GÓP NHẶT CHUYỆN ĐẠO

 

Quyển I

 

MỤC LỤC:
1.NỀN ĐẠO LỚN NHẤT THẾ GIỚI “ĐẠO Ờ HÉ”
2.VÔ TÂM SÁT MẠNG, CÓ TỘI KHÔNG ?
3.ĐỒ ĐỆ THỨ MƯỜI TÁM
4.NHƠN ĐẠO VÀ THIÊN ĐẠO
5.TRÒ HƠN THẦY
6.TẠI SAO ĐẠO CAO ĐÀI MẶC ĐỒ TRẮNG
7.TẬN ĐỌA TAM ĐỒ LÀ SAO ?
8.HƯ VÔ LÀ GÌ ?
9.CẨN NGÔN, CẨN HẠNH
10.CON MANG VÀO TÒA NỘI CHÁNH
11.CAO ĐÀI SƠ GIẢI
12.LỄ THẢ KHÁCH PHẠM (Việt Minh)
13.QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI CÓ BỊ TRÍCH ĐIỂM KHÔNG ?
14.THANH BẦN LẠC ĐẠO
15.BÃI BỂ BAN MAI
16.ĐỒ VƯƠNG LÀ TƯ DỤC

 

17.NÊN ĐỂ, HƯ BỎ
18.KHỔNG LÃO GẶP NHAU
19.LỜI TRỐI CỦA KẺ PHI PHÀM
20.APOTHÉOSE (Hiển Thánh)
21.DUYÊN AI NẤY GẶP
22.VẤN ĐẠO ĐỨC HỘ PHÁP
23.TIÊN TRI NGÀY GẦN THÀNH ĐẠO
24.NGÀY SÓC-NGÀY VỌNG
25.NẰM MỘNG ĐƯỢC THI TIÊN
26.LẤY ẾM Ở KHỔ HIỀN TRANG
27.GIẢI TỬU
28.THỜI GIAN-THEO BÀI THUYẾT ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ PHÁP
29.LONG TU PHIẾN
30.PHẤT CHỦ
31.PHẬN SỰ CỦA HIỆP THIÊN ĐÀI
32.ÔNG PHƯỚC TƯỜNG THUẬT TIỆC ĐÃI BAN NHÀ THUYỀN CỦA ĐỨC HỘ PHÁP TẠI BÁO ÂN TỪ- ngày 12-6-Qúi Tỵ (1953)

 

LỜI TỰA

Có những câu chuyện hoặc bằng hành vi, hoặc viết bằng văn xuôi, hoặc bằng văn vần hay Thánh Giáo, nếu không ghi nhận nó bằng bút mực thì nó sẽ vì thời gian mà quên lãng rất uổng, nên tôi bắt đầu từ nay cố viết nó lại thành một tập để làm tài liệu học Đạo. Lâu lâu xem lại cũng giải khuây trong lúc nhàn rỗi.

Trên bước đường hành Đạo, tôi đã nghe nói hoặc đọc được những gì đáng ghi nhớ tôi sẽ lưu lại cho quí độc giả cùng thưởng thức, có lẻ bổ ích phần nào trên đường tu tiến của chúng ta. Nhứt là những lời vàng tiếng ngọc của Đức Hộ Pháp nó làm kim chỉ nam để chúng ta nhắm cho đúng đường mà lập công bồi đức trao giồi tâm hồn hầu làm phương châm thoát tục.

Khởi viết tại Tòa Thánh ngày 16-7-Canh Thân (1980)

QUANG MINH

 

1.      NỀN ĐẠO LỚN NHẤT THẾ GIỚI “ĐẠO Ờ HÉ”

Một hôm Đức Hộ Pháp từ Trí Huệ Cung ra Đoạn Trần Kiều hóng mát. Ngài thấy lối 10 lính Thánh Vệ có bổn phận canh gác tại đó, Ngài kêu lại đố: “Thầy đố các con, ở thế gian Đạo nào lớn nhứt.”

Kẽ thì nói Đạo Phật lớn nhứt, kẻ thì nói Đạo Thiên Chúa lớn nhứt, người thì nói Đạo Khổng lớn nhứt; Ngài cho là sai hết.

Thôi ! các con không biết thì Thầy xã thai, chỉ có “Đạo Ờ Hé” là lớn nhứt thế giới.

Cả thảy đều ngạc nhiên không hiểu Đạo gì mà tên Đạo Ờ Hé. Ngài giải thích luôn:

Hồi ban sơ, Bần Đạo, Đức Thượng Phẩm và Đức Thượng Sanh xây bàn tiếp Đức Chí Tôn củng các ông vô hình học Đạo thì phần đông cho rằng mê tính dị đoan, làm điều xằng bậy, nhưng dần dần với tính hiếu kỳ họ làm thi hỏi những việc khó giải đáp, những câu đối ế, những bịnh nặng…đều được trả lời thỏa đáng, thuốc của Thần Tiên giáng cơ chữa lành không biết bao nhiêu người, nên rần rần thiên hạ nhập môn theo Đạo.

Chính Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt sau khi được Chí Tôn dẫn độ cũng nói hai chữ “ ờ hé”. Rồi lần lược các Phủ, Huyện cả chủ Thầy Cai, Thông Phán khi được chú giải rành mạch lý Đạo huyền vi cũng thọ giáo với hai chữ “ờ hé”. Các thi sĩ, văn sĩ, sử gia bàn về văn chương kim cổ thảy đều thỏa mãn những khúc chiếc của văn chương mà chấp nhận Ông Trời cũng bằng tiếng “ờ hé”. Dầu khó tánh đến đâu mà đuốc huệ rọi thông được tâm vô minh của họ, họ thấy được ánh sáng Thiêng Liêng họ ngộ Đạo bằng chữ “ờ hé”.

Thật là cái Đạo Ờ Hé là cái Đạo lớn nhứt thế giới vậy.

(Phỏng theo sự tường thuật của Thông Sự Từ Văn Khăm ở Hương Đạo Bá An , Đệ Nhứt Phận Đạo ngày 10-1 Nhâm Tuất 1982)  một trong 10 Thánh Vệ có mặt hôm ấy.

 

2. VÔ TÂM SÁT MẠNG, CÓ TỘI KHÔNG ?

Có Đạo Hữu hỏi Đức Chí Tôn:

Bạch Thầy! Con làm ruộng cày cấy, con sát phạt giết chóc trùng dế, sâu bọ rất nhiều, vậy con có tội không ?

Đức Chí Tôn trả lời bằng 2 câu dưới đây:

Hữu tâm vị thiện, kỳ thiện bất thưởng,

Vô tâm vị sát, kỳ sát bất phạt.

Xin giải thích rằng: có lòng lành mà làm điều thiện thì ắt thiện ấy được thưởng, vì nếu mình làm lành với mục đích được đời khen tặng thì đời đã thưởng rồi, Trời đâu cần thưởng nữa.

Hơn thế nữa mình phải đặt đúng chỗ ban bố cái lành ấy. Tỷ như mình làm Trưởng Khám thấy tội nhơn tội nghiệp thả vài người để làm phước, nhè mình thả thằng cướp của giết người thì cái lành kia nó gây họa cho biết bao nhiêu người bị cướp bóc và chết oan nên nó không được thưởng. Còn mình làm ác mà không có tâm ác, nghĩa là vô tình sát mạng chớ không cố ý sát mạng thì Trời cũng không phạt cái ác vô tình ấy.

Tỷ như mình làm chiến sĩ ra trận phải giết giặc là bổn phận công dân đối với Tổ Quốc. Sự làm ác ấy không có bị phạt vì mục đích nó bảo vệ đồng bào mình khỏi ách thống trị của kẻ mạnh, nó có khi được thưởng mà chớ. Luật pháp phàm cho phép (droil de défense légitime) thì luật Thiêng Liêng không bắt tội.

Như vậy cái thưởng và cái phạt của Trời Đất là cái thưởng phạt chủ ý về cái tâm chớ không chủ ý về hành động.

 

3. ĐỒ ĐỆ THỨ MƯỜI TÁM

Kỳ lễ Thượng Thọ của ông Đốc Giảng tại Tây Ninh, các học trò của ông tề tựu đông đảo, trong số học trò đó có Bác Sĩ Sua và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

Đức Ngài vui miệng nói với Bác Sĩ  Sua: “Thôi anh theo chúng tôi tu hành đi, vì mình cũng lớn tuổi rồi.”

Ông Sua trả lời: “Sức mấy mà tôi theo anh, có anh theo tôi thì có, chớ khi nào tôi theo anh”.

Đức Ngài bảo: “Nay tôi rũ anh tu, anh không tu, ngày kia anh phải nhờ người đồ đệ thứ 18 của tôi tiến dẫn anh tu cho mà coi”.

Ai cũng nói câu nói ấy là câu nói chơi, đâu dè sau nầy ông Sua thấy Đạo thạnh, Pháp mất quyền, Ông mới nhờ một ông Thông Sự tiến dẫn vào Đạo.

Ông Thông Sự tên Tư Văn Khâm và ông Phó Trị Sự Nguyễn Văn Ca tiến dẫn đến Thánh Thất Đệ Nhứt cho ông Lễ Sanh Thái Trạch Thanh là Đầu Phận lập thệ.

Thật là một điều tiên tri ứng nghiệm huyền diệu.

Nếu tính từ phẩm Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh thì được 3 phẩm, cộng với 12 vị Thời Quân là 15, cộng thêm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự là 18.

Thật đúng Đệ Tử thứ 18 là Thông Sự dẫn độ ông Sua nhập môn theo Đạo Cao Đài.

Xem thế ta phải cúi đầu bái phục Đấng thay Trời tại thế tiên tri danh dách, nói đâu trúng đó. Kẻ phục nhứt là Bác Sĩ Sua, đương sự trong việc ngộ Đạo nầy. Chính Bác Sĩ đã thuật lại cho nhiều người nghe lời tiên tri của Đức Hộ Pháp.

 

4. NHƠN ĐẠO VÀ THIÊN ĐẠO

Đức Hộ Pháp giảng sau khi Đức Chí Tôn dạy thành lập Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng.

NHƠN ĐẠO:

Nhơn Đạo buộc phải giữ Tam Cang Ngũ Thường.

Tam Cang là gì ?

-Tam Cang là: Quân Thần Cang, Phụ Tử Cang, Phu Thê Cang.

Nghĩa là:

Vua đối với tôi lấy Đức.

Tôi đối với vua lấy Trung.

Cha đối với con Hiền Từ.

Con ở với cha trọn Hiếu.

Chồng đối với vợ dùng nghĩa.

Vợ đối với chồng giữ tiết.

Ngũ Thường là gì?

-Ngũ Thường là: Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

NHƠN: là trắc ẩn chi tâm, ái vật chi lý (chẵng vì lợi mình mà hại người giết vật, kỉnh trọng mạng sanh gọi là nhơn).

NGHĨA: là các vật hữu kỳ chủ, bất vấn khẩm ngật, ám thủ, phi  nghĩa. Nghĩa là của người ta hoặc trọng, hoặc khinh, dù lớn hay nhỏ, không hỏi mà lấy, ấy là không phải nghĩa.

LỄ: là cung kỉnh, nhân nhượng, ở với trên bằng chữ khiêm tốn, đối với dưới bằng chữ khoan dung, ở giữa hòa hưỡn gọi là lễ.

TRÍ: là thanh liêm, tinh khiết, giữ mình cho trong sạch và sáng suốt, không cho nhiễm vào thất tình lục dục, ấy là Trí.

TÍN: là công bình chơn thật, không láo xược, dối trá, giữ bực trung dung để gây tình bằng hữu, gọi là Tín.

Đó là tôn chỉ qui điều của Nhơn Đạo.

Còn Thiên Đạo là gì ?

THIÊN ĐẠO:

-Thiên Đạo là con đường thiên lý, bước vào đường thiên lý buộc phải giữ Tam Cang Lãnh; Bát Đề Mục.

Tam Cang Lãnh là tại Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện.

Minh Đức là gì?

MINH ĐỨC: là đã theo đúng thiên lý, sửa tánh cho trong sạch đặng qui về khí hư linh nhẹ nhàng, không còn tối tăm nữa, một mãi quấy không làm, một lành nhỏ không dám bỏ qua, trọng đức hơn trọng tài, được vậy gọi là Minh Đức.

TÂN DÂN: là người đã bỏ được các điều nhiễm cũ xưa nay hư tệ như cờ bạc, rượu chè, gian tham, trộm cướp. Nói tóm lại là cái gì tồi phong bại tục đều bỏ hết, sửa lòng cho trong sạch, tịnh dưỡng tinh thần noi theo con đường quang minh chánh đại của Trời là con đường hành thiện, gọi là Tân Dân.

Tân Dân đứng vào hàng phẩm Thượng Thừa của Thần vị.

THÍNH THIỆN: là người đã hoán cựu nghinh tân, không còn các dục tình, vật chất nào quyến rũ tinh thần đặng nữa. Sửa lòng cho trong sạch hầu nghe lành và học lành cho biết từ cái chi tiết của cái lành đặng làm lành.

Thính Thiện đứng vào hàng phẩm Hạ Thừa Thánh Vị, khi đi chầu lễ Chí Tôn được mang dây sắc lịnh đỏ, đeo khuê bài Thính Thiện ở Cung Ngọc Thanh làm ông Thánh Thứ Ba.

HÀNH THIỆN: là người đã nghe lành và việc lành rồi thì phải làm lành, làm thế nào cho kẻ bịnh hoạn, tật nguyền, già cả, góa bụa được hưởng cái lành và được an ủi cõi lòng, hết than thân tủi phận, dỡ dang khổ não, mới gọi là Hành Thiện.

Hành Thiện đứng vào phẩm Trung Thừa Thánh Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn mang dây sắc lịnh đỏ, đeo khuê bài Hành Thiện ở Cung Ngọc Thanh làm ông Thánh Thứ Nhì.

GIÁO THIỆN: là người đã làm được lành rồi thì phải đi dạy lành cho nhơn sanh, tìm đường thiên lý là Đạo Trời.

Giáo Thiện đứng vào hàng phẩm Thượng Thừa Thánh Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn được mang dây sắc lịnh đỏ, đeo khuê bài Giáo Thiện ở Cung Ngọc Thanh làm ông Thánh Thứ Nhứt.

CHÍ THIỆN: là người đã được 5 cái bằng cấp từ Minh Đức, Tân Dân, Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, nên được đến lãnh làm đầu các vị Thánh và Thần.

Chí Thiện đứng vào hàng phẩm Hạ Thừa Tiên Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn được mang dây sắc lịnh xanh, đeo khuê bài Chí Thiện ở Cung Thượng Thành làm ông Tiên Thứ Ba.

ĐẠO NHƠN: là người đã được trọn lành rồi, phải về Hội Thánh học Tâm Pháp Bí Truyền cho được đắc Pháp.

Đạo Nhơn đứng vào phẩm Trung ThừaTiên Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn được đội khăn đóng trắng, mang dây sắc lịnh xanh, đeo khuê bài Đạo Nhơn ở Cung Thượng Thanh, làm Ông Tiên Thứ Nhì.

CHƠN NHƠN: là người được thọ Tâm Pháp Bí Truyền, đắc Pháp rồi phải đi ra hành Phápn cứu thế độ nhân trong một nước.

Chơn Nhơn đứng vào hàng phẩm Thượng Thừa Tiên Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn đầu đội khăn đóng trắng, mang dây sắc lịnh xanh, đeo khuê bài Chơn Nhơn ở Cung Thượng Thánh làm Ông Tiên Thứ Nhứt.

HIỀN NHƠN: là người diệt được cả thất tình lục dục, nghĩa là không còn nhiễm một mãi gì của trần thế nữa, cõi lòng thanh tịnh, ta bà thế giới độ tận chúng sanh ấy là hạng Hiền Nhơn.

Hiền Nhơn đứng vào hàng phẩm Hạ Thừa Phật Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn được đội khăn đóng vàng, đeo khuê bài Hiền Nhơn ở Cung Thái Thanh làm Ông Phật Thứ Ba.

THÁNH NHƠN: là người đã học được thông tri Tam Giái (Thượng giái, Trung giái, Hạ giái) có thể vâng lịnh Chí Tôn đi khai Đạo một nơi nào để độ rỗi nhơn sanh gọi là Thánh Nhơn.

Thánh Nhơn đứng vào hàng phẩm Trung Thừa Phật Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn, đầu đội khăn đóng vàng, mang dây sắc lịnh vàng, đeo khuê bài Thánh Nhơn ở Cung Thái Thanh làm Ông Phật Thứ Nhì.

TIÊN TỬ: là người sáng suốt hoàn toàn, học đủ lục thông: Nhãn thông. Nhĩ thông, tha tâm thông tức mạng thông, Thần thông, Trí thông có khi vâng lịnh Chí Tôn làm một vị Giáo Chủ của nhơn loại.

Tiên Tử đứng vào hàng phẩm Thượng Thừa Phật Vị. Khi đi chầu lễ Đức Chí Tôn đầu đội khăng đóng vàng, mang dây sắc lịnh vàng, đeo khuê bài Tiên Tử ở Cung Thái Thanh làm Ông Phật Thứ Nhứt.

PHẬT TỬ: được đồng quyền Chí Tôn cai quản cả Thần, Thánh, Tiên, Phật càn khôn thế giới.

Chí Tôn có nói: Kỳ ba nầy Chí Tôn đến độ rỗi con cái của Ngài, đến ngang bậc cùng Ngài là ngôi Phật Tử đó vậy.

 

Sao lục y bản chánh

Tòa Thánh ngày 12-10-Kỷ Hợi

(24-1-1959)

Đạo Nhơn

Lê Văn Trung

(Ấn Ký)

 

 

5. TRÒ HƠN THẦY

Trước mắt chúng ta thường thấy học trò giỏi hơn thầy nhờ sự cầu tiến của đoàn hậu tấn, vì thế mà xã hội loài người mỗi ngày mới tiến bộ về mọi mặt, sự hiểu biết của nhơn loại mở rộng mãi mãi đến đổi con người muốn đoạt quyền Tạo Hóa.

Cách một thế kỷ trước, sách báo Việt Nam không có bao nhiêu. Nếu đọc lại chồng báo cũ, ta thấy văn chương vụng về, cách cấu tạo câu văn không mạch lạc.

Nói về âm nhạc,cải lương ta nghe giáo đầu như vầy: “Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho ca cho hãng Pate Phô nô nghe chơi. Cô Ba Thành làm công chúa…nghe nó tiếu làm sao đâu! Nay nghe Văn Vĩ đờn lục huyền cầm, Út Trà Ôn ca vọng cỗ, cô Bạch Tuyết ca Đảo Ngũ Cung nó gợi cảm tuyệt vời. Nội so sánh hề Lập với Phi Thoàn, Văn Chung xem ra cách biệt.

Nho gia ta có câu:

“THANH XUẤT Ư LAM THẮNG Ư LAM.

“THI TỬ ĐỆ THẮNG Ư SƯ PHÓ.”

Nghĩa là:

Màu xanh sản xuất bởi chàm mà ra, nhưng miếng vãi lụa chúng chàm xanh hơn chàm; bởi vậy đệ tử giỏi hơn thầy nó.

Chữ phó ở đây không phải là chánh phó mà phó có nghĩa là Thầy. Sư phó có nghĩa là Thầy của Thầy, tức nhiên hơn Thầy.

Về mặt Đạo, ta có thể suy luận những chức sắc đầu tiên như những ông thầy giáo dạy vở lòng, nếu học trò học mãi thì trình độ sẽ đến tú tài, cữ nhơn, tiến sĩ. Còn thầy vỡ lòng cứ dạy lớp vỡ lòng mãi, để chờ trong số học trò có kẻ phi thường đoạt phẩm vị cao trọng đến Giáo Tông, Hộ Pháp hay Phật Tử.

Nếu Nho Giáo của Đức Khổng Thánh được Á Châu sùng bái là nhờ Đức Ngài chịu hạ mình học của Hạng Thác. Nên Bà Đoàn Thị Điểm có nói:

Trọng Ni nhận vi sư Hạng Thác,

Học tinh thân khai thác Nho Tông…

Nhưng danh Hạng Thác không bằng trò mình, đó là trò hơn thầy hẳn vậy.

Đức Chúa Jesus Christ nhờ ông St Jean Baptiste giải oan mới hiển Thánh, mà danh Ngài lại trỗi hơn Thầy.

Trương Lương được ông Huỳnh Thạch Công trao một cuốn cẩm nang mà học hỏi, sau trở thành một trong những Hớn Trào Tam Kiệt danh vang hậu tấn, còn Thầy thì không thấy danh phận gì.

Ông Giáo Hiếu là người uy đức tinh thâm, khuyến khích Quang Trung Nguyễn Huệ khởi nghĩa mà danh ông mai một, chỉ có đệ tử mình được lưu danh đối với sử xanh.

Ông Đốc Giảng được hai vị học trò:

1.   Ông Nguyễn Văn Tâm làm Thủ Tướng sang trọng một thời.

2.   Đức Hộ Pháp làm Giáo Chủ nền Đại Đạo cả thế giới đều biết danh mà ông Đốc Giảng chỉ được dân chúng Tây Ninh biết là một người Đốc Học mà thôi.

Tóm lại câu Tử Đệ thắng Vi Sư Phó là đúng lý.

Chí Tôn có nói: Thầy đem các con lên ngang hàng cùng Thầy hay là cao hơn nữa.

Vậy Thầy hơn trò là lẽ đương nhiên, bằng ngược lại nếu chúng ta nói: Tôi làm sao hơn Thầy tôi được thì nền Đạo sẽ suy đồi mà dần dần đi đến thất chơn truyền cũng không biết chừng.

Sắc xanh sản xuất bởi chàm,

Nhúng vào vãi lụa màu lam thêm ngời.

Thầy hẳn muốn trẻ làm Trời,

Nếu con đoạt đặng Thầy vời cao hơn.

Quang Minh

 

6. TẠI SAO ĐẠO CAO ĐÀI MẶC ĐỒ TRẮNG

Có một Cố Đạo Thiên Chúa hỏi một chức sắc: “Tại sao màu trắng là màu tang tóc của người Á Đông mà Đạo Cao Đài lại mặc đồ trắng? vậy Quí Ông để tang cho ai vậy?

Vị Chức Sắc trả lời: Người Âu Châu có thân nhân qui liễu cò phải mặc tang chế màu đen không?

Vậy Ông Cha, Bà Phước hay Con Chiên đi nhà thờ mặc đồ đen, hỏi họ để tang cho ai vậy?

Hơn nữa màu trắng là màu trinh bạch. Bà Thánh Maria được sùng thượng là Nữ Lòng Trinh kiết Thánh thai sanh Đức Chúa Jesus bằng quyền năng vô nhiễm. Ông Saint Joseph chỉ là cha đỡ đầu, giúp nuôi dưỡng Đức Chúa chớ không hề ăn ở với Bà Maria. Sự trinh tiết trong trắng ấy là sự trinh tiết của tâm hồn của Bà được cả thế giới sùng bái, thì cái áo trắng của Đạo Cao Đài mặc hôm nay cũng đồng một ý nghĩa là tâm hồn của mỗi tín đồ phải sạch sẽ trong trắng như tâm vô nhiễm của Bà Thánh Maria vậy.

Chừng đó vị Cố Đạo Thiên Chúa mới gật đầu khen phải.

Trở lại phạm vi rộng hơn. Mặc dầu Chức Sắc đi chầu Đức Chí Tôn phải mặc Thiên Phục áo mão cân đai, Hiệp Thiên Đài sắc trắng, Cửu Trùng Đài hay Phước Thiện sắc vàng, đỏ, xanh, nhưng khi đến nhà của Mẹ là Đền Thờ Phật Mẫu thì cũng phải bạch y tất cả, không muốn kẻ trí hiếp người ngu, kẻ có quyền lấn át người phận thấp. Bà lại cưng những đứa thật thà khiêm nhượng, phận mỏng đơn côi hơn nên cửa Đạo Cao Đài rất là bình đẳng, không giai cấp đấu tranh, chỉ lấy tình thương yêu mà đối đãi nhau, dắt dẫn nhau thế nào cho không còn người dốt nát.

Kẽ có đức hạnh phải nêu gương Đạo hạnh cho đồng Đạo mình được đức hạnh như mình hầu sống trong tình hòa nhã công bình chánh trực.

Nói tóm lại phải đại đồng huynh đệ trong từ thể chất lẫn tâm hồn hầu ngày về với Đại Từ Phụ trình cái Thánh tâm mà đoạt ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật.

 

7. TẬN ĐỌA TAM ĐỒ LÀ SAO ?

Có người hiểu tam đồ là thủy đồ, hỏa đồ và đao đồ, tỉ như tam ban trào điểu để diệt thể xác. Hiểu như thế là sai, vì linh hồn bất tử, đâu có bị diệt như thể xác mà dùng nước lửa và đao mà kết liễu nó được. Nó vẫn sống nhưng khi nó có tội, nó bị luân chuyển xuống cấp dưới để lập công, rồi lần lần trở lại phẩm cũ, rồi từ phẩm cũ phải lập công thêm mới được thăng vị.

Chơn linh nào bị tận đọa tam đồ bất năng thoát tục thì chơn linh ấy bị ngăn cản, không hiệp được với chơn thần làm cho đệ nhị xác thân phải trở lại chuyển kiếp từ bực kim thạch cho đến làm người, và phải trở lại đúng ba vòng mới được khởi lập công lại.

Có một bạn hòi: 1 vòng cũng đủ giác ngộ rồi, tại sao tới 3 vòng ?

Bát Nương trả lời: Bởi phạm thệ với Thiên Điều chớ không phải phạm tội, mà phạm tội cũng có khi trở về với kim thạch.

Có bạn hỏi: Nếu phạm tội thì phạt đến thú cầm là đủ, cần gì phải tới kim thạch.

Bà Bát Nương trả lời: Kiếp Hóa Nhân thì về Quỉ Vị, còn kiếp Nguyên Nhân phải bị đọa đày như vậy mới sánh với Quỉ Vị được chớ.

Đó là hình luật Thiên Điều để định dần cho Nguyên Nhân hay Hóa Nhân cũng đồng hình phạt.

Tóm lại nếu ta phạm thệ ta phải từ kiếp người tuột xuống vật chất, lần lần tiến lên thảo mộc, rồi thú cầm kế đoạt nhơn phẩm. Mỗi vòng tiến hóa như thế gọi là một đồ, thời gian lối 1.000 năm. Đi 3 vòng tức 3.000 năm mới hết Tam Đồ.

Còn bất năng thoát tục là vì trong 3.000 năm luân chuyển ấy, chơn linh lỗi thệ đâu có ngày giờ lập công mà về cõi hằng sống. Nếu không về đặng với Chí Tôn thì phải lẩn quẩn ở cõi đọa đày nầy hoài nên ý nghĩa bất năng thoát tục là vậy.

 

8. HƯ VÔ LÀ GÌ ?

Sau đây là Thánh Giáo của Bát Nương đêm 16 tháng giêng Nhâm Thìn (11-2-1952)

Phò Loan:

Thừa Sử Trấn

Luật Sự Nhung

BÁT NƯƠNG

Chị chào mấy em, đêm nay chỉ có mấy em đặng rõ Hư Vô là gì?

Từ buổi phân lưỡng nghi thì dương khí là nơi phát sinh của dương quan tiếp dẫn bởi ngôi Thái Cực. Nơi dương quang hằng sản xuất biết bao điểm linh mà có nên cõi vô hình. Nhưng điểm linh ấy, sau một thời gian trải bước trên đường thi công quả mà tạo nên ngôi vị. Nơi cõi vô hình chia ra Tam Thập Lục Thiên, mà từng cao nhứt là ngôi chúa tể càn khôn vũ trụ. Ba mươi sáu tầng Trời ấy chia ra làm 3.000 thế giới đặng lập nên vũ trụ hữu hình. Ba ngàn thế giới ấy tức là các Cung Động đó vậy.

Hằng đêm mấy em ngó mặt lên Trời, mấy em thấy hằng hà sa số sao, ấy là 3.000 thế giới đã nói kia vậy.

Những sao mà theo khoa học gọi là Định Tinh ấy là nơi cửa chủ Đại Tiên Trưởng hằng ngự đề điều khiển thế giới của mình. Còn các sao gọi là Hành Tinh là nơi các chơn linh đang thi hành phận sự.

Trong Tam Thiên Thế Giái lại phân ra Tứ Đại Bộ Châu đặng Chưởng Quản về Thất Thập Nhị Địa Cầu.

Nói cõi Hư Vô là cõi vô hình theo sắc tướng, song đối lại với dương quang vô tướng thì nó lại là hữu hình. Mấy em đã được rõ khí dương quang là những nguyên tử dương cấu tạo. Vậy thì các chơn linh cũng là sự kết hợp  của tế bào dương quang đó vậy. Do đó mà trong cõi hữu hình loài người đã tầm ra những lằng sóng điện vô hình. Vậy cho nên những vị đắc pháp có huệ nhãn thì thấy được, có huệ nhĩ thì nghe được, có huệ tỷ thì ngưỡi được, có huệ tâm thì ứng được.

Như vậy mấy em đã rõ cõi hư vô và cõi sắc tướng khác nhau thế nào rồi.

Thăng

Đức Cao Thượng Phẩm có dạy thêm rằng: “ Tam Thiên Thế Giái là ngôi vị, còn Thất Thập Nhị Địa là trường thi công quả.”

 

9. CẨN NGÔN, CẨN HẠNH

Bát Nương dạy:…………….

Thường ngày nhớ mấy điều nầy:

Thánh Thần điều biên chép những câu chuyện của ta làm, nghe những tiếng nói của ta nói cho đến ngày cùng.

Vậy trước khi ta làm điều chi hay nói tiếng chi cũng phải suy nghĩ coi có nên không, chừng ấy sẽ làm hoặc nói chẳng muộn gì.

(2-2-1944)

 

10. CON MANG VÀO TÒA NỘI CHÁNH

Sau đây là lời phê của Đức Hộ Pháp lúc Đức Ngài ở Kim Biên Tông Đạo:

Con Mang đem tin lại Nội Chánh đã tỏ rằng: Cơ khảo đảo do nơi Nội Chánh, ta nên tin nơi quyền Thiêng Liêng có thể nói rằng: Nếu không có quyền Thiêng Liêng vô đối của Đức Chí Tôn thì cả Chức Sắc Cửu Trùng Đài bị nạn tiêu diệt mà chớ, chẳng phải như thế thôi.

Vậy Bần Đạo nói cơ khảo đảo ngưng cả quyền Chức Sắc Thiên Phong, cốt để trừ cái nạng diệt vong của Hội Thánh.

Hộ Pháp

 

11. CAO ĐÀI SƠ GIẢI

Đức Thượng Đế từ tạo thiên lập địa có nhiều danh từ xưng hô. Theo Thiên Chúa Giáo là Đức Chúa Cha tức Jéhova. Đạo Bà la môn thì gọi là Brahma. Theo Đạo Tiên thì gọi Hồng Quân Lão Tổ. Theo Nho Giáo thì gọi Nhứt Đại tức Ông Thiên hay Hoàng Thiên, còn Đạo Bahai gọi Trời là (?). Từ ngày khai Đại Đạo tức 1926, trước Ngài xưng A Ă Â, rồi xưng Thầy, xưng Cha, xưng Đại Từ Phụ, xưng Huyền Khung Cao Thượng Đế, xưng Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì danh từ Cao Đài có thể giải thích bằng nhiều lối:

1.   Giải theo dịch lý:

CAO vi càng, càng vi thiên,

ĐÀI vi khảm, khảm vi thủy.

Cao Đài hợp lại là quẻ “Thiên thủy tựu” của kinh dịch nghĩa là Trời nước hiệp một, nên câu kinh:

“Biển trần khổ vời vời trời nước,

“Ánh thái dương rọi trước phương Đông.

Nói rõ là trên Trời, dưới nước hiệp lại sanh ra vạn vật, nhờ ánh thái dương tức nhờ Đạo mà sanh sanh hóa hóa và nhờ đức mà tồn tại vinh viễn.

Lại có câu:

Thiên nhứt sanh thủy,

Địa lục thành chi.

Nghĩa là trời sanh nước trước, đất biến ra rong xanh rồi thành cây cỏ. Có cây cỏ mới biến sanh ra vạn vật.

Theo Nho Giáo khi trời đất chưa phân thì khối Thái Cực mờ mờ mịt mịt. Một tiếng nổ ầm thì trời đất mới phân. Khí trong trẽo bay lên làm Trời, khí trọng trượt lắng xuống làm đất. Nhưng đất do nước sanh vì bụi đất chìm trong nước, khi lắng xuống mới thành đất. Quả địa cầu ta ở thì đất chỉ có một phần còn 5 phần thì là nước. Đất chỉ làm như cái chưng ly đựng nước, tức nhiên cái đài, như đài chưng trái cây vậy.

Bầu trời cao thẩm xanh ngắc, biệt danh là CAO.

Ngũ châu cùng bể cả như cái chén khổng lồ đựng nước, đất, cây cỏ, súc vật và nhơn loại nên biệt danh là ĐÀI.

2.   Giải theo liễng đối:

a)   Trước Đền Thánh hoặc các Thánh Thất đều có câu liễng:

CAO thượng Chí Tôn, Đại Đạo hòa bình dân chủ mục,

ĐÀI tiền sùng bái Tam Kỳ cộng hưởng tự do quyền.

b)  Thường trước Thiên Bàn người ta treo đôi liễng sau đây:

CAO như Bắc Khuyết nhân triêm ngưỡng,

ĐÀI tại Nam Bang Đạo thống truyền.

3.   Giải theo thi phú của Đại Thiên Phong:

Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt có làm bài thi tả cây cao như sau mà chữ chót có chữ CAO.

CÂY CAO

Chơn bám địa cầu vững biết bao,

Cả vườn đều thấp một mình cao.

Lưng mang đai bạc, da còn đượm,

Đầu đội tàn xanh, nắng chẳng xào.

Tám tiết đỡ Trời lòng chẳng mỏi,

Bốn mùa cảng gió chí không nao.

Con xanh, con đỏ hai vai gánh,

Rường cột nhà Nam cậy có CAO.

Được bài xướng Đức Hộ Pháp đáp lại một bài tả trái thơm, chữ chót có chữ ĐÀI:

TRÁI THƠM

Trời sanh hoa quả lắm chông gai,

Kêu gọi danh “Thơm” tiếng để hoài.

Nghịch cảnh sái mùa chưa trổ mặt,

Thuận thời sương giáng sẽ ra tài.

Trừng trăm con mắt không kiên chúng,

Mọc một cái đầu chẳng sợ ai.

Gặp lúc nghinh ngang ra giữa chợ,

Chờ cho có việc sẽ lên ĐÀI.

4.   Giải thích theo lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp :

CAO ĐÀI là đức tin cao trọng của Đạo Nho.

5.   Giải theo Kinh Thánh:

Mục Sáng Thế Kỷ “Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước. Ngài làm nên khoảng không cách với nước ở trên khoảng không đều có như vậy. Đức Chúa Trời đặt tên khoảng không ấy là Trời.

Nhưng nước ở dưới Trời phải tựu lại một nơi và phải có chỗ khô cạn là đất  còn nơi nước tựu lại là biển….”

Khoảng nầy giải đúng như khoảng một nói trên của kinh dịch, lý nghĩa là Thiên Chúa ở Châu Âu và Nho Giáo ở Á Châu đều đồng một lý với nhau về vũ trụ quan đúng theo quẻ “Thiên Thủy Tửu”. Tức là CAO hiệp với ĐÀI mà biến sanh vạn vật cùng loài người.

 

12. LỄ THẢ KHÁCH PHẠM (Việt Minh)

Ngày 5-12-Đinh Hợi (1947) Đức Hộ Pháp phủ dụ anh em Khách Phạm với lời lẻ như sau:

Mấy Em,

Từ thử đến giờ, chắc mấy em lầm hiểu Đạo Cao Đài nhiều lắm rồi. Đạo Cao Đài tức là một nền tôn giáo đã duy trì văn hiến trong 4.000 năm lịch sử lưu lại cho tương lai Việt Nam một sự nghiệp vĩ đại tinh thần tức là quốc Đạo.

Mấy em đã lầm tưởng Đạo Cao Đài, vì người nầy bỏ người kia, hiệp tác đảng phái nầy, phụ đảng phái khác.

-Không vậy đâu ?

Mấy em chán thấy trong 80 năm nô lệ cả nguyện vọng của nồi giống Việt Nam muốn những gì ?

-Ấy là muốn vãn hồi vận mạng cho tổ quốc hiệp chủng giống nòi, thu phục hoàng đồ.

Hại thay ! Đạo Cao Đài được thực hành sứ mạng Thiêng Liêng ấy là tìm thống nhứt và độc lập nước nhà. Có kẽ lại vì đảng phái ngoại quốc manh tâm chia rẽ đồng bào. Thử nghĩ nếu nòi giống tâm lý bất đồng cũng là hại cho nước nhà, cần chi là cái nạng ngoại xâm. Không cần nói xa, trong nước Việt Nam hiện giờ, chúng ta có thể chia ra 2 phần tâm lý:

Một là cấp tiến theo vạn linh.

Hai là bảo thủ theo Tổ Quốc đặng lưu lại 4.000 năm văn hiến. Hai chủ xướng ấy:

Một bảo thủ nhà vua.

Hai cộng sản hiện gọi Việt Minh.

Như vậy trong nước làm sao thống nhứt lại hoàng đồ, hiệp chủng nòi giống cho được. Nước Việt Nam chịu 80 năm nô lệ, hành tàng ấy là do nơi sự chia rẽ mà ra.

Bây giờ làm sao mà thâu đoạt lại cho bên nhà vua, chớ cộng sản không mong gì hiệp chủng tộc được.

Đạo Cao Đài không gì một ai, một đảng phái nào, mà chỉ vì tương lai vận mạng của nước Việt Nam, mục đích hiệp chủng giống nòi, thu phục lại hoàng đồ, nên mới đưa tay ra gánh vát, lại có kẽ dám đưa tay ra ngăn cản chia rẽ thì buộc lòng phải trị  để cứu vớt giống nòi.

Mấy em đã lầm nghe mà làm chớ không tính trước. Vì tâm ái quốc của mấy em mà họ lợi dụng một cách vô lý.

Ngày nay vì bảo thủ đai nghiệp cho Tổ Quốc, bảo sanh cho giống nòi, không lẻ đề cho mấy em đi đến chỗ tự diệt, nên phải dừng bước mấy em lại, sợ mấy em đi đến chỗ chết, nên phải giữ lại đó thôi chớ không phải cầm tù mấy em đâu ?

Vì tâm ái chủng, ái quốc của mấy em mà họ lợi dụng mấy em làm món binh khí để giết lại đồng bào. Vì muốn mấy em đừng lâm vào cảnh đổ máu, buộc lòng cầm lại chớ không phải bỏ tù.

Xin mấy em khá biết.

Nay cho mấy em về, nếu mấy em không chịu hiểu, không tin, cứ làm nữa đi. Rồi mấy em có tuyệt mạng đừng có trách Đạo nữa đa nghe.

 

13. QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI CÓ BỊ TRÍCH ĐIỂM KHÔNG ?

Phàm làm một việc chi, dầu hay giỏi đến đâu cũng có phần thiếu sót, nên ngoại nhân chỉ nhấm vào cái khuyết điểm để chỉ trích, chớ không xem cái tổng quát để phê bình.

Mục đích thành lập Quân Đội Cao Đài là lập một đội Thiên Binh để bảo vệ nền Đạo của Đức Chí Tôn trong thời loạn, lại thực thi bảo sanh, nhơn nghĩa, đại đồng chớ không phải phục vụ riêng cho một nhóm người nào. Nó bảo vệ mạng sống nhơn sanh, thực hành nhơn nghĩa, và đại đồng huynh đệ, chẳng hề lấy sức mạnh mà hiếp đáp kẻ cô thế.

Việc thành lập Quân Đội Cao Đài đã có tiên tri năm 1925 mà Thánh giáo của Chiếu Minh Đàn đã được Đức Lý Giáo Tông giảng dạy. Có kẻ cho rằng: Người tu mà cầm súng là không hợp với lẽ Trời. Nhưng thử hỏi phận sự công dân của một nước, người có tôn giáo phải làm thế nào ?

-Nếu ngồi tham thiền để thả hồn vân du thiên ngoại mà đồng bào ai chết mặc ai thì phép tu hành có hạp với lẻ Trời không ? Còn trải thân mình, không ngại đạn tên để bảo vệ sanh mạng của đồng bào khỏi cảnh binh lửa, công ấy đời có chấm không ?

Tích xưa Đức Quan Thánh đã làm ở Trung Quốc, Bà Thánh Jeanned d’Arc đã thực hiện ở Pháp Triều, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi v.v…cũng với mục đích ấy nên được hậu tấn tri ân lập Thánh Miếu mà thờ thiên thu phụng tự ở Việt Nam.

Chúng tôi xin trích bài Thánh Giáo của Đức Lý dạy ông Ngô Minh Chiêu tại Phú Quốc ngày 15-2 Năm Ất Sửu (1925) để làm sáng tỏ vấn đề:

Năm Ất Sửu để lời Lão phán, (1925)

Qua Bính Thân đặng rạng cơ mầu. (1926 Khai Đạo)

Lập thành nền Đạo Á Châu,

Điểm tô nghiệp cả sùng âu đời đời.

 

Nay thấy rõ Đạo Trời chánh giáo,

Cảnh Tây Ninh đào tạo Thánh Tòa.

Lập xong cơ Đạo chia ba,

Tiền Trung với Hậu cũng là đồng môn.

 

Nắm cơ quan bảo tồn sanh chúng,

Lập xong rồi chia đúng mười hai.

Trên đường thiên lý dậm dài,

Lập thành Đại Đạo Cao Đài độ dân.

 

Qua Mậu Dần sấp lần binh cách, (1939)

Ấy là điềm tai ách nhơn sanh.

Á, Âu, Phi, Mỹ rấp ranh,

Đạo binh óng dậy tung hoành bốn phương.

 

Việt Nam trước khai đường mở ngõ,

Bính Dần liền tiếp đó nảy sanh.

Bốn năm dân chủ tung hoành,

Tây Ninh thừa thế lập thành Cơ Binh.

 

Để bảo vệ chúng sanh bổn Đạo,

Dân xã lo đào tạo quan quân.

Quốc gia nổi dậy tưng bừng,

Tân dân thừa thế lẫy lừng quốc dân.

 

Nền độc lập lần lần ra mặt,

Vĩnh Thụy toan sự thật thi hành.

Đến ngày hội cả nhơn sanh,

Kỳ ba súng nổ lập thành quốc gia.

 

Để thực hiện sơn hà thống nhứt,

Hiệp Tam Giang nổ lực tấn công.

Bảo Sanh, Nhơn Nghĩa, Đại Đồng,

Hòa bình thế giới ẩn trong Đạo Trời.

 

Chớ lầm tưởng rằng đời sức mạnh,

Để lướt qua luật cảnh thiên nhiên.

Hậu san ra đứng trước Tiền,

Do Tòa Tam Giáo phán truyền thưởng răn.

 

Đức Di Lạc cầm cân tại thế,

Hội Long Hoa tên để phong trần.

Thượng Nguơn đời lập Tân Dân,

Dựng an dân quốc đến lần chủ quân.

 

Minh Vương hiện cảnh xuân thơ thới,

Đạo nhà nên, vạn đợi lưu truyền.

Gia vô bế hộ im lìm,

Phật, Tiên, Thần, Thánh giáng miền trần gian.

 

Đạo nắm trọn cơ quan vũ trụ,

Gieo giống lành làm chủ năm châu.

Từ đây khắp cả hoàn cầu,

Âu ca lạc nghiệp một bầu trời chung.

 

Lão ban cho nam nữ đoàn trung.

Lý Thái Bạch

Cũng có kẻ cho Đạo Cao Đài lãnh khí giới của Pháp tức làm công cụ cho Pháp, nghĩa là mang tiếng nối giáo cho giặc.

Vụ Thiếu Uý Phạm Hùng Ngự ở Mỹ Tho đã anh dũng chống Pháp tới viên đạng cuối cùng rồi tự sát trả lời quan niệm sai lầm ấy. Đức Thượng Tôn Quản Thế liền viết thơ hưu chiến trả khí giới cho Pháp và yêu cầu Pháp nhận sớm chừng nào tốt chừng nấy vì đã đến lúc không cần thiết nữa.

Ngài nói người Pháp đem Ngài từ Madagasca về không phải họ thương gì Ngài mà họ đưa Ngài trước hai cái chết:

Nếu theo Pháp thì bị quốc dân giết.

Còn theo quốc dân thì Pháp giết.

Nhưng Ngài không theo ai hết, Ngài chỉ theo Chí Tôn, nên Ngài vẫn sống. Ngài sống là Đạo sống. Âm mưu của Pháp thả cọp về rừng đã thất bại nên họ oán Ngài đáo để.

Xem thế chánh trị hai chiều, bên nào khéo sẽ thắng. Ngài đã biến cái hư ra thực làm rạng rỡ danh nhơn nghĩa của Chí Tôn khắp ngũ châu.

Hơn thế, trước lễ mãn khóa trường huấn luyện cho chiến sĩ Pháp Hồi, Đức Lý Giáo Tông có giáng cơ nói với Đức Hộ Pháp những lời nầy:

“…ngày mai nầy (31-5-1948) chiến sĩ Pháp Hồi đã mãn học, Hiền Hữu làm ơn nói với họ rằng: Lão lấy làm cảm súc tâm Đạo của họ. Lại dặn thêm rằng: Tinh thần hạ tiện, dầu tự tôn thế nào, hạ tiện vẫn là hạ tiện. Còn tinh thần cao thượng, dầu hạ mình thế nào, cao thượng vẫn là cao thượng. Nói rằng Lão xin họ làm thế nào để cho Đạo trở nên thanh bai, tinh khiết, ấy mới người nghĩa của Lão…”

Khi quân đội được giải tán (1956), Đức Lý có tặng Đức Hộ Pháp một bài bát cú:

Thi:

Giải tán quân nhân thật phép màu,

Kỳ Sơn phụng gáy, nghiệp qui châu.

Non sông đượm vẻ màu tươi sống,

Hồng Lạc thay long đẹp áo chầu.

Rõ mặt lập đời gương Giáo Chủ,

Nên hình cứu thế Đức Jésus.

Nực cười kẻ dại lăng xăng múa,

Thánh đức đành đem đổi hận sầu.

Kết luận:

Trên thế giới, dầu quân đội của một nước văn minh cũng không tránh khỏi những cảnh tàn sát giã man, hiếp đáp dân chúng làm thất nhân tâm, vì nghiệp võ biền không cho phép người quân nhơn giữ Đạo đức trọn vẹn đặng.

Đành rằng Quân Đội Cao Đài có những sai siển của một số sĩ quan vô kỹ luật, nhưng nhờ có kỹ luật Pháp Chánh kềm chế nó nên nó tương đối tốt đối với các quân đội khác. Đến ngày giãi tán, nó được mười tuổi, vẫn được sự cảm mến của quần chúng Miền Nam. Đó là nhờ sự lãnh Đạo của Đức Thượng Tôn Quảng Thế thực thi Bảo Sanh, Nhơn Nghĩa, Đại Đồng. Mặt thế nó được nhân tâm , mặt Đạo nó được Đức Lý Đại Tiên khen thưởng, tức nó đã làm tròn thiên trách của nó đối với dân tộc Việt Nam nói riêng và hòa bình thế giới nói chung.

Về mặt siêu hình các Thánh Tử Đạo đã lấy xương máu đổi Thiêng Liêng vị một cách danh dự.

 

14. THANH BẦN LẠC ĐẠO

Chức Sắc phế đời hành Đạo thường gặp cảnh khó xử là gia đình nghèo, vợ con nheo nhóc, gia nghiệp lần mòn tiêu tán theo thời gian. Cho nên cái thực tế nó khảo đảo làm cho kẻ yếu Đạo tâm phải xao xuyến.

Nho giáo có câu:

“Nhi nữ tình trường,

“Anh hùng khí đoản”.

Nghĩa là tình yêu vợ con đậm đà chừng nào thì chí khí anh hùng càng lạc lẻo chừng nấy.

Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trên đường phục vụ tổ quốc phải đi ngan qua gia đình mình. Với một tinh thần võng mảnh, ông day mặt ra sông để khỏi dòm thấy mái tranh xệch xạc, để không gặp vợ hiền, để đoạn tình cha con một cách đau đớn, chỉ vì nghĩa chung mà xem nhẹ tình riêng.

Đức Quyền Giáo Tông với phẩm Hội Đồng Quản Hạt, cao trọng lúc ấy, mà chỉ sau 24 tiếng đồng hồ, nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng, phế bỏ tất cả quyền hành của cải, ăn chay trường dẹp hết xa hoa, hiến trọn thân sanh cho Đức Chí Tôn sử dụng sao tùy ý.

Noi theo đàn anh, đa số Chức Sắc phế vong cả đời tư để làm tế vật cho các Đấng sử dụng. Trong đó có ông Nguyễn Hượt Hải, Giám Đạo Hiệp Thiên Đài .

Một hôm ông Hải hỏi Đức Quyền Giáo Tông bằng 4 câu thi:

Anh Cả cho em hỏi ít lời,

Lòng em hành Đạo chẳng hề lơi.

Làm lành lánh dữ không gian trá,

Thọ khổ sao em thọ cả đời.

Đức Quyền Giáo Tông giáng cơ đáp:

Có khổ mới nên kiếp Đạo người,

Gương trong soi mặt kẻ thanh tươi.

Sổ vàng ghi chép khi phần mãn,

Ngàn thuở lưu tên mãi với đời.

Sự hiến thân mình cho non nước là cao trọng, nhưng phạm vi hoạt động nó còn hạn hẹp trong một quốc gia. Nếu chúng ta hy sinh cho cà thế giới đại đồng thì công nghiệp của chúng ta mới rạng rỡ hơn. Sổ vàng của thế nhân ghi chép khi ta lìa đời, không hề quên tên mình được.

Hơn thế nữa về mặt Đạo, phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật nhờ công vong phế việc nhà lo việc Đạo ấy mà ta đoạt được vị thì sẽ vui lòng tự nguyện tự giác gánh trách vụ Thiêng Liêng một cách hăng say.

Có một lần Đức Hộ Pháp đứng trên giảng đài bảo đảm rằng: “Mấy em, mấy con suy gẫm coi Bần Đạo có dối gạt tâm lý mấy người không ? nếu về cảnh Hằng Sống mấy em trọn phận mà không đoạt phẩm vị Thiêng Liêng thì Bần Đạo hứa tái kiếp để đền tội.”

Bao nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta vui trong cảnh Thanh Bần Lạc Đạo.

 

15. BÃI BỂ BAN MAI

Đức Hộ Pháp có làm bài thi Bãi Bể Ban Mai được Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và Bà Thất Nương họa lại rất tài tình.

Đức Nguyệt Tâm chỉnh đề lại cho nho nhã là:

HẢI NGẠN HOÀNG MINH

Ngoài khơi nhấp nhóa cánh buồm câu,

Trời rạng pha sơn, biển đỏ màu.

Đá núp giữ gành ngồi lục cục,

Sóng đua giành giựt chạy xôn xao.

Soi gương bóng nước cây lau ngọn,

Điểm dạng hình sương núi gội đầu.

Chào sớm tiếng cồn nghe ột ạt,

Mừng mơi bọt nước chảy lao rao.

Tây Sơn Đạo

 

Nghiên son buồm viết chấm thuyền câu,

Vẽ nét nước mây lộn lẫn màu.

Cuối bãi đá ngồi hình lố xố,

Ven gành cây giỡn bóng lao xao.

Mặt dương tắm biển ngồi phơi tóc,

Hình núi nằm sương dậy gở đầu.

Làn sóng dập dìu vào chợ bến,

Hàng rong đón nước đổ lao rao.

Nguyệt Tâm Chơn Nhơn

 

Màn trời biển vén móc thuyền câu,

Ló bóng thái dương nước đổi màu.

Đất cát vì sương đương ẩn dạng,

Bãi bồ bổi sóng bóng còn sao.

Dõi che thổ vỏ gành đưa móm,

Nặng gánh mây mưa núi gật đầu.

Ầm ạt tiếng cồn hơi ngủ ngáy,

Hàng dương tiếp gió sáng mời rao.

Thất Nương DTC

 

16. ĐỒ VƯƠNG LÀ TƯ DỤC

Bát Nương dạy lánh danh lợi như sau:

Không đáng phận xôn xao làm quá phận,

Không tài ba lại trở mặt trí mưu.

Hèn ganh sang gây lẻ nghịch thù,

Dở làm giỏi đồ mưu phản phúc.

 

Gây oan nghiệt bởi lòng tư dục,

Kết oán thù vì chút tình chung.

Ngoài mặt đời ít kẻ vẩy vùng,

Ra tuồng thế những phường phản loạn.

 

Kìa từ trước phế vua phản bạn,

Gẫm bởi đâu tên choán sử sanh.

Cũng là kẻ giựt mưu giành,

Giành thế lực, giành danh, giành quyền lợi.

 

Gương xấu để mặt đời chế gợi,

Đều cũng do khôn với ngu mưu.

Hể đồ vương thiên hạ mến ưa,

Nếu sánh với trộm cướp cũng chưa chi lạ.

 

Có thế lực thì nên nghiệp cả,

Không quyền hành dối trá nghèo hèn.

Cái cơ đời lắm kẻ từng quen,

Biết bụng thế lại xem vắng khách.

Vì vậy mà:

Đời đã đóng thành tuồng thành sách,

Dạy cho nên hắc bạch màu thương.

Thương cho đời khổ não đoạn trường,

Chẳng khác kẻ oan ương biển thẩm.

Bát Nương DTC

 

17. NÊN ĐỂ, HƯ BỎ

Thành Giáo của Đức Hộ Pháp ngày 26-5-1972 tại Giáo Tông Đường.

Phò Loan:

Hiến Pháp, Khai Đạo

Hầu Đàn:

Chức Sắc HTĐ, CTĐ, Phước Thiện

 

PHẠM HỘ PHÁP

Bần Đạo mừng mấy em.

Bần Đạo quá cảm súc thấy con cái Đức Chí Tôn liu chiu lít chít như gà không mẹ. Nhưng biết sao?- Không lẻ vì thương không hành pháp cho ra thiệt tướng.

Bần Đạo chỉ mơ mộng có một điều là toàn thể con cái Đức Chí Tôn biết yêu ái cùng nhau là lễ hiến cho Chí Tôn vô giá.

Bần Đạo chuyển Pháp, nên để, hư bỏ. Không lẽ cao ngôi lớn vị mà không đoái hoài tới chúng sanh, ai chết mặc ai, như thế Hội Thánh có ích gì ?

Nhiệm vụ Hiệp Thiên Đài là chế sửa đời tranh đấu loạn lạc ra cơ bảo tồn gọi là cứu khổ, cứu nạn nhơn sanh.

Bần Đạo gạn đục lóng trong, phân tà chánh, rửa rái Thánh Thể Chí Tôn cho trong sạch, không cho chút bợn nhơ. Còn việc H…-T…., lo lắng ấy cũng không đáng kể. Họ qua luật pháp được tức là họ đi qua Bần Đạo, không đủ cho cây Gián Ma Xử sửa trị.

Bần Đạo đắc lịnh Ngọc Hư Cung chuyển Pháp thì không mong ai qua khỏi, nếu họ không tâm thành đức vẹn.

Bần Đạo nghĩ cũng thương tình đó chút, nhưng biết sao ?

Bần Đạo chào mấy em.

Thăng

 

18. KHỔNG LÃO GẶP NHAU

Đời Châu Kinh Vương thứ 17, Đức Khổng Tử qua nước Châu hỏi đạo đức lễ nghi, Lão Tử nói:

Lưỡng cổ thâm tan nhược hư,

“Thạnh đức dung mạo nhược ngu.”

Nghĩa là: Nhà buôn khôn cất hàng hóa mới coi như tiêm trọng, chẳng chịu khoe khoan. Người lớn đức coi hình dung như khờ, không hay kêu ngạo.

Đến khi Phu Tử kiếu về, Lão Tử nói: Ta có nghe rằng, người giàu lấy của mà đưa nhau. Ta chẳng phải giàu, xin trộm làm người nhơn, lấy lời nói mà đưa Thầy.

Phu Tử lui về mà khen rằng:

“Điểu, ngô tri năng phi,

“Ngư, ngô tri năng du.

“Long đại phong vân chi trung, ngô bất tri kỳ cao hạ.

“Lão Tử kỳ long hồ.”

Nghĩa là: Ta biết con chim bay, ta biết con cá lội, chớ con rồng trong mây gió, ta khó biết biến hóa thấp cao. Lão Tử cũng như con rồng. (Trích Đông Du Bát Tiên trang 7)

 

19. LỜI TRỐI CỦA KẺ PHI PHÀM

Trộm nghe Ngài Hồ Bảo Đạo thuật lại trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Hộ Pháp lăn lộn khó chịu rồi ráng nói với giọng yếu ớt: “Xin cho con lãnh cả tội tình của dân tộc con”.

Bao nhiêu đó cũng đủ chứng minh một nhà ái quốc chơn chánh.

Nếu kẻ thường tình khi ngặt mình khó chịu thì cầu Chí Tôn đem mình đi sớm để khỏi đau khổ. Trái lại Ngài chẳng những gánh cái đau khổ cá nhân của kiếp người, Ngài lại gánh thêm tội tình của cả dân tộc Ngài, tức là những kẻ chưa tin Chí Tôn hay hơn nữa chống đối lại Đại Từ Phụ.

Từ chế độ Quân Chủ cấm Đạo truyền bá Trung Kỳ đến các triều đại Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Phan Long, Phan Khắc Sửu, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, có lúc nào Đạo Cao Đài được ưu đãi dể dàng đâu ? Đó là trong vòng kiểm soát của mặt công khai. Còn ban đêm, trong bóng tối Cao Đài còn bị một áp lực không tiền khoán hậu là kẻ vô thần lấy sức mạnh cản trở bước tiến của Đạo.

Biết bao chiến sĩ hy sinh vì chánh nghĩa, biết bao Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu chết oan vì nạn nồi da xáo thịt.

Thế nên tội tình dân Việt chồng chất. Muốn giải kiết Đức Ngài mỏn hơi kêu gọi Hòa Bình. Nào lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp; Mặt Trận Quốc Gia Toàn Quốc;  Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, mở đường lối Hòa Bình Chung Sống, nào dùng phép ngoại giao ủng hộ Quốc Trưởng Bảo Đại ký kết với Cao Uỷ Bollaert tại Vịnh Hạ Long nhìn nhận Việt Nam Thống Nhứt Độc Lập. Nào đi Âu Du rồi Á Du tìm giải pháp ôn hòa để lao vết thương chiến tranh cho giống Lạc Hồng.

Nhưng vỏ quýt càng dầy thì móng tay càng nhọn. Bọn buôn dân hại nước cứ phá phách mãi, đến đổi Đức Ngài phải lưu vong sang Miên Quốc. Phút chót của cuộc đời còn di chúc là : “Chừng nào nước nhà độc lập thống nhứt hòa bình mời chịu di liên đài về Tổ Đình”.

Những giải pháp của Ngài đều bị đồng bào của Ngài phá vỡ, nên phút cuối cùng, Ngài cầu Thượng Đế cho Ngài gánh các tội tình của đồng chủng Ngài thật là thấm thía cao thượng làm sao. Không hận thù mà còn trải tình thương gánh tội cho đồng chủng vô minh phá Đạo, gây nhiều tội tình.

Có lẻ Ngài sợ cái án của dân Do Thái giết Chúa tái diễn, dân Việt Nam phải bị phạt thất quốc như dân Do Thái thì cái hại ấy còn thê thảm cho đồng chủng của Ngài quá lẻ.

Cao quí thay ! Tôn kỉnh thay! Thật xứng đáng một nhân vật phi phàm.

 

20. APOTHÉOSE (Hiển Thánh)

Cách lối 2 tuần lễ trước ngày đăng tiên, Đức Hộ Pháp hỏi Ngài Hồ Bảo Đạo:

“Chú Đốc, chú hiểu chữ Apothéose là nghĩa gì không ?”

Ngài Bảo Đạo đáp: “Bạch Đức Ngài Apothéose là sự kết quả của một việc làm thành công mỹ mãn.

Đức Hộ Pháp nói: “Chí Tôn cho Bần Đạo thấy chữ ấy trong lúc Bần Đạo thức chớ không phải nằm mộng, chữ ấy nổi dạ quang (lumineux) trước mặt Bần Đạo.

Ngài Bảo Đạo hiểu như vầy: Có lẻ đường lối Hòa Bình Chung Sống đến ngày thành công, tức là nước nhà được thống nhứt hai miền Nam Bắc, dân tộc Việt Nam hết đỗ máu, chánh phủ hai miền đồng ý với nhau thành lập chánh phủ Trung Ương trong ấy có 3 thành phần:

1 thành phần Quốc Gia

1 thành phần Cộng Sản

1 thành phần Trung Lập

Nam Bắc sẽ điều hòa, người nào thích chế độ nào được tự do theo chế độ đó. Người Miền Bắc thích chế độc Cộng Hòa thì vào Nam cư ngụ. Người Miền Nam thích Cộng Sản thì được ra Bắc cư ngụ. Lần lần tổng tuyển cử tự do dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc.

Chánh thể của nước nhà sẽ do đa số dân chúng Việt Nam định đoạt…

Nhưng cách lối 5 hôm trước ngày Đức Ngài đăng Tiên, bổng dưng Ngài Bảo Đạo lại hiểu khác hơn là Apothéose có nghĩa là Hiển Thánh, là Đức Hộ Pháp phải bỏ xác để về chầu Đức Chí Tôn với chơn linh Phật tánh của Ngài.

Chừng đó Ngài Bảo Đạo rối lên, tinh thần bấn loạn. Ngài suy luận: Ai lèo lái thuyền Đạo đây? Đường lối Hòa Bình Chung Sống ai cầm cán đây?

Nếu Đức Ngài qui tiên, phận sự Hội Thánh Ngoại Giao ra sao? Hội Thánh Tòa Thánh phải đối phó cách nào với thời cuộc mới?

Bao nhiêu câu hỏi dồn dập làm Ngài bối rối, không mấy đêm mà tóc Ngài bạc trắng.

Rồi cách tẩn liệm, kinh kệ, chôn cất, lễ lộc phải tổ chức sao cho phải lẻ? Liên Đài phải đem về Tổ Đình hay quàng tại đất Miên.

Trong 5 hôm ấy Ngài bối rối, nhưng cũng nhờ cơ bút, các thắc mắc đã được giải quyết tương đối theo ý muốn.

Toàn Đạo buồn cho cuộc chia ly, nhưng Đức Ngài mừng cho cơ đắc Đạo.

 

21. DUYÊN AI NẤY GẶP

Một cung nữ đời Đường ở trong thâm cung buồn bực đề thơ vào lá đỏ thả xuống dòng sông, câu thơ rằng:

Lưu thủy hà thái cấp ?

Thâm cung tận nhựt nhàn.

Ân cần tu hồng điệp,

Hão khứ đáo nhân gian.

Thích nôm:

Nước chảy sao mà vội ?

Cung sâu cả buổi nhàn.

Ân cần khuyên lá thắm,

Đi quách tới nhân gian.

Vu Hựu lả môn khách nhà Hàn Vinh bắt được, đề thơ lại vào lá, rồi cũng bỏ xuống dòng sông. Thơ như sau:

Tằng văn diệp thượng đề hồng oán,

Diệp thượng đề thi ký dữ kỳ ?

Thích nôm:

Đã theo lá thắm đề thơ oán,

Trên lá đề thơ định gởi ai?

Hàn Thị lại bắt được.

Sau có dịp nhà vua thả cung nữ ra lấy chồng làm ăn, Hàn Thị là bà con cùng họ với Hàn Vinh đứng làm mối mai cho nàng kết duyên với Vu Hựu. Trong lúc hợp cẩn, 2 người cùng mở rương lấy chiếc lá thắm đưa cho nhau và cùng cho là việc tiền định.

Hàn Thị cảm súc tâm tư làm bài thi:

Nhứt liên giai cú tùy lưu thủy,

Thập tải ưu tư mãn tố hoài.

Kim nhựt khước thành lom phụng hữu,

Phương tri hồng diệp thị lương môi.

Thích nôm:

Một đôi thi cú theo dòng nước,

Mười mấy xuân thu nhớ dẫy đầy.

Mừng bấy ngày nay loan sánh phụng,

Cũng nhờ lá thắm khéo làm mai.

 

Trong bài văn Tình Phu Phụ của Bát Nương có câu:

Hàn Túy Tần lá đưa khe ngự,

Vu Hựu chàng đề chữ hỏi duyên.

Trăm năm đôi lứa toại nguyền,

Mới hay Trời định may duyên lá hồng.

 

22. VẤN ĐẠO ĐỨC HỘ PHÁP

Năm 1948, Đức Hộ Pháp đến Đà Lạt vì việc nước, Ngài đến Thánh Thất Trại Mát để ngụ. Đêm nằm mộng thấy một số thanh niên đến vấn nạn Ngài về bước đường giải phóng quê hương. Họ trách rằng: Tại sao Đức Ngài không lãnh Đạo quần chúng chống kẻ xăm lăng là đế quốc Pháp mà lại đeo đuổi theo lối nâu sồng chay lạc…

Sáng Đức Ngài thuật lại cho Chức Sắc và Tín Đồ nghe tại văn phòng Khâm Châu Đạo Lâm Đồng rằng Ngài đã trả lời bằng 4 câu thi, các chơn hồn ấy hết thắc mắc và yên lòng từ giã.

Thơ rằng:

Đeo đuổi bấy chầy một kiếp tu,

Là đem hạnh phúc đổi quân nhu.

Trên đường công cán trừ tư kỹ,

Diệt khổ quần lê hết quốc cừu.

Tục truyền rằng nơi đèo Col Ducla gần Thánh Thất Trại Mát, cách Đà Lạt 5 cây số là mặt trận của kháng chiến Việt Nam đánh với Pháp, đôi bên chết cả trăm mạng, nên người ta thường thấy những đêm trăng tà, bóng người đi rần rộ và tiếng giầy nện trên đường nhịp nhàng. Có lẻ những tử sĩ ấy đã thấu lý về mục đích thế Đạo nhờ bài thi trên và chúng ta cũng được một tài liệu hay nơi phương trời xa Thánh Địa gần 300 cây số.

 

23. TIÊN TRI NGÀY GẦN THÀNH ĐẠO

Đức Chí Tôn dạy:

“Ngày gần thành Đạo là ngày tà mị nó khởi động để xô sấp lật ngữa các con. Ai yếu chỗ nào, nó nương chỗ đó mà phá khuấy.

Ấy vậy, khi nào có gặp sự trở đương khổ trí tức lòng, các con nên nhớ đến lời Từ Phụ mà cười cho qua cơn sóng gió. Chi chi đều có Từ Phụ và chư Phật Tiên phò trì ủng hộ. Các con nên để trọn lòng thảnh thơi mà hành Đạo là điều quí hơn hết”.

 

24. NGÀY SÓC-NGÀY VỌNG

Chúng ta thường nói ngày sóc là ngày đầu tháng, ngày vọng là ngày giữa tháng tức là rằm, nhưng chưa ai giải tại sao kêu ngày sóc, tại sao kêu ngày vọng.

Sau đây là lời giải của một Đấng Thiêng Liêng:

SÓC: Nguyệt quang kế tử, vị phục chi sóc. Nghĩa là sáng trăng đã chết, mấy nay sống lại.

VỌNG: Nhựt nguyệt tương vọng, vị chi vọng. Nghĩa là trời trăng xa nhau, cùng trông nhau.

 

25. NẰM MỘNG ĐƯỢC THI TIÊN

a.Ông Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Nguyễn Văn Kiết bị câu lưu 3 năm khổ hạnh, nơi khám đường ông nằm mộng thấy Đức Hộ Pháp cho 4 câu thi:

Sua động xử ma khử chánh tà,

Biệt phân Thánh Thể với thây ma.

Luyến trần thất thệ cam đành chịu,

Đừng hận Thiên Điều chớ trách ta.

b.Ông Huỳnh Công Chánh (Giáo Sư Ngọc Chánh Thanh) cũng ở tù nằm mộng thấy Đức Cao Thượng Phẩm họa bài thi do ông sáng tác, bài họa như vầy:

Trách ai chia sẽ nửa non sông,

Thống nhứt đề ra cũng bị còng.

Đất Bắc Nga Hoa xua vũ khí,

Trời Nam Anh Mỹ hộ tiền đong.

Xưa kia Trịnh Nguyễn phân tranh khổ,

Nay lại Hồ Ngô cũng dị đồng.

Chánh Sách Hòa Bình Chung Sống của,

Cao Đài Hộ Pháp ắt nên công.

c.Ngài Bảo Văn Pháp Quân cũng nằm mộng thấy Bát Nương cho thi lại ngâm một điệu  phơi phới nhẹ nhàng:

Nhẹ bước nhàn du để vẻ hồng,

Sấn tay nước Việt dậm non sông.

Châu về đất Bắc dời Kim Khuyết,

Ngọc rạng thành Nam chuộc ải đồng.

Mở lối đài vân mời chí sĩ,

Dọn đàng Hồng Lạc dắt anh phong.

Động Đào quen thú mơi chiều ngắm,

Hỏi khách tao nhân có mặn nồng ?

Xem 3 bài thi trên chúng ta thấy việc mộng mị không phải hoàn toàn vô ích mà trái lại nó rất hữu dụng cho đời hành Đạo của chúng ta. Tại sao lúc thức ta không tiếp nhận được các bài thi của các Đấng vô hình mà đợi tới lúc ngủ mới tiếp nhận được. Vậy lúc ngủ chơn thần của chúng ta gần gũi với Thiêng Liêng hơn lúc thức.

 

26. LẤY ẾM Ở KHỔ HIỀN TRANG

Đêm 16-10 Mậu Thân (1928) Đức Hộ Pháp chấp bút có Bát Nương về mách bảo rằng: Nơi Phú Mỹ có Long Tuyền Kiếm do người Tàu ếm, phải đến đó lấy ếm thì sau nầy dân tộc Việt Nam được phát triển và đất đó sẽ thành Thánh Địa.

Sáng ngày 28-2 Kỷ Tỵ (1929) Đức Hộ Pháp đi với một số tín đồ tìm Long Tuyền Kiếm do cơ bút chỉ ở nơi đồng nội có hòn Núi Lan, phía hướng Đông, bên mặt trời mọc. Khi đi bằng ghe qua sông Thầy Yên vô làng Cát độ chừng 5 cây số mới tới, đậu ghe tại rạch, lên bờ đi lối chừng 700m thấy nước vì phèn nên trong vắt, ngoài đồng bưng toàn là năng, đưng và bàng. Đất thì đen như mực, không có cây lúa hoặc trồng cây gì cũng không được. Nhơn sanh nơi đây sống bằng nghề bàng đưng, dài theo 2 mé rạch thì lò gốm sản xuất lu, diệm, chén, tộ.

Đức Hộ Pháp lên bờ rồi đi tới một gò đất cao màu vàng, chừng 500m bề ngang, 700m bề dài. Đức Ngài đứng giữa gò ấy chấp bút cầu các Đấng vô hình đặng hỏi thăm thì có một vị nhập về xưng là Lỗ Ban Sư Trưởng giáng bút chỉ đào ngay giữa chót núi đất đó, đào chừng 2 tất thì đụng đá. Vì đá mới nổi lên chưa khỏi mặt đất. Đức Lỗ Ban nói đây là phép ếm của Trạng Tàu biết chỗ nầy là núi vàng, Khi nước Tàu cai trị Việt Nam, sợ sau nầy núi ấy nổi lên thành hình rồi thì nước Việt Nam xuất Tướng và có Trạng, rồi phục nghiệp có Vua, sẽ làm bá chủ hoàn cầu, nước Tàu sẽ bị lệ thuộc nên ếm cây Long Tuyền Kiếm cho tuyệt nước Việt Nam không dậy nổi. Cái phép ấy lạ lắm, trong nước xuất tướng có nhơn tài hay có Trạng ra đời đều bị lưỡi kiếm đó vớt đứt hết.

Đầu năm 1864 Pháp chiếm Việt Nam thì Tàu rút lui. Đến 1914 giặc Âu Châu đại chiến bùng nổ thì chánh phủ Tàu sai người Tiều Châu len lỏi qua ếm nữa, cũng ngay nơi đó. Đức Lỗ Ban cho biết nơi đây có một vị Thần vâng sứ mạng Ngọc Đế ở đây gìn giữ ngọc báu ấy, không cho ai biết hoặc lấy, chỉ giành riêng cho Trạng của Trời sai đến lấy vật báu ấy mà thôi.

Đức Hộ Pháp tìm được rồi, liền cho quí vị tín đồ đào lên lấy được một cái ống ghè, 1 lưỡi dao phai cùng 6 con cờ tướng bằng ngà, 6 đồng tiền kẽm đời vua Minh Mạng. Đào xuống một lớp nữa thấy một cái hộp bao chì vuông vức, chiều dài 9 tất. Đức Ngài nói Long Tuyền Kiếm ở trong đó, nhưng cấm không cho mở ra coi, gói kín lại đem về Tòa Thánh.

Đức Hộ Pháp nói: “Nay là ngày kỷ niệm nước Việt Nam, dòng giống Lạc Hồng được hữu phước, nhờ Đạo Trời khai mở, gở nạn ách cho nhơn loại và từ từ sẽ gở ách nô lệ. dồng giỏi tổ phụ ta sẽ phục nghiệp, dân tộc ta sẽ xuất hiện nhiều nhân tài, phá tan xiềng xích chẳng còn bị lệ thuộc nữa. Nếu chậm trễ là do dân tộc Việt Nam không chịu tôn thờ chủ nghĩa của Đức Chí Tôn, không đủ thương yêu nhau, cứ tranh giành quyền lợi.

Vã lại Tổ Phụ ta vay nợ máu là Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn còn dính dòng máu ấy, nên dân tộc phải trả. Nợ của Chúa, tôi phải trả, tội cha làm con phải chịu. Ai còn có dòng máu ấy thì phải trả dứt rồi mới vãng hồi hòa bình độc lập thật sự được.

Đức Hộ Pháp dạy đào con kinh từ ngọn Tràm Sập băng ngang chót mũi gươm Long Tuyền Kiếm cho bứt đặng trừ tuyệt sát hại nhơn tài.

Lược thuật lời của Đức Hộ Pháp

Đệ Tứ Niên

 

(Vô Danh)

 

(Mong có sự bổ cứu của quí  liệt vị về vụ nầy)

 

 

27. GIẢI TỬU

Đức Lý Giáo Tông dạy ông Lê Châu Trì trong một đàn cơ như sau:

…………………………………

Trì nghe dạy !

Sơn, phải lấy một ly rượu nhỏ, 1 ly rượu lớn, rót ly nhỏ vào ly lớn đem lại đây…

Đưa cho nó cầm đội ngang tráng thề rằng:

Tôi tên là Lê Châu Trì thề uống Tiên tửu một phen nầy với Lý Đại Tiên, từ đây không uống nữa. Như ngày sau phạm giới, ngũ lôi đã tử.

Như quỉ dục thì Hiền Hữu niệm câu nầy:

“Tửu nhập tâm di, hại tổn bình sanh chi đức,

“Tánh thiên Đạo diệt, dục tranh thế sự chi oan.

Giải nghĩa: Rượu vào lòng đổi, hại hao đức bình sanh, Tánh dời Đạo hủy dục tranh oan nghiệt thế tình…

Vậy ai muốn bỏ rượu nên dùng câu chú nầy thì ắc được toại nguyện vì nó là lời dạy của Đức Lý, có Chư Thần trợ lực.

 

28. THỜI GIAN THEO BÀI THUYẾT ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ PHÁP

23-12-Đinh Hợi (1948)

12 giờ là 1 ngày

12 tháng là 1 năm

12 năm là một giáp

120 năm là một kỷ

1.200 năm là một giác

12.000 năm là một nguơn

36.000 năm là một chuyển.

Khi văn minh Âu Châu chưa du nhập thì Việt Nam chúng ta theo thời gian của Tàu mà tính. Một ngày có 12 giờ là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Một giờ xưa có 120 phút tức 2 giờ theo Âu Châu.

Trái đất chúng ta đã có 3 chuyển tức 108.000 năm bắt đầu Thượng Nguơn tứ chuyển.

 

29. LONG TU PHIẾN

Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ dạy:

Long Tu Phiến là cây quạt do điện khí của Tam Thập Lục Thiên kết thành. Quạt ấy tiết ra một điện lực có ảnh hưởng đến cuộc tấn hóa của quần linh. Chơn Thần nào trong sạch thì nương theo đó mà siêu nhập Cực Lạc Thế Giới.

Trái lại Chơn Thần nào luyến ái tà mị thì lánh xa mà đi lần đến U Minh giới. Cả cái thu và đẩy của Long Tu Phiến với Chơn Thần đều do luật “đồng khí tương cầu” mà thành tựu. Nghĩa là Chơn Thần Đạo đức thì Long Tu Phiến hấp dẫn đến gần và đưa vào Cực Lạc Thế Giới, còn Chơn Thần trọng trượt thì Long Tu Phiến đẩy ra xa và lần hồi đến cảnh U Minh đen tối.

 

30. PHẤT CHỦ

Phất Chủ là điển khí của Thất Bửu Diêu Trì kết hợp dùng để trau rửa Chơn Thần trở nên thanh khiết (Tài liệu của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu).

 

31. PHẬN SỰ CỦA HIỆP THIÊN ĐÀI

(Đức Hộ Pháp giảng tại Đền Thánh đêm 30-8 Nhâm Thìn)

Hôm nay Bần Đạo giảng hai bài thi của Bát Nương lúc ban sơ mới khai Đạo. Trong hai bài thi ấy cả Thánh Thể Đức Chí Tôn tức nhiên Hội Thánh và con cái của Ngài chẳng luận nam, nữ suy ngẫm rồi sẽ thấy lời tiên tri  kết liễu ngày nầy một cách lạ thường. Nhứt là đêm nay Bần Đạo giảng cho mấy em Luật Sự Hiệp Thiên Đài lãnh sứ mạng đi cùng khắp các nơi cầm cân công bình Thiêng Liêng của Đạo.

Vã chăng chơn lý của Đạo Cao Đài đã tỏ cho toàn cả nhơn sanh hiểu lời tiên tri của Phật giáo đã nói: Qua cuối Hạ Nguơn, Đức Chí Tôn đến để mở Hội Long Hoa đặng lập vị cho Đức Di Lạc Vương Phật. Nhưng khi ấy Đức Chí Tôn quyết tự mình đến, cho nên cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật tại Ngọc Hư Cung cầu xin Đức Ngài để cho các Đấng ấy đảm đương phận sự thay thế cho Ngài không cho giáng trần tái kiếp.

Từ thử đến giờ, Bần Đạo chưa hề biết nói đến sứ mạng Thiêng Liêng của Bần Đạo, là vì Đức Chí Tôn không đi nên mới có Hộ Pháp của Ngài đến, cốt yếu thay thế cho Ngài đặng lập vị cho Đức Di Lạc Vương Phật mở Hội Long Hoa; tức nhiên sứ mạng của Hộ Pháp là cầm cân công bình Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn giao phó. Cả tâm lý tinh thần nơi mặt địa cầu nầy đặng hòa giải sửa đương tâm đức tinh thần của nhơn loại, tức nhiên Ngài đến trước khi mở Hội Long Hoa, tạo tâm đức từ trong cửa Thánh của họ đặng họ từ từ bước đến phẩm vị của họ tại mặt thế nầy.

Ngày giờ nào mà nhơn sanh đã tiến bước, Bần Đạo chỉ nói một người mà thôi đoạt được Phật Vị thì ngày ấy Long Hoa mới mở. Mà Hội Long Hoa chưa mở thì Đức Di Lạc Vương Phật chưa đến. Nghe rõ rồi nhớ. Phải chăng là chung tâm cả thảy Thánh Thể và con cái của Ngài thấy cái trường đời, tức nhiên là nhơn quần xã hội đương ly loạn, mà chính trong một quốc dân được Đức Chí Tôn đến đặng lựa chọn một phần làm Thánh Thể của Ngài, tức nhiên nước Việt Nam  mà ngày giờ nầy cũng bị đảo lộn, ly loạn thì lẽ dĩ nhiên hễ không có hổn loạn tức là không có bình trị, có hổn loạn tức là mới có bình trị.

Chúng ta đã thấy luật thiên nhiên tương đối kia, muốn cho nước đục được trong, phải đảo độn nó đi thì nó mới lóng trong lại được, cuộc thế đương nhiên là vậy.

Bây giờ vận mạng nước nhà cũng thế ấy, phải có loạn mới có bình trị, cũng như chúng ta bây giờ nầy Đạo lý đã xuất hiện và nhờ Đạo lý ấy mà họ mới nhìn nhận Hội Thánh chúng ta, mà chúng ta có sợ sệt chi chăng? Bần Đạo nói chẳng hề khi nào biết sợ, Bần Đạo quả quyết như thế. Đây là bằng cớ mà con cái Đức Chí Tôn đã ngó thấy, từ khi mở Đạo đã gặp khó khăn rồi. Bần Đạo chưa hề sợ ai làm khó hết. Càng hổn loạn Bần Đạo càng mở tầm mắt ra xem coi và đợi kết liễu của nó. Bần Đạo chẳng hề khi nào khủng khiếp.

-Tại sao khủng khiếp cà chớ ?

Đức Chí Tôn biểu mình hiến trọn tam bửu của mình tức là mảnh thân phàm, trí não và linh hồn của mình cho Ngài, thì mảnh xác thân của ta đây đã là tế vật cho Ngài, dầu chết, dầu sống gì thời thế nào cũng không sao, có gì mà phòng sợ?

Cái gì mà khủng khiếp, khủng khiếp là điều bạc nhược của chúng ta đó. Cái trường đời còn đảo ngược thì Bần Đạo còn cái phương thế đem cái sứ mạng của mình mà làm cho có mực thước. Trái ngược lại Bần Đạo cầu cho như thế.

Cái hổn loạn ấy nó khởi từ lúc ban sơ, Đức Chí Tôn đến đặng đem mối Đạo chia cho con cái của Ngài, tức nhiên là các phần tử Thánh Thể các Ngài đầu tiên của Ngài đã đến kiếm. Ngài tự đưa cái hổn loạn ấy, cái khó khăn ấy, khởi đương trong gia đình Thánh Thể của Ngài là mỗi phần tử ấy. Bần Đạo trông lại đoàn anh của chúng ta cho đến Bần Đạo đây cũng vậy, đem thân vào cửa Thánh Thể của Ngài thì thấy khó nhọc khó khăn biết bao nhiêu. Nói đến sứ mạng yếu trọng của mình hôm nay là vậy đó.

Trong gia đình có hổn loạn, có thống khổ thì tới xã hội nhơn quần cũng vậy. Cớ sao xã hội có như thế, phương pháp ấy để toàn cả xã hội nhơn quần thấy đặng khó khăn thống khổ, tức phải thọ khổ rồi mới thắng khổ.

Bài thi của Bát Nương lúc ban sơ nói về cái khó khăn khởi đương của nền tôn giáo của Ngài mà Ngài đã gánh vác hết, đã đảm đương hết.

Thấy cái khó khăn ấy, Bần Đạo lại e sợ các phần tử Hiệp Thiên Đài làm không đặng mà thối chí ngã lòng.

Buổi nọ Bát Nương kêu bà Nữ Chánh Phối Sư của chúng ta là Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu, bạn thân của Đức Cao Thượng Phẩm làm một bài thi như vầy:

“Mua vải dùm em để phất diều.

(Ý dùng sợi dây ám chỉ Hiệp Thiên)

“Treo văn trước mõ mới là kêu.

(thâm ý là dùng văn chớ không phải võ)

“Cánh sườn cột nẹp cân cho đúng,

(nói về Pháp Chánh)

“Lèo lái so dây gióng đặng điều.

(phận sự của Hiệp Thiên)

“Luồng gió ồ ào bừng thổi dậy,

(tiên tri sự hổn loạn)

“Mấy anh tỉnh mỉnh đứng lên khều.

(Hiệp Thiên phải vững lòng mà lướt trên sự hổn loạn ấy)

“Chín từng lồng lộng bay cho thấu,

(ý nói phải dìu dẫn Cửu Trùng Đài cho đến tột phẩm của họ, hơn nữa là ngôi định vận, giữ then chốt của nước Việt Nam chúng ta cũng gọi là Cửu Trùng nữa, phải hiểu cho lắm bổn phận của Bần Đạo bây giờ đó vậy)

“Thì hiểu Hiệp Thiên nghĩa ít nhiều.

(câu kết nói rõ tức nhiên toàn cả bài thi là định phận cho Hiệp Thiên Đài đó vậy)

Khi đến viếng Hội Thánh Ngoại Giáo nơi Tần Quốc (Kim Biên), sau khi xong việc Đức Quyền Giáo Tông và Bần Đạo tính về liền, tối bữa đó cầu cơ, định đến sáng lên xe đò, Bát Nương lại giáng cho một bài thi như vầy, cốt yếu là để cầm lưu lại:

“Dường đợi Thanh Loan đến Hớn Đài,

(ý nói Đạo nơi Tần Quốc còn trông ngóng Đạo lý nhiều lắm)

“Tửu Tiên chưa phỉ tỉnh cùng say.

(ý nói lời thuyết Đạo chưa đủ vào đâu, phải thuyết nữa)

“Nghe danh ông Tắc y lìa ruộng,

(ám chỉ về Bần Đạo)

Lóng tiếng vua Nghiêu, Thuấn bỏ cày.

(ám chỉ Đức Quyền Giáo Tông)

“Ái vật Thành Than quên dở ná,

(ý nói đừng trở về vội)

Thương dân Hạ Võ mặc giày gai.

(nói bổn phận của Bần Đạo và Đức Quyền Giáo Tông phải nhớ)

Ngóng mưa đã chịu ba thu mãn,

(nói Đạo ở Tần Quốc còn phải ngóng đợi như vậy đó)

Cứu chúng hồn ai chẳng trổ tài.

(nói phận sự của Bần Đạo hiện giờ)

Đức Chí Tôn mở Đạo thì Hội Thánh Ngoại Giáo đã cầu cơ, Bát Nương đến biểu chúng ta đem cả năng lực đặng cứu chúng sanh. Cái sứ mạng cứu thế đó phải khổ hạnh khó khăn thế nào, nguy hiểm thế nào, Bần Đạo để con cái Chí Tôn suy gẫm, hiểu cho thấu, tự hiểu lấy mình, vì nó không phải khó kiếm hiểu.

 

32. ÔNG PHƯỚC TƯỜNG THUẬT TIỆC ĐÃI BAN NHÀ THUYỀN CỦA ĐỨC HỘ PHÁP TẠI BÁO ÂN TỪ- ngày 12-6-Qúi Tỵ (1953)

 

Đức Hộ Pháp đãi tiệc Ban Nhà Thuyền Bát Nhã 118 vị. Vài ngày trước khi Đức Ngài mời Bà Phối Sư Hương Nhiều Chưởng Quản Phước Thiện Nữ Phái và Ban Nấu Chay giao cho 5.000$ để sắm một tiệc đặng đãi thượng khách trên 100 người, định 2 giờ chiều ngày 12 tới đây tại hậu điện Báo Ân Từ. Bà Phối Sư xin giúp thêm 3.000$

Đúng hẹn tiệc làm xong chờ đợi 3 giờ rưỡi chưa thấy thượng khách đến, Đức Ngài mặc tiểu phục đến Báo Ân Từ, kế 4 giờ thấy Giáo Hữu Thái Hồ Thanh, Chưởng Quản Ban Nhà Thuyền cùng đi với nhơn viên, mặc đồ Đạo Tỳ.

Bà Tám bạch Ngài: “Sao không thấy thượng khách”.

Đức Hộ Pháp nói: “Đây là thượng khách”.

Cả thảy đồng cười lên, Đức Ngài lại mời khui rượu, ngồi theo mỗi ghế có ghi tên theo mỗi ly rượu. Đức Ngài dạy người khui rượu rót mỗi ly cho đầy đủ.

Ngài nói: Bửa nay Qua mời mấy em tới cùng với Qua dự một tiệc, đây có Hội Thánh chứng kiến, mấy em nâng ly cùng Qua, chứng tỏ rằng ly rượu nầy chính tay Qua đãi mấy em và cùng chung với mấy em trong nhiệm vụ Ban Nhà Thuyền để cấp tán thi hài người quá liễu. Khi về Thiêng Liêng mấy em làm chứng rằng, việc nầy làm có Qua cùng chung ly với mấy em. Theo lẽ Qua muốn cỡi áo Hộ Pháp đặng hiệp với mấy em mới phải, nhưng gì không ai cho. Bởi cớ mà ngày nay thiết tiệc để chứng tỏ việc làm nầy có Hộ Pháp nhúng tay làm trong đó.

Qua chẳng cần luận thuyết, trước mắt mấy em đã thấy, thiên hạ ở thế nầy mãi tranh với sự sống nhàn rỗi tức là danh lợi để toại hưởng mảnh thân phàm, nếu có muốn tạo âm chất hay giúp ích xã hội thì họ cũng tìm cái nhẹ nhàng vừa theo sự dục tấn của xác phàm, chớ ích có ai ra gánh vác mọi nổi thống khổ đau thảm của người.

Cũng như việc mấy em đã và đang làm, Qua thấy cái hy sinh vô bờ bến của mấy em, nhứt là sự tẩn liệm thi hài của xác chết, có nhiều khi gặp phải cái mùi trượt khí có thể gây ra bệnh truyền nhiễm, nhứt là bịnh dịch hạch, trái giống…đều là thiên hạ tránh xa, chẳng ai dám lại gần, ai cũng muốn bảo trọng sự sống mà mấy em ra lãnh với mọi khó khăn, chẳng sợ cái bịnh truyền nhiễm có hại mạng sanh cái kiếp con người, có khi phải lưu truyền lại cho con cháu (nhứt là bệnh lao).

Đừng nói chi trong thân tộc, người nhà của gia quyến, rủi gặp trường hợp bịnh chướng, dầu tốn hao bao nhiêu tiền bạc cũng mướn; nếu có quyền là bắt buộc dân làng hèn hạ ra làm, còn những việc mướn người đứng ra làm việc đó, chỉ là một số tiền làm mướn chẳng kể xác thân phàm, làm đại làm đùa để lấy số bạc mà thôi.

Còn mấy em nếu gặp các bịnh chướng, độc nhiễm ấy cũng cố làm hết phận sự, chẳng kể cái truyền nhiễm, mấy em xét lại coi trong cả thảy mấy em làm từ thuở đến giờ, nhứt là Giáo Hữu Hồ đã chịu nhiều hơn hết, mà có em nào vướng lấy bệnh truyền nhiễm chăng? Nếu không có quyền năng Thiêng Liêng giúp mấy em làm sao tránh khỏi độc nhiễm.

Còn một việc âm chất phi thường nữa, nhứt là các bậc chơn tu, các nhà từ thiện hay tìm điều lành điều phải mà tạo âm chất, họ đang tìm thế nào đặng gặp một vị Phật sống ở thế nầy đặng họ cho bát cơm hoặc mảnh áo đặng tạo hạnh phúc trong việc tạo âm chất.

Với sức phàm làm sao tìm đặng, nên các nguyên linh thất chất ấy xuất hiện ra việc bố thí, tu cầu, bồi lộ, làm chay, thí rế, cất chùa, miếu am tự v.v…vì sự mơ vọng cầu may coi có gặp Phật không ?

Còn phần mấy em đã trọn hiến thân trong cửa Đạo làm gì có của mà thi hành việc nghĩa ấy được ? nếu có được chăng chỉ có cơ quan Phước Thiện của nền Đại Đạo do Đức Chí Tôn lập ra mà thôi.

Điều nầy mấy em Phước Thiện ráng chú ý cố gắng với nhiệm vụ, dầu sớm với muộn cũng có thể gặp được. Lại nữa mấy em đã tùng lịnh Hội Thánh Phước Thiện thì phải cố gắn với phận sự, chỉ riêng Hồ là người của Qua đã thâu nhận vào Phước Thiện mà Qua cho nó cầu phong vào chức Giáo Hữu còn cả thảy nhân viên tùng sự với Hồ đều là người hiến thân Phước Thiện.

Tại sao Hồ là người hiến thân Phước Thiện mà lãnh chức Giáo Hữu Cửu Trùng Đài, ấy là giải pháp quyền Chí Tôn tại thế định kết sự liên quan làm trung gian giữa hành chánh và Phước Thiện mà giúp phận sự cho Giáo Tông và Hộ Pháp theo đúng chơn truyền tận độ.

Qua nhắc lại một lần nữa, Qua muốn cởi áo để chung hiệp với mấy em, nhưng ngặt vì không ai cho, vì qua hiểu rằng cái hạnh phúc vô đối dưới thế nói một kiếp sanh của con người chưa hề làm được, nếu không mai duyên. Hạnh phúc đó là gói kín hay chôn cất dùm cái xác của một vị Phật lâm phàm, khi đã cỗi xác phàm trần thì không có hạnh phúc nào bằng.

Người ta tìm Phật sống để dâng miếng ăn, đào tạo hạnh phúc, còn mình giờ đây không biết ai là Phật, ai là phàm, mình cứ làm, dầu hạng nào mình cũng lãnh làm với phận sự của Phước Thiện, của Ban Tẩn Liệm Nhà Thuyền đã đưa xác người vào nơi Phước Địa trọn vẹn sự chôn cất thi hài của người qui liễu.

Ở thế gian nầy biết bao nhiêu Phật tái sinh, hằng hà sa số, mấy em không biết cái xác nào của vị Phật, mà phận sự của mấy em hằng nào đều có cấp tán hoặc tẩn liệm, rồi đây chẳng kiếp thì chầy thế nào cũng được gói kín một xác của vị Phật. Sự cực khổ đó Chí Tôn sẽ ban ân huệ, không hạnh phúc nào bằng, may duyên gặp được thì cả tổ tông, gia quyến của mấy em đều đặng chung hưởng.

Chí Tôn có nói: “Bao nhiêu công quả bấy nhiêu phần”; nên sự lập công, làm âm chất dầu của dầu công, Chí Tôn đã dành sẵn, chỉ có một điều các em không chịu lập công nơi cửa Đạo thì không bao giờ hưởng gia tài của cải nơi cửa Hư Linh được.

Qua nhắc lại một sự tích bên xứ La Mã, trong lúc khởi tạo Đền Thánh, hễ ai dâng hiến tiền của thì được ghi tên vào bảng vàng trước Đền Thánh, tiền của nhiều đứng trên, vẫn thứ tự chót hết là một đồng bạc.

Ngày nọ sắp ăn lễ khánh thành, bắt đầu vào cuộc lễ trót mấy ngày trước, rốt lại đêm Thánh Lễ lúc giờ tý thì đèn gắn chung quanh Đền Thánh sáng như ban ngày, nhứt là trước bản vàng ai nấy đều thấy tên mình đều thỏa mãn nguyện vọng.

Nhưng có một việc làm cho mọi người đều bất mãn, họ nói Hội Thánh bất công bình, tại sao tên chót có 2 tên cúng có 2 đồng bạc, bên nam một vị, bên nữ một vị. Sự bất đồng lại sôi nổi làm cho Hội Thánh phải đình cuộc lễ để sai người leo lên đục lấy 2 tên đó ra. Lạ một điều cả bao nhiêu người leo lên đục hết sức mà chữ vàng ấy không sờn, đến cuối cùng soát lại trong sổ người cúng tiền cũng không có 2 tên đó.

Sau khi truy ra thì 2 tên đó không phải là người đồng Đạo, 1 tên là người mù hành khất nuôi thân, còn bên nữ thì một tên giữ lừa, cắt cỏ mướn để lo gia đình (lâu quá nên quên tên 2 vị ấy). Bắt đầu hỏi thì người ăn mày trả lời: “Việc đó tôi không biết, tôi ăn xin bữa đói bữa no, ngày tôi nghe cất chùa thờ Chí Tôn mới nghĩ rằng, người ta tiền nhiều cúng chùa mới ghi tên, còn phận mình ăn xin mấy ngày mới được đồng bạc mà cúng chùa thì thẹn nên lén bỏ vào tủ 1 đồng bạc, ý định không ghi tên vì số tiền tiểu mọn rồi đi ra”.

Còn cô nữ thì trả lời: “ Thân tôi cắt cỏ mướn, mỗi ngày phải có bao nhiêu bó cỏ chủ mới trả tiền, bằng thiếu thì bị truất, nên tôi cố làm cho quá giờ, được dư bó nào thì đi ngang qua Đền Thánh thấy lừa kéo vật liệu đói nên thảy cho một bó cỏ”.

Sau khi nghe rõ, ai ai cũng đều cảm động và nhìn nhận là xứng đáng, đó là quyền Thiêng Liêng định thật công bình, lành dữ không sai mãi nào.

Hội Thánh mời chủ cúng tiền nhiều hỏi ý kiến thì họ trả lời: “Chúng tôi đồng ý cho 2 vị ấy đứng trên hết, mặc dù số tiền mọn mà tâm đức lớn, chúng tôi có cúng số tiền cả ngàn đi nữa chúng tôi cũng còn dư ở gia đình, còn xét lại người tàn tật ăn xin cả mấy ngày mới được một đồng mà họ dám nhịn đói cúng chùa thì người đó tâm đức hơn chúng tôi”.

Trong lúc tái thiết cuộc lễ thì Hội Thánh trình bài thiếu số nợ trên một trăm ngàn đồng, thì cả thiện nam, tín nữ thấy huyền diệu nên họ giúp vào Hội Thánh trả đủ số nợ.

Đó là một quyền năng Thiêng Liêng làm cho cả nhơn sanh thấy lẻ công bình của tạo hóa, tên ăn xin được đứng trên hết là huyền diệu Chí Tôn định lộ ra 2 danh sách bằng chữ vàng, thiệt không phải người phàm gắn được.

Vậy mấy em thấy rõ sự công bình vô đối của Chí Tôn, nên việc của mấy em làm đừng sợ sai sót, không có việc chi mà người phàm làm Thiêng Liêng không biết.

Vậy Qua xin mời cả thảy nhập tiệc.

Tốc ký viên : Thừa Sử Hiệp Thiên Đài Phan Hữu Phước

  

Tòa Thánh ngày 29-10-Tân Dậu (1981)

 

Quang Minh

 

MỤC LỤC:
1.NỀN ĐẠO LỚN NHẤT THẾ GIỚI “ĐẠO Ờ HÉ”
2.VÔ TÂM SÁT MẠNG, CÓ TỘI KHÔNG ?
3.ĐỒ ĐỆ THỨ MƯỜI TÁM
4.NHƠN ĐẠO VÀ THIÊN ĐẠO
5.TRÒ HƠN THẦY
6.TẠI SAO ĐẠO CAO ĐÀI MẶC ĐỒ TRẮNG
7.TẬN ĐỌA TAM ĐỒ LÀ SAO ?
8.HƯ VÔ LÀ GÌ ?
9.CẨN NGÔN, CẨN HẠNH
10.CON MANG VÀO TÒA NỘI CHÁNH
11.CAO ĐÀI SƠ GIẢI
12.LỄ THẢ KHÁCH PHẠM (Việt Minh)
13.QUÂN ĐỘI CAO ĐÀI CÓ BỊ TRÍCH ĐIỂM KHÔNG ?
14.THANH BẦN LẠC ĐẠO
15.BÃI BỂ BAN MAI
16.ĐỒ VƯƠNG LÀ TƯ DỤC

 

17.NÊN ĐỂ, HƯ BỎ
18.KHỔNG LÃO GẶP NHAU
19.LỜI TRỐI CỦA KẺ PHI PHÀM
20.APOTHÉOSE (Hiển Thánh)
21.DUYÊN AI NẤY GẶP
22.VẤN ĐẠO ĐỨC HỘ PHÁP
23.TIÊN TRI NGÀY GẦN THÀNH ĐẠO
24.NGÀY SÓC-NGÀY VỌNG
25.NẰM MỘNG ĐƯỢC THI TIÊN
26.LẤY ẾM Ở KHỔ HIỀN TRANG
27.GIẢI TỬU
28.THỜI GIAN-THEO BÀI THUYẾT ĐẠO CỦA ĐỨC HỘ PHÁP
29.LONG TU PHIẾN
30.PHẤT CHỦ
31.PHẬN SỰ CỦA HIỆP THIÊN ĐÀI
32.ÔNG PHƯỚC TƯỜNG THUẬT TIỆC ĐÃI BAN NHÀ THUYỀN CỦA ĐỨC HỘ PHÁP TẠI BÁO ÂN TỪ- ngày 12-6-Qúi Tỵ (1953)

 

 

Top of Page

      HOME