GÓP NHẶT CHUYỆN ĐẠO

 

Quyển XI

 

Sưu tầm : Quang Minh

 

MỤC LỤC:
1.TẠI SAO TA NIỆM PHẬT A DI ĐÀ
2.LUẬT NHÂN QUẢ (Loi de causalité)
3.ĐỪNG LO TRỜI ĐẤT SẬP
4.TÌM HIỂU THÊM CHUYẾN ĐI BẾN HẢI
5.LƯƠNG TÂM TRÁCH VỤ VÀ LƯƠNG TÂM CHỨC NGHIỆP
6.ĐỨC PHẬT DI LẠC GIÁNG CƠ
7.THÁI TỬ VÀO MIỆNG CÁ
8.CHÚC XUÂN ĐỨC HỘ PHÁP
9.TRƯỜNG CÔNG QUẢ
10. ĐỨC HỘ PHÁP GIÁNG CƠ CHO NGÀI BẢO THẾ BÀI THI

 

11.VÌ HIẾU QUÊN THÙ
12. BỨC THƠ CỦA ĐỨC CAO THƯỢNG PHẨM GỞI CHO ÔNG THÁI THƠ THANH (17-9-1928)
13. CÔNG VĂN CỦA NGÀI BẢO ĐẠO HỒ TẤN KHOA NHẮC NHỠ VỀ VIỆC HÀNH ĐẠO (1982)
14. THÁNH LỊNH SỐ 85/HP.HN
15. TÌM HIỂU VỀ NGUỒN GỐC CỦA LOÀI NGƯỜI
16. CÁC VỊ TỔ SƯ CỦA THIỀN TÔNG ẤN ĐỘ VÀ TRUNG HOA
17. DUYÊN KHỞI LUẬN CỦA PHẬT
18. 12 THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA
19. TU THÂN XỬ THẾ CỦA LÃO TỬ
20. LỄ AN VỊ BỬU ẢNH NGÀI ĐẦU SƯ THÁI THƠ THANH
21.THÁNH GIÁO ĐỨC CHÍ TÔN NHẮC TỚI CÁC ÔNG TRANG, THƠ, TƯƠNG

 

1.TẠI SAO TA NIỆM PHẬT A DI ĐÀ

    Đức Phật Thích Ca Mau Ni là người giảng dạy Đạo Phật cho chúng ta, vậy tại sao hầu hết các Phật Tử ở Việt Nam hằng ngày đều niệm Phật A Di Đà ?

Đức Phật A Di Đà là ai?

Chúng ta niệm như thế, chính là lời giảng dạy của Đức Phật Thích Ca, Ngài thấy rằng chúng ta phần nhiều căn cơ đã kém cõi lại chật vật với đời sống cực nhọc trong thế gian nên sự tinh tấn tu hành để thành Phật rất khó.

Đức Phật Thích Ca mới dạy cho chúng ta một pháp tu giản dị. Kết quả là họ sẽ đạt tới một cảnh giới đầy đủ thuận tiện để rồi có thể tu tập mau chóng đến quả vị Phật.

Đức Phật Thích Ca giáng cho ta biết rằng: “Ở về phương Tây cõi Ta Bà nầy có một thế giới gọi là  Thế Giới Cực Lạc (Cực Lạc= sung sướng vô cùng). Thế giới ấy còn gọi là Tịnh Độ, nghĩa là trái đất trong sạch (Tịnh=trong sạch, độ=đất). Thế giới Cực Lạc ấy đã được tạo ra do công đức của Đức A Di Đà (tiếng Phạn: Amita, có nghĩa là sáng suốt vô cùng và sống lâu vô tận; chữ Nho: vô lượng quan, vô lượng thọ).

Trong thế giới ấy không có những nổi khổ cực. Dân chúng hóa sinh từ những bông hoa sen trong sạch, họ không cần lo lắng về ăn mặc vì các thứ ấy đã có sẵn sàng tự nhiên. Cảnh vật đều là châu báu. Những loài chim đẹp hót những tiếng hòa nhã như niệm Phật, làm cho lòng người vui vẻ niệm theo. Gió dịu dàng thổi vào những hàng cây ngọc và phát ra những điệu nhạc êm đềm, khuyến khích người nghe học Đạo.

Trong thế giới Cực Lạc ấy có rất nhiều Bồ Tát và A La Hán đang làm bạn với chúng sanh, cùng chúng sanh dạo chơi đàm luận và cùng nhau nghe Đức Phật A Di Đà thuyết Pháp.

Vì có nhiều thuận tiện như vậy nên ai được vãng sanh sang cõi Tịnh Độ sẽ dể dàng và chắc chắn tu tập chóng đến quả vị Niết Bàn.

Muốn được vãng sanh về Tịnh Độ thì Đức Phật Thích Ca dạy hằng ngày cần niệm Đức A Di Đà, hoặc khi sắp lâm chung (chết) niệm danh hiệu Ngài 10 lần với hết tất cả tâm thần yên lặng (nhứt tâm bất loạn). Nếu ai niệm được như thế, đức Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn theo thế giới của Ngài.

Sở dĩ chúng ta có thể được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn là do lời nguyện rộng lớn của Ngài khi còn tu hành. Trước khi thành Phật Ngài đã làm 48 đại nguyện trong đó điều nguyện thứ 18 nói: “Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, niệm 10 niệm, nếu không được vãng sanh thời tôi không ngồi chánh giác, trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch hoặc phỉ bán chánh pháp”.

(Ngũ nghịch là 5 tội: 1.-Giết cha; 2.-Giết mẹ; 3.-Giết bậc A La Hán; 4.-Phá sự hòa hợp của các Tăng; 5.-Dùng ác tâm làm cho thân Phật chảy máu; ngày nay: phá hư, moi khoét tượng Phật, hủy hoại kinh Pháp).

(Trích trang 63-65 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật của Tịnh Mặc)

 

 

2. LUẬT NHÂN QUẢ (Loi de causalité)

        Bác Sĩ Dussille nói: Tất cả những hiện tượng của đời sống vật chất và đời sống tinh thần rất hợp lý. Cái quả kết thành là do bởi cái nhân, hễ ít nhân thì ít quả.

Nhân là cái mầm mống, cái năng lực để sinh ra quả. Quả là kết quả tức sự đáp lại của nhân. Như hạt thóc là nhân, cây lúa là quả. Người làm nhà, mua ngói, mua gỗ, mua gạch là nhân, đến khi làm xong nhà, có nhà ở là quả. Người đi học khi học tập bài là nhân, đến khi học giỏi là quả v.v…

Bởi thế hiện tượng phải có nguyên nhân ở trước, nếu nguyên nhân thế nào tất có kết quả ở sau như thế. Vậy cái kết quả chỉ là nguyên nhân của một trạng thái khác nguyên nhân với kết quả của quân bình. Đó là một cơ bản của lý thuyết khoa học, ở tiến hóa luận của Darwin và Lamarick: “Trong vũ trụ không thề có gì tự sinh, không có gì tự diệt”.

Nhà khoa học Lavoisier đã biện chứng: “Cái gì cũng có lý cả”, cái nguyên nhân trở về cái kết quả, cái chỗ bắt đầu lại nối tiếp với chỗ kết chung…

Ta hãy xem câu chuyện của Hoàng Đế Milinda thỉnh pháp Đức Bồ Tát Nagasena đủ hiểu: “Bạch Đức Bồ Tát, người ta sinh ra ở đời, ai ai cũng có đầu râu tóc da, tai mũi mặt, tay chơn hình thể như nhau. Nhưng tại sao có kẻ sống lâu, người chết trẻ, kẻ được sức khỏe, người phải ốm đau, kẻ tướng tốt oai nghiêm, người hình hài xấu xí, kẻ quyền thế, người yếu hèn, kẻ cao sang, người nghèo khó, kẻ thông minh, người ngu dốt. Tại sao họ không giống nhau?”

-Ấy cũng như trái cây, thứ thì ngọt, thứ thì bùi, thứ thì chua, thứ thì chát, có thứ đắng, có thứ ngon, có thứ ăn chết người. Tại sao đồng là trái mà chúng nó chẳng giống nhau?

-Bạch Bồ Tát, tại hạt giống của chúng đều khác nhau.

-Thưa Quốc Vương, người ta cũng như thế, vì duyên nghiệp của họ chẳng giống nhau, mới có kẻ sống lâu, người chết trẻ, kẻ sức khỏe người ốm đau tật hoạn, kẻ xấu hình, người tướng tốt, kẻ oai phong lẫm liệt, người yếu hèn ti tiện, kẻ cao sang, người nghèo khó, kẻ thông minh, người ngu dốt. Thưa Quốc Vương, Đức Thích Ca dạy: Do sự lành, sự ác của mỗi người đã làm từ trước nên có sự quả báo về sau. Trước đã làm lành thì sau được sống lâu, sức khỏe oai thế cao sang, thông minh thánh trí. Còn trước đã làm ác thì sau chết non, ốm đau, xấu hình, hèn yếu, nghèo khó, ngu dại không sai biệt chút nào. Cái duyên nghiệp nó quản trị mình, theo luật nhân quả  chi phối nên phải luân hồi, mỗi người sanh ra với một hoàn cảnh riêng, đó là kết quả của nguyên nhân đã gây ra từ quá khứ.

Các nhà thông thái khoa học hiện nay cũng có một lý thuyết tương tự: “Một thế hệ nào cũng chịu ảnh hưởng những điều lành dữ của các thế hệ trước”.

Cụ thể luật nhân quả xoay vần mãi mãi, nếu không biết giác ngộ, chuyển tâm hướng về đường tu tập thì không bao giờ giải thoát.

(Trích trang 216-220 Khám Phá Vũ Trụ và Đời Người của Quốc Ánh)

 

3. ĐỪNG LO TRỜI ĐẤT SẬP

    Nước Kỷ (1) có một người lo trời đất sập, không biết ở đâu cho yên sinh ra mất ăn mất ngủ. Một người khác lo ngại cho anh ta, lại giảng giải: “Trời đã chứa cái khí, không chỗ nào không có khí, anh co duỗi, hô hấp suốt đời vận động trong cái khí của trời đó, vậy thì tại sao lại lo trời sập?

-Nếu quả trời chỉ chứa các khí thì sao mặt trời, mặt trăng và các vì sao lại không rớt?

-Mặt trời, mặt trăng và các vì sao cũng chỉ là những ánh sáng trong cái khí tích tụ lại đó, dù chúng có rớt xuống thì cũng không làm cho ai bị thương được.

-Nhưng còn đất sập thì sao?

-Đất chỉ chứa những khối đặc để lấp lên những chỗ trống ở bốn phương, không đâu không có khối. Dù đi dẫm suốt đời cũng chỉ là di chuyển trên mặt đất, sao lại sợ đất sập?

Anh ta giải được nổi lo mừng quá mà người kia khỏi lo cho bạn nữa.

Trương Lương Tử nghe chuyện đó cười bảo: “Cầu vòng, mây và sương mù, mưa gió bốn mùa, tất cả những cái đó khí tích tụ trên trời mà thành. Núi đồi sông biển, kim thuộc về đá, lửa và cây tất cả những cái đó đều là những khối tích tụ trên đất mà thành. Đã biết là cái khí cái khối tích tụ lại thì sao bảo rằng không thể sụp đỗ? Trời đất là những vật nhỏ trong khoản không trung, nhưng rất quan trọng trong vũ trụ chúng ta, khó mà tận cùng hủy diệt được, lẽ đó cố nhiên. Lo trời đất hủy hoại thì thực quá lo xa; nhưng bảo rằng chúng không bao giờ hủy hoại thì cũng không đúng. Trời đất không thể không hủy hoại được. Tới cái thời trời đất cũng hủy hoại, mà ta lại sống nhầm thời đó thì làm sao mà không lo ?

Thầy Liệt Tử nghe vậy cười và bảo: “Kẻ nói trời đất sẽ hủy hoại là nói bậy. Mà kẻ nói trời đất không bao giờ hủy hoại cũng nói bậy nữa. Trời đất hủy hoại hay không điều đó ta không thể biết được. Trời đất mà hủy hoại thì mọi người cũng chết; trời đất mà không hủy hoại thì mọi người cùng sống như nhau hết.

Sống thì không hiểu được sự chết, chết thì không hiểu được sự sống; thời vị lai không biết được thời vĩ vãng, thời vĩ vãng không biết được thời vị lai. Trời đất  hủy hoại hay không thì quan tâm tới cái đó làm gì?

………………

(1)  Một nước nhỏ thời Xuân Thu.

(Trích trang 92-95 Liệt Tử và Dương Tử của Nguyễn Hiến Lê)

 

 

4.TÌM HIỂU THÊM CHUYẾN ĐI BẾN HẢI

        Mùng 3 tháng 8 Ất Sửu (1985) khi dự đám tang Đại Tá Vinh tôi (Quang Minh) gặp Đầu Phòng Lợi nói chuyện về việc đi Bến Hải. Xung quanh câu chuyện có những đoạn đáng ghi như sau:

Thoại, Kỳ, Đại, Lợi mặc áo rộng trắng, khăn đen, sau lưng có thêu 4 chữ “Hòa Giải Dân Tộc” trên chữ Việt, dưới chữ Nho. Đức Hộ Pháp có dặn khi nào gặp khó khăn thì làm như vầy:

Thoại day mặt hướng Đông

Kỳ day mặt hướng Tây

Đại day mặt hướng Nam

Lợi day mặt hướng Bắc.

Mỗi người giơ ngón trỏ ra gát thành hình chữ thập (tức tứ tượng) rồi đọc kinh: “Đạo gốc, kế tới bài Đại Tường (Hổn Nguơn Thiên) thì sẽ có huyền diệu thoát nạn. Phải tiết kiệm các con chỉ có 3 lần làm”.

Lần đầu: công an sắp treo đá ở cầu Bạch Hổ (Huế) 4 người thấy nguy làm thử, khi đọc dứt Hổn Nguơn Thiên chưa kịp niệm thì thiếp đi, cả 4 người đều thấy Đức Hộ Pháp dẫn đi chỉ chỗ nguy hiểm và chẳng rõ làm gì. Chừng giựt mình 4 người thuật lại thì 4 cái mộng giống nhau, mỗi người đều thấy như vậy.

Nhờ có một Đại Tá tên Tùng đến cứu, ông là an ninh quân khu lại có quyền trong Ủy Hội Quốc Tế nên địa phương phải giao cho ông điều tra. Có lẻ ông được Đức Hộ Pháp cử đến để cứu, nhưng cả 4 người không biết mặt.

Lần nhì: 4 người mượn xe Jeep của Trung Tá Mỹ, lấy vôi phung lên làm màu trắng cấm cờ HHQT đưa Lê Thiên Tào qua cầu Bến Hải giao cho phái đoàn Ba Lan. Lê Thiên Tào là Bí Thơ của Bác Hồ người gốc Long Xuyên bị bắt vào khám mới nhìn ông Thoại là người cùng xứ. Vì lịnh ông Cẩn thủ tiêu nên anh em Hòa Bình phải cứu. Lần nhì cũng làm y như lần trước, được Đức Hộ Pháp bày vụ lấy xe đưa ông Tào thoát được chết, nhờ vậy mà được cảm tình với Việt Minh.

Lần thứ ba: Nghe nói có một máy bay Duata sẽ chở 4 người vào Nam. 4 người nghi chúng sẽ bỏ xuống biển nên xúm lại cầu kinh, thấy Đức Hộ Pháp cho biết sẽ được về Nam vô sự.

Rồi khi 3 lần ấy thật hành, các lần sau khi cầu nguyện thì không còn linh hiển nữa, nghĩa là bí pháp bị lấy lại, các ông đã nhiều lần thử mà không có hiệu nghiệm chi hết.

Bến Hải có 2 tiểu đoàn 58-61 chỉ huy bởi ông Nhã, Đại Tá Hỷ và một người nữa không nhớ tên.

Vì thả Lê Thiên Tào nên bị giải tán về Nam, xém chút nữa các ông ấy phải bị đi tù cả đám vì vụ nầy.

 

 

5.LƯƠNG TÂM TRÁCH VỤ VÀ LƯƠNG TÂM CHỨC NGHIỆP

(Bài thuyết Đạo của Thừa Sử Phan Hữu Phước tại Tòa Thánh ngày 12-9-Qúi Tỵ (1910-1953)

        Hôm nay xin để luận đến vấn đề lương tâm (conscience) trách vụ (devoir) và lương tâm chức nghiệp (Conscience professionelle).

Trước nhứt tôi xin giải thích: Lương là lành tâm là lòng. Lương tâm là lòng lành tượng trưng tất cả những cái gì công bình và quang minh chánh đại. Lương tâm là một vị tòa vô ảnh, một tiếng nói vô hình bên trong để phán đoán những điều thiện ác và trừng răn hoặc ban thưởng tùy theo sở hành phải trái của chúng ta.

Phàm ở đời thảy thảy đều có lương tâm, ấy là điểm linh quang mà tạo đoan đã phú cho mọi người, dẫu rằng kẻ cướp đảng từng giựt của giết người cũng cho lương tâm đã biết phân phải trái. Nhưng sở dĩ hành tàng sát nhơn ác đức ấy vẫn còn tiếp tục tái diễn mãi là do người không đủ nghị lực kềm chế cá tánh phàm phui với nổi lòng dục vọng tham lam mới sa vào vòng tội ác mà mang danh là tán tận lương tâm.

Trách là chức trách, vụ là việc làm, trách vụ tức nhiên là việc làm của bổn phận. Đã gọi là bổn phận thì chẳng còn ở trong phạm vi nhỏ hẹp và thuyết vị kỹ  không thể áp dụng được theo chánh lý. Làm tròn bổn phận họa chăng chỉ có lưu lại cá nhân ta một danh thơm, một tiếng tốt mà thôi. Một người đã biết trách vụ được người yêu kẻ chuộng; một gia đình biết trách vụ được an cư lạc nghiệp, một chánh phủ mà biết trách vụ thì nước được thạnh trị thái bình, nhân dân được gọi nhuần ân vô lộ và đời đời ca tụng đức nhân; lương tâm chức nghiệp hiệp lại thành tiếng kép nghĩa là một ngọn đuốc sáng đã vạch sẵn giúp chúng ta thi hành phận sự đúng theo Thánh ý và lòng thành.

Vã chăng một viên chức không thanh liêm, một y sĩ cắt da ăn tiết, làm eo sách khổ cho bịnh nhân, hóng hách ta đây, một công dân vô tình với tổ quốc, một tín đồ thờ ơ với Đạo thì chẳng qua vô lương tâm chức nghiệp cả. Văn từ ấy bao hàm ý nghĩa yêu nghề, tận tụy với đức tánh  hy sinh, vị tha, bác ái, nên chi ta hằng nghe thấy ở các học đường Giáo viên thường mắc chứng ho lao, các nhân viên văn phòng thì hay đau phổi.

Đã biết rằng làm việc nặng nhọc, ở ăn hui hút, khiếm khuyết đủ mọi phương diện, thế mà vẫn làm và vẫn giữ được lương tâm chức nghiệp và đã hiểu được chân giá trị của nó, ta chẳng còn nghĩ đến thân thể cá nhân, không màng công danh sự nghiệp, chỉ đặt lẽ phải và công ích lên trên tất cả, dẫu có phải đem mãnh thi hài làm vật hy sinh cũng như sau mà chớ. Ví dụ:

Ông Beruaru Palissy người Pháp, phải đem tủ ghế sang trọng đến nhà cửa quí giá để thiêu đốt trong lò đặng không bỏ chí nguyện sáng chế chất nước men mà toàn cầu đang dùng hiện hữu. Bác Sĩ Pergosuc tra cứu chất quang tuyến (Rayon X) tư tưởng biết là chất độc hại người, nhưng được tánh cách chữa lành các bịnh ngặc giúp ích cho nhơn quần, nên ông cứ làm đến đổi tay chân vì nó mà bị cụt và ông đã làm cho đến chết mà thôi.

Do đó ta nhận thức rằng, hạnh phúc tạo riêng cá nhân hưởng kia tạm chóng tàn, tựa hồ như sương đeo ngọn cỏ, trong đám phù du buổi tối, còn hạnh phúc mà ta tạo ra cho nhơn quần xã hội hưởng nhờ thì ấy mới thật là chơn chánh trường tồn vĩnh cửu, vì rằng người biết lo giúp ích cho thiên hạ là người biết tạo hạnh phúc cho mình vậy.

Những ví dụ vừa kể trên cũng có thề gọi là thường tình thế gian hằng hữu, để chúng chắc hơn, tôi xin sơ lược vài chuyện phi phàm, cao trọng đáng quí gắp trăm phần về mặt tinh thần Đạo đức.

Vậy xin mời quí bạn hãy thả mộng hồn trở lại thời xưa tưởng tượng Đức Phật Thích Ca lúc rời ngôi báu, dấn thân vào chốn cùng đồ để tham thiền đoạt Đạo giải thoát cho sanh linh thoát vòng sanh lão bệnh tử (tứ khổ). Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây Thánh Giá với chủ nghĩa Đạo đời. Thầy Khổng Mạnh rời nơi sang trọng chịu vất vã lầm than, đem gieo mầm giống Đạo nhơn dạy cho người người đều biết là phải xử sự lẫn nhau lập nền phong hóa thuần mỹ. Và cận đại hơn nữa, đương là một vị Đại Hội Đồng Thượng Nghị Viện, nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng, Đức Quyền Giáo Tông phủi hết gia đình, thế sự, quay về lo cơ phổ độ lập thành nền móng tôn Giáo ngày nay.

Phải chăng các bậc phi phàm trên đây có được huệ tâm, huệ tánh, thấu rõ trách vụ của mình lãnh nơi Đức Tạo Đoan đối cùng nhơn loại, lại thêm giàu lương tâm chức nghiệp mà danh bất hữu được lưu truyền đời đời kiếp kiếp.

Ấy vậy trong cửa Đạo, chúng ta chỉ là một hạt cát ở bãi sa mạc, nhưng chẳng ngại phận thấp hèn, gắn gìn cho đặng lương tâm chức nghiệp mới có thể an vui tâm hồn, trong lúc cỏ cạn khô cùng cũng như đứng trước tòa nhà nguy nga tráng lệ, thế gian hi hữu, đành rằng có trí óc sáng suốt hòa lẫn với mồ hôi nước mắt của loài người, song cũng phải nhớ có hạt cát tí hon mới tạo thành và nó mới dựng được sum sê trên vòm trời, bằng không có hạt cát nhỏ bé ấy thì toàn là ảo ảnh mơ hồ.

Suy cổ nghiệm kim, xem việc trước, gẫm việc sau; chúng ta thấy rằng không cần phải có một địa vị cao sang huyền bí mới làm cho người ta trọng mình, vì nó là một danh hảo của tâm, mà trái lại dầu cho nhỏ nhen mà biết được trách vụ mình gìn được lương tâm chức nghiệp, dầu cho kẻ khác chẳng muốn nể vì hay có tính không trọng mình đi nữa song sự thật và lẽ phải bắt buộc họ chẳng hề dám xem thường ta vậy.

 

 

6. ĐỨC PHẬT DI LẠC GIÁNG CƠ

Kiếp phù thế lắm hồi day trở,

Vẽ sơn hà nặng nợ trần ai,

Hãy nhận nhìn cái kiếp sống tương lai,

Bèn tu tỉnh sẽ gặp ngày ân hưởng.

 

Bã phù tang, dầu giàu sang cho thế mấy,

Con cúi cung, cũng mang lấy việc âu sầu.

Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc, năm Châu đều rối loạn.

 

Thương chiến sĩ chết thôi đà quá ngán,

Mười phần hao tám chín, mới đúng thiên cơ.

Buổi thế đây thế cuộc rối như tơ,

Nạn thống thiết đói cơm khát nước.

 

Trên đảnh tòng, xương chất đầy non,

Buổi kế đây sắp việc mất còn,

Bàn cờ thế méo tròn xây trái đất.

Hơi độc khí tràn hơi chất ngất,

Hại nhơn loài ngây ngất lẫn thác oan,

Kìa vật kia binh nọ muôn ngàn,

Giồng yêu Đạo nó dẫy tràng cùng thế giới.

 

Phép mầu nhiệm huyền vi bố rãi,

Tử huờn sanh đâu dám cải cơ Trời.

Một trăm ba mươi sáu Đạo khắp cùng,

Nó cũng dám tá danh Trời mà độ thế.

 

Buổi loạn lạc chánh tà không ra đế,

Phật Tiên đâu mà quỉ cũng là đâu.

Cuộc đời nguy khổ của hoàn cầu,

Kìa Tiên Giáo sánh cùng Phật Giáo.

 

Đức Lý Giáo Tông Thiên Đạo, thâu phép báo độ nào ông lên bà xuống,

Xưng Phật Thánh Tiên Thần để gạt người dương thế.

Ai biết sớm thoát nơi dâu bể,

Ráng tu hành sớm để về sau.

Ngựa qua đời khổ não là bao,

Dê dặm cẳng anh hào ra mặt.

 

Gà vội gáy anh hùng mau thức giấc,

Cuộc Thuấn Nghiêu dựng lập nơi chốn nầy đây.

Ráng lắng nghe kệ sấm của Thầy,

Đức Thượng Đế Cao Đài truyền Đại Đạo.

 

Chớ đừng tưởng buổi nầy là mộng ảo,

Mà biến tu trí xảo muôn phần.

Biết thế cùn mạt kiếp phải đưa chơn,

Nạn nhơn loại mười phần đều khóc…

 

Khắp hoàn cầu đều lụy nhỏ rơi tuông,

Chuồng chuồng bay khắp bốn phương,

Hơi ngạt khí ấy là cơ Trời ách nước,

Thảm cho đời một bước âu sầu.

 

Con xa cha, chồng lạc vợ không ráo giồng châu,

Tuyệt âm khí đem bầu trời mới.

Tam Giáo Đạo đem về một mối,

Khắp hoàn cầu chung Đạo đức từ bi.

Đức, Nhựt tranh phong khắp oai nghi,

Nắm bá chủ quyền hành về tạm đỡ.

 

Ấy là cơ Trời xây trở khắp trần ai,

Pháp, Tàu, Anh, Mỹ cũng đại tài,

Sau cũng phải bó tay mà thúc thủ.

 

Rốt cuộc rồi mỗi nơi đều được tự chủ,

Đồng giơ tay bỏ khí cụ, khuyên nhũ đề huề.

Hỡi khắp trong tứ chúng chớ say mê,

Không thức tỉnh sau phải u ê phiền não.

 

Đời cùng khổ phàm trần đại náo,

Hổn Nguơn Thiên phép báu thâu yêu Đạo giúp đời.

Di Lạc quang hộ thế khắp năm châu,

Chỉnh cuộc thế nữa đời thuần mỹ?

Ngày sau gia vô bế hộ, của rơi đường chẳng thấy ai tham.

Vậy mới rằng Đại Đạo Kỳ Tam,

Đức Ngọc Hoàng đã ham lãnh bảo.

 

Cuối Hạ Nguơn Tam Kỳ khai Đại Đạo,

Hưng Huỳnh Đao hiệp Ngũ Chi,

Tam Tông Nho Thích Đạo đồng qui nhứt bổn.

 

 

7.THÁI TỬ VÀO MIỆNG CÁ

Thuở xưa có một người làm ruộng thác, được đầu thai làm Thái Tử Đông Cung. Đời trước là một người cày, đời sau là một ông hoàng, chuyện ấy gẫm ra thật ít có. Đó nhờ người có tích đức trong đời trước, hằng bố thí cho Tăng chúng và kẻ cơ bần, lại có nguyện rằng trọn đời mình chẳng hề có sát sanh hại một mạng nhơn vật nào.

Một hôm hoàng hậu bồng thái tử ra chơi trên cầu, giữa dòng sông bà lỡ sút tay, nên hoàng tử rớt ngay xuống nước. Liền đó một con cá lội ngang hả miệng ra và nuốt thái tử vào bụng rồi lội đi. Thái tử ở trong bụng cá tới 7 ngày mà không sao, không đói không khát chút nào. Lúc ấy cá lội đi rất xa, đến nước vua bên kia thì bị thợ chày bắt được và đem bán cho nhà vua.

Lúc người ta sắp làm thịt con cá, hoàng tử ở trong kêu nói rằng: “Mấy người làm cá cho kỷ kẻo phạm nhầm ta”. Ai nấy nghe lấy làm sợ sệt lắm, nhưng cũng đành bạo đến mà chặt đầu cá, thì thấy Thái Tử ở trong bò ra. Mọi người thấy rõ là một chàng trai đẹp đẻ hoàn toàn, bèn đem dâng lên vua.

Vua vốn không con muốn nhận làm Thái Tử Đông Cung. Vua bên kia hay rằng vua nọ đã được con mình, bèn phái xứ giả qua thỉnh Thái Tử về. Nhưng bên nầy lại không chịu trao trả, bảo rằng của mình đã được thì tức nhiên thuộc về mình. Hai bên còn đương tranh nhau, mỗi người đều minh quyết giành về phần mình, lại còn thách nhau muốn ra binh là khác.

Nhưng 2 vua còn dụ dự, mới đem vụ ấy mà hỏi vị vua Chúa Tể trong cõi Thiên Trước và nhờ Ngài phân xử dùm. Vua Chúa Tể liền phán rằng: “Nếu vợ vua bên nầy mà không trở sanh Thái Tử và nếu không có không có rủi làm rớt Thái Tử xuống sông thì làm sao lại vào miệng cá cho được? và nếu vua bên kia không có cái may mà bắt được con cá, thì biết đâu Thái Tử đã bỏ mạng rồi còn gì? Chi bằng hai bên nên xử thuận thảo với nhau, ai cũng được đồng thương Thái Tử, là nên cất một cái đền ở chỗ giáp giới 2 nước, 2 vua hùng góp tiền bạc mà lập cái đền ấy để Thái Tử ngự ở đó và phong chi người làm Đông Cung hai nước.”

Hai vua nghe phải thuận tình và phân nhau ra về, định cất đền cho Thái Tử ở và giao giềng mối 2 nước cho Thái Tử cầm.

Ấy người làm ruộng được đầu thai làm hoàng tử, đến sau làm vua là nhờ lòng từ thiện cứu giúp chúng sanh. Và Thái Tử ở trong bụng cá 7 ngày mà vẫn sống là nhờ đời trước chẳng sát sinh hại vật bao giờ.

(Trích trang 18 Chuyện Phật Đời Xưa của Đoàn Trung Còn)

 

 

8.CHÚC XUÂN ĐỨC HỘ PHÁP

        Nhơn Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn (1952) Ngài Cao Tiếp Đạo gởi bài thơ chúc xuân Đức Hộ Pháp như sau:

Chào xuân đảnh Việt thấy bay rồng,

Mầng Phạm Thiên Tôn rạng cửa không.

Trường thế nhộn nhàn vai trả diễn,

Rừng thiền đầm ấm ái hòa đong.

Phướng linh phải buổi dìu nhơn loại,

Phép nhiệm nầy cơn dựng đại đồng.

Ân huệ nhuần chan Hồng Lạc hưởng,

Biên cương vững định giữa Trời Đông.

Cao Tiếp Đạo

HÒA NGUYÊN VẬN

Giống rồng lại gặp hội mây rồng,

Xuân đến vận thời chẳng lẽ không?

Non nước thay màu xanh hớn hở,

Lê dân thoát ách hết long đong.

Ân hồng đã rãi cùng thôn lý,

Bóng phước phủ che khắp ruộng đồng.

Hồng Lạc từ đây cầm xã tắc,

Muôn chung ngàn tứ sức nào đong.

Phạm Hộ Pháp

 

 

9.TRƯỜNG CÔNG QUẢ

(Lời dạy của Đức Quyền Giáo Tông)

“.. . Tệ Huynh xin nhắc lời tuyên ngôn của Đại Từ Phụ hồi buổi ban sơ.

Thầy có nói: Thầy lập Đại Đạo kỳ nầy là lập một cái trường công quả. Nếu các con đi ngoài trường công quả ấy thì không trông mong gì về cùng Thầy đặng. Trường công quả Thầy có đôi bên:

Một bên vô hình: là các Đấng Thiêng Liêng (Phật, Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Đấng Thiêng Liêng theo một bên chúng ta đặng cứu trợ chúng ta về phần vô vi.

Còn các việc hữu hình tại thế là các việc phải có thi hài như chúng ta bây giờ đây mới làm đặng, thì về phần chúng ta phải lo làm thì có các Đấng Thiêng Liêng ủng hộ.

Thí dụ như tôi đi độ rỗi nhơn sanh, phải nói Đạo cho người ta nghe, như phải lập mấy cuộc để giúp thế đang nguy nan, như những trường dạy kẻ có Đạo học, nhà thương, nhà dưỡng lão cùng các nghề nghiệp, cho Đạo hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày hai, có áo quần che thân ấm cật v.v…thì chúng ta phải lo hết, rồi các Đấng Thiêng Liêng ám hộ cho thành tựu.

Nếu chúng ta làm biếng không làm công quả dù cho Đạo bên hữu hình, các Đấng Thiêng Liêng theo mình không lập công quả được thì tội trạng về phần mình chịu lấy.”

 

 

10.ĐỨC HỘ PHÁP GIÁNG CƠ CHO NGÀI BẢO THẾ BÀI THI

        (Ngày 6-2 Ất Tỵ (8-3-1965) tại Giáo Tông Đường)

Thi:

QUYỀN uy nhờ bởi giữ chơn truyền,

CHƯỞNG đức dụng hiền, mộ Thánh Tiên.

QUẢN quán chúng sanh tu cội phúc,

HIỆP hào nhân sĩ hưởng tiền duyên.

THIÊN môn mở rộng nguyên nhân đến,

ĐÀI nội truyền thăng thánh đức liên.

THỪA thế chuyển nguy an Thánh Địa,

MẠNG  trời đâu để gởi hành quyền.

Thăng

 

 11.VÌ HIẾU QUÊN THÙ

        Thuở xưa cách nay rất lâu, có vị vua rất khoan dung đại độ, không hề hành phạt ai. Nhân dân trong nước nhờ đức hóa của Ngài đều được phong phú yên vui. Lúc ấy vua nước lảng giềng lại hung ác, bạo tàn, thường hay hình phạt chúng dân, khắp trong nước mọi người đều ta thán.

Vua hung dữ ấy nghĩ rằng: “Vua bên kia sao lại được trong nước giàu có đến thế kìa? Người ta nói vua ấy hiền lắm, không hề sát sanh hại mạng. Có lẻ trong nước của người không còn lo đến việc chiến tranh nữa chớ gì? Âu là ta kéo binh qua đánh lấy thì còn chi dễ bằng?. Vua bàn lại với triều thần, ai nấy lấy làm vui mà nhận Ngài là cao trí.

Bên kia vua nhân từ hay nói có binh nghịch kéo vào muốn đánh lấy, vua còn lưỡng lự chưa muốn chống ngăn, kế bá quan tâu rằng: “Trong triều còn có nhiều tướng tài có thể đánh lại quân nghịch, xin bệ hạ cứ sai đi thì giữ nước được yên”. Nhưng vua nghĩ kỹ và phán rằng: “Trẫm cho binh tướng ra chống cự thì được rồi, nhưng dầu đặng, dầu thất Trẫm cũng không nỡ. Nếu Trẫm thắng thì binh nghịch sẽ tản lạc và chết mất đi, còn Trẫm có thua, ắc nguy cho binh lính với nhân dân của Trẫm lắm. Hai điều thảy đều bất lợi cho bậc hiền nhân, và nhứt là Trẫm không muốn làm khổ hại bá tánh mà giành lại sự sung sướng riêng một mình.”

Vua tính vậy, các tướng cho là một sĩ nhục cho nước, cùng nhau hiệp lại quyết chống quân nghịch. Vua can không được và chính mình quyết không đứng trong trường quyết chiến nên Ngài bàn với Thái Tử rằng: “Bây giờ cha con ta nên ra khỏi nước vậy con tính sao? Họ có muốn giựt ngôi, giựt nước của cha thì họ thử họ cứ thông thả mà trị lấy, miễn là bá tánh không khổ não thì cha vui lòng.”

Cha con ta đành lên non ẩn dật, không còn hay đến sự cướp giật ở trần, Thái Tử vâng theo, hai cha con đều ra khỏi thành.

Qua hôm sau quân nghịch chiếm thành, lại còn truy tầm vua, rao rằng: “Ai nạp mạng vua thì được hưởng 1 ngàn cân vàng”.

Vua lên đến rừng, ngồi dưới cây mà tham thiền. Ngài đắc Đạo, thấu lý hư không, bèn động lòng thương hại cho muôn ngàn chúng sinh chìm nổi nơi biển luân hồi, mê man theo đường danh lợi, theo sự tham lam giả dối ở trần.

Bổng đâu có một Thầy Bà La Môn đến gặp và nói rằng: “Tôi là kẻ cùng khổ, nghèo đói lắm, nghe người ta nói kiếm được vua thì có tiền. Tôi nghe có ý muốn tìm Ngài, nhưng đã đi mãi mà không biết gặp chỗ nào?”

Vua đáp: “Hỡi ôi! Ta là vua đây. Ta vì mất nước nên cùng con ẩn dật nơi non cao, không còn của cải gì hết. Hiện nay ta cũng nghèo đói như ngươi, cũng không có tiền bạc như ngươi, nhưng ta có thể giúp ngươi. Vị tân vương muốn thưởng kẻ nạp thủ cấp của ta, vậy ngươi cứ lấy mà nạp thì sẽ được giàu có vinh vang”.

Thầy Bà La Môn nói: “Tôi làm như vậy sao được”.

Vua đáp: “Ngươi cứ làm theo  ý ta đi, chết là một sự tốt mà, đời sống của con người là chi, chẳng qua là một cơn gió thoảng, rồi thì tan ra tro bụi chớ gì. Nếu sống mà vô ích thì có nhầm vào đâu? Thà là chết mà cứu giúp được người”.

Thầy Bà La Môn thấy vua đã quyết, Thầy không thể từ bèn nói: “Nếu bệ hạ đã từ tâm như thế, xin theo tôi vào kinh thành”. Thầy nạp vua xong được trọng thưởng như lời truyền tụng.

Còn vua thì bị bỏ vào ngục tối, kế bị xử thiêu trên giàn hỏa. Dân chúng nghe tin thương xót lắm và tựu lại mà xem, ai nấy đều khóc. Lúc ấy, Thái Tử giả dạng làm người buôn cũi trông việc thiêu nên được đứng trước vua cha mà tiễn biệt và quyết chờ dịp để báo thù. Nhưng đức vua từ thiện khuyên rằng: “Con hãy nhớ gương ta, cứ giữ lòng từ bi như cha, ấy là con hiếu với cha vậy, và đối với mọi người, cho đến đối với kẻ giết cha, con cứ lấy lòng nhân ái và khoan dung mà cư xử luôn.”

Cha đã thác, Thái Tử đau lòng lắm, bèn lên non để khuây khỏa tất sầu. Ngài nhớ đến thà cho luôn, cố oán luôn, quyết chí rửa hờn. Mà vì chưa trả xong mối thù nên lòng cũng tức tối. Lắm khi vì lửa phiền hận mà Ngài than thở huyết lậu. Thái Tử nguyện rằng: “Nó đã giết cha ta một cách gớm ghê, ta phải báo thù mới được, chính là ta đã lấy mạng nó mà đem đền bù”.

Ngài xuống chợ, đến làm kẻ hầu cho ông quan Đại Thần. Vì Ngài là người bật thiệp, khôn ngoan nên mua lòng chủ rất mau. Quan Đại Thần lấy làm yêu chuộng Ngài và cho làm kẻ tâm phúc hộ vệ.

Một hôm quan Đại Thần hỏi: “Nhà ngươi có biết nghề gì hay nữa chăng?”.

Ngài đáp: “Con làm nghề nào cũng được nhưng con rành hơn hết là nghề nấu ăn”.

Một bữa nọ, vị vua chinh phục ngự lại nhà quan Đại Thần mà dự tiệc. Ngài ăn uống rất lấy làm vừa miệng, mới hay rằng quan Đại Thần có người đầu bếp tài tình. Vua nài lại, xin cho người đầu bếp vào đền lo bữa cho mình. Thái Tử được làm quan lớn lo về yến tiệc cho nhà vua, và lần lần vua đem lòng tin cậy, phong chức rất cao. Hễ vua ngự đâu thì có Thái Tử đó, không mấy khi rời. Cho đến đi săn cũng đi với nhau.

Một hôm vua hung bạo và Thái Tử con vua từ thiện vì mê theo con thít mà lạc đường vào rừng sâu, gặp phải lúc trời tối hai người đành ngụ trong rừng. Vua mệt mỏi bèn giao gươm cho Thái Tử mà ngủ rất mê. Lúc ấy Thái Tử nghĩ rằng: “Bây giờ kẻ nghịch đã vào tay ta, còn đợi chừng nào, còn đợi chừng nào? Đầu nó đã nằm dưới lưỡi gươm thì còn để mà làm gì?” Thái Tử liền tuốt gươm ra, nhưng lại nghĩ đến lời trối của cha, Ngài nhẹ nhẹ để gươm vào. Vua thức giấc dậy và nói rằng: “Trẫm mơ màng thấy có người muốn chém Trẫm, Khanh có thấy ai lại đây chăng?”

-Bệ hạ vì quá mệt nhọc nên sanh ra sốt rét rồi thấy rằng như vậy, chớ có tiểu nhân hộ đây thời có điều gì mà bệ hạ phải lo?

Vua ngủ lại, Thái Tử ngó chừng vua đã ngủ mê, 3 lần toan hạ thủ, 3 lần lại để gươm vào vỏ, sau rốt vì tức quá mới la lên rằng: “Vì danh giá của nhà ta, vì lời trối của cha ta, ta tha cho ngươi, ớ kẻ giết cha ta”.

Vua liền tỉnh dậy và hỏi rằng: “Trẫm hẳn thật chiêm bao thấy con trai của Tiên Vương nước nầy tha Trẫm mà không trả thù. Vậy Khanh có hiểu điều ấy không?”

Thái Tử lấy làm cảm xúc đáp: “Con của Tiên Vương chẳng qua là tiểu thần đây vậy. Tiểu Thần đã toan trả thù, nhưng phụ vương khi thác có trối, không nên lấy oán mà trả oán, cứ lấy ơn mà trả oán luôn, làm theo gương chư Phật vậy. Vì thế nên tiểu thần không nở hại mạng bệ hạ. Đã ba phen toan xuống gươm, mà ba phen lại để gươm vào vỏ”.

Vua phán: “Thôi khanh cứ giết trẫm đi, tha mà làm gì? Trẫm vui lòng đền đáp sự khổ tâm khanh bấy lâu.”

Thái Tử nói: “Bây giờ tiểu thần chịu tội, bệ hạ cứ xử cho xong”. Hai người lẵng lặng chập lâu kế trời rạng sáng.

Bây giờ vua rất hối hận phán rằng: “Trẫm đã chẳng biết phân biệt dữ hiền mà giết cha của khanh, ấy là một sự quá hung ác vậy. Tiên Vương thật là một vị Thánh, biết tha thứ và cứu vớt luôn. Còn khanh là một Đấng Hiền, nên không lấy oán làm thù”.

Vua còn đương lính quýnh nẻo ra, Thái Tử tâu: “Tiểu Thần vẫn biết đường, nhưng muốn làm cho Bệ Hạ lạc khi hôm đó thôi”.

Hai người ra khỏi rừng, gặp quần thần chực rước rất đông, vua hỏi hết bá quan rằng: “Các Khanh có biết Thái Tử con Tiên Vương nước nầy bây giờ đang ở đâu chăng?”. Ai nấy đều đáp: “Thái Tử đã chạy lạc ngay từ hồi vua bị xử tử, không còn ai biết tông tích ra sao”.

Vua nắm tay Thái Tử mà chỉ rõ và cắt nghĩa cho bá quan nghe, khen rằng Thái Tử là một người con hiếu, đã vì hiếu nên không báo thù. Và vua hứa trả nước lại cho Thái Tử trị vì.

Từ đó Thái Tử được lên ngôi cũ của vua cha từ thiện. Dân chúng đâu đó đều ca tụng công đức của Ngài.

Phật giảng xong bèn phán rằng: “Đức vua từ thiện lúc trước là ta đây. Thái Tử có hiếu là A Na Đà, đệ tử yêu quí của ta bây giờ, và vua hung ác là Đệ Bà”.

(Trích trang 76-79 Chuyện Phật Đời Xưa của Đoàn Trung Còn)

 

 

12.BỨC THƠ CỦA ĐỨC CAO THƯỢNG PHẨM GỞI CHO ÔNG THÁI THƠ THANH (17-9-1928)

        Tây Ninh, le 17 Septembre 1928

Kính Đạo Huynh Thái Thơ Thanh.

Mưu kế của một vài Đạo hữu sắp đặt, gây đoan ra miệng lẳng lưỡi môi, cốt để: Một là rêu rao xưng tụng công quả âm chất của mình đặng nâng đỡ danh Đạo mình lên cao; Hai là gieo ác cảm đặng gây thù kết oán mà hại lẫn người đồng Đạo và gièm pha thể diện người cho kẻ khác dày bừa; ấy cũng là mưu chước của sự chen vào nền Đạo mà khảo hạch cám dỗ và thử thách những người có chút đỉnh công trình hành Đạo.

Anh và anh Thượng là rường cột của Đạo, là phương diện với đoàn em trông vào để nhờ cái ánh rạng của ngọn đèn Thiêng Liêng Thầy ban cho hai anh đặng soi thấu nơi u hiển mà lọc lừa minh đoán điều hư lẻ thiệt và những tiếng phong vân đồn đãi. Đáng chuyện nên tin thì nhờ các anh lớn lưu tâm lấy sự lịch duyệt tuổi cao tác trưởng mà sửa đương dìu dắt đoàn em biết lỗi sửa mình, biết lạc đường mau trở bước. Còn nhầm chuyện phi lý thì cũng nhờ các anh đã chẳng đem vào tai, lại còn triệt những ác cảm ấy mà diệt cho tuyệt ngòi và ngắt cánh cho hết bay đi nhiễu hại anh em khỏi nghi hoặc kích bác lẫn nhau, nền Đạo khỏi chịu tiếng phân vân trắc trở.

Sự yên tịnh thuận hòa trật tự nhờ có sự quyết đoán công bình của người cầm quyền. Nếu về việc chi như Đạo hữu còn đương bán tín bán nghi, chưa phân chơn giả trông vào lại thấy phương diện các anh lớn cũng mơ hồ, tất nhiên sự nghi hoặc của chư Đạo hữu càng thêm cả quấy, rồi truyền khẩu bay loan ra biến sanh sự náo loạn trong nền Đạo.

Ấy là nói chuyện có người phương diện vô tư cho đoàn em có lòng tin cậy…Ôi vô phương là chừng nào.

Ví như sự trông cậy của em út bị lầm lạc vào tay đầu mối độc của mọi việc chước quỉ mưu tà. Xuôi mưu làm loạn thì chẳng khác nào gởi trứng cho ác…! Não nồng là chừng nào nữa?

Duy còn biết trông cậy nơi Trời, lại có người nói với theo, xưa nay “Nhơn định thắng Thiên” cũng thường. Như câu anh Thơ đã nói: “Nghe đồn bây giờ em có hai muôn” Đạo Huynh cũng chính mình nói: Nghe đồn có trăm ngàn; mới hai muôn rồi bát lên 100 ngàn.

Than ôi! May mà năm nay Đạo đã truyền giáp vòng sáu tỉnh, số Đạo Hữu tăng thêm rất đông, số tiền cúng nơi Tòa Thánh tăng lên nhiều, mà tính lại sự tổn phí cần kiệm hết sức, rồi cũng không dư giã được số 2 muôn, 1 trăm ngàn thay!

Huống chi thuở em Khai tạo điều đình Tòa Thánh từ lúc chánh phủ chưa cho phép, muôn sự đều khó khăn trắc trở, lính tráng tra xét, bắt buộc dẫn lên dẫn xuống, đến đổi xâm phạm đến Đại Điện trong giờ hành lễ. Người phàm không kể, Thần Thánh cũng chẳng kính, nay đòi Cư Tắc hầu bố, mai dẫn Cư Tắc hầu Tòa, Đạo Hữu thấy vậy đều khủng khiếp. Đàn thổ còn liều mạng xuống rãi rác, chớ An Nam hèn lâu chẳng thấy tâm dạng người bước chân đến Tòa Thánh. Từ tháng 4 qua tới tháng 10 mới qui tựu lần lần, càng ngày càng thêm đông. Trong 7 tháng ngắn ngũi ấy, cả Nam và Đàn Thổ đồng tâm hiệp lực và gầy dựng tạo Tòa Thánh tạm, ngày nay chúng ta còn thấu hiểu chuyện đó. Dân sự miền Tây Ninh và trên Sóc, trên Dệt thì nghèo lắm. Đàn Thổ thì bị bắt buộc phạt giấy căn cước 28,000 chẳng luận đàn ông đàn bà, về sóc còn bị phạt nhiều hơn nữa. Xuống tới Tòa Thánh còn bao nhiêu cúng cũng phải. Thiên hạ đông đảo  tổn phí trông vừa kham, còn góp nhóp gởi về thái bổn  đặng ít nhiều là tùy tiện hết sức, phương chi mà có 2 muôn, phương chi mà có 100 ngàn. Rất đổi một muôn kia đời người của em còn chưa thấy đặng tận mắt, huống chi có phúc nào đặng nhận là tiền bạc riêng của mình.

Dầu cho của bà già em và của em nhập lại, nhà cửa đất cát, tính ra từ miến ngói trên đầu nhà, tới chiếc đủa con dưới bếp, mở rương trúc tủ, đếm nẻ ra từ đồng tiền cũng không là đâu?

Chi mà tới 2 muôn, chi mà tới 100 ngàn, đặng yên bề nuôi con ăn học thì gia quyến em vui mừng rồi, mà không phương nào có đủ thay…!

Em xin ai đó nghe em có 2 muôn 100 ngàn thì hãy cứu xét nhà em, nhưng mà phải đoan thệ rằng: Nếu xét ra không đủ 5 ngàn thì bù cho em thêm đủ 5 ngàn còn như trên 5 ngàn thì phần dư ấy thuộc về người xét…chịu chăng?

Em thề rằng, chẳng hề có dấu giếm tiền bạc nơi nào khác cả, chẳng hề chuyển đổi đồng tiền nào cho ai cất dùm.

Lời nói thoáng qua thì mất chớ giấy trắng mực đen ghi tạc chẳng hề phai. Những lời thành thật em viết ra đây phú có chư Thần Thánh Tiên Phật chứng tri từ nét mực, em trần tình ra đây là cố ý giải tán lòng lo lắng của Đạo Huynh vì thương em mà cực nghe tiếng ác, câu đồn tải rùm tai. Xin Đạo Huynh yên lòng.

Rất đổi là cái nhà của em cất đặng sắp đặt nơi thờ Thầy, cây cột đều là trong chùa cho, tranh cũng vô rừng cắt, chẳng tốn một đồng tiền nào, nhơn công được các em phụ giúp, chẳng tiền nong chi cho đáng. Vậy mà lưỡi vô tình còn khua rằng: “Bạc muôn nữa”.

Hễ muốn nói chi thì dầu việc chi cũng bươi ra cho có chuyện mà nói đặng đất bằng sóng dậy, nước lả khuấy nên hồ, song đức tin của anh em chúng ta bao giờ cũng quyết rằng mưu sự người không qua Trời đặng.

Hiệp Ninh (Tây Ninh)

Cao Quỳnh Cư

(ký tên)

 

 13. CÔNG VĂN CỦA NGÀI BẢO ĐẠO HỒ TẤN KHOA NHẮC NHỞ VỀ VIỆC HÀNH ĐẠO (1978)

 Văn phòng                                               ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Chưởng Quản H.T.Đ                                        Ngũ Thập Tam Niên

Số: 068/CQ.HTĐ                                         TÒA THÁNH TÂY NINH

                                                                   …………………………..

Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài

Kính gởi Hiền Hữu Chơn Nhơn Quyền Chưởng Quản Phước Thiện Nam Phái.

Hiền Muội Chơn Nhơn Chưởng Quản Phước Thiện Nữ Phái.

Trích yếu: v/v Chức Sắc xin qua Nông Nghiệp tự túc.

Kính Hiền Hữu, Hiền Muội.

Tôi nhận thấy Chức Sắc nam cũng như nữ xin qua nông nghiệp tự túc phần lớn về nhà lo sống tư riêng ích kỷ cho phần gia đình, riết rồi không còn nhớ Đạo là gì.

Để bảo tồn phẩm vị của họ, quí vị cần dạy dỗ họ và khuyến khích họ giữ tròn bổn phận của nhà tu là:

1-Ăn chay;

2-Đi cúng;

3-Trau đổi đức hạnh, lo làm âm chất nhơn nghĩa, Đạo đức và từ thiện.

Mỗi vị cần phải có một cuốn sổ hành Đạo, mỗi tháng phải có Ban Cai Quản hay Châu Tộc chứng thật.

1.-Ăn chay đặng mấy ngày?

2.-Đi cúng đặng mấy thời?

3.-Mỗi ngày cố gắng làm đặng một việc nghĩa hay từ thiện, dầu lớn hay nhỏ cũng đặng  và tối thiểu hai ngày phải làm đúng một việc nghĩa hay từ thiện, phải ghi rõ làm việc gì, lúc nào và cho ai?

Phương pháp nầy là phương tiện tối cần để tự trau dồi Đạo đức của mình, nâng cao chất Thánh và kềm chế chất phàm để trở nên con người Thánh đức cùng nhau xây dựng đời Thánh đức.

Nên nhớ, đây không phải là một sự bắt buộc hay áp bức xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng cá nhân mà chỉ là những lời nhắc nhỡ những vị đã tự giác tự nguyện, tự hiến thân vào cửa Đạo đặng bảo tồn ngôi vị của họ.

Tùy ý mỗi người, ai tự nguyện làm theo thì trong Hội Thánh sẽ nhìn công nghiệp hành Đạo của họ, còn ai không muốn thì không bắt buộc, nhưng kể như tự mình hồi tục không còn là Chức Sắc nữa và chỉ làm một Đạo Hữu thường mà thôi.

Nay kính

Tòa Thánh ngày mùng 1 tháng 6 Mậu Ngọ (5-7-1978)

Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa

(ấn ký)

Kính Tường:

Hiền Huynh Ngọc Đầu Sư Cửu Trùng Đài.

Hiền Hữu Q.Chưởng Quản Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài.

Hồ Sơ.

 

 

14. THÁNH LỊNH SỐ 85/HP.HN

Hộ Pháp Đường                                            Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

Văn Phòng                                                         Tam Thập Tứ Niên

Số: 85/HP.HN                                                  Tòa Thánh Tây Ninh

                                                                            ……………….

Hộ Pháp

Chường Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng.

Chiếu y Tân Luật Pháp Chánh Truyền,

Chiếu y Đạo Luật ngày 16 tháng giêng năm Mậu Dần (15-2-1938) giao quyền thống nhất chánh trị Đạo cho Hộ Pháp nắm giữ cho đến ngày có Đầu Sư chánh vị.

Nghĩ vì khi Bần Đạo đến tại Miên Quốc, nơi Kim Biên mở Hội Thánh Ngoại Giáo do nơi Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ và Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cầu xin nơi Đức Chí Tôn và y theo sự chấp thuận của Bần Đạo độ rỗi các chơn linh Bạch Vân Động đầu kiếp và cư trú năm bảy người nơi đó.

Nghĩ vì đã có hòa ước cùng hai Đấng ấy nên Bần Đạo thuận tùng tuyển chọn vô làm Chức Sắc do nơi cơ bút của hai Đấng đặng truyền Giáo tha phương phổ độ ngoại quốc.

Nghĩ vì trong Chức Sắc cầu phong nơi Hội Thánh Ngoại Giáo buổi nọ phần nhiều đã giao kết tình nguyện ra hải ngoại, ngoài ra 3 kỳ của nước Việt Nam  mới đặng phong vào hàng Chức Sắc, mà từ thử tới giờ họ chưa hề thi hành sứ mạng Thiêng Liêng của họ đã khấn hứa.

Nghĩ vì các chơn linh Bạch Vân Động đã đảm đương phận sự cầm quyền Hội Thánh Ngoại Giao buổi nọ đã thất phận nên Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ và Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn không còn nhìn nhận họ nữa. Chiếu y Thánh Giáo ngày 13-3 Bính Thân (13-4-1956) của Bần Đạo gởi theo đây.

Nghĩ gì Hội Thánh Ngoại Giáo không còn tồn tại nữa và Thánh Thất Kim Biên hôm nay đã điêu linh tan tát mà Bần Đạo đang thừa cơ có mặt nơi đây  chỉnh đốn mọi điều hầu cho hai Đấng ấy trở lại cầm quyền của Đạo nơi Hội Thánh Ngoại Giao, nên:

THÁNH LỊNH

Điều thứ nhứt.-Các Chức Sắc, dầu lớn, dầu nhỏ, đã thọ phong nơi Hội Thánh Ngoại Giáo Kim Biên buổi nọ phải đặng thâu hồi lại nơi địa phương của họ là Kim Biên Tông Đạo.

Điều thứ hai.-Từ đây các Chức Sắc ấy không còn quyền đảm nhận một phận sự chi của Hội Thánh Cửu Trùng Đài giao phó cho tới ngày Hội Thánh Ngoại Giáo quyết định số phận của họ.

Điều thứ ba.-Kể từ ngày ban hành Thánh Lịnh nầy, kỳ một hạng lệ là một tháng rưỡi, cả Chức Sắc ấy phải có mặt ở Kim Biên Tông Đạo đặng hiệp đại hội của Hội Thánh Ngoại Giáo mà định phận sự với họ.

Hễ quá thời hạn thì Hội Thánh Ngoại Giáo không còn kể họ là Chức Sắc Thiên Phong nữa.

Điều thức tư.-Hiến Pháp, Bảo Thế Hiệp Thiên Đài, ba vị Chánh Phối Sư Hội Thánh Cửu Trùng Đài, Chưởng Quản Nam Nữ Hội Thánh Phước Thiện và toàn ban Kỳ Lão Chưởng Quản Phạm Môn, lãnh thi hành Thánh Lịnh nầy.

Kim Biên, ngày 28-7-Bính Thân (2-9-1956)

Hộ Pháp

(ký tên đóng dấu)

  

 (Tài liệu do Hai Nhân tặng)

 

 

15. TÌM HIỂU VỀ NGUỒN GỐC CỦA LOÀI NGƯỜI

        Nếu kể Thượng Nguơn bắt đầu khởi thỉ, nghĩa là từ ngày tạo lập thế giới, thi Kinh Trường A Hàm có cho biết đại khái như vầy: Khi thế giới biết đến thời kỳ Kiếp Hoại thì có xảy ra Đại Tam Tai. Trước hết là hỏa tai nổi lên đốt cháy cõi Trời Sơ Thiền. Cứ 7 lần hỏa tai thì có một lần thủy tai làm ngập hư đến cõi Trời Nhị Thiền. Lại hễ có 7 lần thủy tai thì có một lần phong tai nổi lên làm hư cõi Trời Tam Thiền.

Kể ra có 56 lần Đại hỏa tai làm hại cõi Trời Sơ Thiền, 7 lần đại thuỷ tai phá sụp cõi Trời Nhị Thiền và một lần đại phong tai làm hư nát đến cõi Trời Tam Thiền.

Các đại tai ấy xảy ra suốt 20 tiểu kiếp của kiếp hoại. Sau khi thế giới bị phá vỡ, giữa hư không chỉ còn một cõi trời mờ mờ mịt mịt đầy những vi trần mà khoa học gọi là tinh vân (Nébuleuge), còn Nho Giáo gọi là Càn Khôn Hổn Độn. Đó là thời kỳ của Kiếp Không. Thờ kỳ nầy kéo dài trong 20 tiểu kiếp.

Sau kiếp không là đến Kiếp Thành. Ở giữa cõi trống không kia, có trận phong luân nổi lên thổi các vi trần ấy gom lại, nhào trộn lẫn nhau làm thành một khối. Hiệp với Thủy Luân, trận gió ấy thổi thành một quầng Mani quả luân hun đúc rèn luyện khối vi trần ngày thêm cứng rắn, cho đến khi thành Địa Luân thì lửa Mani kia mới diệt.

Gió thổi nước xao, trộn lộn như thế trong suốt 20 kiếp mới đến Kiếp Trụ. Chính trong thời kỳ nầy Nho Giáo chủ trương: Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng…

Bấy giờ thế giới đã thành nhưng không có loài người, vì tam tai của kiếp hoại đã tiêu diệt hết từ cõi Trung Giới (Nhị Thiền) xuống cho đến tận cõi Địa Ngục.

Khi mới thành lập, mặt đất sanh ra một chất địa vị, mùi rất ngon ngọt phóng ra ánh sáng chiếu lên thấu tận Trung Giới. Những Thiên Nhân ở các cõi Trời Sắc Giới khi hưởng tận phước báu phải lìa bỏ cõi Phạn Thiên, thấy ánh sáng của trái đất thì cùng nhau kéo xuống xem cho biết. Gặp chất địa vị họ nếm thử thấy thơm ngon thì mê thích. Từ đó thân thể của họ, vì ăn nhiều địa vị nên trở nên nặng nề. Do đó họ mất cả thần túc thông, không còn trở lại cõi Trời được nữa.

Nguồn góc của loài người bắt đầu từ đó.

(Trích trang 20 Đời Hạ Nguơn của Vương Kim)

……

Sự giải thích nầy không đúng lắm so với các bài Thánh Giáo của Đạo Cao Đài giải thích về vũ trụ mà chúng ta từng biết, nhưng nhìn ở một góc độ nào đó cũng đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Còn dưới đây là giải thích về nguồn gốc loài người của Đạo Thiên Chúa trong mục SÁNG THẾ KỶ:

Đức Chúa Trời dựng nên trời đất:

Ngày thứ nhứt: sanh ngày và đêm.

Ngày thứ hai: sanh Trời để phân nước với khoảng không.

Ngày thứ ba: sanh đất và đất sanh cây cỏ.

Ngày thứ tư: sanh Nhựt Nguyệt và Sao.

Ngày thứ năm: sanh chim cá, súc vật, côn trùng, thú rừng.

Ngày thứ sáu: sanh loài người đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng.

Ngày thứ bảy: đặt là ngày Thánh vì trời đất, nhơn vật đã dựng xong rồi.

Thiết lập lễ hôn nhân. Sanh Adam  và Eva, Chúa nói người Nam phải lìa bỏ cha mẹ mà dính líu cùng vợ mình. Từ đó sanh Carin, A Bên, Sêt làm tổ tiên loài người.

 

 

16.CÁC VỊ TỔ SƯ CỦA THIỀN  TÔNG ẤN ĐỘ VÀ TRUNG HOA

28 vị Tổ Sư của Ấn Độ:

1.Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyappa)

2.A-Nan-Đà (Anansa)

3.Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa)

4.Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta)

5.Đề Đa Ca (Dhrtaka)

6.Di Già Ca (Mikkaka)

7.Phật Đà Nam Đề (Buddhanadi)

8.Ba Tu Mật Đa (Vasumitra)

9.Ba Tu Mật Đa (Vasumita)

10.Hiếp Tôn Giả (Passva)

11.Phúc Na Gia Xá (Punyasas)

12.Mã Minh Đại Sĩ (Asvaghsa)

13.Ca Tỳ Ma Ha (Kapimaha)

14.Long Thọ Đại Sĩ (Nagarjuna)

15.Ca Na Đê Bà (Kanadeva)

16.Ra Hầu La Đa (Rahulata)

17.Tăng Già Nan Đề (Sanghanand)

18.Ca Gia Xá Đa (Gayasata)

19.Cưu Ma La Đa (Kumarada)

20.Xà Dạ Đa (Jayata)

21.Thế Thân Bồ Tát (Vasubandhu)

22.Ma Noa La (Manorhita)

23.Hạc Lặc Na (Haklena)

24.Sư Tử Tôn Giả (Aryasimba)

25.Ba Xá Tư Đa (Basiasita)

26.Bất Như Mật Đa (Punyamita)

27.Bát Nhã Đa La (Prajnatara)

28.Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma)

 

6 Vị Tổ Sư Ở Trung Hoa

1.Bồ Đề Đạt Ma (……..-536)

2.Huệ Khả (……-593)

3.Tăng Xáng (……-606)

4.Đạo Tín (580-651)

5.Hoàng Nhẫn (610-674)

6.Huệ Năng (638-713)

(Trích quyển Triết Học Zen của Thích Thiên Ân)

Đạt Ma Tổ Sư là con vua nước Hương Chí, Hoàng Tử thứ 3, xuất gia tu học lúc nhỏ với Bát Nhã Đa La Tôn Giả, nhứt tâm niệm tu theo phép tọa thiền. Vào Trung Hoa vào năm 520 đến Nam tỉnh Quảng Đông, vượt sông Dương Tử và đất nước Ngụy tu tại chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn. Tịch năm 528 tại Lạc Dương vào ngày 15-10 Âm Lịch. Thiền Trung Hoa và Nhựt Bổn đều lấy ngày lành ấy là ngày kỵ của phái Thiền.

Huệ Khả là vị Tổ Sư thứ hai của Phái Thiền ở Trung Hoa, Ngài là người của tỉnh Lạc Dương ở vào thời Nam Bắc triều. Lúc mới đi xuất gia, Ngài có hiệu là Thần Quang, về sau đổi là Tăng Khả rồi đến Huệ Khả.

Ngài Huệ Khả đi xuất gia theo học với Ngài Bảo Tịnh ở núi Hương Sơn và thọ giới cụ túc ở chùa Vĩnh Mục. Sau khi thọ giới cụ túc xong Ngài phát tâm đồ tham cầu Phật Pháp với nhiều vị danh tăng ở thời ấy. Vào khoảng 41 tuổi tức là năm 520 (đời Bắc Ngụy) tháng 12 Ngài đến chùa Thiếu Lâm ở núi Tùng Sơn cầu Đạo với Ngài Bồ Đề Đạt Ma (Sư Tổ của phái Thiền ở Trung Hoa). Ngài đứng ngoài sân, đến khi tuyết phủ đầy mình mà không được Ngài Đạt Ma cho vào bái yết. Ngài liền chặt cánh tay phải quăn vào để tỏ chí hy sinh cầu Đạo. Do đó Ngài Bồ Đề Đạt Ma cho vào làm môn đệ. Trải qua 6 năm chuyên tìm tu học, sau Ngài được Thầy truyền cho tâm ấn và giao phó trách nhiệm làm Đệ Nhị Tổ. Ngài thị tịch vào ngày 16-3- năm 593 (đời Tùy) hưởng thọ 107 tuổi.

Về sau vì cảm mộ Đạo hạnh và công đức truyền bá thiền học của Ngài là Chánh Tôn Phổ Giáo Đại Sư, rồi vua Đức Tôn lại sắc phong cho Đại Tổ Thiền Sư.

Tăng Xáng là vị Tổ Sư thứ 3 của Phái Thiền Trung Hoa. Sùng Đạo từ thuở nhỏ và đã phát tâm xuất gia cầu Đạo với Ngài Huệ Khả ở Đông Ngụy. Về sau vì gặp nạn “Phá Phật”  (574) ở Bắc Châu nên Ngài cũng đã cùng với Thầy vào lẫn tránh ở chùa Sơn Cốc tại núi Hoang Công đất Thủ Châu tỉnh An Trưng. Sau khi được truyền tâm ấn, Ngài từ tạ Thầy đến núi Từ Không tu tập và truyền bá phương pháp thiền định cho đồ chúng. Ngài trụ trì ở núi Từ Không được 24 năm và sau đi truyền tâm ấn cho Ngài Đạo Tín. Trở lại núi Hoàng Công và tịch năm 606. Có soạn được bộ sách “Tín Tâm Minh” là một thơ vật quí báu được dịch Anh, Đức ngữ.

Đạo Tín tu ở núi Phá Đầu huyện Hoàng Mai tỉnh Hồ Bắc. Từ Nhứt Tổ đến Tam Tổ thì Đạo Phật còn ít, cứ giữ thanh bần thì Đạo nhứt y nhứt bát không định trú chỗ, không ngự một nơi hai đêm. Đến Đạo Tín đồ chúng gần 1.000 người, tư tưởng hướng về xã hội, sự nghiệp, cũng như tổ chức tập đoàn, kỹ luật tập đoàn. Sau khi được truyền tâm ấn của Tăng Xáng đi hóa Đạo ở Cát Châu Cửu Giảng rồi trụ trì tại chùa Đại Lâm ở núi Lô Sơn. Vua Thái Tôn 3 lần cho triệu thỉnh vào cung  thuyết Đạo, Ngài từ chối. Rồi trụ trì ở núi Song Phong 30 năm và độ hơn 500 người. Tịch năm 651.

Hoàng Nhẫn hay Hoàng Mai xuất gia lúc 7 tuổi theo Đạo Tín học Đạo 30 năm ở núi Bằng Mẫu. Đệ tử có hơn 700 người trong đó Huệ Năng và Thần Tú là hai vị ưu tú nhất.

1.-Thần Tú (606-706) thông minh tài trí, từ nhỏ rất am tường Nho Học nhứt là về tư tưởng Lão Trang, về sau chuyên học theo Phật Giáo. Năm Ngài 50 tuổi học với Hoàng Nhẫn 6 năm. Sau làm Pháp chủ 2 tỉnh Trường An và Lạc Dương, cũng làm Quốc Sư cho 3 đời vua là Võ Hậu, Trung Tôn, và Duệ Tôn ở đời Đường. Có viết nhiều sách, trong đó Quán Tâm Luận là có giá trị nhất.

2.-Huệ Năng (638-703) mồ côi cha từ lúc nhỏ, nhà rất nghèo, đốn cũi nuôi mẹ. Không biết chữ nên vào chùa học Đạo lãnh phần giã gạo.

Khi Hoàng Nhẫn gần tịch  có cho lịnh 700 đệ tử mỗi người làm một bài kệ diễn tả tư tưởng và chỗ sở tu sở ngộ của mình. Bài của Thần Tú được xem xuất sắc nhất.

Thân thị Bồ Đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Mạc sử nhạ triềm ai.

Nghĩa là:

Thân như cây Bồ Đề,

Tâm như đài gương sáng.

Ngày đêm thường lau sạch,

Đừng để nhiễm trần ai.

Mọi người đều nhiệt liệt tán thưởng thì Huệ Năng (lúc đó còn là chú tiểu giã gạo) tỏ vẻ thản nhiên không có gì thán phục. Khi đêm khuya, lúc mọi người đang ngủ, Huệ Năng nhờ người đề vào vách  bài kệ sau đây:

Bồ Đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệt phi đài.

Bổn lai vô nhứt vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Nghĩa là:

Bồ Đề vốn không cây,

Gương sáng đâu có đài.

Xưa nay không một vật,

Lấy gì nhiễm trần ai.

Sau khi xem bài kệ, Ngũ Tổ hiểu rõ căn tánh vượt chúng siêu quần của đệ tử, nên trong đêm ấy truyền tâm ấn, trao y bát cho Huệ Năng để kế thừa Tổ Đạo. Từ đó thiền thuộc Nam Tông được triển khai khắp nước Tàu. Dựa vào hai bài kệ ta thấy lối thiền của Huệ Năng là lối đốn ngộ diệu tu, còn thiền của Thần Tú là lối tu tiệm ngộ. Do đó các học giả thường dùng danh từ “Nam đốn Bắc tiệm”. Nhựt Bổn chịu ảnh hưởng của Nam Tôn tức của Lục Tổ Huệ Năng.

 

 

17. DUYÊN KHỞI LUẬN CỦA PHẬT

        Một hôm Đức Phật đang ở vườn lạc âm trong nước Duy-giala, có một bà già nghèo khổ đến bạch rằng: “Sanh, Lão, Bệnh, Tử, 4 điều khổ ấy từ đâu mà lại và rồi đi về đâu?”

Phật đáp: “Sanh, Lão, Bệnh, Tử không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Cho đến lục thức, lục căn, ngũ đại các thứ ấy không từ đâu đi đến và cũng không đi về đâu cả. Ví như hai khúc gỗ cọ nhau bị bật lửa ra, lửa trở lại đốt khúc gỗ, gổ cháy hết thì lửa tắc. Các Pháp cũng vậy do nhân duyên hội hợp mà thành, nhân duyên ly tán mà hoại, không từ đâu đến và cũng không đi về đâu cả”.

Như thế sự sanh khởi của vũ trụ vạn hữu chẳng qua là do nhân duyên hòa hợp mà nhà Phật gọi là Duyên Khởi. Về duyên khởi luận, trong nhà Phật có mấy thuyết đại khái như sau:

a.-Thuyết nghiệp cảm duyên khởi nhận rằng: Các nhân do làm cho vũ trụ sanh khởi là nghiệp lực của chúng sanh cảm ứng mà ra cả. Từ vô thỉ, chúng sanh do một niệm tưởng mê mờ mà sanh ra các hoặc, hoặc tạo ra nghiệp, nghiệp dẫn đến khổ quả. Ba con đường: Hoặc, Nghiệp, Khổ ấy luân chuyển và làm nhân quả cho nhau, diễn ra cuộc luân hồi sanh tử không bao giờ dứt. Ta có thân hiện nay là do nghiệp tạo ra ở đời trước, cũng như các thân ở kiếp sau là kết quả của các nghiệp của thân quá khứ và hiện tại tạo nên.

b.-Thuyết A-Lai-Da duyên khởi nhận rằng: vũ trụ vạn hữu đều do A lại da, tức là thức thứ 8 biến hiện ra. A lại da có nghĩa là tàng thức chứa đựng hột giống của vạn pháp. Đặc tánh của thức A lại da là cầm giữ và huân tập (xông ướp) hột giống của Pháp. Một khi hạt giống gieo vào tàng thức thì nó triển chuyển và làm nhân quả cho sự sanh tử luân hồi. Hành động hay nghiệp của ta cũng như các hiện tượng ngoại chuyên gieo hột giống vào tâm thức. Hột giống ấy dẫn khởi các hành động hay nghiệp mới và cứ như thế luân chuyển mãi mãi. Xem đó thực Alaida là căn bản của hiện tượng giới vạn pháp đều do một thức Adai la duyên khởi.

c.-Thuyết chân như duyên khởi nhận rằng: vũ trụ vạn hữu là do chân như biến hiện sanh khởi. Chân như là thực thể bình đẳng, vô thỉ vô chung, chẳng tăng chẳng giảm. Nhưng gì duyên theo nhiễm tịnh mà sanh ra các pháp. Khi duyên theo nhiễm thể thì hiện ra các tướng lục Đạo, các duyên theo tịnh thể thì vượt qua cửa tứ tánh. Do đó có 3 Pháp:

1.-Thể chân như; 2.-Tướng sanh diệt; 3.-Dụng nhân duyên.

Thể chân như là nhân, nhân dùng duyên làm duyên, nhân sanh ra tướng, tướng sanh ra diệt. Tướng sanh ra diệt tức là thức A lai da hiện hành vậy. Như thế tức A lai da là do chân như sanh ra, nghĩa là tất cả Đạo pháp đều do chân như duyên khởi.

d.-Thuyết pháp giới duyên khởi nhận rằng: Tất cả các pháp trong pháp giới, nào hữu vi, vô vi, nào sắc pháp, tâm pháp, nào y báo chánh báo, quá khứ vị lai đều thành một cái duyên khởi lớn chớ không có một pháp nào đơn lập, cho nên một Pháp thành ra hết thảy các pháp và tất cả các pháp khởi ra một phép, nó vẫn nương tựa lẫn nhau, thành tựa lẫn nhau.

e.-Thuyết lục đại duyên khởi nhận rằng: Sáu pháp đại (đất), thủy (nước), hỏa (lửa), phong (gió), không (hư không), thức (ý thức) bao hàm tất cả pháp giới và tạo ra các loài hữu tình và vô tình vốn là Đại Nhật Như Lai hiển hiện ra. Cho nên Phật và chúng sanh cho đến hết thảy các Pháp đều là Đại Nhật Như Lai và hằng ra quốc độ, chẳng cõi nào là chẳng phải Mật Nghiêm Tịnh Độ của Đại Nhật Như Lai.

Nói tóm lại dầu danh từ có khác, các thuyết nói trên đều nhận rằng tất cả các sự vật ở thế gian đều do các nhân duyên hội hợp mà sanh ra. Đức Phật có nói: “Do cái nầy có cho nên cái kia có, cái nầy sanh cho nên cái kia sanh, do cái nầy không, cho nên cái kia không, cái nầy diệt cho nên cái kia diệt”.

Thật là một sự nhận thức rất hợp lý, phá tan mọi vũ trụ quan xây dựng lên  lý siêu hình và thần ngã đã có từ trước.

(Trích trang số 100-102 Đời Hạ Nguơn của Vương Kim)

 

 

18. MƯỜI HAI  THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA

        Trong Tân Ước loại mới trang số 10 có ghi danh sách 12 vị Thánh Tông Đồ của Chúa Jesus như sau:

“Kế đó Chúa gọi 12 Thánh Tông Đồ đều đến, ban quyền phép trừ tà ma với chữa mọi thứ tật bệnh. Đứng đầu:

1.-Si-mon cũng gọi là Phérô (Pierre)

2.-An-ré là anh Si-mon.

3.-Gia-co-bê, con Giê-bê.

4.-Gio-an, em Gia-co-bê.

5.-Phi-líp

6.-Bat-tô-lôm

7.-Tô-ma

8.-Gia-co-bê, con An Phê và Tađêu

10.-Si-mon

11.-Ca-nan

12.-Giu-đa Ich-ca là kẻ nạp Ngài.

 

Trong Đạo Cao Đài có Thập Nhị Thời Quân là 12 chơn linh nói trên giáng trần với danh sách như sau:

1.-Bảo Pháp:      Nguyễn Trung Hậu

2.-Hiến Pháp:     Trương Hữu Đức

3.-Khai Pháp:     Trần Duy Nghĩa

4.-Tiếp Pháp:     Trương Văn Tràng

 

5.-Bảo Đạo:        Ca Minh Chương

6.-Hiến Đạo:      Phạm Văn Tươi

7.-Khai Đạo:      Phạm Tấn Đải

8.-Tiếp Đạo:       Cao Đức Trọng

 

9.-Bảo Thế:        Lê Thiện Phước

10.-Hiến Thế:    Nguyễn Văn Mạnh

11.-Khai Thế:    Thái Văn Thâu

12.-Tiếp Thế:     Lê Thế Vĩnh

 

Chúng ta chỉ biết Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa là chơn linh của Simon hay Phéro (Pierre); Ngài Tiếp Đạo Cao Đức Trọng là chơn linh của Giu-đa. Còn các vị kia thì chưa tiết lộ.

 

 

    19.TU THÂN XỬ THẾ CỦA LÃO TỬ

Lão Tử chủ trương “bất tranh” (không tranh chấp), “Tri túc” (biết đủ), dùng yếu thắng mạnh, nhu thắng cang), giữ tánh như nước.

Trong Đạo Đức Kinh nơi chương 8, Lão Tử có viết: “Người thiện sáng như nước, hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh chấp. Mọi người đều chán ghét chỗ đất thấp, nhưng kẻ thượng thiện lại thích ở; do cái tánh mềm như nước ấy mà tiếp cận với Đạo. Nhờ ở nơi đất lành, như nước ở đất thấp nên tâm chí mới xấu xa, giao du với người nhân ái, nói ra người tin dùng, chấp chưỡng hay, việc tận sở năng cử động hợp thời cảnh. Chỉ vì không tranh chấp, cho nên mới không có lầm lỗi.

Đã không lầm lỗi mà còn hòa đồng với mọi người, không phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ sang người tiện. Tuy tỏ ra mềm yếu như nước nhưng nhờ ở nhu hòa mà yếu thắng được mạnh, mềm thắng được cứng, nhờ an hưởng thủ phận, biết sống đủ nên tư tri (biết mình), tự thắng (thắng được mình), tự túc (tự mãn với điều mình có).

Về phương diện chánh trị, Lão Tử chủ trương thuyết vô vi nhi trị (không hành động mà nước trị dân an. Sở dĩ nước không trị, dân không an là vì người đời quá chú trọng tới hình thức hữu vi, bày ra những ân với oán, những thưởng với phạt, pháp luật binh đao vô cùng phiền nhiễu. Bởi cơ thi ân đức của nhà cầm quyền cho nhân dân mới khốn nạn. Bởi kiến lập uy quyền cho nên nhân dân mới có kẻ trốn tránh, luật pháp càng nghiêm thì người phạm càng lắm, hiệu lịnh càng nhiều thì nhân dân càng chẳng tuân thủ.

Lão Tử nói rằng: “Lấy điều chánh sửa trị nước, lấy quyền mưu quỉ tà dụng binh thì chỉ giải được nước chớ không thủ được thiên hạ. Ta há chẳng biết điều ấy ư! Thử nghịch hành thuyết vô vi, sẽ thấy thiên hạ càng nhiều khổ nạn; chẳng được ở yên cho nên nhân dân phải sắm lợi khí để tự vệ; lợi khí càng nhiều thì quốc dân càng loạn. Vì tự vệ nên nhân dân đua nhau chạy theo kỹ xảo, mà hả càng nhiều kỹ xảo thì trí ngụy tà sự càng khởi lên. Quốc gia phải dùng pháp lịnh để hạn chế, mà hễ pháp lịnh càng tỏ rõ thì kẻ Đạo tặc phạm pháp càng nhiều.

Thế nên Thánh nhân nói rằng: “Ta vô vi mà dân tự hóa, ta hiếu tỉnh mà dân được ngày chánh, ta vô vi mà dân tự giàu, ta vô dục mà dân tự trở lại thuần phục”.

Diệu dụng của thuyết “ vô vi nhi trị” là như thế ấy. Lão Tử muốn phục hồi cái xã hội mà con người sống yên tỉnh dưới thời thạnh đức của các bậc hiển triết Thánh nhơn. Người thời xưa tánh tình thuần phát, ít nói, ít làm, nhưng nội tâm rất linh tri linh giác, thể nhập với Đạo chân thường hòa điệu với nguyên lý vũ trụ.

Cái xã hội mà Lão Tử hằng mơ tưởng là cái xã hội “Nước nhỏ dân ít thì khiến dân có khí cụ gấp mười gấp trăm mà chẳng dùng hết, khiến dân xem trọng sanh mạng mà chẳng dời đi xa. Tuy có xe thuyền mà cũng không chỗ nào chuyên, tuy có binh giáp cũng không có nơi nào bố. Như thế thì không có sự giao thiệp hay chiến tranh giữa các nước. Dân trở lại cùng phương pháp thắc gút chớ không dùng văn tự, cam lòng với miếng ăn, đẹp với thứ mặc, yên với chỗ ở, vui với phong tục. Cho nên dân các nước láng giềng có thể trông thấy nhau, tiếng gà gáy chó sủa giữa đôi bên đều nghe rõ, sống đến già chết cũng chẳng qua lại nhau.

Đọc Lão Tử, học giả Tây Phương có kẻ cho thuyết  vô vi là tiêu cực, nhưng nếu có đặt sự an vui lên tiêu chuẩn cho hạnh phúc con người mới thấy thấy đời sống vô vi nội tỉnh của người thời xưa là thanh cao siêu thoát.

(Trích trang 93-96 Đời Hạ Nguơn của Vương Kim)

 

 

20. LỄ AN VỊ BỬU ẢNH NGÀI ĐẦU SƯ THÁI THƠ THANH

        Trong dịp lễ an vị bửu ảnh Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh tại Nam Đầu Sư Đường ngày 20-11-Qúi Sửu (1973), Ngài Phối Sư Thái Bộ Thanh có đọc bài diễn văn, nguyên bản như sau:

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện

Kính Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài

Kính Ngài Thượng và Ngọc Đầu Sư

Kính chư Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu lưỡng phái.

Kính quí liệt vị,

Thật vinh hạnh trong cuộc lễ cung nghinh và an vị bửu ảnh của cố Đầu Sư Thái Thơ Thanh, hôm nay có cả Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện tham dự với đầy đủ Chức Sắc, Chức Việc và bổn Đạo lưỡng phái.

Thiết tưởng dầu cuộc lễ có tổ chức long trọng thêm nữa cũng chẳng phải quá đáng đối với công nghiệp vĩ đại của cố Đầu Sư Thái Thơ Thanh. Trái lại Ngài rất xứng đáng được hưởng bất cứ một ân huệ nào, dầu lớn, dầu nhỏ do Hội Thánh dành cho, bởi cơ đồ của Đạo được nguy nga đồ sộ như thế nầy, nếu không có sự đóng góp tích cực của Ngài trong lúc phôi thai thì chắc chắn phải súc kém hơn nhiều.

Ngài Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh sanh trưởng tại Sài Gòn năm 1873 trong một gia đình thế phiệt trâm anh. Ngài đắc phong Thái Chánh Phối Sư trong những ngày đầu mới khai Đạo và được vinh thăng quyền Đầu Sư sau mấy năm kế tiếp. Chính Ngài mượn chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) để làm trụ sở mở Đạo. Phải người nào khác chưa hẳn đã được toại ý, bởi mượn chùa Phật để mở Đạo Cao Đài là điều rất khó. Ngài mượn được là vì ngôi chùa Từ Lâm Tự trước kia do tiền của Ngài giúp cất (trong một số tài liệu khác thì nói là tiền của Bà Lâm Hương Thanh), rồi hiến lại cho Hòa Thượng Như Nhãn, do lòng ái mộ Thiền Lâm Phật Giáo của Ngài.

Lúc Đạo vừa được phát triển khả quan, nhà cầm quyền Pháp thời đó dùng áp lực buộc Hòa Thượng Như Nhãn đòi chùa lại. Chính Ngài cùng Đức Cao Thượng Phẩm dạy đi tìm đất theo Thánh Giáo chỉ dẫn của Đức Lý Giáo Tông và cũng chính Ngài xuất tiền ra mua.

Khoảnh đất 100 mẫu đẩt xây Đền Thánh cùng các cơ sở nội ô ngày nay, luôn cả vùng đất Cựu Lạc hơn 80 mẫu hiện bổn Đạo đang ở và có phần làm nghĩa địa an táng Chức Sắc, bổn Đạo, Sĩ Quan và binh sĩ Quân Đội Cao Đài đều do tiền của Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh đài thọ. Sau nầy con gái của Ngài, nữ Giáo Sư Hương Hương đã hiến luôn phần đất cực lạc cho Hội Thánh.

Điều đáng lưu ý là buổi đó, gặp thời kinh tế khủng hoảng, tiền bạc đã mắc lại càng khó kiếm, Ngài không nệ tốn kém, luôn luôn vui vẻ tài trợ để cho Đạo mua sắm để phá rừng khai hoang, vì lúc bấy giờ chung quanh Tòa Thánh toàn là rừng cấm. Bổn Đạo khai phá tới đâu, Ngài đặt tên đường tới đó.

Lúc thiếu thời nhờ theo Nho văn, lớn lên thêm Tân học, Ngài có kiến thức rộng rãi. Ngài đặt tên đường danh từ nghe rất hay, lại thuần túy tôn Giáo, chẳng hạn như: Bình Dương Đạo, Oai Linh Tiên ở Nội Ô; đường Quan Âm Cát, Long Nữ Điện, Phước Đức Cù v.v…ở ngoại ô Thánh Địa. Ngoài ra Ngài còn hiến cho Hội Thánh 10.000 Thánh Tượng Ngũ Chi thứ lớn nhất thời xưa để phân phát cho bổn Đạo thờ.

Xét ra công trình của Ngài Thái Thơ Thanh rất vĩ đại; ngoài đời là Tri Huyện, trong Đạo là Thái Đầu Sư, luôn luôn đặt ra tâm thành trí vẹn, đóng góp công lao tài sản để phát huy nền chơn Giáo của Đức Chí Tôn, mãi đến ngày 21-7 Canh Dần (1950) Ngài liễu Đạo qui thiên, hưởng thọ 77 tuổi. Tuy vân cỡi bỏ xác trần, danh thơm của Ngài vẫn lưu muôn thuở và bia tạc sử Đạo.

Kính thưa quí Ngài,

Kính thưa quí Liệt vị.

Lễ thỉnh bức ảnh và an vị thờ Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh tại Đầu Sư Đường để thiên thu tế tự, Hội Thánh tổ chức long trọng và trang nghiêm như thế nầy là điều rất thích đáng hợp lý, để tỏ lòng tri ân một Chức Sắc Đại Thiên Phong dày công hạng mã, đem cả tinh thần trí não đóng góp rất nhiều công lao tài sản để đẩy mạnh con thuyền từ của Đức Chí Tôn trong những bước đầu của Kỳ Ba Phổ Độ nầy.

Tôi rất mừng và thành tâm cầu nguyện cho Ngài Thái Đầu Sư Thái Thơ Thanh được cao thăng thiên vị. Tôi cũng thành thật chia vui cùng gia đình quí quyến của Ngài.

Tôi thay mặt Hội Thánh Cửu Trùng Đài xin có lời tri ân Hội Thánh, Ngài Hiến Pháp và tất cả Chức Sắc, Chức Việc và bổn Đạo nam nữ đã nhín thời giờ quí báu đến tham dự, lễ bái, giúp cuộc lễ thêm phần long trọng.

Nay kính

Đầu Sư Thái Bộ Thanh

 

 

 

    21.THÁNH GIÁO ĐỨC CHÍ TÔN NHẮC TỚI CÁC ÔNG TRANG, THƠ, TƯƠNG

Báo Ân Đường Kim Biên ngày rằm tháng 9 Bính Thân (19-10-1956)

Phò Loan:

Hộ Pháp, Hồ Bảo Đạo

THẦY CÁC CON

Thầy ban ơn cho các con, ngồi kiết tường.

Thầy đến cốt để chuyện vãng cùng Hộ Pháp, nó muốn hỏi Thầy.

Con Tắc! con hôm nay đã lão thành niên trưởng, con thấy rõ rằng Thầy chưa hề thất hứa với con. Thầy chỉ cám cảnh một điều là con cô đơn thế mỏng, khi các anh con đã lần lược về cùng Thầy. Con không nên lầm tưởng như thế, vì chúng nó không buổi nào gần con.

Nhất là TRANG, THƠ, TƯƠNG ân hận, Thầy rất nên tội nghiệp. Thầy thấy chúng nó hổ thẹn phận mình không trọn Đạo. Kỳ hội Ngọc Hư vừa qua, nhiều đứa tình nguyện tái kiếp, nhưng Thầy chưa quyết định.

Thầy thấy Đạo bành trướng lớn lao chừng nào, dòm lại thân phận của đám nhỏ Hiệp Thiên Đài càng thêm lo lắng tương lai của chúng nó, dầu rằng Thầy đã hiểu rõ mạng căn kiếp số của mỗi đứa, mang thi hài xác tục, mê muội thế tình, chưa phân biệt trọng khinh kiếp sống; chúng biết đâu hình phạt Thiêng Liêng nghiêm khắc, e phẩm vị Thầy đã ban sẽ thành bánh vẽ.

Thầy đau đớn thấy Ngọc Hư Cung chuyển Pháp.

-Tắc !

-Dạ !.....

-Thầy cậy con một điều là thoản như Thiên Thơ biến chuyển cất ngôi vị chúng nó thì con tiếp tay cùng Thầy xin ân xá.

Con nên cho chúng nó rõ điều ấy.

-Hộ Pháp bạch…….

-Thảm!.......

Thăng

     Viết xong ngày 22-1-Qúi Hợi (1983)

QUANG MINH

(Xin xem tiếp Quyển XII)

                                                                                                         

MỤC LỤC:

1.   TẠI SAO TA NIỆM PHẬT A DI ĐÀ

2.   LUẬT NHÂN QUẢ (Loi de causalité)

3.   ĐỪNG LO TRỜI ĐẤT SẬP

4.   TÌM HIỂU THÊM CHUYẾN ĐI BẾN HẢI

5.   LƯƠNG TÂM TRÁCH VỤ VÀ LƯƠNG TÂM CHỨC NGHIỆP

6.  ĐỨC PHẬT DI LẠC GIÁNG CƠ

7. THÁI TỬ VÀO MIỆNG CÁ

8. CHÚC XUÂN ĐỨC HỘ PHÁP

9.TRƯỜNG CÔNG QUẢ

10. ĐỨC HỘ PHÁP GIÁNG CƠ CHO NGÀI BẢO THẾ BÀI THI

11.VÌ HIẾU QUÊN THÙ

12. BỨC THƠ CỦA ĐỨC CAO THƯỢNG PHẨM GỞI CHO ÔNG THÁI THƠ THANH (17-9-1928)

13. CÔNG VĂN CỦA NGÀI BẢO ĐẠO HỒ TẤN KHOA NHẮC NHỠ VỀ VIỆC HÀNH ĐẠO (1982)

14. THÁNH LỊNH SỐ 85/HP.HN

15. TÌM HIỂU VỀ NGUỒN GỐC CỦA LOÀI NGƯỜI

16. CÁC VỊ TỔ SƯ CỦA THIỀN TÔNG ẤN ĐỘ VÀ TRUNG HOA

           17. DUYÊN KHỞI LUẬN CỦA PHẬT

           18. 12 THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA

           19. TU THÂN XỬ THẾ CỦA LÃO TỬ

           20. LỄ AN VỊ BỬU ẢNH NGÀI ĐẦU SƯ THÁI THƠ THANH

           21.THÁNH GIÁO ĐỨC CHÍ TÔN NHẮC TỚI CÁC ÔNG TRANG, THƠ, TƯƠNG

 

Top of Page

      HOME