UNICODE FONTs*

 

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
TÒA THÁNH TÂY NINH

 

ĂN CHAY

 

Người soạn THUẦN ÐỨC

 

Có Bàn Kiểm Dượt cửa Ðạo xem xét trước khi ấn hành

 

Hội Thánh Giữ Bản Quyền

 

 
 

 

MỤC LỤC

 

  1. Ăn chay
  2. Ăn chay đối với thân thể
  3. Ăn chay đối với cơ bịnh
  4. Ăn chay đối với khoa học
  5. Ăn chay đối với luân lý
  6. Rượu
  7. Ăn chay đối với Tôn giáo
  8. Cách thức ăn chay
  9. Trai kỳ

 
 

MỤC LỤC

 

LỜI DẪN

 

Ăn chay! Nghe hai tiếng "Ăn chay", chắc sao cũng có người trề môi, nhăn mặt mà rằng: "Ðến thế kỷ hai mươi nầy mà bạo gan xướng ra cái thuyết "Ăn chay", thì còn chi dại bằng? Ðã đến thời đợi văn minh lại còn muốn kéo ngược người lại thời kỳ ăn cây, ở lỗ, thì có bổ ích vào đâu?"

Ðó là dư luận thường tình đối với lý thuyết nào, bất câu sang hay hèn, mà trái hẳn với thế gian tục sự.

Bất luận thời đợi nào, hễ việc chi hạp với vệ sanh, thuận theo luân lý cùng lẽ tự nhiên, thì nên đem ra bàn giải. Cổ nhân ăn cây, ở lỗ mà vẫn được mạnh khoẻ, sống lâu, ta nên nghiên cứu coi điều hạnh phúc ấy bởi đâu mà ra? Có phải phần nhiều là nhờ nơi ăn uống chăng? Mà ăn những vật chi? Ăn cây trái, rau củ, tức là ăn chay vậy. Vả lại ăn chay, ăn mặn là do theo thói quen vậy thôi. Ai thuở nay quen ăn mặn, thì khó mà ăn chay; song hễ quyết chí tập lần, cũng có ngày được vậy. Ban đầu thử tập hai ngày, rồi lên lần sáu ngày, mười ngày, vân vân. Tập mãi như vậy thì ăn được trường trai. Trường trai rồi nghe trong mình nhẹ nhàng khoan khoái lắm, thấy mặn không biết thèm. Ðó là sự thật, ai có làm rồi đều biết.

Ở nước Nam ta, nhiều người tuy chẳng tu hành chi, song lòng hay tín ngưỡng Phật Trời, nên hai ngày sóc vọng thường giữ ăn chay.

Còn nói chi đến người mộ đạo tu hành, thì tưởng lại ai ai cũng giữ ăn chay một tháng ít nữa là sáu ngày.

Trong quyển sách nhỏ nầy, tôi giải sơ về điều cần ích của việc ăn chay đối với thân thể, đối với luân lý và đối với tôn giáo.

Chẳng những là đợi tu mới cần ăn chay, tưởng lại ai mà xét suy tột lý rồi, dầu không tu cũng nên tìm chay lánh mặn.

Từ khi Ðạo Trời rộng mỡ lần ba, tức là "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ", nhiều người trong đạo lưu tâm về lối ăn chay, nên phát minh ra nhiều món chay rất ngon miệng, ăn không biết chán, thế thì có kém chi đồ mặn?

Ước ao sao trong Ðạo có người xướng lên, dọn một quyển sách "Nấu ăn chay" cho ai chưa thạo coi theo mà dùng, tưởng cũng là một điều công đức chẳng nhỏ vậy.

TÁC GIẢ

 
 

MỤC LỤC

 

I. ĂN CHAY

 

Nhiều người cứ tưởng rằng muốn có đủ sức mạnh để làm việc lao động, phải cần ăn thịt cá cho bổ dưỡng. Tưởng vậy rất sai vì nhiều nhà tu bên miền Ðại Sa Mạc (Région saharienne) chẳng bao giờ dùng đến thịt cá mà cũng làm nổi lắm việc nặng nề, như đào mương đốn cây vân vân; không những mạnh khỏe như mọi người mà lại còn sống lâu hơn nữa. Người Nhựt cũng cho thịt là một vật thực ít nên thường dùng. Các bực trứ danh bên Pháp quốc kể sau nầy đều dùng toàn vật thực thảo mộc (*1): Voltaire, Diderot, Jean Jacques Rousseau, Pascal.

Bên Bỉ quốc, Pháp quốc, và Anh quốc, hiện thời đều có lập "Hội Thảo mộc thực", được nhiều nhà bác học trứ danh dự vào.

Ông Flourens, ông Daubenton, ông Cuvier, ông Buffon đồng nhận rằng cơ thể loài người không hạp với nhục thực. Các ngài cho rằng con người lẽ phải dùng vật thực toàn là cỏ, rau cây trái mới thuận theo lẽ tự nhiên.

Tôi xin phiên dịch ra đây bài luận về lý thuyết của quan lương y G. Durville.

NGƯỜI TA KHÔNG PHẢI SANH RA ÐỂ MÀ ĂN THỊT

"Người ta ngày nay hạp dùng nhục thực là nhờ buổi trước phải lắm công trình dài dặc mới lập thành thói quen ấy; thế mà đã phải chịu lắm nỗi gay go đau đớn mới được vậy.

Thuở ban sơ, người ta không phải là loài ăn thịt; cơ thể và tạng phủ con người đều chứng rõ lẽ ấy và làm cho ta nhận biết rằng vật thực mà phù hạp với tỳ vị ta chính là cỏ rau cây trái vậy.

A. Răng của con người không phải răng để mà ăn thịt:

Ðảng thuộc phái thực nhục nói rằng con người cần phải ăn thịt vì người ta có thứ "răng chó", mà loài chó lại là loài ăn thịt.

Nói như vậy rất sai; là vì răng của loài chó cùng là các loài thực nhục thì dài; tức là để mà xé thịt; còn răng của chúng ta mà thường gọi là "răng chó" đó (canines) lại cụt, giống như răng khỉ, mà loài khỉ thì ăn trái cây.

B. Bao tử và ruột của loài người không phải dùng để ăn thịt:

Răng cấm các loài thực nhục đều nhọn nên nhai thịt không được nát, song lại nhờ bao tử dày mạnh vận động giúp vào cho nhục thực dễ bề tiêu tán. Bao tử của ta lại mỏng yếu, bởi không cần phải nặng công làm cho vật thực tiêu tán, là vì răng cấm của ta dày dẹp đủ sức nhai cho vật thực nát nhỏ rồi mới nuốt, mà răng cấm của ta lại giống như răng cấm của các loài vật ăn cây trái.

Ruột của loài thực nhục thì cụt, còn thịt thì mau tiêu. Ruột của ta lại dài hơn có mấy thước; ấy đủ chứng tỏ rằng ruột ta rất cần ích cho thực vật nào lâu tiêu (*2); mà nhà sanh lý học đều biết rằng thảo mộc thì lâu tiêu hơn thịt.

C. Phần nhục thực nào thừa ra không cần ích cho châu thân, thì cơ thể của loài ăn thịt lại có thể đổi thành chất diêm cường (ammoniaque) mà theo đường tiểu tiện. Cơ thể con người lại không được vậy. Thế thì Tạo Vật sanh người ra là không chủ ý định cho loài người ăn những vật thực nào mà chứa nhiều chất thịt".

 

(*1) Thảo mộc đây xin hiểu là chỉ chung hết cả loại tự nơi đất mọc lên như: Cây, trái, khoai, củ, rau, đậu, vân vân…
(*2) Xin chớ lầm tưởng rằng vật thực tiêu hóa nơi bao tử là cùng. Nó còn phải xuống đến ruột mới trọn phần tiêu tán.

 
 

MỤC LỤC

 

II. ĂN CHAY ÐỐI VỚI THÂN THỂ

 

Thường thường chúng ta hay có nhiều bịnh hoạn là tại nơi không biết giữ vệ sanh về ẩm thực; cứ gọi ăn hải vị sơn trân là bổ, cho rằng uống sâm banh cỏ nhác là sang; nay tiểu yến, mai đại diên; thậm chí hễ có mời nhau thì chỉ mời ăn uống, vì vậy mà hay sanh bịnh hoạn, làm cho chỗ gọi là phòng ăn phải hóa ra phòng bịnh.

Muốn ít hay bịnh hoạn ta cần phải ăn uống cho có độ lượng, và dùng ròng những vật thực nào có đủ chất bổ dưỡng và dễ bề tiêu hóa. Khoa hóa học cho rằng chất bổ dưỡng nhơn thân là chỉ ở nơi thảo mộc, mà thảo mộc có chất bổ ấy là nhờ hấp thụ khí dương của mặt trời.

Phần nhiều thú cầm ăn thảo mộc (*1) mà bổ dưỡng châu thân; ấy là cách bổ dưỡng trực tiếp (direct). Ta lại ăn thịt thú vật đó tức là tiếp lấy chất bổ thảo mộc mà đã chứa sẵn vào thịt thú vật đó vậy. Ấy là cách bổ dưỡng gián tiếp (indirect).

Ấy vậy trong hai cách bổ dưỡng, một là trực tiếp, nghĩa là dùng ngay thảo mộc làm vật thực, hai là gián tiếp, nghĩa là dùng nhục thực mà lấy chất bổ thảo mộc, thì cách nào phải hơn?

Nhiều người gọi mình ăn mặn mà kỳ trung mỗi ngày lại ăn chay nhiều hơn đồ mặn. Chẳng cần chi kể đến trái cây ăn thường ngày, ta thử xem trong mỗi buổi ăn, tuy gọi là đồ mặn, chớ thật là hết hai phần chay. Một tô canh chỉ phải hết hai ba phần đồ hàng bông mới có một phần thịt cá. Một dĩa đồ xào chỉ phải hết hai phần rau đậu mới có một phần tôm thịt. Vật mình ăn nhiều hơn hết là cơm, mà cơm tức thị là đồ chay. Té ra mỗi ngày mình ăn chay nhiều hơn ăn mặn mà mình không để ý vậy.

Kẻ lại nói rằng: "Trời sanh ra hễ vật thì dưỡng nhơn; nếu không ăn heo, bò, gà, vịt, cá tôm vân vân, thì thú vật ấy để mà làm chi?"

Xin đáp: Tạo Hóa vẫn là Ðấng Chí Công sanh ra muôn loại là để cho chúng nó sanh sanh, hóa hóa, nòi giống nào theo nòi giống nấy, theo lẽ tự nhiên. Trên trời thì có loại phi cầm, dưới đất thì có loài tẩu thú; dưới sông thì có loài thủy tộc cùng đua với nhơn loại mà làm sanh linh trong thế giái. Nếu hỏi Trời sanh ra thú vật làm chi? Sao lại không hỏi luôn như vầy: "Trời sanh nhơn loại ra để làm gì?" Có phải sanh để mà tiêu diệt cùng cướp quyền tự do của loài cầm thú khác chăng?

Con người may linh hơn vạn vật, rồi lợi dụng trí khôn của mình để ăn thịt loài nầy, áp chế loài kia. Ấy có phải là trái hẳn với lẽ công bình và đức háo sanh của Tạo Hóa hay chăng?

NHỤC THỰC CHẲNG NHỮNG LÀ KHÔNG BỔ DƯỠNG BẰNG THẢO MỘC, MÀ CÓ KHI CÒN LÀM HẠI CHO THÂN THỂ LÀ KHÁC.

Cớ thứ nhứt đã giải rồi, xin chỉ qua cớ sau. Nhục thực thuộc về chất nặng nề, tuy ăn mau tiêu mà tiêu không trọn, làm cho phải thương tỳ, phạt vị; phần nào không tiêu tán lại phải thúi hôi mà gây bịnh cho tạng phủ. Ai cũng biết rằng thịt ăn nhét vào kẻ răng trong giây phút thì thúi hôi lắm. Vì vậy nên loài vật nào ăn thịt thì lưỡi răng dơ dáy, hơi thở thúi hôi khó chịu.

Vả lại, cái hại của nhục thực là không phải ở nơi cấp kỳ, cho nên ít ai quan tâm đến. Tì vị ai còn mạnh mẽ thì không đến nỗi gì; đến khi suy kém rồi, tức phải vì đó mà sanh bịnh hoạn.

Ăn thịt có cái hại nầy nữa là nhiều khi ta ăn nhầm thịt thú vật bịnh hoạn mà ta không biết được, chớ như đồ chay, thì ta không khi nào chịu ăn vật chi thúi hôi, khô héo bao giờ.

 

(*1) Loại nào ăn thịt thì bổ dưỡng theo cách gián tiếp, thì thịt nó còn phải thua thịt của loài vật ăn thảo mộc. Thế thì ăn thịt nó có ra chi?

 
 

MỤC LỤC

 

III. ĂN CHAY ÐỐI VỚI CƠ BỊNH

 

Nhiều người mang bịnh hiểm nghèo, y khoa đã hết phương điều trị, lại nhờ ăn chay mà thuyên giảm. Ai đau mấy bịnh sau nầy, nếu ăn chay thì đỡ lắm, dầu không dứt tuyệt cũng giảm đặng nhiều: bịnh đường (diabète), bịnh bón, ho lao, ung độc, nhức gân cốt.

Tôi không phải chuyên về y khoa mà giải kỹ vấn đề nầy, song cứ theo lời của nhiều người bịnh mà đã thí nghiệm đồ chay rồi, tưởng cũng là một điều rất hữu lý vậy.

Quan lương y Hồng Mao Haig và các quan lương y Pháp quốc như Hureau de Villeneuve, Bonnejoy, Dujardin Beaumtez, Plateau đều công nhận rằng các ngài chỉ nhờ vật thực thảo mộc mà lành bịnh.

Thường thấy các nơi dưỡng đường quan lương y lại cấm không cho bịnh nhơn ăn thịt. Lương dược phần nhiều lại thuộc chất thảo mộc, thế thì thảo mộc (đồ chay) có phải là bổ dưỡng cho bịnh nhơn chăng?

Vậy ai rủi có vương lấy bịnh chi mà uống thuốc không lành, xin thí nghiệm đến đồ chay thì sẽ thấy công hiệu.

 
 

MỤC LỤC

 

IV. ĂN CHAY ÐỐI VỚI KHOA HỌC

 

Thú cầm đói biết kiếm ăn, khát biết kiếm uống, ấy là vật dục tự nhiên (instinct) của chúng nó. Con người linh hơn cầm thú, không những vì đói mà ăn, vì khát mà uống, lại còn vì ngon miệng mà ăn, thì biết chọn vật thực ngon béo, ngọt bùi. Vì vậy mới gọi món nầy là cao lương, vật kia là mỹ vị, nay cỗ bàn, mai yến tiệc.

Song nếu vì cao lương, mỹ vị mà không biết biệt phân vật nào bổ dưỡng, vật nào độc hại, thì nguy hiểm cho cơ thể chẳng biết chừng nào. Vậy mới đặt ra có vệ sinh ẩm thực phù hợp theo sanh lý học (physiologie) và hóa học (chimie) để bảo tồn sự sanh hoạt của nhơn thân.

Cơ thể con người tỉ như một cái máy hoạt động không ngừng. Sự động tác ấy làm cho cơ thể phải hao mòn thì một phần sanh vật trong châu thân tất phải tiêu tụy. Phải nhờ vật chi để bổ vào sanh vật tiêu tụy ấy? Phải nhờ vật thực.

Chẳng những vậy thôi, mà cơ thể con người cũng tỉ như một cái món động cơ (moteur) để làm ra sức lực nữa (énergie). Muốn cho động cơ ấy chạy, cần phải có than củi (*) chụm vào. Vật thực tức là than củi để chụm vào cho cơ thể vậy. Tóm lại, vật thực có hai phần lợi cho cơ thể:

  1. Một phần để thế vào cho sanh vật nào trong cơ thể mà phải hao mòn, tiêu tụy.

  2. Một phần để giúp vào cho có sức lực.

Khoa hóa học đã chứng minh rằng thực vật giúp phần sức lực là những vật nào chứa đặng nhiều thủy thán chất (hydrate de carbone), mà vật thực có thủy thán chất toàn là thực vật thuộc về thảo mộc. (*1)

Ðó là một bằng cớ chứng chắc rằng nhà lao động cần phải ăn vật thực thuộc thảo mộc (đồ chay) mới có đủ sức lực để làm lụng nặng nề.

Một nhà kỹ nghệ Huê Kỳ muốn nghiên cứu coi trong phe ăn chay và phe ăn mặn, phe nào làm lụng giỏi hơn, bèn chia cả dân thợ mình ra làm ba đảng: một đảng cho ăn ròng đồ chay, một đảng cho dùng cá thịt, một đảng lại ăn nửa chay, nửa mặn.

Không bao lâu thì thấy rõ là đảng ăn chay làm lụng trổi hơn hai đảng kia. Ðoạn ông mới đổi cho đảng ăn cá thịt trở lại ăn chay, thì đảng ấy làm lụng lấn hơn hồi ăn mặn; khảo cứu đến đảng ăn nửa chay nửa mặn thì kết quả cũng đồng một thế.

Năm 1898, gần thành Berlin (kinh đô Ðức quốc) quan Binh Bộ Thượng Thơ xứ ấy có tổ chức ra một cuộc chạy đua, có 23 người dự vào, mà trong số ấy có tám người ăn chay, mà tám người nầy lại toàn thắng trong cuộc chạy đua ấy.

Cũng còn nhiều chứng tích khác nữa, song kể ra choán chỗ, xin hãy đọc quyển sách "La philosophie de l'Alimentation" của quan lương y Jules Grand và quyển "Faut-il être Végétarien" của quan lương y Henri Collière thì rõ rành hơn.

 

(*1) Trong vật thực thuộc về thú chất (matière animale) thì chỉ có trứng gà, trứng vịt là có thủy thán chất mà thôi.
(*) Sách được viết vào năm 1928, thời bấy giờ động cơ còn chạy bằng than đá.

 
 

MỤC LỤC

 

V. ĂN CHAY ÐỐI VỚI LUÂN LÝ

 

Bất câu nước nào, dân tộc nào, ai ai cũng biết rằng rượu thịt là hai vật hằng đi cặp nhau. Nhiều kẻ ghiền rượu là tại nơi ưa thịt mà ra. Họ thường nói rằng thịt béo mà chẳng rượu ngon ăn không thú. Than ôi! Hai vật độc ấy mà đi cặp với nhau thì còn chi hại bằng? Rượu thịt không những làm cho con người bịnh hoạn, mà lại làm cho tánh tình trở nên nóng nảy, dữ dằn mà lọt vào đường tội lỗi.

Muốn cho tánh tình thuần hậu, ta phải ăn chay, vì thảo mộc có chất ôn hòa. Thử xem một con thú ăn cỏ với một con thú ăn thịt thì đủ biết rằng thú ăn cỏ thuờng là hiền hơn thú ăn thịt.

Vả lại ăn chay là phương nhắc mình giữ việc nhơn lành. Ngày nào ăn chay tức là ngày đó mình biết dập lửa lòng, biết tránh điều tội lỗi. Miệng mình ăn chay, lòng mình tưởng chay (*1), mà hễ lòng chay thì kềm chế được thất tình, lục dục. Một tháng ăn đặng sáu ngày chay là giữ đặng sáu ngày lành, mười ngày chay là giữ đặng mười ngày lành, mà hễ giữ đặng trường trai, thì còn chi quí bằng? Kẻ ăn chay là biết hồi tâm hướng thiện, đặng vậy thì tánh tình hòa hưỡn, cư xử khiêm cung, ăn ngay ở thật, lửa giận biết dằn, lòng hay nhẫn nhịn, gặp việc phải thường chẳng bỏ qua.

Biết hồi tâm hướng thiện, không đành vì no dạ mà hại mạng con sanh vật là nhơn.

Tánh tình hòa hưỡn, cư xử khiêm cung là lễ.

Ăn ngay ở thật là tín.

Lửa giận biết dằn, lòng hay nhẫn nhịn là trí.

Gặp việc phải chẳng bỏ qua là nghĩa.

Thế thì ăn chay có ảnh hưởng cho luân lý là dường nào? Một người ăn chay là một người biết hồi tâm hướng thiện, hai người ăn chay là hai người biết hồi tâm hướng thiện, v.v … Cả nước được vậy, chẳng những nền luân lý vững vàng, mà tinh thần con người, tức là hồn nước sẽ vì đó mà nhắc cao lên mãi.

Ngày nào đặng đông người ăn chay, thì mấy cái thảm trạng "vợ khóc con than" nơi gia đình sẽ dần dần giảm bớt, mấy tấn bi kịch "gây gổ chém đâm" mà xưa nay từng xảy ra nơi hàng rượu thịt tất phải một ngày một dứt.

Ước ao sao kẻ làm cha mẹ chớ nên lầm tưởng như xưa nay rằng ăn thịt là bổ vì nó có máu (lẽ nầy đã giải rành nơi thiên trước, không cần nhắc lại làm chi), rồi tập lần trẻ con tiện dụng đồ chay. Làm như thế, không những là giữ gìn cho trẻ con ít hay bịnh hoạn, mà còn dưỡng dục tinh thần chúng nó trở nên tráng kiện, tánh xu hướng về việc nhơn lành. Một nhà làm như vậy, hai nhà làm vậy, ba nhà theo vậy…, không những là nơi gia đình êm ấm, mà còn thuận theo lẽ Trời như quan lương y G. Durville đã giải rành nơi thiên thứ nhứt vậy.

Vả lại, ăn chay lấy làm tiết kiệm cho mình, vì đồ chay rẻ hơn đồ mặn. Một ngày ăn chay tức là một ngày tiện tặn, có tiện tặn rồi mới dư tiền mà tiêu dùng về việc ích lợi khác. Ðức cần kiệm phải tập mới nên, mà tập ăn chay tức là tập cần kiệm vậy.

Có người mỗi lần quải giỗ, thường ngả heo bò cúng tế. Cứ mỗi năm quải giỗ đôi ba lần như vậy, thì tốn biết bao nhiêu tiền của? Nếu cúng chay thì lợi biết bao! Làm như vậy không phải sợ tốn (có lòng cúng tế ông bà mà còn sợ tốn nỗi gì), song tốn mà tốn cho thái quá, tốn mà hại mạng con sanh vật, há không phải là điều nên chế bỏ hay sao?

 

(*1) Có kẻ ăn chay một là vì bắt chước, hai là cầu tiếng khen rằng mình ăn chay, chớ kỳ trung lại chẳng để lòng tưởng chay, ăn chay như thế chẳng những là không bổ ích về luân lý mà lại làm một trò cười cho thiên hạ.

 
 

MỤC LỤC

 

VI. RƯỢU

 

Rượu tuy không phải là vật mặn, song đã nói rằng nó là một giống độc đi cặp với thịt, thì cũng nên đem ra bàn giải đôi lời.

Rượu vẫn là đứng đầu trong tứ đổ tường (tửu, sắc, tài, khí) lại thuộc vào hạng ngũ giái cấm (Sát sanh, Du đạo, Tà dâm, Tửu nhục, Vọng ngữ). Thế thì khoa luân lý và nhà tôn giáo thảy đều cấm rượu.

  1. Vì rượu làm hại cho cơ thể và tinh thần, vì rượu làm hại cho xã hội và luân lý.

  2. Vì sao mà cấm rượu?

a) Hại cho cơ thể: Có người cho rằng uống rượu đặng ăn mau tiêu, cho dẫn huyết. Lời ấy cũng phải, song sự lợi dụng chỉ có nhứt thời, mà điều di hại lại trổi hơn thập bội. Rượu vẫn là chất nóng, làm cho tạng phủ và cả cơ quan khác (organes) phải hoạt động tăng lên (excitant), hoạt động tăng lên chừng nào, cơ thể phải hao mòn, suy kém chừng nấy. Chẳng khác nào một anh hành khách, nếu cứ chẫm rãi đi hoài, tuy không mau mà ít mệt, còn như muốn gấp, cần phải chạy; mà chạy lại mau mệt mỏi, mệt mỏi rồi phải nghỉ mất ngày giờ, thành thử muốn mau mà hóa chậm.

Vả lại, cơ quan con người cần phải giữ cho thường tráng kiện, một là để bảo tồn sự sanh hoạt (entretien de la vie), hai là để mà chống cự với muôn muôn vạn vạn loại vi trùng độc hiểm mà thường bữa ta hít vào phế phủ. Chí ư cơ quan vì rượu mà kém suy, bảo sao con người không vương lấy nhiều chứng bịnh hiểm nghèo truyền nhiễm.

b) Hại về tinh thần: Nhà hóa học đều công nhận rằng rượu chứa nhiều chất độc, thế thì uống rượu chẳng khác nào dùng độc dược mà thuốc lấy tạng phủ mình, mà tạng phủ lại ăn chịu với não cân (*1), tạng phủ suy thì não cân kém, não kém thì giảm phần trí lực (intelligence), cân suy lại hại đến giác quan (les sens). Vì vậy mà kẻ uống rượu nhiều thường hay lảng trí, tay chơn tê bại, tai điếc mắt lờ.

c) Hại về xã hội: Bợm rượu không những làm lụy cho thân mình, mà còn lưu hại đến con cái là khác, vì con cái mạnh yếu là do nơi bẩm chất của mẹ cha. Sách vệ sinh Langsa có câu: "90% des idiots sont des enfants d'alcooliques". Nghĩa là: "Trong một trăm đứa xuẩn ngu, hết chín mươi đứa là con nhà bợm rượu". Suy đó thì đủ biết rằng rượu không những là hại cho cá nhơn mà lại là hại cho xã hội nữa. Nước Nam ta, người gầy vóc ốm, nếu không trừ cái "nạn rượu" đi, e khi sau rồi sẽ trở nên một hạng người "chăn chắc" nơi cõi Việt Ðông nầy mà chớ.

d) Hại về luân lý: Rượu uống vào hừng chí, hừng chí lại nhiều lời, nên tục ngữ có câu: "Rượu vào lời ra", mà hễ nhiều lời thì sao khỏi lâm vấp, sao khỏi trái tai người mà sanh cãi cọ? Cãi cọ lại mất niềm hòa khí.

Tục ngữ lại có câu: "Ðứa say như đứa dại (điên)". Hễ say rồi thì kể chi phải quấy, nhiều khi làm đến những việc can danh, phạm nghĩa.

Về khoản nầy, sở dĩ lược luận đôi lời vậy thôi, chớ tưởng lại ai ai cũng đều biết cả.

Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế kiêm viết CAO ÐÀI, ngày Rằm tháng Chạp năm Bính Dần (1927) giáng cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh, giới tửu như vầy:

"Các con nghe vì sao mà phải giái tửu.

Thầy đã dạy rằng thân thể con người là một khối chơn linh câu kết lại, những chơn linh ấy là đều hằng sống. Phải hiểu rằng ngũ tạng, lục phủ cũng là khối sanh vật mà thành ra, nhưng phận sự chúng nó làm, thoảng hiểu biết hay là không hiểu biết đều do nơi mạng lịnh Thầy đã phán dạy.

Vậy Thầy lấy hình chất xác phàm các con mà giảng dạy. Trước Thầy nói vì cớ nào rượu làm hại cho thân thể con người về phần xác. Hình chất con người vẫn là thú, phải ăn uống mới nuôi sự sống, như rượu vào tỳ vị, nó chạy vào ngũ tạng lục phủ hết, thì trái tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trữ sự sống, cũng phải bị nó thâm nhập vào làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định, thôi thúc huyết mạch phải vận động một cách vô chừng mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng, trược huyết ấy thối lại cùng trong thân thể, để vật chất ô trược vào trong sanh vật, mỗi khối ấy ăn nhầm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường tráng, cốt chỉ lần lần phải chết, thì thân thể các con phải bị chết theo. Nhiều kẻ phải bị chết nửa thân mình vì rượu nên ra đến đỗi.

Thầy dạy về cái hại phần hồn của các con.

Thầy nói cái Chơn thần là Nhị xác thân (*2) các con là khí chất (le sperme évaporé), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mõ ác, gọi tiếng chữ là Vi Hộ, nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ Chơn linh các con, khi luyện thành Ðạo đặng hiệp một với khí, rồi khí mới đưa thấu đến Chơn thần hiệp một mà siêu phàm nhập thánh.

Vậy thì óc là nguồn cội của khí, mà óc cũng bị huyết mạch vận động vô chừng làm cho đến đỗi tán loạn đi, thì Chơn thần thế nào mà an tịnh đặng điều khiển, thân thể phải ra ngây dại, trở lại chất thú hình, mất phẩm nhơn loại, rồi còn mong chi đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Lại nữa, buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình, mà phải chịu phận luân hồi muôn kiếp.

Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à".

 

(*1) Não là óc, cân là gân.
(*2) Nhị xác thân là cái thân thứ nhì của con người, mắt phàm khó thấy được (Périsprit). Nhị xác thân nhờ Tinh, Khí, Thần luyện thành.

 
 

MỤC LỤC

 

VII. ĂN CHAY ÐỐI VỚI TÔN GIÁO

 

Ðối với Tôn giáo, việc ăn chay lại cần thiết hơn nữa, vì ăn chay thì khỏi sát sanh, mà sát sanh lại là luật cấm nhặt trong Ðạo.

Trời, Phật là Ðức Háo Sanh, không nỡ ngồi xem cho loài người vì miếng cao lương mỹ vị mà hại mạng con sanh vật. Cầm thú tuy không biết nói, chớ cũng biết muốn sống, sợ chết như mình, cũng biết đau đớn, buồn vui như mình, cũng biết tình nghĩa thân ái như mình. Nó cũng đồng thọ một điểm linh quang của Tạo Hóa như mình. Thế thì một con sanh vật tức là một mạng sống vậy. Mình nỡ nào vì ngon miệng mà hại mạng nó cho đành?

Thầy Mạnh Tử có nói: "Quân tử chi, ư cầm thú giả, kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử, kiến kỳ thinh bất nhẫn thực kỳ nhục". Nghĩa là: "Người quân tử đối với cầm thú, trông thấy sống mà không nỡ trông thấy chết, nghe tiếng kêu la mà không nỡ ăn thịt".

Ta thử xem một con bò dắt đến lò thịt, nét mặt nó vẫn dàu dàu, cặp mắt nó vẫn rưng rưng ứa lụy, vì nó biết rằng chúng dắt nó đem mà xẻ thịt. Bởi không phương chống chỏi với nhà hàng thịt bạo tàn, nên phải ép lòng chịu chết. Phải chi nó biết nói, ôi! Biết bao nhiêu đoạn thảm tình thương, biết bao tiếng trách tay độc ác.

Trong kinh: "Lão nhơn đắc ngộ", có bài thi giới sát như vầy:

"Thiên bá niên lai, hoản lý canh,
Oan thâm tợ hải, hận nan bình.
Yếu tri thế thượng đao binh kiếp,
Ðang thính đồ môn, bán dạ thinh".

THÍCH NÔM (*1)

"Thường ngày cá thịt dọn đầy bàn,
Thú vật vì mình bị thác oan.
Sát khí thấu Trời, sanh giặc giả,
Như nghe tiếng thảm lúc lâm hàng".

Thiên Ðạo thì chuộng phần hồn hơn phần xác. Bậc tu hành cần phải trau giồi linh hồn cho trong sạch nhẹ nhàng, hầu khi thoát xác mới có thể phi thăng lên cõi tiêu diêu cực lạc. Mà muốn cho linh hồn nhẹ nhàng trong sạch, trước phải giữ xác phàm trong sạch; mà muốn cho xác phàm trong sạch cần phải bổ dưỡng bằng thực chất nhẹ nhàng trong sạch. Vật thực nhẹ nhàng trong sạch là vật nào? Tức là vật thực thuộc về thảo mộc, tức là đồ chay vậy. Ðồ chay thuộc dương, nhờ hấp thụ khí dương của mặt trời, ăn vào đã bổ mà lại trong sạch. Ðồ mặn thuộc âm, là chất huyết nhục nặng nề ô trược.

Thiên Ðạo dạy có luân hồi chuyển kiếp: Tuy kiếp nầy ta được làm người, biết đâu kiếp trước ta không phải là con sanh vật? Nhơn loại thú cầm vẫn đồng một gốc mà ra, tức là đồng loại, mà đồng loại nỡ nào ăn thịt lẫn nhau cho đành đoạn?

Tóm lại, Tam giáo (Nho, Thích, Ðạo) thảy đều trọng việc ăn chay.

Về việc giữ trường trai đặng luyện Ðạo, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế, kiêm viết Cao Ðài Giáo Ðạo Nam Phương có giáng cơ ngày mồng tám, tháng 6, năm Bính Dần, dạy như vầy:

"Chư môn đệ phải giữ trai giái. Vì tại sao? Chẳng phải Thầy còn buộc theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng. Thầy cắt nghĩa:

Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là corporel (*2) còn một thiêng liêng gọi là spirituel (*3). Mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra, nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng, mà cũng có thể không thấy đặng. Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh Khí Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra, thì lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn như đắc đạo mà có Tinh Khí, không có Thần, thì không thế nhập mà hằng sống đặng. Còn có Thần không có Tinh Khí, thì khó hườn đặng Nhị xác thân. Vậy ba món báu ấy phải hiệp mới đặng.

Nó vẫn là hình chất, tức hiệp với không khí Tiên thiên, mà trong khí Tiên thiên thì hằng có điển quang.

Cái Chơn thần buộc phải tinh tấn, trong sạch mới nhẹ hơn không khí ra khỏi ngoài Càn khôn đặng. Nó phải có bổn nguyên Chí Thánh, Chí Tiên, Chí Phật mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.

Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết.

Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng?

Như rủi bị hườn (*4) thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển (bon conducteur d'électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc "Nhơn Tiên" thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.

Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo".

Nhiều nhà giàu có lại ngả heo, ngả bò mà cúng tế ông bà cha mẹ. Làm như vậy, không những mình phạm tội sát sanh, mà vong linh ông bà cha mẹ mình cũng còn phạm tội liên can với mình nữa. Tôi xin mượn tích sau nầy của ông Mạnh Quốc Thoại để sau Kinh Di Ðà cho ai chưa xem kinh nầy đặng biết. Tích như vầy:

Ông Tôn Hành Giả kia (chẳng phải Ðại Thánh) gần chết, trối với vợ con rằng: "Ðừng cúng tôi, cúng mà ai ăn, sát sanh hại mạng buộc tội cho tôi". Vợ con nói: "Mình giàu có, nếu không cúng ông, thì người ta chê là hà tiện, chẳng tưởng nghĩa chồng vợ, cha con. Như ông sợ sát sanh là tội, vậy cúng chay đặng chăng?" Ông nói: "Ðược, có lòng một trái chuối hay là một trái mận cũng là tình nghĩa trọng". Ba năm y lời trối. Năm kế, vợ ông tưởng phải làm trâu heo, trước là cúng ổng, sau đền ơn cho kẻ giúp công, cùng tình nghĩa bậu bạn chẳng phải lo cúng, thì vợ ổng giết trâu heo. Tức thì vua Diêm Vương đòi ông Tôn Hành Giả xuống (ông nhơn đức hồn được về trời) tỏ cho ông biết rằng vợ con sát sanh hại mạng mà cúng ông, dạy ông phải ở lại mà giữ hồn oan chúng nó, vì chúng nó chưa tới số đòi về, không xác mà nhập, để chúng nó phá hại thì có tội. Ông Tôn Hành Giả tâu với vua Diêm Vương rằng: "Hồi tôi gần chết, có biểu vợ con đừng cúng". Vua phán: "Như vợ con người làm mà ăn thì tội chúng nó chịu, chớ chúng nó giết mạng vật mà cúng người, thì tội người phải chịu, ấy là vạ lây tội tràn". Ông Tôn Hành Giả tâu: "Muôn tâu bệ hạ cho tôi về nói với vợ con tôi". Vua phê cho. Ðoạn ông Tôn Hành Giả biến ra một đứa nhỏ chừng mười hai tuổi, cỡi một con trâu vô nhà coi sửa soạn cúng. Vừa tới cửa ngõ, ổng xuống trâu cột đó, vô nhà một mình. Giây phút con trâu ngoài cửa ngõ nhào chết. Người thấy vậy kêu ổng mà nói rằng: "Trâu mầy chết, về nói cho chủ mầy hay". Ổng đi bứt một nắm cỏ và nói rằng: "Trâu, trâu, dậy ăn". Mấy người thấy vậy mắng ổng rằng điên. Ổng hỏi: "Ai điên hơn? Trâu tôi mới chết, xác còn nằm đây mà tôi cho ăn cỏ, mấy người gọi tôi rằng điên, còn ông Tôn Hành Giả chết đã hơn ba năm, thây chôn mất mà ăn uống gì? Chủ nhà cúng trâu heo cho ổng bị tội lỗi, vậy ai điên hơn?". Nghe mấy lời ấy, cả thảy hồn kinh, rồi hỏi ổng làm sao cho ông Tôn Hành Giả khỏi tội. Ổng trả lời: "Phải chôn những trâu heo đã làm và thỉnh thầy mà cầu siêu cho chúng nó". Nói rồi biến mất vừa người và trâu.

 

(*1) Bài thích nôm nầy nguyên của ông Trần Phong Sắc (Tân An).
(*2) Corporel là thuộc về xác thịt.
(*3) Spirituel là thuộc về thiêng liêng, không thấy, không nghe, không rờ được.
(*4) Hườn được Nhị xác thân.

 
 

MỤC LỤC

 

VIII. CÁCH THỨC ĂN CHAY

 

Ăn chay có nhiều cách:

1) Có người ăn ròng trái cây chín mà thôi (Fruitarisme), vì trong thảo mộc chỉ có trái cây là bổ hơn hết. Trái cây là cơ quan sanh trưởng của loài thảo mộc (organe de reproduction), cho nên chất bổ dưỡng đều tụ nơi đó nhiều hơn hết. Trái cây lại nhờ hấp thụ dương khí của mặt trời mà chín, vì vậy nên ăn trái cây chín rất bổ.

2) Có người lại vừa ăn trái cây chín, vừa ăn những rau đậu nào mà thuở nay để dùng ăn sống, như rau sống, dưa chuột, cải salade, v.v…

Hai bực nầy không chịu ăn đồ nấu nướng (đồ khói lửa) vì cho rằng: một là cách nấu nướng không hạp với lẽ tự nhiên, hai là nấu nướng làm cho cây trái giảm bớt chất bổ đi.

Ăn chay theo cách trên đây tốt lắm, song ít người giữ được, vì từ bao giờ nhơn loại đã quen dùng nấu nướng rồi.

3) Ăn cả vật thực nào thuộc về chất thảo mộc, song nấu chín mà ăn (Végétalisme).

Có người giữ chính chắn lại không dùng đến hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu vì cho là năm thứ rau hôi nồng (ngũ huân).

4) Ăn đồ thảo mộc nấu nướng lại dùng đến sửa bò, trứng gà nữa (Végétarisme ou régime ovolacto-végétarien).

Ăn chay theo cách nầy rất hạp với vệ sanh (sửa bò, trứng gà là vật chứa nhiều chất bổ) song đối với tôn giáo thì trái luật. Gà vịt do nơi trứng mà nở ra, ăn một trứng tức là làm tuyệt một mạng sống vậy. Ăn sửa bò, tuy không làm hại đến mạng con bò, song sữa ấy lại thuộc về chất thú (matière animale), ăn vào không được tinh khiết cho phần xác và phần hồn.

Có người lại cho rằng phàm hễ con gì không máu thì chay nên ăn được như: tôm tép, ngao sò, mực v.v…. Nói vậy đặng ăn cho ngon miệng đó thôi, chớ không trúng luật ăn chay của tôn giáo. Phàm những con động vật nào, hễ thuộc về loài tứ sanh (*1) biết bò bay, máy cựa, thì đều có sanh mạng cả, ăn thịt chúng nó tức là phạm tội sát sanh.

 

(*1) Tứ sanh là bốn loại sanh:
1) Thai sanh là loài đẻ con như trâu bò.
2) Noãn sanh, đẻ trứng.
3) Thấp sanh, loại ở nước.
4) Hóa sanh, loại hóa hình, như đuông, nhộng, v.v…

 
 

MỤC LỤC

 

IX. TRAI KỲ

 

Ngươn Thỉ lục trai: Giữ lục trai theo luật Ngươn Thỉ thì là ăn chay ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, hăm chín, ba mươi.

Như tháng thiếu ăn thêm ngày 28.

Chuẩn Ðề thập trai: Giữ thập trai theo luật Chuẩn Ðề thì ăn chay ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín, ba mươi.

Tháng thiếu ăn thêm ngày 27.

Trường trai: Giữ trường trai là ăn chay luôn luôn.

Ăn chay hai ngày Sóc, Vọng (mồng một, rằm) là chú ý tập lần cho quen vậy thôi, chớ không thuộc vào luật Ðạo.

Ăn lục trai, thập trai phải nhớ giữ cho trọn bữa. Tỉ như ăn chay bữa mồng tám, thì phải giữ chay từ 11 giờ khuya mồng bảy cho tới 11 giờ khuya mồng tám. Bữa ăn chay cần phải giữ mình cho tinh khiết, phải cấm phòng, phải giữ sao cho mắt chay, tai chay, mũi chay, lưỡi chay, thân chay, ý chay thì mới phải Ðạo. (*1)

 

(*1) Sách "CHÂU THÂN GIẢI" giải rõ về khoản nầy.

 

CHUNG

 

Xem tiếp quyển: Ðức Tin


ĂN CHAY
Người soạn THUẦN ÐỨC

In tại nhà in TAM THANH
108-110, PLACE MARÉCHAL FOUCH.
DAKAO-SAIGON
1928

Thánh Thất New South Wales - Australia
Tái ấn hành năm Quí Mùi 2003
thanhthatnsw@yahoo.com.au


[Hình Bìa]

 
 

Top of Page

     HOME