì có Nhơn sanh là phẩm tối linh, là thượng đẳng chúng sanh thay thế bằng hình tướng của Hội Nhơn Sanh. Vậy thì Nhơn sanh không, không đủ kể là Vạn Linh, mà toàn Thánh Thể của Ðức CHÍ TÔN cũng chưa phải là Vạn Linh được.

Ấy vậy, ba Hội phải kế tiếp nhau và phải tổng hợp đủ ba Hội mới có tánh cách đại diện cho Vạn Linh.

Về sự phân quyền (Séparation des pouvoirs), xem từ đầu tới cuối cách tổ chức của ba Hội, ta nhận thấy trong nền Chánh Trị Ðạo, sự phân quyền chỉ tương đối (Séparation relative) mà thôi, chớ không phải phân quyền tuyệt đối (Séparation absolue). Chư Chức sắc dự hội, vừa là nhơn viên của Hội Thánh, vừa là Nghị viên của các Hội, theo ta tưởng thế nào cũng có điều tư vị, song Hiệp Thiên Ðài luôn luôn kề cận để quan sát hành tàng, thành thử lúc nào cũng giữ vững nét công bình, và có công bình thì quyền hành mới đủ điều kiện tồn tại và mới có năng lực mãnh liệt đặng điều khiển bộ máy Chánh Trị Ðạo quá bao quát.

 

CHƯƠNG THỨ HAI:

 

MỤC LỤC

 

HIẾN PHÁP CỦA ÐẠO
(Pháp Chánh Truyền)

Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản chánh không có.


 

HIẾN PHÁP CỦA ÐẠO
(Pháp Chánh Truyền)

 

Trước hãy định nghĩa Hiến Pháp là gì?

Theo nghĩa thông thường. Hiến Pháp là một bản văn kiện ghi chép những luật lệ căn bản qui định sự tổ chức quyền chánh trị trong một nước và bảo vệ các công quyền của toàn thể công dân.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN của Ðạo là một bản văn kiện do huyền diệu cơ bút của Ðức CHÍ TÔN truyền dạy, qui định sự tổ chức của nền Ðại Ðạo, sắc phục của chư Thiên Phong đẳng cấp, quyền hạn của chư Chức sắc cầm quyền chánh trị, hầu giữ vững chơn truyền của nền chánh giáo, không cho có sự xâm phạm, giữ gìn cho cơ Ðạo khỏi qui phàm.

HIẾN PHÁP CÓ HAI LOẠI:

a) Bất thành văn Hiến Pháp:

Ngày trước không có Hiến Pháp, chỉ có các điều lệ do phong tục, tập quán, vì thời gian mà biến thành. Bởi nguyên căn của nguồn gốc do sự biến thiên của tập tục và không văn kiện làm bằng chứng cho nên thường bị xâm phạm. Vì thế về sau, muốn cho nó được tôn trọng, cần phải biên chép thành Hiến Chương gọi là Hiến Pháp.

b) Thành văn Hiến Pháp:

Là thứ Hiến Pháp lấy từ chương làm căn bản, được thông dụng trong các nước, vì nó ấn định một cách minh bạch quyền hạn của chánh phủ, công nhận và bảo đảm các quyền tự do chánh trị cùng tự do dân sự của nhân dân.

Hiến Pháp thành văn lập thành do nhiều cách:

  1. Do Vua ban.

  2. Do sự cam kết giữa Vua và dân.

  3. Do Quốc Hội Lập Hiến làm ra.

Pháp Chánh Truyền thuộc về loại Hiến Pháp thành văn và lập thành theo cách thứ nhứt, song có điều khác nhau với Ðời là Hiến Pháp do Vua ban hành, còn Pháp Chánh Truyền do Ðấng CHÍ TÔN dụng quyền năng Thiêng Liêng của huyền diệu cơ bút mà truyền thế.

 

SO SÁNH CÁC TÁNH CHẤT CỦA HIẾN PHÁP VÀ PHÁP CHÁNH TRUYỀN

a) Hiến Pháp khác với pháp luật thường:

Thường trong một nước, sau khi lập quốc, lập tức Chánh Phủ triệu tập một Quốc Hội Lập Hiến, để lập Hiến Pháp, do theo dân nguyện. Xong rồi, Quốc Hội Lập Hiến giải tán, để triệu tập Quốc Hội Lập Pháp, chỉ có quyền hạn lập thành các pháp luật thường để thi hành Hiến Pháp mà thôi.

Trong nền Ðạo, có ba Nghị Hội hiệp lại làm cơ quan cho quyền Vạn Linh, ba Hội ấy, quyền hạn tương đồng như Nghị Hội Lập Pháp, chỉ lập Pháp Luật thường do nguyện ước của Nhơn sanh, đặng thi hành chơn truyền chánh giáo là Pháp Chánh Truyền.

b. Cang tánh Hiến Pháp và nhu tánh Hiến Pháp:

Khi Nghị Hội Lập Pháp không có quyền sửa đổi Hiến Pháp thì Hiến Pháp ấy gọi là cang tánh Hiến Pháp (Constitution rigide). Trái lại, khi Nghị Hội Lập Pháp sửa đổi Hiến Pháp đặng, như các pháp luật thường thì Hiến Pháp ấy gọi là nhu tánh Hiến Pháp (Constitution souple).

Pháp Chánh Truyền thuộc về loại cang tánh Hiến Pháp, bởi nó bất di, bất dịch, bất khả xâm phạm và ba Hội lập quyền Vạn Linh không có quyền sửa cải.

c. Hiến Pháp đại yếu và Hiến Pháp chi tiết:

Những bản Hiến Pháp nào nói tỉ mỉ về sự tổ chức các cơ quan, các ty, các sở, như Hành Chánh, Tư Pháp, v.v... gọi là Hiến Pháp chi tiết. Thứ Hiến Pháp nầy rất bất tiện, vì phải sửa đổi luôn, mà sửa đổi Hiến Pháp là một điều phiền phức.

Còn Hiến Pháp đại yếu, chỉ nói những điều thật bao quát. Các điều lệ chi tiết để cho Nghị Hội Lập Pháp tùy nghi ấn định cho hợp thời.

Pháp Chánh Truyền thuộc loại Hiến Pháp đại yếu.

Xem tiếp: CHƯƠNG THỨ BA

[Hình Bìa]

 
 

Top of Page

     HOME