TÒA THÁNH TÂY NINH
I- Giới thiệu tổng quát:
Đây, Tòa Thánh Tây Ninh, còn được gọi là Đền Thánh, hay Tổ Đình, là Tòa Thánh Trung-Ương của Đạo Cao Đài, hiện nay tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách Thị Xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng Đông Nam, thuộc Miền Nam nước Việt Nam. Đây là một ngôi Đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, là nơi thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Du khách viếng Tòa Thánh sẽ
được đi vào rất nhiều cửa tùy theo hướng đến của mình từ Đông, Tây, Nam, Bắc.
Chu vi bao bọc bởi 12 cửa gọi là Nội-ô Tòa Thánh. Đền Thánh tượng trưng Bạch
Ngọc Kinh tại thế. Nội-ô Tòa-Thánh có tổng diện tích 96 ha (tức là 96 mẫu Tây).
Gọi Đền-Thánh Tây-Ninh hay Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung-ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh. Đền-Thánh được khởi công xây dựng từ năm 1931 (Tân Mùi), hoàn thành vào năm 1947 (Đinh Hợi) và được Khánh-thành vào dịp Đại Lễ Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất-Mùi (dl: 01-02-1955). Đền-Thánh được cất theo kiểu vở của Thiên đình, quay mặt về hướng Tây, có kích thước theo dự tính ban đầu của Đức Giáo Tông Lý-Thái-Bạch, có:
- Bề
dài: 135 mét.
- Bề ngang: 27 mét.
- Bề cao tại Lầu chuông và Lầu trống: 36 mét.
- Bề cao tại Nghinh Phong Đài: 25 mét.
- Bề cao tại Bát Quái Đài: 30 mét.
Việc chọn đất Thánh địa làm nơi xây dựng Đền Thánh và kiểu vở xây cất đều do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông giáng cơ chỉ dạy tỉ mỉ. Đặc biệt hơn hết là không nhờ một Kiến-Trúc-sư hay Thầy địa lý nào ở trong thế giới hữu hình này cả. Điều đáng ghi nhớ là thời gian thi công, việc kiến thiết là do bổn đạo toàn quốc về hiến thân làm công quả, dùng toàn thức ăn chay, nhưng thật ra chỉ là cháo, rau, dưa muối đạm bạc mà thôi, hoàn toàn không dùng thức ăn động vật Người làm công quả hầu hết về đây góp công sức xây dựng không phải là chuyên môn. Phải trường trai, tuyệt dục trong suốt thời gian thi công
1-Trong cửa Ðạo Cao-Ðài hiện có hai Ðền thờ
-“Một Ðền Thờ, ta ngó thấy trật-tự hàng ngũ, bởi từ nguyên căn tâm hồn của Chơn-linh chúng ta đều có trong hàng phẩm Cửu Thiên Khai Hóa cả. Quí phái như thế!”.
Đó là nơi thờ Đấng Thượng Đế tức là Đức Chí-Tôn là Cha của nhân loại (Đại Từ Phụ). Là Đền Thánh, ngôi Dương.
- “Còn một Ðền Thờ nữa, thờ Đức Phật-Mẫu tức là Mẹ của chúng ta, thì cái quí phái của chúng ta không còn giá trị gì nữa. Đức Phật Mẫu không muốn cả Chức Sắc Thiên Phong đi đến Ðền Thờ của Người và Người nhứt định không chịu điều ấy, vậy phẩm tước và giai cấp đối với Phật Mẫu không có giá trị, vì Phật Mẫu không muốn đứa nào áp bức đứa nào cả, hành tàng như vậy bị tiêu diệt”. Ngôi thờ Đức Mẹ Diêu Trì gọi là Điện thờ Phật-Mẫu (Đại Từ Mẫu - ngôi Âm). Âm Dương tương hiệp mới phát khởi Càn khôn hóa sanh vạn vật.
2- Đức Chí-Tôn Ngọc-Hoàng Thượng-Đế đến với nhân loại vừa là CHA vừa là THẦY
CHA và THẦY là hai tiếng rất thân thiết mà các Tín đồ Ðạo Cao Ðài thường dùng để gọi Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế, qua các nguyên nhân:
Mỗi người chúng ta đều có Tam thể xác thân:.
- Thể xác bằng xương thịt do cha mẹ phàm trần sanh ra.
- Chơn Thần tức là xác thân thiêng liêng do Ðức Phật Mẫu tạo ra. Do đó, chúng ta gọi Ðức Phật Mẫu là Ðại Từ Mẫu, tức là Ðức Mẹ thiêng liêng.
- Chơn Linh hay linh hồn là điểm linh quang do Ðức Chí Tôn chiết ra từ khối Ðại Linh quang ban cho mỗi người để điều khiển chơn thần và thể xác. Do đó, chúng ta gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ, là Ðấng Cha thiêng liêng. Vậy, mỗi người chúng ta, ngoài cha mẹ phàm trần, chúng ta còn có hai Ðấng CHA MẸ chung, thiêng liêng, là Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu. Khi Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ðạo, mở Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ, Ðức Chí Tôn xưng mình là THẦY và gọi các Tín đồ là chư Môn đệ. Như vậy, Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế, vừa là CHA, vừa là THẦY của chúng ta và của toàn nhơn loại. Ðức Hộ Pháp rất thắc mắc về điều nầy, nên mới đem ra hỏi Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (Victor-Hugo):
- Le PÈRE et le MAÎTRE sont différents. Pourquoi notre PÈRE prend-il aussi le titre de MAÎTRE? (Cha và Thầy khác nhau. Tại sao Ðại Từ Phụ của chúng ta lấy danh xưng là Thầy ?)
Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ trả lời bằng thơ Pháp văn, như sau đây:
Il est
en même temps Père et Maître,
Parce que c'est de LUI, vient tout notre être.
Il nourrit notre corps de ce qui est sain,
Et fabrique notre esprit de ce qui est divin.
En LUI, tout est Science et Sagesse,
Le progrès de l'âme est son oeuvre sans cesse.
Les viles matières sont joyaux à ses yeux,
De vils esprits, Il en fait des Dieux.
Sa loi est Amour, sa puissance est Justice.
Il ne connait que la vertu et non le vice.
PÈRE: Il donne à ses enfants sa Vitalité,
MAÎTRE: Il leur lègue sa propre Divinité.
Nghĩa là:
Ngài trong cùng một lúc vừa là CHA vừa là THẦY. Bởi vì chính Ngài sanh ra tất cả con người chúng ta. Ngài nuôi dưỡng thân thể chúng ta bằng vật lành mạnh và tạo ra linh hồn chúng ta bằng phép thiêng liêng. Nơi Ngài, tất cả là thông thái và trí huệ. Sự tiến hóa của linh hồn là công nghiệp của Ngài không ngừng: Những vật chất hèn mọn là châu báu trước mắt Ngài. Những linh hồn hèn hạ, Ngài biến chúng thành Thần, Thánh. Luật của Ngài là Bác ái, quyền của Ngài là Công chánh. Ngài chỉ
biết đạo đức và không biết thói xấu.
-CHA: Ngài ban cho các con Sanh khí của Ngài.
-THẦY:Ngài di tặng cho họ cái Thiên tánh riêng của Ngài.
Ðức Hộ Pháp diễn dịch ra thơ như sau:
Người cũng vẫn Cha, Thầy luôn một,
Cả chơn linh, hài cốt tay Người.
Nuôi hình dùng vật thanh tươi,
Tạo hồn lấy phép tột vời Chí Linh.
Nơi Người vốn quang minh cách trí,
Tấn hóa hồn phép quí không ngưng.
Vật hèn trước mắt thành trân,
Hồn hèn Người lại dành phần Phật, Tiên.
Luật Thương yêu, quyền là Công chánh,
Gần thiện căn, xa lánh phàm tâm.
Làm Cha nuôi nấng âm-thầm,
Làm Thầy lại nhượng phẩm Thần ngôi Tiên.
3- ĐIỆN THỜ PHẬT- MẪU
E: The temple of Buddha-Mother
F: Le temple de Bouddha-Mère
Thờ Ðức Phật Mẫu tại Báo-Ân-Từ
Đức Phật-Mẫu 佛 母 Hán-tự nói là Thiên-Hậu Chí Tôn (Bà Vua Trời) người Á-Đông nhứt là Trung-Hoa và Việt Nam gọi là Bà Mẹ Sanh của nhân loại, của cả muôn loài vạn-vật trong Càn Khôn Võ-Trụ, làm chủ phần Âm, là Ngôi Thứ Hai (Deuxième Logos) kế dưới Đức Chí-Tôn.
Phật-Mẫu là ai ? – “Phật-Mẫu là Mẹ, là gốc sinh ra vạn vật. Đạo Cao-Đài xác nhận là Đức Mẹ Diêu-Trì, còn gọi là Mẹ sanh ra cả vạn loại. Trong vũ trụ Chúa cả tạo đoan ấy là Thầy, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, nắm cơ huyền vi bí mật trong tay. Thầy mới phân tánh Thầy ấy là PHÁP. Pháp tức là quyền-năng của Thầy thể hiện ra, cũng như lý Thái-cực ở trong cõi tịnh. Lý Thái cực phát động mới sanh ra PHÁP. Pháp tức là những định luật chi phối cả Càn khôn, mà người nắm luật chi phối ấy là Phật-Mẫu. Phật-Mẫu nắm cơ hữu tướng. Phật Mẫu là Âm, còn Thầy là Dương. Âm Dương tương hiệp mới biến Càn Khôn. Cả Càn Khôn ấy là TĂNG, mà người nắm quyền vi chủ của Tăng ấy là một vị Phật cầm quyền Thế giới. Phật và Pháp không biến đổi, vị cầm quyền thế giới là Tăng ấy thay đổi tùy theo thời kỳ. Tỷ như người cầm quyền vi chủ:
- Nhứt kỳ Phổ-Độ là Nhiên Đăng Cổ Phật.
- Nhị kỳ Phổ Độ là Thích-Ca Mâu-Ni.
- Tam kỳ Phổ-Độ là Di-Lạc Vương-Phật.
Hết Tam-Kỳ Phổ-Độ thì nguyên căn qui nhứt trở lại mở Nhứt kỳ Phổ-Độ nữa sẽ có vị Phật nữa ra đời cầm quyền vi chủ, định luật Càn-Khôn phải như vậy. Đó là cơ quan quản trị Càn khôn vũ trụ. Còn ở vạn vật là cơ quan: vô hình, bán hữu hình và hữu hình; hay linh tâm, khí thể và xác thân. Bên trong Báo-Ân-Từ đang thờ các tượng này.
- Đức Diêu Trì Kim Mẫu
là Mẹ sinh của toàn thiên hạ, Chưởng quản Tạo-Hóa-Thiên, ai đã đến thế gian nầy
đều phải nhờ ơn Phật-Mẫu lựa chọn cho xuống trần chịu khổ, học khôn đến đạt
thành Phật-vị. Ơn tạo hình hài, ơn dưỡng nuôi giáo-hoá và ơn dìu dẫn thoát trần
của Phật Mẫu thật là vô lượng vô biên.
- Hai chữ Kim-Mẫu là hai chữ nói tắt, chính thật là Kim-Bàn Phật-Mẫu. Trong Di Lạc Chơn Kinh có chỉ rõ. Bởi vậy nơi cõi trần, Phật-Mẫu là Mẹ của Thần, Thánh, Tiên, Phật. Dưới Phật Mẫu có Cửu vị Tiên Nương:
1-Nhứt Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây đờn Tỳ Bà, Chưởng quản vườn Ngạn-Uyển, xem xét cho biết số Nguyên Nhân xuống trần hay Qui Vị. Mỗi đoá hoa trong vườn Ngạn-Uyển là một chơn linh, khi chơn linh ấy tái kiếp thì hoa nở, khi qui vị thì hoa tàn.
2- Nhị Nương Diêu-Trì-Cung: cầm lư hương Chưởng quản vườn đào của Tây-Vương-Mẫu nơi tầng thiên
thứ hai, tiếp các chơn hồn qui thiên mở tiệc trường
sanh (Bàn Đào) và đưa các chơn hồn đến Ngân Kiều cỡi Kim Quang triều kiến Ngọc Hư Cung.
3-Tam Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây Quạt Long Tu (Long-tu-Phiến) thả thuyền Bát Nhã trên bể khổ, đón nẻo Cửu-tuyền độ các chơn hồn qui nguyên “Chở che khách tục Cửu tuyền ngăn sông”.
4-Tứ Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây Kim Bản làm Giám-khảo tuyển chọn các nhân tài. Trong buổi khoa thi ai có đức tài và học giỏi mới đặng chấm đậu “Vàng treo nhà ít học không ưa”.
5-Ngũ Nương Diêu-Trì-Cung:Bửu pháp là xe Như Ý, ra lệnh cho các đấng thiêng liêng tiếp các chơn hồn về đến cõi Xích Thiên, khai kinh vô tự đặng xem quả duyên của các chơn linh và đưa các chơn hồn đắc đạo triều kiến Đức Chí Tôn: Dựa xe Như-ý oai thần tiễn thăng
6-Lục Nương Diêu-Trì-Cung: cầm cây Phướn Tiêu Diêu (phướn Truy Hồn) độ dẫn khách trần và tiếp các chơn hồn hữu căn về đến cõi Kim thiên, dẫn đến Đài Huệ Hương xông cho thơm linh thể và ra lịnh trổi thiên thiều đưa các chơn linh đến Tây Phương Cực Lạc.
7-Thất Nương Diêu-Trì-Cung: cầm Bông sen khêu đuốc Đạo buổi sơ khai và tình nguyện lãnh lịnh thiên-điều đến Âm Quang độ rỗi các tội hồn, khi giác ngộ lại chỉ chỗ cho đầu thai đặng theo Đạo lần về cựu vị (nhứt là nữ phái) “Thất Nhương khêu đuốc Đạo đầu”.
8-Bát Nương Diêu-Trì-Cung là Hớn Liên Bạch, cầm giỏ Hoa Lam, Ngài là một đấng thiêng liêng rất linh hiển, dày công giáo hoá buổi Đạo Khai, có phận sự độ rỗi các nguyên nhân tại thế (nhứt là nữ phái) và tiếp đưa các chơn hồn qui vị về tới cung Phi-Tưởng-Thiên rưới nước Cam Lồ. Ai có việc chi cầu khẩn nơi Bát Nương thì đắc nguyện một cách linh hiển.”
9 -Cửu Nương Diêu-Trì-Cung: cầm ống Tiêu có nhận sự giác ngộ các chơn linh đoạ lạc nơi trần thế.
Tóm lại các nghề hay nghiệp khéo về nữ công hoặc cầm, kỳ, thi, họa và triết học văn-chương đều nhờ Cửu Vị Tiên Nương giáo hoá và ung đúc cho thành tài.